logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 10/02/2023 lúc 04:36:02(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
UserPostedImage
(Trái): Gs. Alex Tai Võ đang làm việc tại Vietnam Center; (Giữa): Bìa cuốn sử do chính Gs. Alex thiết kế; (Phải): bản chụp của bộ sưu tập Công Báo của Việt Nam Cộng Hòa tại Việt Nam Center.

LTriều Giang: Hầu như không có người Việt hải ngoại  nào mà không phải ít nhất là một lần cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương trước những trang sách, phim ảnh, và ngay cả những sách giáo khoa trong nhà trường Hoa Kỳ đang dạy cho con em chúng ta không chỉ là những điều sai sót mà còn có tính cách bóp méo, xuyên tạc và nhục mạ miền Nam Việt Nam trong suốt thời gian chiến tranh và ngay cả thời hậu chiến.
 
Để cải thiện vấn nạn này rất nhiều cá nhân các tổ chức, truyền thông và ngay cả phim ảnh do người Việt hoặc những người bạn Hoa Kỳ đã can đảm lội ngược dòng viết lên sự thật. Những nỗ lực này ngày càng phong phú nhưng so với hàng nhiều trăm cuốn sách, phim ảnh đã được xuất bản gần một thế kỷ qua thì còn rất nhỏ nhoi, đặc biệt là sách giáo khoa được viết theo quan điểm của người Việt tự do thì hầu như còn vắng bóng. 
 
Hôm Nay, chúng tôi xin vui mừng và trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc hai cuốn sách sử về Người Mỹ Gốc Việt vừa được Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ phát hành và do nhà xuất bản Temple University Press xuất bản để dùng vào việc giảng dạy tại Trung và Đại học tại Hoa Kỳ: HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG NGÀNH HỌC NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT; LỊCH SỬ CỘNG ĐỒNG VÀ KÝ ỨC. (Toward A Framework For Vietnamese American Studies; History, Community and Memory) do ba chủ biên; Tiến sĩ Linda Ho Peché, Gs. Alex Thái Võ và Gs. Tường Vũ, cùng 14 đồng tác giả viết.
 
Để tìm hiểu về mục đích, hoàn cảnh và những thuận lợi và thánh đố khi cuốn sách được hình thành ra sao, và những chương trình sắp tới của nhóm sử gia trẻ, phần đông là người Mỹ gốc Việt, với lý tưởng, tâm huyết và tính cách chuyên nghiệp, đang viết lên trang sử bi hùng nhưng chân thực về cha anh họ, hôm nay chúng tôi tìm đến Gs.Tiến sĩ Alex Thái Võ, một trong 3 chủ biên của cuốn sách thứ hai “ HƯỚNG TỚI XÂY DỰNG NGÀNH HỌC NGƯỜI MỸ GỐC VIỆT: LỊCH SỬ, CỘNG DỒNG VÀ KÝ ỨC”. Kính mời quý độc giả theo dõi:
 
Triều Giang: Xin chào Gs. Alex-Thái Võ, xin anh cho biết đôi hàng tiểu sử?
 
Gs. Alex Thái Võ: Tôi là giáo sư nghiên cứu tại Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ thuộc trường Đại học Texas Tech (Vietnam Center and Archive at Texas Tech University (VNCA)) ở thành phố Lubbock, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ. Trước khi làm việc cho Texas Tech, tôi đã từng làm việc cho cơ quan tìm hài cốt và người mất tích trong chiến tranh thuộc Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ (Defense POW/MIA Accounting Agency), nhằm mục đích nghiên cứu và tìm hài cốt quân nhân Hòa Kỳ vẫn còn mất tích ở Đông Dương. Trước đó, tôi từng làm việc tại trung Tâm Nghiên Cứu Việt-Mỹ tại Đại học Oregon (University), Eugene, Oregon.
 
Tôi sinh ra ở Quảng Ngãi, Việt Nam và năm 8 tuổi cùng gia đình sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ theo chương trình H.O. Tôi sống và lớn lên ở vùng Nam California, cách thành phố Los Angeles chừng 10 phút lái xe và cách Quận Cam tầm 20 phút. Tôi học cử nhân tại Đại học UC Berkeley, chuyên ngành chính trị học. Sau đó tôi theo đuổi chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ở Đại Học Cornell (University), chuyên ngành Á Châu Học và Lịch Sử Châu Á. Tôi chuyên nghiên cứu về lịch sử, chính trị, và văn hóa Á Châu với trọng tâm nghiên cứu là lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 và 21 cũng như các cuộc chiến tại Việt Nam. Tôi cũng quan tâm đến lịch sử và những thay đổi của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, đặc biệt cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Tôi đặc biệt quan tâm đến các diễn biến và thay đổi chính trị và xã hội cũng như tầm ảnh hưởng của chúng đến đời sống con người.   
 
Triều Giang: Năm 2019 trong cuộc phỏng vấn với chúng tôi, anh có cho biết anh được trao cho Dự án: “Di sản Việt Nam Cộng Hòa / Lịch sử Người Mỹ Gốc Việt” (The Legacy of Republic Vietnam/ History of Vietnamese American), xin anh cho biết mục đích của Dự án và hiện Dự án đã được thực hiện tới đâu?
 
Gs. Alex Thái Võ: Mục đích của dự án, ít nhất đối với cá nhân tôi, là để duy trì lại lịch sử Việt Nam Cộng Hoà cũng như lịch sử người Mỹ gốc Việt. Là một người Mỹ gốc Việt, ưu tư về lịch sử, nên tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc viết và lưu truyền lịch sử về Việt Nam Cộng Hoà và về người Mỹ gốc Việt. Quan trọng vì những trang sử về hai chủ đề ấy hiện đang còn rất trống mà những người đã từng sống qua những giai đoạn lịch sử ấy thì đã qua đời hoặc cũng rất lớn tuổi.
 
