Một giáo viên dẫn các em học sinh qua phố ở Hà Nội (minh hoạ). AFP
“Chỉ mong đội ngũ nhà giáo có sức khỏe tốt, niềm tin, tiếp tục gánh vác nhiệm vụ đổi mới, tiếp tục đổi mới bản thân, phương pháp, cách thức, phát huy sáng tạo của mình, để có năm học mới hoàn thành tốt trách nhiệm, một năm hạnh phúc với nghề nghiệp, với học trò.”
Đó là một trong ba mong muốn của Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Kim Sơn gửi tới giáo viên, phụ huynh và xã hội được đăng trên trang web của Bộ Giáo Dục và Đào tạo hôm 22 tháng 1 năm 2023, nhằm mùng Một Tết Quý Mão.
Mong ước và thực tế!
Năm 2022 vừa qua, lãnh đạo ngành giáo dục ắt phải “giật mình” khi con số giáo viên bỏ nghề lên đến hàng chục ngàn người. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lý giải xem ra có phần “miễn cưỡng” với truyền thông nhà nước rằng lý do chủ yếu là vì lương thấp. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số giáo viên mà RFA có dịp tiếp xúc, họ cho rằng lý do chính không hẳn do đồng lương.
Nhưng vấn đề ở đây là áp lực của ngành nghề, áp lực của xã hội… nó đẩy người giáo viên vào vòng luẩn quẩn mà không giải quyết được, vấn đề nghề nghiệp không phát huy được, chuyên môn bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền, bị chi phối bởi những vấn đề quy định từ trên Bộ Giáo dục. - Ông Đinh Kim PhúcÔng Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên trường Đại học Cần Thơ, nguyên giảng viên trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
“Hiện nay số lượng giáo viên bỏ việc rất nhiều, tôi nghĩ nó không phải do đồng lương. Vì suy ra cho cùng, cộng tất cả các khoản tiền chính thức và không chính thức thì cũng có thể tạm chấp nhận được trong hoàn cảnh khó khăn. Nhưng vấn đề ở đây là áp lực của ngành nghề, áp lực của xã hội… nó đẩy người giáo viên vào vòng luẩn quẩn mà không giải quyết được, vấn đề nghề nghiệp không phát huy được, chuyên môn bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền, bị chi phối bởi những vấn đề quy định từ trên Bộ Giáo dục.”
Một giáo viên khác ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, nói với RFA cũng về vấn đề trên:
“Có rất nhiều thứ, thứ nhất về chương trình ngày càng quá nặng, không tạo cho giáo viên sự thoải mái để họ cống hiến hết sức mình. Họ bị gò bó, rồi đưa ra những thi đua này nọ buộc họ phải làm, vắt kiệt sức giáo viên. Nói chung là có rất nhiều chuyện dẫn đến sự bất mãn của giáo viên.”
Loại bỏ quyền lực ngầm!
Một giáo viên trường Marie Curie ở Hà Nội. AFP
Ngoài hai lý do mà hai nhà giáo vừa nêu ra, một số giáo viên khác còn chia sẻ, nếu lãnh đạo ngành muốn giáo viên hạnh phúc với nghề thì ngoài đồng lương đủ sống, giáo viên cần một hiệu trưởng không lạm quyền. Trên thực tế, qua nhiều câu chuyện về “quyền lực” của hiệu trưởng mà chúng tôi ghi nhận được, có thể thấy, cho đến nay, không một tiếng nói nào có thể đối trọng với “uy quyền” của hiệu trưởng.
Phân tích về sự lạm quyền của hiệu trưởng, nhà giáo Đỗ Việt Khoa cho rằng, do tình hình chính trị xã hội, do thể chế trao quá nhiều quyền cho hiệu trưởng nên họ kiêm nhiệm vừa hiệu trưởng vừa là bí thư chi bộ.
