Ngày 19 tháng 1 Dương Lịch là ngày người Việt Quốc Gia dùng làm Ngày Tưởng Niệm Trận Hải Chiến Hoàng Sa. Little Saigon, thủ đô tinh thần của người Việt hải ngoại, cử hành lễ tưởng niệm 74 tử sĩ Hoàng Sa. Quân dân, đoàn thể, cộng đồng Việt Nam Cộng Hòa vào ngày tháng này thành kính tưởng nhớ, tri ân quan nhân VNCH tử chiến với Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa. Có nơi “biểu tình ngày Hoàng Sa, để nêu cao tinh thần Hoàng Sa, lên án những tội ác và hành động hống hách của Trung Cộng ở Biển Đông, đồng thời hỗ trợ cho tinh thần đồng bào trong nước chống Trung Cộng xâm lấn Biển Đông. Bên Âu Châu nhiều trí thức, lãnh tụ chánh trị, lãnh đạo tôn giáo chuyển ký kiến nghị gởi Liên Hiệp Quốc chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và phản đối Trung Cộng lấn chiếm.
Nhớ xưa, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thể hiện tinh thần người Việt Quốc gia, không để một tấc đất của tổ tiên mất vào tay giặc, đã tử chiến với quân Tàu Cộng tại quần đảo Hoàng Sa. Tử chiến để tròn trách nhiệm với tiền nhân và đàn hậu tấn trong nhiệm vụ đem xương trắng máu đào ra bảo vệ giang sơn gấm vóc Việt Nam. Tử chiến để có bằng cớ lịch sử, pháp lý quốc tế rằng Trung Cộng đã cưỡng chiếm lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam để chánh quyền trong tương lai có chứng lý đòi hỏi lại.
Nhớ nhiều năm qua, mỗi lần đến gần ngày kỷ niệm các đài phát thanh quốc tế có chương trình tiếng Việt như RFI của Pháp và RFA của Mỹ và báo chí, truyền thông của người Việt hải ngoại đều có nhắc lại trang sử bi hùng của quân lực Việt Nam Cộng Hòa tử chiến ở Hoàng Sa năm 1974 và quân đội Việt Nam Cộng Sản năm 1988. Tiêu biểu như RFI có bài “Hải chiến Hoàng Sa 1974 trong ký ức một người lính biển” và Đài RFA với phóng sự “Ngày tưởng niệm trận hải chiến Việt Nam -Trung Quốc năm 1974.”
Biết bao ngậm ngùi, cảm động, phải cắn răng để cầm nước mắt. Phảng phất đâu đây bao nỗi nhớ thương anh linh tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa vì dân chiến đấu vì nước hy sinh. Vang vọng đây đó bao lời của hồn thiêng sông núi, đất nước ông bà Việt Nam kêu gọi người dân Việt đứng lên đáp lời sông núi trước nguy cơ mất nước vào tay Tàu Cộng.
Thực vậy. Phải gọi trận hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa của Hải Quân Việt Nam hai miền là cuộc tử chiến của một số quân nhân để Hoàng sa, Trường sa sống mãi trong lòng dân Việt và lịch sử Việt Nam. Không thể, không bao giờ, không ai có thể tách rời vùng đất vùng biển, vùng trời, là xương, máu, thịt da của người Việt ra khỏi quốc gia dân tộc Việt được. Nếu Trung Cộng thừa cơ Việt Nam ở thế kẹt lấn chiếm, đó chỉ là tạm chiếm. Thế hệ cha chưa lấy lại được, thì có con, có cháu, nhứt định, lấy lại được, dù có núi xương, biển máu cũng làm.
Lúc Trung Cộng xâm chiến Hoàng Sa là thời điểm sanh tử của Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam. Đồng minh Mỹ bắt tay với Trung Cộng phản bội Việt Nam Cộng Hòa. Hạm Đội 7 của Mỹ gần một bên chỉ báo tin Trung Cộng xuất quân từ đảo Hải Nam tiến chiếm hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng Hòa có yêu cầu mà Mỹ không giúp. Vô nhân đạo và trái luật quốc tế nhứt, là Hạm Đội 7 của Mỹ không cứu vớt người Việt trôi dạt xin cứu cấp trên biển - một việc làm bó buộc của Luật Biển. Nên Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một nhà sưu khảo về biển đảo Việt Nam, hiện ở Saigon năm 2014 còn nói không thể dựa vào ngoại bang để cứu Hoàng sa.
Theo hồi ký “Can Trường Trong Chiến Bại” của Phó Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh vùng I duyên hải thì đích thân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bay ra bộ chỉ huy hành quân, ra lịnh bằng giấy trắng mực đen, “bằng mọi cách không để một tấc đất của tổ tiên mất vào tay giặc.”
Theo tuyên cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa ngày 19/01/1974, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đưa bốn tàu quân sự. Trong khi Trung Cộng điều 11 chiến hạm có phi cơ chiến đấu và không yểm. Lực lượng Trung Cộng gấp ba lần của Việt Nam Cộng Hòa.