Trong cương vị đó, tôi đã và đang làm một số việc sau:  1) Trình bày nghiên cứu của mình tại hai hội thảo ở Trung Tâm Vietnam Center, Đại Học Texas Tech University, hội thảo AAS, Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, v.v… 2) Phụ với Giáo sư Tường Vũ trong việc chỉnh sửa và xuất bản các báo cáo nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo về Chủ Nghĩa Cộng Hoà Việt Nam tại Đại Học Oregon vào tháng 10 năm 2019, với thành quả là quyển Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory (Hướng tới Xây dựng Ngành học Người Mỹ gốc Việt: Lịch sử, Cộng đồng và Ký ức); 3) Làm một loạt video phỏng vấn các học giả nghiên cứu về Việt Nam; 4) Viết và xuất bản một số bình luận trên các chương trình truyền thông về các chủ đề nghiên cứu; 5) Phụ giúp Giáo sư Tường Vũ tổ chức hội thảo vào năm 2023 ở Đại Học Oregon về di sản chiến tranh và sự chuyển tiếp giữa các thế hệ tiếp; 6) Lập cơ sở dữ liệu về quân dân cán chính VNCH mất tích trong chiến tranh hay trong các tù cải tạo.  
 
Triều Giang: Là một trong những Chủ biên của cuốn sách sử: “Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory” vừa mới được nhà xuất bản Temple University Press phát hành, xin anh cho biết những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện?
 
Gs. Alex Thái Võ: Để hoàn thành một tập sách như vầy, với 3 chủ biên và 14 tác giả khác nhau, chúng tôi đương nhiên gặp những khó khăn nhất định. Thứ nhất, vì chưa có tiền lệ trong việc soạn một tập sách nghiên cứu nhằm phục vụ cho việc giảng dạy về cộng đồng người Mỹ gốc Việt nên chúng tôi khó quyết trong việc chọn thể loại. Lúc đầu chúng tôi định làm một tập “Handbook,” tức thể loại sách khái luận mang tính tổng kết kiến thức và nghiên cứu đã được thực hiện. Tuy nhiên, nhóm chủ biên thấy rõ sự giới hạn của một tập “Handbook” thành thử đã dung hòa chuyển hướng thành một tập nghiên cứu nặng về học thuật nhằm mở hướng cho ngành học về người Mỹ gốc Việt.
 
Thứ hai là tìm được 17 tác giả từ nhiều chuyên ngành khác nhau (từ chính trị học đến sử đến xã hội học và nhân văn học) để quyển sách có những nghiên cứu phản ảnh sự đa chiều và đa dạng của lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt. Điển hình, chỉ trong bộ ba chủ biên cũng đã có những sự khác biệt, Giáo sư Tường Vũ thì nghiêng về chính trị học, tôi thì về lịch sử, còn Tiến sĩ Linda Ho Peche thì về nhân văn học. Đây có thể là công trình đầu tiên có sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu về Việt Nam với những nhà nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt. Mỗi ngành là mỗi cách tiếp cận và suy luận vấn đề khác nhau, thành thử để 17 người từ nhiều ngành khác nhau, ai cũng có lập trường và cái tôi riêng, đến với nhau trên một chủ trương chung thì thật là một sự khó khăn lớn. Tuy nhiên, chúng tôi vượt qua khó khăn ấy qua việc dung hòa nhưng vẫn để cho mỗi tác giả sự tự do trong việc trình bày nghiên cứu và luận điểm của họ, và qua đó thể hiện sự đa chiều của lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt. Nói tóm, đó là những khó khăn đầy mầu sắc.
 
Khó khăn lớn nhất là sự lựa chọn của chúng tôi trong việc khẳng định lại vai trò lịch sử của người Việt tỵ nan nhằm mở hướng đi mới cho ngành học về người Mỹ gốc Việt. Với quyết định này, chúng tôi hiểu sẽ có những phản đối từ trong giới học thuật, đặc biệt bởi những học giả trong các ngành như chủng tộc học (Ethnic Studies) hoặc ngành mà tội tạm gọi là Á Mỹ học (Asian American Studies), và kể cả một số trong ngành sử học. (Cũng nên nói đây là những ngành mà các em gốc Việt rất thích học ở bậc đại học vì đó là thời gian các em đang quan tâm đến quá khứ và lịch sử của chính các em.) Với mục tiêu đặt trọng tâm nghiên cứu vào người Việt để nói lên lịch sử và văn hóa của chính người Việt ở trên đất Mỹ, chúng tôi đã bắt đầu câu chuyện ở giai đoạn lịch sử ở Việt Nam trước biến cố tháng 4 năm 1975 để cho thấy sự tiếp nối và ảnh hưởng về mặt lịch sử và văn hóa từ thời Việt Nam Cộng Hòa trong sự hình thành và tồn tại của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Với lựa chọn này, chúng tôi đã đi một con đường khá khác với cách tiếp cận lịch sử và văn hóa của nhiều người trong những ngành trên, trong đó có người Mỹ không phải gốc Việt cũng như người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai hoặc thế hệ 1.5 nhưng đã định cư và lớn lên ở Hoa Kỳ từ lúc bé. Đa số trong giới học giả ấy không thạo tiếng Việt cũng như văn hóa và lịch sử Việt Nam thành thử nghiên cứu và luận điểm của họ đa phần thường dựa vào tài liệu tiếng Anh và bị ảnh hưởng nhiều bởi dòng suy nghĩ về các vấn đề Việt Nam tương đối có thể gọi là “thiên tả” và chống chiến tranh của người Mỹ; một dòng suy nghĩ bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc chiến và kể cả sự tuyên truyền của nhà nước cộng sản Việt Nam. Tuy nghiên cứu về người Mỹ gốc Việt nhưng thực chất thì khía cạnh gọi là Việt Nam hay người Việt (tỵ nạn) thường chỉ là đối tượng để giới học giả ấy khảo sát và bình luận/phê bình (object of examination/ critique) chính quyền Hoa Kỳ, đặc biệt các chính sách quân sự, ngoại giao, cũng như xã hội. Cụ thể là sự phê bình chính sách “đế quốc” (imperialism) của Hoa Kỳ. Vì lẽ đó nên họ thường xem Việt Nam Cộng Hòa và người Việt tỵ nạn là những con rối của Hoa Kỳ, không có chính nghĩa, không có lập trường và không có sự chủ động riêng (self-agency).
 