Với hai quyền tối thượng đó, họ (các hiệu trưởng-PV) có được quyền quyết định tăng lương, quyền sa thải nhân viên. Trong khi đó, lại là họ –những hiệu trường đầy quyền năng ấy lại không phải do giáo viên bầu lên. Họ - là công cụ của đảng và họ lạm quyền là có thật. Qua đó, nhà giáo Đỗ Việt Khoa nêu mong muốn của mình gởi đến bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn:
“Cái mong muốn lớn nhất của chúng tôi đối với ông bộ trưởng, đối với chính quyền, là hãy cải cách. Phải cắt bớt cái quyền lực sinh sát của các hiệu trưởng, giảm bớt quyền lực. Không để họ là những kẻ ăn trên ngồi trốc để họ phải hiểu rằng chức vụ, công việc của họ là để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, phục vụ ngành giáo dục. Nhiệm vụ của họ không phải là ‘đè đầu cưỡi cổ’ giáo viên, vẽ ra những việc hết sức tai quái đối với giáo viên, đối với nhà trường.”
Từ ý kiến của nhà giáo Đỗ Việt Khoa, nhiều câu chuyện đã diễn ra trên thực tế từ nhiều năm qua, trở nên rất liên quan. Đó là câu chuyện diễn ra vào tháng 11 năm 2021, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Vĩnh Lộc ở TP.HCM, bà Nguyễn Thị Nha Trang, bị giáo viên tố cáo có nhiều hành vi sai phạm trong công tác quản lý nhà trường.
Cụ thể, bà Trang đã tự ý đưa vào tiêu chí đánh giá để trừ điểm nếu giáo viên không “thả tim” trên nhóm Zalo của trường mỗi khi nhà trường đăng thông báo. Các giáo viên cho rằng, tiêu chí vô lý này không thông qua Hội đồng sư phạm trường và trong bảng tiêu chí đánh giá cũng không có mục nào quy định.
Trở lại với mong muốn của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, một người nhận mình là giáo viên, đã đưa ra hàng loạt đề nghị trong comment của mình trên trang web của Bộ Giáo dục và Đào tạo (xin trích đăng):
“Có rất nhiều việc mà giáo viên mong mỏi Bộ trưởng giáo dục đào tạo làm đó là: Nâng cao cải thiện đời sống cho đội ngũ giáo viên, giảm bớt áp lực trong quá trình giảng dạy, đừng chạy theo thành tích, nói không với tiêu cực, nâng cao chất lượng dạy và học ổn định giá sách. Đừng thay đổi sách giáo khoa liên tục. Cố gắng nâng cao vai trò vị trí của đội ngũ giáo viên. Đó là tâm tư của chúng tôi gửi đến Bộ trưởng. Hy vọng trước thềm năm mới sẽ có nhiều chính sách mới tốt cho giáo viên.”
Cái mong muốn lớn nhất của chúng tôi đối với ông bộ trưởng, đối với chính quyền, là hãy cải cách. Phải cắt bớt cái quyền lực sinh sát của các hiệu trưởng, giảm bớt quyền lực. Không để họ là những kẻ ăn trên ngồi trốc để họ phải hiểu rằng chức vụ, công việc của họ là để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, phục vụ ngành giáo dục. - nhà giáo Đỗ Việt KhoaVới những đề nghị trên, xem chừng Bộ trưởng giáo dục VN sẽ khá bận rộn trong năm 2023. Vì đơn cử như việc đề xuất tăng lương cho giáo viên trong năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục hiện hành, kiến nghị lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất bảng lương riêng hoặc chế độ phụ cấp cao nhất đối với giáo viên đã không được tán thành.
Riêng về vấn đề “chọn” hiệu trưởng, năm ngoái Hà Nội đã tổ chức thi tuyển để tìm một trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo và 40 hiệu trưởng cho các trường trung học, tiểu học trong thành phố. Đây được coi là một hình thức dân chủ khi lựa chọn người tài cho ngành giáo dục, góp phần cải cách ngành này vì con người là yếu tố quan trọng, nhất là vai trò hiệu trưởng.
Điều đáng xem lại là trước khi Hà Nội công bố thông tin cho thi tuyển gần 40 hiệu trưởng và một trưởng phòng giáo dục (22/3/2022) thì trong ngày 14/3/2022 Sở Giáo dục Hà Nội đã công bố bổ nhiệm, điều động hàng loạt cán bộ và hiệu trưởng.
Một số chuyên gia trong ngành giáo dục từng nói với RFA rằng, nếu Đảng vẫn chi phối giáo dục, quản lý hiệu trưởng thì ngành giáo dục vẫn mãi trì trệ.
Theo RFA