Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (T) tiếp đón đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky tại điện Élysée, Paris tối 08/02/2023. REUTERS - SARAH MEYSSONNIER
Trả lời Le Figaro trước khi thăm Paris, tổng thống Ukraina thổ lộ, ai cũng hỏi ông sao không di tản khi cuộc xâm lăng nổ ra. Nhưng « nếu tôi chạy, mọi người sẽ bỏ chạy hết ! ». Toàn bộ hệ thống cần phải nói cùng một tiếng nói, duy trì tình đoàn kết quốc gia, đồng thời gầy dựng một liên minh gồm nhiều nước để được công khai ủng hộ. Volodymyr Zelensky tin rằng khả năng bại trận của Putin lên đến 99 %.
Thăm Paris, tổng thống Ukraina đề nghị Pháp và Đức sớm cấp cho chiến đấu cơ. Quốc tế tiếp tục giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau trận động đất, số nạn nhân đã lên đến gần 20.000. Châu Âu muốn ra quy định cứng rắn hơn để hạn chế nạn nhập cư bất hợp pháp. Đó là những đề tài chính của báo chí Pháp hôm nay.
Zelensky : Tổng thống Macron đã thay đổiLe Figaro đăng bài phỏng vấn độc quyền mà tổng thống Volodymyr Zelensky dành cho nhật báo cánh hữu Pháp và tạp chí Der Spiegel của Đức tại Kiev, trước khi lên đường sang Paris, vào thời điểm gần một năm đất nước ông bị Nga xâm lược.
Trước câu hỏi, Emmanuel Macron đôi khi có những phát biểu như không nên « sỉ nhục Nga », nay ông còn cảm thấy bất bình hay không, tổng thống Ukraina nói rằng đồng nhiệm Pháp đã thay đổi thực sự. Chính tổng thống Macron đã mở ra cánh cửa cho đợt chuyển giao xe tăng, và ủng hộ việc Ukraina xin gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU). Zelensky cho biết đã đối thoại với Pháp, Đức cũng như nhiều nước khác, và hiện nay các bên có được lòng tin thực sự.
Ông cũng hiểu được sự do dự của Berlin do điều kiện lịch sử, văn hóa. Dù ban đầu có khó khăn, nhưng rốt cuộc Kiev đã được tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier ủng hộ, và gần đây là xe tăng – thủ tướng Olaf Scholz đã chi viện nhanh chóng hơn dự kiến. Những vũ khí tân tiến của phương Tây đã cứu được nhiều sinh mạng, và giúp đỡ Ukraina cũng là giúp đỡ chính mình để chiến tranh không tràn đến.
« Nếu tôi chạy khỏi Ukraina, mọi người sẽ bỏ chạy hết ! »Ngày 24/02/2022 khi quân Nga tràn sang, ông có nghĩ rằng đất nước và bản thân ông có thể sống sót ? Volodymyr Zelensky trả lời, thậm chí chẳng có thì giờ để nghĩ. Là tổng thống, ông mang nặng trách nhiệm phải bảo vệ đất nước. Đêm hôm ấy, mọi người đều bị sốc, nhưng đội ngũ điều hành không thể tự cho phép nghĩ rằng Ukraina sẽ hoàn toàn bị Nga chiếm. Tâm lý này sẽ đầu độc bầu không khí, sự hoài nghi sẽ lan rộng. Zelensky nói, ai cũng hỏi ông là tại sao không chạy trốn. « Bởi vì nếu tôi chạy thì mọi người đều chạy hết ! »
Về thông tin Matxcơva đã nhiều lần muốn bắt sống tổng thống Ukraina, Zelensky cho rằng Nga muốn hai điều : trừ khử ông và chấm dứt sự hỗ trợ của phương Tây. Trước cuộc xâm lăng, Mỹ, Anh đã báo với Zelensky ông là mục tiêu số một của Kremlin, ngỏ ý muốn đưa ông đến nơi an toàn. Các cơ quan tình báo đồng minh khẳng định, nhiều nhóm đã được gởi đến để sát hại Volodymyr Zelensky. Trong số các nhóm đặc nhiệm, có những kẻ đã được nhận diện.
Khi nào thì ông hiểu rằng việc tình báo Mỹ báo động Nga sắp tấn công là đúng ? Volodymyr Zelensky nói rằng qua tình báo quân đội và những thông tin mật, ông hiểu rằng Matxcơva đã chuẩn bị từ 2014. Trước khi chiếm Crimée, Nga đã đầu tư vào truyền thông, xâm nhập cơ quan chính phủ, Quốc Hội Ukraina – một kiểu chiếm đóng « đa diện ». Matxcơva phân phát hộ chiếu Nga ở Crimée, gởi các nhân viên tình báo FSB sang, thiết lập các đài truyền hình Nga. Tất cả giúp cho việc sáp nhập trở nên dễ dàng.