Đứng trên phương diện đó, họ hầu như không thừa nhận những yếu tố lịch sử và văn hóa tạo nên những sự khác biệt giữa những người Việt Nam và những quyết định của từng cá nhân và từng nhóm – từ thể chế chính trị đến phương cách kiến tạo một nước Việt Nam không cộng sản. Bởi cái nhìn thiên lệch đó nên đa số chỉ thấy cuộc chiến vừa qua là cuộc chiến giữa Mỹ và dân tộc Việt Nam, vốn được đại diện bởi chính quyền Bắc Việt và lãnh đạo cộng sản như Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, và Lê Duẩn. Cái nhìn này hầu như đã thống trị giới học thuật Hoa Kỳ (và phương Tây) hơn 50/60 năm nay. Bởi sự thống trị ấy nên chủ trương của chúng tôi trong tập sách này đã và sẽ gặp nhiều sự chỉ trích, dù rằng chủ trương ấy không thiên tả hay hữu, không chống hay ủng hộ chiến tranh. Chủ trương ấy chỉ đơn thuần kêu gọi sự công tâm trong việc nhìn nhận lịch sử Việt Nam và vai trò của người Việt và người Việt tỵ nạn. Rằng sự hiện diện của người Việt trên mảnh đất Hoa Kỳ là do bởi những sự khác biệt giữa những người Việt với nhau, rằng cuộc chiến Nam-Bắc vừa qua là cuộc nội chiến (bị ảnh hưởng phần nào bởi sự cạnh tranh của những hệ tư tưởng), rằng dưới thể chế VNCH cũng có những cái dở nhưng nhiều điều hay đã và đang được gìn giữ, rằng những người chiến đấu cho sự tồn vong của chính thể VNCH cũng có lý tưởng của riêng họ, rằng họ hiểu ý nghĩa của tự đo và dân chủ cùng với mong muốn xây dựng nên một nền cộng hòa, rằng sự ra đi của người Việt sau 30/4 năm 1975 và sự hình thành của cộng động người Việt ở Mỹ xuất phát từ hậu quả của những chính sách đầy phân biệt đầy hà khắc của chính quyền mới, và rằng những giá trị họ và con cháu họ đang cố giữ phần lớn xuất xứ từ những yếu tố trên. Chủ trường này nhằm mục đích nhắc nhở giới học thuật phải bắt đầu lắng nghe tiếng nói của chính những người Việt (tỵ nạn), ngừng việc miệt thị và xem họ là những con rối của Mỹ. Nó cũng nhằm nhắc nhở những người Việt thế hệ thứ 2 và 3 là cha mẹ và ông bà họ là những người vốn có cuộc sống, lý tưởng, và sự chủ động của riêng họ. 
 
Triều Giang: Được biết, cuốn sách có 3 chủ biên gồm anh, Gs. Tường Vũ, Gs. Linda Ho Pe Che và 14 Gs. từ các Đại học và trung tâm nghiên cứu khác, họ là những người Mỹ gốc Việt từ khắp nẻo đường nước Mỹ, anh và đồng tác giả lại viết về đề tài mới chưa từng có, các anh chị làm sao để thống nhất ý kiến cho một nội dung nhất quán của cuốn sử?
 
Gs. Alex Thái Võ: Trước hết, trong 17 người tham gia trong tập sách này có hai không phải là người gốc Việt, Tiến sĩ Christian Collet và Tiến sĩ Wynn Gadkar-Wilcox. Ngoài nhóm chủ biên gồm có GS Tường Vũ, TS Linda Ho Peche, và tôi thì có 12 tác giả khác: Y Thien Nguyen, Van Nguyen-Marshall, Tuan Hoang, Elwing Suong Gonzales, Ivan V. Small, Jennifer A. Huynh, Nguyen Vu Hoang, Hai-Dang Phan, Duyen Bui, Quan Tue Tran, Thien-Huong Ninh, và Thuy Vo Dang. Đa số trong những tác giả này là các anh chị còn rất trẻ, sinh hoặc lớn lên ở Mỹ từ lúc nhỏ nhưng đều có kinh nghiệm nghiên cứu và khả năng thông thạo tiếng Việt cũng như lịch sử và văn hóa Việt Nam. Về mặt giới, số lượng tác giả nam và nữ cũng khá cân xứng.
 
Như đã nói trên, để 17 người từ nhiều chuyên ngành khác nhau có thể hợp tác và nhất quán trên quan điểm chung về thể thức làm việc cũng như mục đích dự án sách, chúng tôi buộc phải tìm, đọc, đánh giá, và lắng nghe hầu có thể dung hòa và cho nhau sự tự quyết cần thiết để mỗi cá nhân có thể trình bày nghiên cứu và luận điểm của họ một cách tốt nhất. Dù chúng tôi có chủ trương nhất định như đã nêu trên, nhưng không vì vậy mà chúng tôi gò ép ai phải viết hoặc thay đổi theo ý muốn của nhóm chủ biên. Qua cách làm việc đó, chúng tôi mong từng chương của từng tác giả sẽ phản ảnh sự đa chiều và đa dạng của lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng như người Mỹ gốc Việt.
 
Triều Giang: Chúng tôi có đọc sách và rất thích thú và quan tâm chương ghi chép mốc thời gian (timeline) của việc thành hình cộng đồng cho tới năm 2021, xin anh cho biết làm cách nào để có thể ghi chép và chọn lọc để bảo đảm đầy đủ những mốc thời gian quan trọng cần ghi nhớ?
 
Gs. Alex Thái Võ: Vâng, chương về mốc thời gian là chương phụ chúng tôi không nghĩ nhà xuất bản sẽ in hoặc nếu có in thì chắc họ cũng sẽ cắt giảm rất nhiều vì thời nay rất khó in sách học thuật với số trang trên 250 hoặc 300 trang. Nhưng với gần 20 trang thông tin về những mốc thời gian quan trọng mà nhà xuất bản cũng chấp nhận thì thật là một niềm vui đáng kể. Niềm vui vì có lẽ nhà xuất bản cũng hiểu được sự hữu dụng của chương ấy.
 
