1.
Một buổi trưa tháng Chạp, một mình lòng vòng trong khu China Town, chợt nhớ con đường nhỏ trong khu Chợ Lớn, Sài Gòn thuở xa lăng lắc... Mắt bỗng chạm cửa những căn nhà nhỏ, cũ kỹ, song lại sáng bừng bởi những tấm liễn đỏ rực, với những hàng chữ nhũ vàng, sắc nét. Đó là những câu đối, câu liễn trong những ngày giáp Tết âm lịch? Lòng bỗng nao nao một nỗi niềm khó tả.
Buổi tối vào khu chợ Việt quen thuộc, lại nhìn thấy bày bán la liệt, những hình ảnh cá chép, Táo Quân, cùng những phong bao, phong bì màu đỏ, dùng để lì xì, mừng tuổi. Thuận tay, chọn một mua một xấp phong bì, nghe thơm mùi giấy mới của những năm tháng tuổi ấu thơ ở quê nhà. Mùi thơm có lẽ còn lẫn khuất đâu đây, mang cả vào giấc mơ của người xa xứ, trong những ngày Xuân, ngày Tết cận kề?
2.
Mới sáng sớm ngày đầu năm mới, lũ nhóc chúng tôi thuở ấy, đã thức dậy sớm, sau khi đánh răng, rửa mặt, đã diện ngay bộ đồ mới cứng còn thơm mùi vải, mùi hồ mà ba mẹ đã mua cho trước đó, ngoan ngoãn, tề tựu ở phòng khách, để chờ mừng tuổi ông bà, cha mẹ và các anh chị, đồng thời... “cá” xem năm nay sẽ được “lì xì” như thế nào, và được bao nhiêu tiền.
Lì xì theo Wikipedia, là tập tục của các nước vùng Châu Á, xuất xứ từ Trung Quốc, do người lớn “mừng tuổi” cho trẻ con trong những dịp Tết Nguyên Đán. Lì xì còn gọi là “Hồng bao”. Còn theo tác giả Hạo Nhiên và Nghiêm Toản, “lì xì” có nguồn gốc từ tiếng Trung Hoa, có ý nghĩa là “Lợi thì”, tức là “Số lời thu được do mua bán mà ra” hay “sự tốt lành, có lợi” hoặc “vận tốt vận may”, chỉ sự được lợi, được tiền, là điều may mắn, mang lại cái hên cho người được lì xì.
“Lợi thì” phiên âm theo tiếng Quảng Đông là “lì shì” đã biến thành phương ngữ của người Việt là “lì xì”, và do có xuất xứ từ “Hồng bao” nên phong bì đựng tiền lì xì phải là phong bì màu đỏ, trên phong bì đỏ có thể có những chữ chúc phúc, may mắn bằng nhũ vàng, hoặc các hình ảnh vui tươi hay hình những đồng xu cổ màu vàng, theo người Trung Hoa xưa, phong bì màu đỏ chỉ sự vui tười, may mắn, và kỵ những phong bì màu khác, nhất là không sử dụng phong bì màu trắng, và tiền lì xì là tiền người lớn cho trẻ em, sau này mở rộng ra tiền lì xì cho người bưng tráp trong đám cưới, tiền mừng thọ cho người lớn tuổi và cả tiền lì xì cho khách trong tiệc mừng khai trương, tân gia, lên chức, mừng thọ... Và lì xì đã biến thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong những ngày Tết, ngày lễ khánh thành, tân gia, mừng thọ của cư dân vùng Đông Nam Á như Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, v.v... Có nơi còn có thêm những qui định, như tiền mừng, không được mang con số “4” như 40, 400, 4000... vì 4 đọc là “tứ’ gần giống với chữ “tử” mang ý nghĩa xấu, hay không lì xì tiền cũ, vì sợ mang đến sự xui xẻo, tiền lì xì phải là những đồng xu, hay tiền giấy còn mới tinh, chưa xài, mới mang đến vận hên, may mắn suốt năm.
Tuổi thơ thuở ấy, với những đồng xu, đồng hào còn “mới keng”, bóng loáng ánh bạc của “kim ngân” hay thơm mùi giấy mới của những đồng tiền giấy vừa mới lấy ra từ “két nhà băng”, là sự vui mừng, sung sướng của trẻ con. Những đồng tiền mới lì xì ấy, được... mau chóng mang ra mua pháo đốt, hay đặt trong những sòng “bầu, cua, cá, cọp”, hoặc “lô-tô” hay đem bỏ ống heo, cất giữ, đến mãi tận năm sau, đem ra lì xì lại cho em út, với những kỷ niệm thân thương khó phai nhạt...
3.
Ước mơ được lì xì, dường như luôn có sẵn trong mỗi con người từ lúc ấu thơ, trưởng thành và cả những lúc xế chiều? Thuở nhỏ mong mau đến Tết để được người lớn lì xì. Trưởng thành mong được tiền lì xì trong... đám cưới của chính mình, từ bạn bè, người thân, hay tiền “lợi thì” trong ăn mừng tân gia, khánh thành cơ sở kinh doanh, mua bán. Khi lớn tuổi thì mong họ hàng, con cháu, “mừng thọ” mình bằng những “hồng bao” đỏ thắm...
Bất giác, nhìn lại xấp phong bì mình mới mua. Tôi chợt nghĩ, ngày mai phải ra ngân hàng đổi một ít tiền mới để Tết này, tôi sẽ lì xì cho con cháu, em út, bạn bè của mình, như một tiếp nối của mùa xuân, cho những giấc mơ... may mắn, sung túc suốt một năm của mỗi một năm mới tuổi đời.
Trần Hoàng Vy