Chuyên gia IT: ChatGPT có khả năng trở thành công cụ dẫn dắt dư luận của nhà cầm quyền
Reuters
ChatGPT hiện đang thu hút cư dân mạng toàn cầu với tính năng trò chuyện và trả lời các câu hỏi của người dùng ở hầu hết mọi lĩnh vực chỉ trong vài giây. Ước tính, chỉ sau hai tháng ra mắt, số người đăng ký tài khoản ChatGPT đã đạt mốc 100 triệu vào tháng một.
ChatGPT, được hiểu là một công cụ văn bản được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Người dùng có thể trò chuyện, tương tác với ChatGPT để hỏi về bất kỳ điều gì, từ khoa học công nghệ cho đến chính trị xã hội... ChatGPT sẽ truy tìm dữ liệu trên internet, cùng với khoảng 300 tỷ từ ngữ có sẵn để trả đáp án.
Thậm chí, ChatGPT còn có thể làm thơ hoặc tạo ra một bài diễn văn với câu từ tự nhiên, ngữ pháp chuẩn chỉnh. Tuy nhiên, chính OpenAI - công ty tạo ra ChatGPT, cảnh báo người dùng rằng không phải tất cả các câu trả lời đều đúng.
Mức độ khả tín đến đâu?
Không đứng ngoài trào lưu này, nhiều người ở Việt Nam đã tìm cách tạo tài khoản để được trải nghiệm ChatGPT, dù ChatGPT chưa hỗ trợ cho tạo tài khoản ở Việt Nam.
Một số chuyên gia về công nghệ thông tin cảnh báo về mức độ khả tín của ChatGPT; và nếu nó không hoàn thiện để đủ thông minh, thì có thể trở thành công cụ tuyên truyền, dẫn dắt, định hướng dư luận từ các Chính phủ độc tài, mà Việt nam là một điển hình.
Ông Hoàng Ngọc Diêu, có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghệ thông tin, sau khi tự trải nghiệm với ChatGPT đã rút ra kết luận rằng khi nhận câu hỏi, ChatGPT sẽ dựa trên các cơ sở dữ diệu đã được thu thập từ internet để cho ra câu trả lời.
Do vậy, các câu hỏi khoa học căn bản thì ChatGPT sẽ trả lời tốt. Tuy nhiên, các câu hỏi yêu cầu các kiến thức chuyên sâu mà không có nhiều thông tin trên mạng internet thì ChatGPT sẽ cho ra đáp án không chính xác.
Với cơ chế hoạt động như vậy, ông Diêu lo ngại ChatGPT sẽ là nguồn phát tán ra các thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng:
“Thông tin trên Internet thì vàng thau lẫn lộn, đủ các loại, đó là một điểm rất nguy hiểm. Nó có thể thu thập các thông tin tin gây hiểu lầm, những thông tin sai hoặc là chưa được kiểm chứng, xác thực.
Cũng có thể là nó thu thập những thông tin từ cái gọi là nguồn chính thống, nhưng những nguồn đó cũng chưa hẳn đã là minh bạch, đủ để có tính chính xác cao.
Ví dụ, nó lấy thông tin từ các nhà nước độc tài, những thông tin công khai từ các nhà nước độc tài thường là đã được son phết, che đậy sự thật, thì chính vì vậy mà nó có thể tạo ra những output (kết quả - PV) bị sai lệch.”
Ngoài ra, ChatGPT rất lúng túng với các câu hỏi về lĩnh vực nhân văn xã hội. Những câu hỏi về lịch sử thì trả lời một cách nước đôi, tránh né. Nó không có câu trả lời rõ ràng cho các vấn chính trị, như thế nào là đúng, là sai - ông Diêu cho biết thêm.
Trở thành công cụ dẫn dắt dư luận?
Sen Hồng - một nhóm Dư luận viên tuyên truyền cho Đảng, nhà nước Việt Nam. Ảnh: Reuters
Ngoài ra, dựa vào các đoạn hội thoại với ChatGPT, ông Hoàng Ngọc Diêu còn nhận thấy rằng với vấn đề mà có nhiều thông tin khác nhau trên không gian mạng, thì những thông tin nào được đề xuất nhiều, tần suất lặp đi lặp lại nhiều lần thì ChatGPT có xu hướng chọn thông tin đó làm câu trả lời cho người dùng.
ChatGPT có khả năng tự học, tự nạp thêm dữ liệu sau mỗi lần chat với người dùng. Ông Diêu cho rằng Chính quyền Hà Nội hoàn toàn có thể huy động nhân lực hùng hậu ngồi chat với ChatGPT. Sau một thời gian, ChatGPT sẽ trả lại các kết quả có lợi cho Nhà nước:
“Nếu như một nhà nước độc tài họ thấy có thể khai thác công cụ chatGPT như là một phương tiện để tuyên truyền thì họ sẽ không ngần ngại để làm chuyện đó.
Họ đã có một ực lượng rất lớn có thể ngồi đó để dạy cho cho con AIbot này để nó trả lời, thì đương nhiên nó sẽ biến thành một công cụ hết sức là quan trọng với họ trong vấn đề tuyên truyền.”
Một chuyên gia ngành công nghệ thông tin, hiện đang ở Việt Nam, yêu cầu giấu danh tính vì lý do an toàn, cho biết ông cũng có nhận định tương tự; đồng thời đưa ra cảnh báo rằng Chính quyền hoàn toàn có lợi dụng cơ chế hoạt động này của ChatGPT để định hướng, dẫn dắt dư luận:
“Nếu ở tầm cá nhân mình không thể làm nổi chuyện đó nhưng nếu ở tầng Chính phủ thì được. Khi mà họ (Chính phủ - PV) đã hiểu rõ nguyên lý làm việc của một hệ thống nào đó thì họ sẽ tìm cách để thao túng.”
Vị chuyên gia giấu tên dẫn lại chuyện lực lượng dư luận viên đã báo cáo vi phạm hàng loạt các tài khoản hoặc bài viết chỉ trích Nhà nước trên Facebook; hoặc là Chính quyền cũng đã cử người sửa các bài viết trên trang Wikipedia:
“Cũng như Facebook vậy thôi, họ hiểu rằng cơ chế report (báo cáo - PV) thì cần số đông nên Chính phủ sẽ huy động một đạo quân để bấm vào nút report trên Facebook.
Cũng giống như Wikipedia, bây giờ khi tìm các bài viết về chính trị ở trên Wikipedia thì nó cũng đã bị thao túng rồi, tức là Chính phủ đã cử người vào ban biên tập của Wikipedia để chỉnh lại hết các bài viết.”
Các chuyên gia cho rằng còn quá sớm để khẳng định bất cứ điều gì về tầm ảnh hưởng của ChatGPT. Tuy nhiên, để tránh bị dẫn dắt bởi các thông tin sai lệch từ các công cụ trí tuệ nhân tạo, lời khuyên được các chuyên gia nêu trên đưa ra là chỉ nên xem ChatGPT như là một công cụ gợi ý, người dùng cần phải có kiến thức nền về vấn đề mình muốn tìm hiểu, nghiên cứu. Đồng thời, phải luôn đặt câu hỏi, so sách đối chiếu để tự tìm ra được một câu trả lời chính xác, trung thực cho mình.
Theo RFA