Bởi ngại nhà xuất bản không in hoặc cắt giảm nên lúc đầu chúng tôi dự tính sẽ bắt đầu ở mốc của những năm 1975 hoặc 1954. Tuy nhiên, với chủ trương diễn đạt cặn kẽ những ảnh hưởng và diễn biến lịch sử và xã hội đưa đẩy người Việt phải bỏ xứ ra đi để rồi tạo dựng nên cộng đồng người Việt tại Mỹ, chúng tôi thiết nghĩ mốc thời gian, ít nhất, phải bắt đầu từ đầu thế kỷ 20. Đầu thế kỷ 20 vì bởi khi ấy là lúc các phong trào chấn hưng như Việt Nam Duy Tân Hội và Đông Kinh Nghĩa Thục cũng như các nhân vật lịch sử như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Bùi Quang Chiêu, Trần Trọng Kim, và Nguyễn Thái Học đã vạch ra những ý tưởng chính trị và xã hội mới vốn có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với sự trưởng thành của chủ nghĩa cộng hòa và sự thành lập của hai nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Ảnh hưởng của những nền tảng chính trị và xã hội ấy không dừng ở biến cố năm 1975 nhưng ngược lại còn được duy trì ở hải ngoại trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn.
 
Bởi nhiều giới hạn khác nhau nên chúng tôi phải có những lựa chọn và vì vậy nhất định cũng sẽ có nhiều thiếu sót không vừa lòng được hết tất cả mọi người. Tuy nhiên, những lựa chọn của chúng tôi đều với mục đích vẽ lên một tổng quan lịch sử với những mốc lịch sử tiêu biểu nhưng phản ảnh phần nào sự đa dạng trong lịch sử. Vì mục đích để hiểu về lịch sử và văn hóa người Mỹ gốc Việt nên lựa chọn của chúng tôi cũng nhằm hướng đến những sự kiện đưa đến sự hình thành của nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam, những diễn biến về quân sự và chính trị đưa đến cục diện của tháng 4 năm 1975, và những thay đổi và hậu quả của những chính sách thời hậu chiến góp phần đưa đến sự ra đi của hàng triệu người Việt qua nhiều làn sóng tỵ nạn khác nhau kể từ năm 1975 đến những năm 2000. Nửa phần sau của chương, chúng tôi chú trọng hơn về những thành quả cá nhân lẫn cộng đồng của người Việt trên Mỹ. Nhưng ngoài những gương thành công ấy, chúng tôi cũng nêu lên những mốc bi kịch và những nỗ lực vượt qua những khó khăn xã hội, kinh tế và chính trị của những thế hệ người Việt nhằm định hình vị thế của mình trên đất Mỹ.
 
Triều Giang: Theo anh thì cuốn sách giáo khoa này sẽ đem lại ích lợi gì cho các giáo sư giảng dạy, các nhà nghiên cứu và sinh viên, học sinh?
 
Gs. Alex Thái Võ: Theo thiển ý cá nhân, đây là một quyển sách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành học liên quan đến lịch sử Việt Nam, lịch sử chiến tranh và hậu chiến tranh Việt Nam, và đặc biệt là lịch sử người Mỹ gốc Việt. Với việc bắt đầu câu chuyện lịch sử về người Việt ở Mỹ từ thời Việt Nam Cộng Hòa thay vì từ năm 1975, khi nền chính trị ấy kết thúc, tập sách này mở ra một hướng đi mới trong cách chúng ta, từ giới chuyên môn đến sinh viên và người thường, tiếp cận và hiểu về lịch sử, về vai trò lịch sử, và về sự hiện diện của người Việt trên đất Mỹ. Trước kia, trong các ngành học ở Hoa Kỳ, khi đề cập đến cuộc chiến ở Việt Nam và sự hiện diện của cộng đồng Việt ở Mỹ, đa số chỉ nhắm vào các chính sách và hành động của chính quyền Hòa Kỳ hầu giải thích lịch sử và văn hóa người Việt tại Mỹ. Tuy nhiên, đó là một cách nhìn với nhiều thiếu sót, không giải thích được tất cả những lý do ngay tại Việt Nam và giữa những người Việt Nam với nhau đã đưa đến sự hiện diện của người Việt ở Mỹ. Bởi cái nhìn thiếu sót đó nên nhiều người Mỹ, trong đó có cả các con em người Việt, hiểu sai về lịch sử Việt Nam Công Hòa cũng như lịch sử của người Việt tỵ nạn. Các sinh viên gốc Việt trở nên mặc cảm và tự ty, nhầm lẫn nghĩ rằng cha mẹ và ông bà mình là những con rối, những tay sai vô dụng không lập trường, thành thử thua cuộc rồi bỏ chạy.
 
Quyển sách này, với điểm khởi mới cùng với sự cộng tác của hàng ngũ nhà nghiên cứu đa dạng, trẻ trung, nhưng thông thạo lịch sử, văn hóa, và ngôn ngữ Việt, sẽ mang đến cho học đường nhiều sự mới mẻ trong tư liệu, cách tiệp cận tư liệu, cùng những sự sáng tạo trong quan điểm và lập luận. So với những nhà nghiên cứu cũ, họ là những người sinh sau cuộc chiến, thành thử ít bị gò bó bởi những hệ lụy và tranh cãi của cuộc chiến, vốn đã trở nên nền tảng cho các nhà nghiên cứu cũ hiểu và nhận định về lịch sử người Mỹ gốc Việt.
 
