Năm Mão 1939, tại làng Hòa Hảo, Huỳnh Giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo viết quyển « Khuyên Người Đời Tu Niệm » trong đó có một đoạn Ngài báo trước tình hình thế giới và cả Việt Nam sẽ bất ổn và kéo dài do Thế chiến bùng nổ để nhắc nhở người ta hãy hồi tâm mà lo tu tập, sớm cải thiện thân tâm. Lời tiên tri của Ngài ứng nghiệm đúng thực tế của giai đoạn đó:
Mèo kêu bá tánh lao-xao,
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉn ghê.
Con ngựa lại đá con dê,
Khắp trong trần-hạ nhiều bề gian-lao.
Khỉ kia cũng bị xáo-xào,
Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng.
Năm Kỷ Mão bắt đầu Thế chiến II và kéo dài qua các năm kế tiếp Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi và Thân, nhận chìm các nước trong khói lửa ác liệt cho tới năm Ất Dậu 1945 mới kết thúc sau 2 trái bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Nagasaki và Hiroshima. Nhật đầu hàng và Trục phát-xít tan rã.
Năm nay 2023 cũng lại năm Mèo tuy không phải Kỷ Mão, Âu châu đang bị chiến tranh do Nga xâm lược và viễn ảnh thế chiến lâm vào chiến tranh, thậm chí chiến tranh nguyên tử mà nhiều người cho rằng không phải xa vời. Nếu nay Thế chiến xảy ra thì thực tế chắc không phải « máu đào chỉn ghê » mà trái đất sẽ biến thành bãi hoang vu, không còn sanh vật sanh sống.
Viễn ảnh Thế chiến nguyên tử chắc sẽ không xảy ra vì quá ác nhưng « Khắp trong trần hạ nhiều điều gian lao » và thiên hạ bị nạn « máu đào chỉn ghê » e sẽ khó tránh.
Từ năm Mão 2023
Tuy không phải Kỷ Mão nhưng Mão 23 sẽ bắt đầu một thời kỳ bất ổn lớn cho thế giới. Âu châu đang bị chiến tranh xâm lược của Nga chưa thấy ngày kết thúc mà cường độ ngày càng ác liệt, thường dân khốn khổ hơn hết. Trong lúc đó, thế giới đang từng bước lao vào nạn kinh tế đình đốn, lạm phát, công nợ vượt sự kiểm soát, dân số lao động giảm do lớp già gia tăng, thiên tai, dịch bịnh, việc làm bị máy móc chiếm (Theo Gs kinh tế Nouriel Roubini của Đại học NY, được giới tài chính Wall Street đặt tên Doctor Doom -- sách Mégamenaces).
Một số bất ổn có thể thấy được ngay và sẽ ảnh hưởng quan trọng trong ngắn hạn như lạm phát làm cho vật giá tăng vọt và kinh tế đình đốn. Lãi suất cao dẫn đến khủng hoảng nợ. Có những bất ổn ảnh hưởng về lâu về dài hơn như thay đổi khí hậu gây ra tình trạng thất mùa làm khan hiếm lương thực. Và đồng thời gây ra nhiều phong trào di dân to lớn trên toàn cầu. Thấy lạm phát làm cho đời sống khó khăn nhưng khắc phục lại phức tạp vì hậu quả sẽ khó tránh khỏi kinh tế bị khựng lại. Khi kinh tế đình đốn sẽ dẫn đến nợ, công nợ và cả nợ của xí nghiệp.
Trong nhiều năm, chính phủ một số nước cho rằng công nợ không phải là vấn đề vì người ta có thể quản lý được. Năm 1970, mức công nợ chấp nhận được là 100% trên PIB, tăng dần lên 220% năm 1989, tới 350% năm 2001, và được thế tăng liên tục. Theo FMI (Quỹ tiền tệ thế giới) thế giới có hơn 60% quốc gia lợi tức thấp bị rơi vào tình trạng suy sụp vì ảnh hưởng công nợ. Nhiều nước đã bị phá sản như Liban, Sri Lanka hoặc Ghana. Còn Argentine và Turquie thì tứ bề khó khăn.
Còn nợ tư nhơn? Ngày nay dân Mỹ có tới phân nửa đang sống tính từng tháng vì không thể để tiết kiệm được nữa. Vậy họ làm sao thoát được tình trạng bi đát này nếu thất nghiệp gia tăng, lạm phát tiếp tục gặm nhắm vào thu nhập của họ?