Lúc đó Zelensky chưa là tổng thống. Sau khi đắc cử, ông giảm dần sự hiện diện của Nga trong lãnh vực thông tin, ảnh hưởng Nga ở Quốc Hội và thanh lọc lực lượng an ninh – không thể nào biết được có bao nhiêu điệp viên Nga trong cơ quan tình báo và quân đội Ukraina. Từ 2018, Volodymyr Zelensky đã thử giải quyết bằng ngoại giao, chấp nhận tham gia « công thức Normandie » (đối thoại bốn bên Nga, Ukraina, Pháp, Đức). Nhưng tất cả nỗ lực của các đối tác phương Tây đều thất bại. Chỉ một ngày trước cuộc xâm lăng, Đức và Pháp vẫn khẳng định rằng Putin hứa sẽ không tấn công Ukraina !
Từ lúc đầu gian nan, đến khi không còn có thể quay luiNhững ngày đầu cuộc xâm lăng hết sức khó khăn đối với ông, cả về tinh thần lẫn thể chất, không có cả thì giờ để ngủ. Cần phải cứu vãn toàn bộ hệ thống chính trị, quân sự để nói cùng một tiếng nói ; duy trì tình đoàn kết quốc gia ; đồng thời xây dựng một liên minh gồm nhiều nước, bảo đảm rằng sẽ được công khai lên tiếng ủng hộ.
Theo Zelensky, ai cũng sợ chiến tranh, đó là bản năng. Một số người ở phương Tây nghĩ rằng để kết thúc chiến tranh, phải giao cho Vladimir Putin những gì mà ông ta đòi hỏi, là những mảnh đất như Donbass và Crimée. Như vậy là trao cho Nga cơ hội chiếm đóng Ukraina, tái lập ảnh hưởng thời xô-viết. Tóm lại, phải trở thành chư hầu của Matxcơva. Thỏa thuận Minsk thực tế là một sự nhượng bộ Nga, không hề nhắc đến Crimée.
Ban đầu đồng minh muốn kết thúc nhanh chóng cuộc chiến. Nhưng những tội ác đối với thường dân Ukraina như ở Bucha, phá hủy Mariupol… đã làm thay đổi. Ông cho rằng Nga đang thất bại trong cuộc chiến, khả năng này lên đến 99 %. Nhưng phương Tây lại bám vào 1 % còn lại để ngần ngại không muốn cung cấp vũ khí. Volodymyr Zelensky tin là nếu Ukraina thua trận, Vladimir Putin sẽ tiếp tục tấn công các nước khác, như Hitler thời Đệ nhị Thế chiến. Không thể chận lại con rồng dữ phàm ăn, nếu cho một nước hay một mảnh lãnh thổ, nó sẽ còn đòi tiếp. Loại quái thú này không thể chận được bằng các biên giới hay đại dương.
Trước đó ông Zelensky đã được quốc vương Charles III tiếp kiến, mà theo Le Figaro, làm Kremlin phải nghiến răng. Tổng thống Ukraina trong chuyến thăm Luân Đôn đầu tiên kể từ khi bị xâm lăng, đã được tân vương Anh đón tiếp trang trọng ở điện Buckingham – một vinh dự đối với những người ưa chuộng biểu tượng đế vương như Putin.
Paris muốn quên đi hai thập niên Vladimir Putin ?Về quan hệ Pháp-Nga, Le Monde đòi hỏi nhìn thẳng vào thực tế. Vào đầu những năm 2000, khi Vladimir Putin lên thay Boris Eltsine ở một nước Nga đang rơi vào hỗn loạn, bên kia bờ Đại Tây Dương người Mỹ tự hỏi « Who lost Russia ? » (Ai đã đánh mất nước Nga) - bỏ qua cơ hội đưa đất nước rộng lớn này vào cộng đồng các quốc gia dân chủ ?
Tại Đức, ba ngày sau khi Nga tấn công Ukraina, thủ tướng Olaf Scholz nói về một « sự thay đổi thời kỳ » (Zeitenwende). Từ đó đến nay, nước Đức đã thay đổi nhiều chính sách quan trọng trong đối ngoại : bớt lệ thuộc vào khí đốt Nga, đầu tư vào quốc phòng, cung cấp vũ khí cho một nước đang chiến tranh. Quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng được xem xét lại. Tổng thống Frank-Walter Steinmeier công khai nhìn nhận sai lầm trong chính sách đối với Nga, bà Angela Merkel bị chỉ trích, thủ tướng Scholz bị cáo buộc chần chừ. Người Thụy Sĩ tự vấn về tư cách trung lập, Anh lo huấn luyện binh sĩ Ukraina từ năm 2015.