Tổng cộng 14 chương, mỗi chương đi sâu vào một chủ đề, quyển sách thể hiện tính đa dạng của lịch sử Việt Nam và lịch sử người Mỹ gốc Việt nhằm giúp các ngành và sinh viên thấy được nhiều hướng nghiên cứu và tiếp cận để có thể hiểu về người Mỹ gốc Việt. Điển hình, bốn chương đầu sẽ cho sinh viên thấy và hiểu biết sơ về Việt Nam Cộng Hòa và vì sao một số những khía cạnh và di sản dưới thể chế ấy vẫn còn được nuôi dưỡng ở những cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ. Qua đó, sinh viên Mỹ sẽ hiểu thêm về người Việt tỵ nạn, sinh viên gốc Việt sẽ hiểu và cảm thông hơn với cha mẹ và ông bà của họ. Năm chương kế sẽ cho sinh viên thấy khó khăn và nỗ lực của các cá nhân và của cộng đồng trong việc định hình mình trên nước Mỹ, từ việc phải đối phó với những định kiến xã hội đến những khó khăn trong những ngành nghề và kể cả trong việc tổ chức cộng đồng. Tuy nhiên, dù phải luôn đối diện với những thực trạng ấy, người Việt ở Mỹ vẫn luôn lo nghĩ về quê hương của họ và vì vậy họ luôn hỗ trợ (tài chính) và vận động (chính trị) để giúp mang lại những điều tốt đẹp cho gia đình và đất nước mà họ buộc phải bỏ ra đi. Năm chương cuối cho sinh viên thấy sự tiếp diễn cũng như thay đổi trong cộng đồng người Việt tại Mỹ, với những nỗ lực duy trì di sản và ký ức của thế hệ trước. 
song  
#2 Đã gửi : 10/02/2023 lúc 04:38:24(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Triều Giang: Cũng được biết hiện anh đang làm việc cho Việt Nam Center tại Đại học Texas Tech. Trung tâm sử liệu về chiến tranh Việt Nam lớn nhất thế giới, anh có nhận xét gì về trung tâm này và sự có mặt của anh ở đây có giúp gì anh hay ngược lại anh có giúp gì được trung tâm này trong vấn đề soi sáng những trang sử lệch lạc về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là quân đội VNCH hay không?
 
Gs. Alex Thái Võ: Vâng, hiện tôi đang làm việc cho Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ tại Đại Học Texas Tech (VNCA). Được thành lập vào năm 1989 bởi giáo sư James Reckner, một cựu chiến binh Việt Nam, nhiệm vụ của Trung Tâm là thu thập và bảo quản các tài liệu và thông tin về Chiến tranh Việt Nam. Trong 30 năm qua, VNCA đã trở thành bộ sưu tập thông tin phi chính phủ lớn nhất và toàn diện nhất về Chiến tranh Việt Nam. Cho đến nay, Trung Tâm đã thu thập được hơn 30 triệu trang tài liệu và sử vật, bao gồm tài liệu chính phủ, quân đội và cá nhân, như ảnh, bản đồ, báo, tạp chí, sách, ấn phẩm khác, bản ghi âm, phim, video, và nhiều tài liệu khác liên quan đến cuộc chiến. Trung Tâm cũng là nơi lưu trữ tài liệu của Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (FVPPA hoặc H.O.) và có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Hội Bảo Tồn Văn Hóa Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) cũng như các tổ chức người Mỹ gốc Việt khác.
 
Với số tư liệu lớn, đa phần đã được số hóa và có thể truy cập qua mạng, Trung Tâm là nơi hầu như mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều có thể cập nhật và khai thác nhằm hỗ trợ cho những nghiên cứu của mình. Vì vậy tôi rất khuyến khích những ai có quan tâm, từ giới học giả đến quý vị trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ, nên truy cập và khai thác những sử liệu trong ấy. Quý vị có thể tìm hiểu thêm về trung tâm tại https://www.vietnam.ttu.edu/ hoặc nếu có những thắc mắc gì thì xin liên lạc trực tiếp với tôi tại email alextvo@ttu.edu.
 
Riêng với tôi thì thật tôi rất muốn làm nhiều việc với những gì đang có tại Trung Tâm, nhưng trong cương vị của chỉ một cá nhân thì tôi không thể làm hết được những gì mong muốn. Tuy nhiên, công việc chính hiện tại của tôi là nghiên cứu những sử liệu, đặc biệt các tài liệu được thu thập ở những chiến trường trong thời chiến, nhằm tìm thông tin để tạo nên một cơ sở dữ liệu cần thiết để giúp trong việc tìm hài cốt quân dân cán chính Việt Nam, trong đó có những người thuộc miền Bắc/cộng sản cũng như những người thuộc miền Nam/Việt Nam Cộng Hòa. Theo tôi, đây là một dự án mang nặng tính nhân đạo vì cuối cùng tất cả cũng là con người, cũng là người Việt và đã ngã xuống nên cần được đưa về với gia đình và người thân.
 
Riêng về quân dân cán chính VNCH thì kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975, họ cũng như gia đình của họ đã mất quyền được tiếp cận các nghĩa trang quân đội và các chứng tích lịch sử thuộc thời VNCH. Trong khi đó, hàng nghìn quân dân cán chính VNCH vẫn mất tích và hài cốt của họ vẫn chưa được tìm thấy và đưa về với gia đình họ. Để mang lại sự an ủi cho các gia đình có người thân mất tích trong chiến tranh, Trung Tâm chúng tôi tại Đại Học Texas Tech đã thành lập dự án nhằm nghiên cứu và tạo dựng cơ sở dữ liệu về những người mất tích trong chiến tranh. Dự án nhân đạo này nhằm hỗ trợ các gia đình Việt Nam tại Việt Nam, Hoa Kỳ và các quốc gia khác trong việc nghiên cứu và xác định các hoàn cảnh và hài cốt của những quân dân cán chính VNCH vẫn còn mất tích. Mặc dù mục tiêu chính là xác định các vị trí có thể có mộ chôn để giúp tìm và trả lại hài cốt các quân dân cán chính VNCH cho các gia đình, nhưng chúng tôi cũng nhận ra những thách thức của việc làm đó vì cũng đã hơn 50 năm trôi qua. Trong những trường hợp không thể xác định mộ chôn và hài cốt, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho các gia đình thông tin đầy đủ nhất có thể về những người thân của họ dựa trên sử liệu chúng tôi có và nghiên cứu. Mặc dù đây có thể không phải là kết quả tốt nhất, nhưng chúng tôi hy vọng rằng ít nhiều, việc cung cấp thông tin về những quân dân cán chính ấy sẽ giúp cho các gia đình vẫn băn khoăn sau nhiều năm không biết chuyện gì đã xảy ra với người thân của mình.
 
