Tuy không có lời kêu gọi biểu tình chống Trung Quốc trên mạng cuối tuần này, thế nhưng từ thứ Sáu ngày 27 thì công an Hà Nội đã đến tận nơi ở của những người hay đi biểu tình để ngăn cản họ.
Photo courtesy of Aquilaria Vy Tong's facebook. Công an đứng ở công viên 30/4 tại Sài Gòn sáng 29/04/2012 để ngăn chận biểu tình chống Trung Quốc.Thanh Trúc hỏi chuyện một vài người bị công an đến nhà làm việc từ hôm thứ Sáu.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A là người thường tham gia biểu tình chống Trung Quốc và tuần trước ông cũng đã có mặt tại cuộc biểu tình với khoảng hai trăm người trước vườn hoa cạnh đại sứ quán Trung Quốc:
“Tuần này trên mạng không thấy nói gì có biểu tình cả. Thì ngày thứ Sáu người ta hai lần, một lần buổi chiều bốn người danh nghĩa là đến thăm ông bố vợ tôi nhưng lại muốn gặp tôi. Lúc đấy tôi đang ở bên ngoài.
Công an đứng ở công viên 30/4 tại Sài Gòn sáng 29/04/2012 để ngăn chận biểu tình chống Trung Quốc.
Đến năm giờ chiều họ quay trở lại, lần này đến hơn một chục người, chủ tịch phường, Mặt Trận, dân phố, đủ loại người. Công việc của tôi xong thì tôi về đến nhà lúc ấy độ chín giờ tối rồi thì họ vẫn ở đấy. Tôi về thì họ nói rằng nhân ngày Thương Binh Liệt Sĩ thì họ muốn trao đổi với tôi.
Tôi bảo tôi sẵn sàng trao đổi tất cả mọi thứ, nhưng có một điều như năm ngoái, cũng với một đoàn lớn như thế này thì nếu nói đến chuyện đi biểu tình thì đừng bao giờ đặt vấn đề đấy. Các bác không được quyền khuyên tôi hay là tuyên truyền về chuyện đó vì tôi đã trình bày với ông bí thư thành ủy Hà Nội, ông chủ tịch Hà Nội, ông công an trưởng của Hà Nội cách đây một năm rồi.
Rồi họ cứ nói chuyện chung chung thôi, nhưng lúc nào họ ám chỉ đến chuyện biểu tình thì tôi chặn lại. Về sau thì ông chủ tịch phường có mời tôi là đến hôm nay ra phường để trao đổi. Đấy là tối thứ Sáu, họ ngồi mãi đến 10 giờ thì họ cũng chán và họ đi về.”
Người dân tiếp tục xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 22-07-2012. AFP PHOTO.Khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết tiếp ông trả lời chủ tịch phường là ông không nhận lời mời đó, đồng thời ký vào giấy mời mà chủ tịch phường đưa là ông sẽ không ra.
Đến sáng hôm nay, Chúa Nhật 29 tháng Bảy, công an kéo đến canh gác ngay đầu ngõ nhà tiến sĩ Nguyễn Quang A:
“Hôm nay mãi đến gần 9 giờ thì người nhà bảo có rất nhiều người đang canh ở ngoài kia. Tôi cũng đi ra xem thế nào và tôi cũng có nhắn trên mạng với anh em là có cái chuyện như thế.
Tôi ra đầu xóm khoảng một trăm mét thì đúng là có một chục người mặc thường phục mà thực sự tôi biết mặt vài cậu đã đến nhà tôi năm ngoái. Tôi quay trở lại thì họ cũng quay trở lại, sau họ lại gọi thêm cả bảo vệ, dân phố với những người khác ra nữa. Tôi bảo với họ rằng như vậy là xếp của các cậu không chịu khó tìm hiểu thông tin, hôm nay không ai đi biểu tình cả, như vậy làm gì phải khổ sở ngày Chủ Nhật mất công như thế này.”
Đó là trường hợp tiến sĩ Nguyễn Quang A là người có nơi cư trú cố định ở Hà Nội. Trường hợp nhà báo tự do Dương Thị Xuân thì khác. Chị báo cho biết:
“Họ cũng đi kiếm tôi đấy, nói chung họ tìm tôi rất nhiều. Đợt vừa rồi tôi tham gia biểu tình liên tục nhưng bởi vì do nhà ở của tôi bị chính quyền cản trở không cho dựng nhà nên tôi phải đi ở nhờ. Tôi cứ ở nhờ đến đâu thì an ninh họ đến họ gây khó dễ chủ nhà nên chủ nhà cũng không cho tôi ở. Nay tôi ở nhà này, vài hôm lại đi ở nhà khác.
Tôi cũng nghe nhiều người gọi điện, thí dụ chồng tôi, anh ấy ở một nơi khác, gọi điện cho tôi bảo an ninh hỏi tôi có đến đấy ở không, nếu đến phải ra trình báo cho họ. Nhưng mà vì tôi không có chỗ ở cố định nên họ không thể nào cản trở được tôi.”
Vẫn theo lời nhà báo tự do Dương Thị Xuân thì sáng nay Hà Nội mưa to gió lớn do ảnh hưởng của bão, hơn nữa từ tuần trước bà con đồng ý với nhau là cuối tuần này không biểu tình để bảo vệ sức khỏe cho mọi người tham dự.
Người thứ ba thường xuyên có mặt cùng đoàn biểu tình chống Trung Quốc, được gọi là nghệ sĩ đường phố, cựu chiến binh Tạ Trí Hải, hôm thứ Sáu cũng bị công an đến chỗ ông tạm trú, tạo áp lực với chủ nhà, bảo phải nói với ông không được đi biểu tình nữa:
“Chủ nhà gọi điện cho tôi nói là không đi biểu tình nữa, công an có đến nói nhiều chuyện lắm. Cái thứ hai nữa tức là sáng hôm nay công an họ đến kiểm tra hộ khẩu giấy tờ, bắt kê khai lý lịch đủ thứ đến mười giờ . Họ khuyên tôi là đủ rồi, đừng nên đi nữa, khuyên là bác đã đi biểu tình mấy lần rồi, thôi đi, tuổi già sức yếu rồi, đi làm gì nữa. Đại để thế. Tôi mới cười, tôi bảo bao giờ đòi lại Hoàng Sa Trường Sa thì thôi.”
Mãi đến hơn 10 giờ thì công an mới ra về, ông Tạ Trí Hải đã xách xe chạy ra đại sứ quán Trung Quốc và người dân ở đó cho biết hôm nay không có đoàn biểu tình chống Trung Quốc tập họp ở đó.
Source: RFA