Tho công ước chiến tranh thế giới, Đại Tá Hà Văn Ngạc, chỉ huy hành quân kêu gọi Trung Cộng rời khỏi hải phận Việt Nam. Trung Cộng khiêu khích tối đa, quay mũi tàu đâm vào chiến đỉnh Việt Nam, đổ quân lên các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa và Duy Mộng, áp sát vào đội hình của phía Việt Nam. Vị chỉ huy Việt Nam quyết định tiên hạ thủ vi cường, bắn vào đài chỉ huy của soái hạm Trung Cộng. Trong trận chiến bất cân xứng về tương quan lực lượng, coi như tử chiến của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa này, hai bên đều tổn thất nặng. Hộ tống hạm Nhật Tảo của Việt Nam Cộng Hòa bị chìm, hạm trưởng là Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà tử trận, chết theo tàu. Tổng cộng theo Hạm Trưởng Vũ Hữu San chỉ huy Khu Trục Hạm Trần Khánh Giư HQ4 trực tiếp tham chiến trong trận đánh, có 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa, gồm thủy thủ và lực lượng Biệt hải hy sinh; xương máu hoà vào lòng đất mẹ ở vùng đảo và biển Hoàng sa, Trường sa. Một số được lịnh rời tàu, trôi dạt nhiều ngày trên biển. Đệ Thất Hạm không cứu. Nhưng tàu nước khác cứu. Như trường họp Hải Quân Vương Văn Hà được tàu Hòa Lan cứu, trả lời phỏng vấn của RFI.
Thời đó mà Việt Nam Cộng Hòa đã thấy và tố cáo hành động xâm lăng của Trung Cộng. Bộ Ngoại Giao VNCH tuyên cáo so sánh hành động Trung Cộng xâm phạm hải đảo của Việt Nam vụ thôn tín Tây Tạng, tấn công Ấn Độ và xâm chiếm Triều Tiên đe dọa hòa bình Đông Nam Á và thế giới.
Phải công tâm mà nói không phải chỉ có Hải Quân VNCH tử chiến với Trung Cộng để bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày 14/03/1988, Hải Quân của Việt Nam Cộng Sản cũng đánh với Hải Quân Trung Cộng khi Trung Cộng chiếm Trường Sa. Theo tin của báo Nhân Dân ngày 28/03/1988 của CS Hà nội, được RFI trích dẫn, có 74 quân nhân của Việt Nam Cộng Sản chết, không nói con số bị thương.
Nhưng vì Đảng Cộng Sản Việt Nam sợ Trung Cộng nên cấm báo chí trong nước khai thác trận chiến này, thậm chí sinh viên, trí thức hay người Việt yêu nước nào nói đụng đến Hoàng sa, Trường Sa mà gần đây Trung Cộng lấy lập thành Huyện Tam Sa của Trung Cộng, là CS Hà nội trấn áp không nương tay, như Điếu Cày bị bắt và bỏ tù.
Máu xương, nước mắt Hoàng Sa, Trường Sa đã đổ nơi người quân nhân Việt Nam ở của hai miền hai chế độ khác nhau, trong sứ mạng chung có tính thiêng liêng của quân đội là phục vụ quốc gia dân tộc, bảo quốc an dân vào năm 1974 và 1988. Hải Quân VNCH ở Miền Nam với 74 người tử trận, rồi Hải Quân VNCS cũng với 74 người tử trận.
Máu, nước mắt và thêm mồ hôi Hoàng Sa, Trường Sa còn đổ nơi người dân Việt sống bằng nghề biển ngay trên biển đảo, ngư trường của đất nước ông bà Việt Nam để lại. Trung Cộng đã liên tục bắn giết, bắt bớ, đánh đập, cướp lấy tàu, đòi tiền chuộc đới với ngư dân Việt Nam.
Đau lòng sót dạ lắm khi hồn thiêng sông núi và anh linh tử sĩ của quân dân tử trận bên kia thế giới nhìn lại Hoàng Sa, Trường Sa nay đã bị Trung Cộng lấy lập thành huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Cộng.
Văng vẳng, phảng phất đâu đây hồn Việt, tâm Việt, tinh thần bất khuất của người Việt, và niềm tin của dân tộc Việt nhắc nhở đất nước có lúc thịnh suy nhưng anh hùng hào kiệt đời nào cũng có. Niềm tin đó đã tạo nên lòng kiên nhẫn nằm gai nếm mật vô bờ bến, biến đau thương thành hành động cứu quốc để từng đánh thắng đoàn quân xâm lược khét tiếng Nguyên Mông, đánh đuổi quân Tàu sau ba lần Bắc Thuộc.
Hàng trăm quân nhân ở Miền Nam và Miền Bắc Việt Nam đã đền xong nợ nước. “Kẻ chết đã yên rồi một kiếp” trong lòng đất mẹ ở biển và đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Xin phép mượn lời của Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo, một người Việt khai sáng một nền đạo ngay trong đất Việt để hỏi người Việt ở Bắc, ở Nam, ở Trung và ở hải ngoại, trong đó có những người đang cầm quyền ở nước nhà Việt Nam, rằng “Người sống còn tái tiếp noi gương”- có hay không? Xin lớp trẻ Việt Nam trong ngoài nước dành một phút tự vấn lương tâm.
Vi Anh