VNCA đã số hóa hơn 10 triệu trang tư liệu lịch sử từ bộ sưu tập với trên 30 triệu trang tài liệu và sử vật của chúng tôi. Chứa trong bộ sưu tập của chúng tôi là những tài liệu thu được trên chiến trường, trong đó có thông tin về những quân dân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đã bị bắt hay tử trận và được chôn cất trong những ngôi mộ tại chiến trường. Để giúp xác định những người có thể được chôn tại những địa điểm đó, chúng tôi yêu cầu thân nhân các gia đình của các quân dân cán chính vẫn còn mất tích cung cấp thông tin về những người thân yêu của mình vào cơ sở dữ liệu trực tuyến này. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp chúng tôi trong việc xác minh các thông tin như tên tuổi và mối quan hệ gia đình, và từ đó tập trung vào việc nghiên cứu thông tin có thể giúp trong việc tìm hài cốt của những người vẫn còn mất tích. Để đạt kết quả tốt trong dự án nhân đạo và quan trọng này, chúng tôi cần một cơ sở dữ liệu toàn diện, nơi các nhóm nghiên cứu lịch sử của chúng tôi có thể nhập và tìm kiếm dữ liệu về từng quân dân cán chính đã hy sinh và vẫn còn mất tích.
 
Để giúp VNCA thực hiện sứ mệnh quan trọng này, chúng tôi cần sự giúp đỡ của những người Việt Nam ở khắp mọi nơi, đặc biệt là các gia đình hoặc những người biết thông tin về các quân dân cán chính VNCH vẫn đang mất tích và hài cốt vẫn chưa được tìm thấy, kể cả những người chết trong những tù cải tạo trước và sau năm 1975. Ngoài ra, chúng tôi cũng cần thông tin về các quân dân cán chính đã hy sinh trong chiến tranh nhưng hài cốt của họ đã được người thân hoặc cơ quan chính phủ hay các tổ chức thiện nguyện tìm thấy và an táng tại các nghĩa trang công cộng hoặc tư nhân. Tất cả thông tin này sẽ giúp VNCA thiết lập cơ sở dữ liệu cần thiết để đối chiếu với thông tin chúng tôi có trong các tài liệu thời chiến. Các thông tin sẽ giúp chúng tôi theo dõi từng trường hợp dựa trên dữ liệu cá nhân và thông tin gia đình.
 
Để cung cấp thông tin về các quân dân cán chính VNCH đã hy sinh trong chiến tranh, hoặc thông tin về việc hài cốt của họ đã hoặc chưa được tìm thấy, vui lòng vào trang web với địa chỉ https://rvnsubmit.vietnam.ttu.edu/ và điền vào biểu mẫu khảo sát. Nếu quý vị có những thắc mắc gì về dự án này thì xin liên lạc tôi tại alextvo@ttu.edu hoặc disanchientranhvietnam@ttu.edu
 
Triều Giang: Hội Bảo Tồn Văn Hóa Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) có đặt tại đây, một bộ sưu tập rất quan trọng gồm trên 200,000 trang tài liệu, hình ảnh, thư từ và những văn bản của cuộc tranh đấu cho tù nhân chính trị do bà Khúc Minh Thơ và hội Tù Nhân Chính Trị Việt Nam với sự hỗ trợ của cộng đồng người Việt và các tổ chức phi chính phủ trong hơn 30 năm, để có kết quả là trên 300,000 tù nhân chính trị và gia đình của họ được định cư tại Hoa Kỳ. Tài liệu này phản bác hùng hồn rằng lời tuyên bố của CSVN Việt Nam “không có tù nhân chính trị” là những điều dối trá, anh có dịp tra cứu bộ sưu tập này không? Anh có thấy các nhà nghiên cứu có quan tâm đến bộ sưu tập này nhiều không?
 
Gs. Alex Thái Võ: Vâng, trước hết tôi cũng xin đại diện cho Trung Tâm Việt Nam và Lưu Trữ ngõ lời biết ơn đến VAHF đã trao tặng bộ sưu tập tài liệu lớn và quý giá ấy. Đối với tôi, đây là một bộ sựu tập rất quan trọng cần được khai thác và nghiên cứu kỹ nhằm hiểu được thêm những vấn đề sau: 1) Chính sách của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong chiến tranh và thời hậu chiếu đối với những người Việt Nam có liên quan đến VNCH; 2) Chính sách của quốc tế và đặc biệt của Hoa Kỳ đối với những người đồng minh; 3) Chính sách ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về vấn đề tù nhân chính trị; 4) Hậu quả và ảnh hưởng hậu chiến tranh đối với những người thuộc chính quyền VNCH và gia đình của họ; 5) Những nỗ lực của những cá nhân và hội đoàn trong việc vận động và đấu tranh cho quyền con người; 6) Những chính sách và đường lối tỵ nạn; 7) Cuộc sống tỵ nạn; 8) Hậu quả của các chính sách hậu chiến tranh, như tù cải tạo, kinh tế mới, vượt biên vượt biển, v.v…; 9) Ở mức độ cá nhân, quý vị có thể truy cập thông tin và hồ sơ liên quan đến gia đình của mình. Bộ sưu tập này được sắp đặt dưới tựa “Families of Vietnamese Political Prisoners Association / Vietnamese American Heritage Foundation Collection.” Để hiệu thêm về khối tài liệu này, quý vị có thể tham khảo trang:
 
https://www.vietnam.ttu.edu/exhibits/apahm/
https://www.vietnam.ttu.edu/vahp/fvppa.php
 
Với những ai quan tâm thì có thể truy cập khối tài liệu này tại:
 
https://www.vietnam.ttu.edu/vahp/digitization.php.
              
UserPostedImage
 (Trái): Một số hội viên hội VAHF thăm bộ sưu tập chiếm gần hết lầu 3 của tòa nhà Vietnam Center; (Phải): Một góc của cuộc triển lãm của hội VAHF về Lịch Sử VNCH và thuyền nhân Việt Nam.  
 
Triều Giang: Anh có thể cho biết những chương trình kế tiếp của Dự án “Di Sản VNCH/Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt?
 