Về địa chánh
Ngoài ra tưởng cũng nên nhìn tới những rủi ro của tình hình địa chính. Ở Âu châu, chiến tranh Nga xâm lược Ukraine sẽ dẫn tới xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO? Ở bên vùng Cận-Đông, xung đột muôn đời giữa Do Thái và Iran nay đang trên đà leo thang. Sau cùng, xung đột giữa Mỹ và Tàu
có tránh dẫn tới chiến tranh giữa hai nước ở Thái Bình Dương hay không khi tướng chỉ huy Hải quân Mỹ tuyên bố « Hãy chuẩn bị đối phó với sự xâm chiếm Đài loan của Trung cộng từ đây tới năm 2024? »
Vì vậy mà những nhà phân tích tình hình thế giới như Ts Henry Kissinger hay sử gia Niall Ferguson tự hỏi phải chăng thế chiến thứ ba đã bắt đầu?
Thường có nhiều chuyện lớn xảy ra mà người ta không thấy được. Nếu Nga dùng nguyên tử chiến thuật ngăn chận quân Ukraine tiến chiếm các vùng Donbass thì Hoa Kỳ và NATO sẽ phản ứng không và như thế nào? Hoặc Hoa Kỳ ngăn cấm Tàu dùng bằng sáng chế trong khu vực bán dẫn. Quyết định này không khác gì một thứ tuyên chiến kỹ thuật vì những chất bán dẫn là tối cần cho máy móc dân dụng và quân sự. Những hậu quả của chuyện này sẽ như thế nào? Khó nói và cũng khó tránh.
Tàu và Nga bắt tay nhau ngăn chận ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Âu châu nhưng chiến tranh Nga và Ukraine đã làm cho hai nước này phải suy nghĩ lại vì giấc mơ thay đổi trật tự thế giới theo hướng độc tài và kinh tế tư bản toàn trị nay đã thành mây khói. Tàu và Nga cam kết nhau « môi hở răng lạnh » tại hội nghị ở Ouzbékistan, hồi tháng 9/2022, ký kết Tổ chức hợp tác Thượng hải (OCS) bao gồm thêm các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Ouzbékistan, Pakistan, Inde. Nay Iran gia nhập. Iran đã từng giúp Nga máy bay không người lái để đánh Ukraine. Khi tham gia Tổ chức này, Poutine tỏ ra phấn khởi, tuyên bố từ nay anh ta sẽ gần gũi Á châu hơn. Giữa Tàu, Nga và Iran, khi cùng đứng chung trong Tổ chức Thượng Hải, cả ba tạm thời để qua một bên những khác biệt về văn hóa và tôn giáo và những tranh chấp của tổ tiên trước kia, mà chỉ tập trung vào một mục tiêu là chống Tây phương, tức Âu châu và Hoa Kỳ. Đừng quên Turquie của Erdogan tuy đang là thành viên của NATO nhưng sẽ sẵn sàng nhảy theo Tổ chức Thượng Hải của các nước độc tài để nhờ đó được bảo vệ giữ ghế Tổng thống bền vững.
Về mặt xã hội, những mạng lưới đem lại những thông tin sai lạc nhằm xuyên tạc, phá hoại hơn là thông tin tử tế, chính xác. Như Tàu và Nga dùng thông tin nhằm chia rẽ Âu châu cho có lợi. Ở Hoa Kỳ, hệ thống thông tin giả vô cùng trầm trọng. Nhiều người đã lên tiếng tố cáo những mạng lưới này hòng tránh nội chiến. Nhiều nơi tổ chức những nhóm dân sự võ trang đi lùng kiếm nguồn gốc của những mạng lưới này. Một tình trạng xã hội căng thẳng và nguy hiểm.
Nhớ lại thời kỳ chiến tranh lạnh tuy không phải là thiên đường nhưng lại không có những rủi ro nguy hiểm như hiện nay. Âu châu nằm ở lằn ranh Đông-Tây mà vẫn có đời sống an lành trong suốt hơn nửa thế kỷ.
Hôm nay thế giới vô cùng bất ổn.
Là lúc mọi người nên phản tỉnh. Không phải để chờ « Canh khuya gà gáy máu đào mới ngưng »!
Nguyễn thị Cỏ May