Nhưng ở Pháp chừng như tranh luận về cải cách hưu trí đã che lấp mọi vấn đề khác, tuy chiến tranh Ukraina ngày nào cũng được đề cập đến trên báo chí. Gần một năm sau cuộc xâm lăng, ngoài một nghị quyết đơn giản thông qua hôm 01/12/2022, các đại biểu chỉ tranh luận về chủ đề này có một lần hôm 03/10/2022, trong một Quốc Hội vắng đi phân nửa. Phải chăng trước công luận ngày càng thù địch với Vladimir Putin, không đảng nào muốn xới lại quá khứ.
Đảng Những Người Cộng Hòa cần phải giải thích quan hệ của một số dân biểu với Nga, Tập Hợp Dân Tộc về tài trợ cho đảng, Nước Pháp Bất Khuất về phát biểu của ông Mélenchon trong vấn đề Crimée. Và đảng của tổng thống Emmanuel Macron cần làm rõ cho cử tri về chính sách với Matxcơva của Élysée từ sáu năm qua. Chưa phải là quá trễ.
Ukraina : Một cuộc chiến khác của ngành điệnCũng về Ukraina, đặc phái viên Le Monde thuật lại « cuộc chiến tranh điện lực ». Do Nga thường xuyên tấn công vào cơ sở hạ tầng thiết yếu, nên việc bảo vệ mạng lưới điện trở thành ưu tiên quốc gia đối với Kiev. Một kỹ sư điện muốn giấu tên, phụ trách một trạm biến thế cũng phải giấu nốt địa điểm, đã trở thành người hùng bất đắc dĩ. Cơ sở này rộng 10 hecta, cung cấp điện cho 600.000 gia đình, đã bị tấn công hai lần, và nay được bảo vệ các chiến sĩ vũ trang bảo vệ.
Ông thổ lộ, đôi khi cũng thối chí khi phải xây dựng lại những gì có thể bị phá hủy trong vài ngày hoặc vài tuần. Họ cố gắng thu nhặt lại những phụ tùng bằng mọi giá, vì tiêu chuẩn kỹ thuật thời Liên Xô khác với Tây Âu. Những phụ tùng này chỉ được sản xuất trong một nhà máy ở Zaporijia hiện đang bị Nga chiếm giữ. Những thiết bị hiếm hoi chỉ có thể tìm thấy ở…Nga và vài nước Đông Âu, nhiều khi không còn sử dụng được.
Một số nước châu Âu đã tách những trạm biến điện ra khỏi mạng để cho Ukraina mượn tạm nhưng không thể nào đủ. Kỹ sư này nói : « Các nước không có thói quen trao đổi máy biến thế, họ có cảm tưởng như chúng tôi đòi hỏi phi thuyền vũ trụ ». Kiev đã nhập cảng 669.400 máy phát điện năm 2022, trong đó riêng tháng 12 đã là 309.400. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hứa sẽ tặng thêm 2.400 máy, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm bợ.
Chiến tranh và những giấc mộng đời tan vỡLibération dành nhiều trang báo cho cuốn nhật ký của một nhạc sĩ trẻ Ukraina, đã nhập ngũ ngay sau khi Nga xâm lăng đất nước. Những dòng ghi chép ngắn đăng trên Instagram được anh chấp nhận cho Libération đăng lại bằng tiếng Pháp với dòng tựa tạm dịch « Nga đã làm nên tôi ngày hôm nay với bộ đồ trận và khẩu súng ».
Tên khai sinh : Timur Dzhafarov, nghệ danh : John Object, bí danh kháng chiến : Winston. Trong 27 năm hiện diện trên cõi đời, người thanh niên Ukraina này đã có ba cuộc sống hoàn toàn khác biệt. Trong bài xã luận, « Những số phận tan vỡ », tờ báo viết, nếu Vladimir Putin không xâm lược Ukraina, Timur Dzhafarov có thể đã trở thành một nghệ sĩ trên sàn diễn nhạc điện tử underground của Kiev, trình diễn trước đám đông trong một lễ hội, đã làm lễ cưới với người yêu. Nhưng khi tiến hành chiến tranh tổng lực với nước láng giềng vào sáng sớm 24/02/2022, ông chủ điện Kremlin không chỉ gây ra cuộc xung đột tệ hại nhất châu Âu từ nhiều thập niên, mà còn làm tan vỡ hàng triệu giấc mơ và những số phận con người.
Timur Dzhafarov không còn là nhạc sĩ, không trở nên nổi tiếng và vẫn độc thân. Vì « yêu cuộc sống của mình và của những người khác », khẩu súng trường đã thế chỗ cây đàn ghi-ta. Vị hôn thê đã chia tay. Người lính Winston hàng ngày thức dậy lúc 5 giờ sáng với tiếng còi báo động, chụp cây súng chạy đến nơi trú ẩn, nghiền ngẫm tài liệu hướng dẫn sử dụng vũ khí của Mỹ nhờ được đào tạo về phiên dịch. Làm quen dần với cái chết, nỗi cô đơn và những niềm đau chiến tranh.
Theo RFI