Gs. Alex Thái Võ: Vâng, chương trình chính của tội trong vài năm tới là với việc xây dựng cơ sở dữ liệu về quân dân cán chính VNCh mất tích trong chiến tranh hay qua đời ở các trại cải tạo, như đã nói trên. Tôi cũng đang phụ giúp Giáo sư Tường Vũ tổ chức một hội thảo ở Oregon vào cuối năm nay (2023) về cộng đồng người Mỹ gốc Việt nhân kỷ niệm 50 năm ngày rời bỏ quê hương (1975-2025). Mục đích của buổi hội thảo là nhằm ôn lại lịch sử và hướng tới tương lai, với sự chú trọng về các vấn đề di sản chiến tranh cũng như sự chuyển tiếp giữa các thế hệ người Việt hải ngoại. Ngoài ra, tôi vẫn tiếp tục tạo dựng dự án lịch sử truyền khẩu của mình và mong được sử hưởng ứng của nhiều người trong cộng đồng người Việt hầu gìn giữ lịch sử và văn hóa Việt cho những thế hệ mai sau. Mục đích của chương trình là ghi lại và lưu trữ những câu chuyện về những trải nghiệm của quý vị trong bối cảnh của những biến chuyển lịch sử, xã hội, kinh tế, và chính trị. Cụ thể, chương trình muốn, thông qua những câu chuyện quý vị kể, ghi lại những ký ức liên quan đến những diễn biến lớn từ thế kỷ 20 cho đến nay, như chiến tranh chống Pháp, chiến tranh Việt Nam, di cư năm 1954, di tản 1975, vượt biên/biển, tù cải tạo, trại tỵ nạn, kinh tế mới, đổi mới, đời sống tỵ nạn, quan hệ giữa những thế hệ, v.v… Những câu chuyện của từng cá nhân là những mảnh đời được gom nhặt, rồi ghép lại thành bức tranh lịch sử để trao lại cho con cháu vì nhất định một ngày chúng sẽ khát khao được xem, được biết. Bức tranh ấy sẽ làm sáng tỏ hơn về một giai đoạn lịch sử còn nhiều khúc mắc hầu giúp người sau, trong đó có con cháu của quý vị, hiểu rõ hơn về lịch sử, xã hội, và con người Việt Nam và người Mỹ gốc Việt.
 
Để hiểu thêm hoặc tham gia vào chương trình Lịch Sử Truyền Khẩu của chúng tôi, xin quý vị liên lạc với tôi tại disanchientranhvietnam@ttu.edu.
 
Triều Giang: Trong cuộc phỏng vấn lần trước, anh có chia sẻ học ngành sử dù đạt đến mức cao nhất là Tiến sĩ để trở thành giáo sư Đại học hay những nhà nghiên cứu thì vấn đề vật chất vẫn không thể so sánh với các ngành khác, đặc biệt là các ngành về kỹ thuật, điều gì đã khiến anh chọn ngành này?  
 
Gs. Alex Thái Võ: Vâng, thực tế thì những ngành liên quan đến giáo dục đều có một sự chênh phô rất lớn so với các ngành khác. Tôi không so bì nhưng thực trạng thì nền giáo dục Hoa Kỳ đang có những sự lủng củng thành ra không chú tâm đến việc bù đắp chính đáng cho hàng ngũ giáo viên, dù là giáo viên tiểu học, trung học, hay đại học. Xin thưa, lương trung bình của một giáo viên ở Texas hoặc ở North Carolina là tầm 30,000-40,000 USD một năm, kể cả khi giáo viên đó có bằng cử nhân và thạc sĩ. Thời gian giáo viên dạy và lo cho lớp học là từ 10-12 tiếng một ngày, vì ngoài việc dạy thì còn phải chấm và soạn bài. Ở đại học cũng vậy, lương mỗi trường mỗi khác nhưng đa số lương của các giáo sư trẻ thì chỉ từ 40,000-60,000 USD một năm. Tuy vậy, chúng tôi, và riêng cá nhân tôi hiểu được điều này khi chọn theo đuổi ngành học của mình cũng như môi trường giảng dạy và nghiên cứu. Đa số chúng tôi quyết định vậy vì đam mê và trách nhiệm, hiểu rằng chúng tôi cần làm những việc đang làm để có thể nói và viết lên những điều trung thực về lịch sử và con người. Tôi rời công việc cũ với Bộ Quốc Phòng để nhận lấy một vị trí nghiên cứu ở Texas Tech và số lương thấp hơn tầm 30,000 USD vì đơn giản tôi thấy ở Texas Tech cho tôi cơ hội làm một việc mà tôi cho là rất ý nghĩa, đó là việc giúp tìm hài cốt người Việt mất tích trong chiến tranh. Một công việc mà tôi biết nếu không làm ngay trong khung thời gian ngắn của 3-5 năm tới thì chúng ta sẽ bỏ lỡ mất nhiều cơ hội để tìm hài cốt của những người đã mất.
 
Tóm lại, những người theo những ngành nghề như chính tôi đa số là vì sự đam mê và tấm lòng trách nhiệm với tiền nhân cũng như với những thế hệ mai sau. Thành thử chúng tôi cần lắm sự thấu hiểu và góp tay của quý vị trong việc duy trì và làm sáng tỏ lịch sử. Chúng tôi cần quý vị hãy tiếp tục ủng hộ con em quý vị quan tâm đến lịch sử và văn hóa của chính họ.
 
Triều Giang: Anh cũng đã nói đến mơ ước có thể thực hiện một thư viện/viện bảo tàng cho người Mỹ gốc Việt, mơ ước đó có còn trong anh hay không? Anh mong mỏi gì cho một công trình cần thiết cho cộng đồng người Mỹ gốc Viêt của chúng ta?
 
