Ảnh minh họa: Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia USS Missouri (SSN 780) rời căn cứ Trân Châu Cảng-Hickam để đến hoạt động trong khu vực trách nhiệm của Hạm Đội 7, ngày 01/09/2021. AP - Amanda Gray
Tổng thống Joe Biden tiếp thủ tướng Anh và Úc ngày 13/03/2023 tại căn cứ hải quân ở San Diego, California, Hoa Kỳ, bàn về hợp tác quốc phòng và hợp đồng tầu ngầm nguyên tử với Canberra. Giai đoạn khủng hoảng ngoại giao với Pháp dường như đã qua vì ưu tiên chính hiện nay là củng cố liên minh để làm đối trọng với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Liên minh AUKUS, thành lập ngày 15/09/2021, giúp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với hai đồng minh thân cận nhất, bảo vệ lợi ích riêng của mỗi thành viên. Tuy nhiên, theo ông Charles Edel, phụ trách chương trình Úc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS tại Washington, khi trả lời đài RFI, liên minh còn gửi thông điệp đến Trung Quốc là “nước này không còn hoạt động trong một môi trường an ninh dễ dãi nữa”. Dù ban đầu AUKUS không nhắc đến tên Bắc Kinh “nhưng sức mạnh quân sự không ngừng trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như việc nước này sử dụng lực lượng một cách hiếu chiến từ 10 năm nay rõ ràng là lý do để giải thích (sự ra đời) liên minh này”.
Mối ảnh hưởng, cũng như sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực là mối đe dọa hàng đầu đối với Bắc Kinh. Do đó, từ hơn 10 năm nay, Trung Quốc nuôi hy vọng tạo vùng đệm kiểm soát vùng biển quanh chuỗi đảo thứ nhất ở Thái Bình Dương, từ Đài Loan, Nhật Bản đến Philippines. Thậm chí, theo ông Michael Green, giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Sydney, Bắc Kinh cũng muốn đẩy lùi Mỹ khỏi “chuỗi đảo thứ hai” kéo dài từ lãnh thổ Guam của Mỹ đến các đảo ở Thái Bình Dương. Việc Bắc Kinh xây dựng được quan hệ hợp tác an ninh, thương mại với 10 đảo quốc ở Thái Bình Dương khiến Úc, cũng như Hoa Kỳ lo ngại.
Ngoài lo ngại Bắc Kinh không ngừng phát triển đội tầu ngầm, chính quyền Canberra còn phải đối phó với việc tầu chiến Trung Quốc thường xuyên xâm nhập sâu hơn vào những vùng biển ở phía bắc Úc. Do đó, Canberra cần năng lực răn đe tương tự với trụ cột chính là tầu ngầm. Vì nhiệm vụ đầu tiên của các tầu ngầm là “đuổi những tầu ngầm khác. Nếu chúng can dự một cuộc xung đột thì phải đáp trả tương xứng”, theo giải thích với Reuters của ông Bates Gill, giám đốc Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Hội châu Á - Asia Society.
Canberra buộc phải hủy hợp đồng tầu ngầm quy ước với Pháp, dù bị Paris lên án “đâm sau lưng” để có được một đội tầu ngầm ưu việt hơn Trung Quốc, trong khi Mỹ đi trước Trung Quốc khoảng 15 năm trong lĩnh vực này. Tầu ngầm hạt nhân khó bị phát hiện, có thể di chuyển xa trong thời gian dài và có thể mang theo nhiều tên lửa hành trình tinh vi. Trong những năm 2030, Úc có thể sẽ có 5 tầu ngầm hạt nhân lớp Virginia. Hợp đồng trị giá từ 66 đến 112 tỉ đô la Mỹ cũng là dự án quân sự lớn chưa từng có cho thấy quyết tâm phòng thủ của Úc.
Có thể thấy dự án trong liên minh AUKUS đánh dấu sự thay đổi tham vọng của Úc và Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng củng cố, hiện đại hóa quân đội. Dự án cần nhiều thời gian để thực hiện nhưng ngay từ khoảng năm 2027, nhiều tầu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ được triển khai ở phía tây Úc, mở đường cho mong muốn của Washington đặt căn cứ tầu ngầm hạt nhân ở Úc.
Trung Quốc, cũng như tình hình an ninh nói chung, dường như đã làm “nguôi” cơn giận của Pháp khi bị “đâm sau lưng”. Phải chăng Paris thay đổi lập trường, củng cố liên minh với Mỹ vì đại cục ? Trả lời RFI ngày 13/03, ông Marc Bergman, giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), phân tích :
“Paris đã thổi phồng khủng hoảng AUKUS để được Washington chú ý. Nhưng suốt năm vừa qua, người ta thấy mối quan hệ giữa Pháp và Hoa Kỳ đã được tái kiến thiết. Điều này được giải thích một phần là do cuộc xâm lược Ukraina của Putin đã giúp thắt chặt mối quan hệ giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp về vấn đề an ninh.
Chúng ta thấy chuyến công du cấp Nhà nước đến Mỹ của ông Macron vào tháng 12/2022. Sau đó, phải nói là các quan chức Pháp không thực sự nhắc đến AUKUS. Theo tôi, đó là dấu hiệu Pháp đã nhận được những gì họ muốn sau cuộc khủng hoảng AUKUS này. Paris cũng thừa nhận ưu thế chiến lược của tầu ngầm hạt nhân so với tầu ngầm quy ước mà họ định cung cấp. Vì thế, hiện giờ quan hệ Mỹ-Pháp đã thực sự được tăng cường sau khi rơi xuống mức thấp nhất, có thể nói là từ thời chiến tranh Irak”.
Theo RFI