Gs. Alex Thái Võ: Vâng, đó có thể tạm gọi là ước mơ lớn của tôi. Đơn giản vì tôi thấy cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại nói chung và người Việt ở Mỹ nói riêng thiếu những trung tâm lưu trữ để gìn giữ và truyền bá lịch sử và văn hóa cho thế hệ sau. Sau biến cố 1975, lịch sử của VNCH và người Việt tỵ nạn hầu như bị xóa sổ và biến mất. Ở Việt Nam thì hầu như tất cả các di tích lịch sử và văn hóa liên quan đến giai đoạn lịch sử ấy đều bị xóa. Các tài liệu thì bị niêm phong và quản lý bởi nhà nước Việt Nam. Ở Hoa Kỳ thì tài liệu cũng nằm trong sự quản lý của nhà nước Mỹ và ở những các viện đại học, như Texas Tech, Cornell, và Berkeley. Nhưng chính ở các cộng đồng đông người Việt như Nam và Bắc California, Houston, Dallas, Washington D.C./Falls Church thì đều không có một thư viện, một viện bảo tàng, hay một trung tâm lưu trữ đúng nghĩa để gìn giữ lịch sử và văn hóa của người Việt. Có thể nói cộng đồng người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ đã định hình vị trí của mình trên mảnh đất Hoa Kỳ này. Trong thời gian dưới 50 năm, cộng đồng có những thành công nhất định về mặt kinh tế cũng như chính trị, nhưng về mặt duy trì lịch sử để từ đó nói lên tiếng nói của chính mình thì vẫn chưa. Thành thử việc thành lập một cơ sở gìn giữ lịch sử và văn hóa của người Việt là điều tất yếu, như Japanese American National Museum, World War II Japanese American Internment Museum mà người Nhật ở Mỹ đã làm, hay Korean American National Museum người Hàn đã làm, hoặc nhiều những Chinese American Museum người Hoa đã làm. Vì lý do đó tôi luôn ủng hộ các nỗ lực tạo dựng những cơ sở gìn giữ lịch sử và di sản người Việt như VAHF ở Texas hoặc Vietnamese Heritage Museum và Museum of the Republic of Vietnam ở California.
 
Tôi muốn các trung tâm đó không đơn giản chỉ là nơi thu thập và trưng bày sử vật, thêm vào đó, phải là nơi mọi người có thể tới và nghiên cứu, như khi giới học giả đến Trung Tâm Việt Nam ở Texas Tech, Thư Viện Đại học Cornell, hoặc Thư Viện và Trung Trâm Lưu Trữ Quốc Gia Hoa Kỳ. Khi có được những nơi như vầy thì người Việt ở Mỹ mới dần dần nói lên câu chuyện lịch sử của chính mình. Để thực hiện được ước mơ/dự án này thì điều cần thiết nhất là sự thấu hiểu và hỗ trợ của cộng đồng. Thấu hiểu tầm quan trọng của dự án và hỗ trợ về mặt tài chánh cũng như tài liệu. Về mặt tài liệu, tôi biết có rất nhiều cô chú bác và nhiều gia đình vẫn còn giữ những sử vật (như thư, nhật ký, hồi ký, học bạ, giấy thông hành, hồ sơ tỵ nạn, giấy ra trại, v.v…) từ thời trước năm 1975 và kể cả những sử vật của những năm tháng ở Hoa Kỳ. Việc tôi yêu cầu là thay vì quý vị một ngày nào đó và vì lý do nào đó sẻ vứt bỏ những sử liệu này thì hãy để lại cho chúng tôi giữ lại trong những trung tâm lưu trữ. Các sử liệu này sẽ là những bằng chứng lịch sử giúp những thế hệ sau hiểu thêm về lịch sử Việt Nam cũng như lịch sử và những trải nghiệm trên đất Mỹ.
 
Triều Giang: Được biết hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt sẽ cùng hợp tác với một số hội đoàn để tổ chức những cuộc Ra mắt sách và Thảo luận về cuốn sách giáo khoa sử của anh và các đồng tác giả cùng một lúc với cuốn sách khác do Gs. Tường Vũ và Gs. Nữ Anh Trần chủ biên, tựa đề: “BUILDING A REPUBLICAN NATION IN VIETNAM, 1920-1963” (Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963) tại một số thành phố Boston, Houston, Dallas, Atlanta, Washington DC, San Jose, anh sẽ có mặt tham dự các buổi thảo luận và giới thiệu sách trực tiếp với độc giả hay không? Theo anh thì vì sao độc giả cần phải mua cuốn sử này?
 
Gs. Alex Thái Võ: Vâng, tôi sẵn lòng đến tham dự và trao đổi thêm với quý đồng hương nếu tổ chức được những buổi ra mắt ở những địa điểm ấy. Tôi rất mong có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với quý đồng hương ở nhiều địa phương khác nhau hầu có thể trao đổi và học hỏi những trải nghiệm cũng như những mối quan tâm của quý đồng hương. Riêng về việc mua sách thì có nhiều lý do, nhưng cụ thể: 1) Như đã nói trên, hai tập sách này rất giá trị và có tầm quan trọng có thể ảnh hưởng đến các người Mỹ cũng như con cháu của những gia đình Việt hiểu về lịch sử và nguồn gốc của chính họ; 2) quý vị cứ mua và xem nó như món quà cho con cháu và rồi đến một ngày nào đó các bạn ấy sẽ đọc để tìm hiểu về chính họ; 3) Tuy là tác giả nhưng thực chất chúng tôi không có lời từ việc bán sách (đó là phần của nhà xuất bản), nhưng khi quý vị mua và ủng hộ thì nó cho nhà xuất bản biết là sách được quan tâm và vì vậy sẽ giúp mở đường cho việc xuất bản nhiều nghiên cứu tương tự trong tương lai. Để giúp chúng tôi và những anh chị em đi sau, quý vị ủng hộ qua việc mua sách về đọc và trao tặng cho con cháu.
 
Triều Giang: Xin anh cho biết nếu độc giả không tham dự các buổi ra mắt sách được mà họ muốm mua sách thì họ có thể mua ở đâu?

Gs. Alex Thái Võ: Quý vị có thể mua sách tại website của các nhà xuất bản sau, hoặc qua Amazon.
Building a Republican Nation in Vietnam, 1920-1963 [Xây Dựng Một Quốc Gia Cộng Hòa Tại Việt Nam, 1920-1963]:
 
https://uhpress.hawaii.e...ejGOvTKzkQhqEuEyKY9w1QQg
https://www.amazon.com/R...c-4777-9bc0-4513d670b6bc
 
Toward a Framework for Vietnamese American Studies: History, Community, and Memory [Hướng Tới Xây Dựng Ngành Học Người Mỹ Gốc Việt: Lịch Sử, Cộng Đồng, và Ký Ức]:
 
https://tupress.temple.e...CJptLKJoub4PrW2nP4JtNm6Q
https://www.amazon.com/g...d=ATVPDKIKX0DER&psc=
 
Triều Giang: Chân thành cám ơn Giáo sư đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn quan trọng này.

Triều Giang (Việt Báo)

Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.395 giây.