Hơn 300 người Việt biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Warsaw, Ba Lan, 12/3/2023.
Hơn 300 người biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Warsaw của Ba Lan hôm 12/3 để phản đối nạn lạm thu các loại phí và đòi viên đại sứ từ chức, bà Mạc Việt Hồng, một trong các điều phối viên của cuộc biểu tình cho VOA biết.
Kế hoạch biểu tình xuất hiện sau khi ông Nguyễn Thiện Dương, một kiều dân, đăng hai bài viết dài trong một diễn đàn trên mạng của cộng đồng người Việt ở Ba Lan vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3.
Ông kể rằng mình bị nhân viên Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan hạch sách, gây khó dễ khi làm giấy khai sinh và hộ chiếu cho con, rốt cuộc ông phải làm thủ tục qua con đường không chính thức với chi phí cao gấp nhiều lần so với mức luật định.
Ông Dương là người cha của hai con nhỏ, bản thân ông đang có bệnh rất nặng, chạy thận 3 lần/tuần. Câu chuyện của ông Dương bị viên chức tại Đại sứ quán Việt Nam đối xử tệ, thậm chí “đuổi ra”, đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan và khiến những búc xúc lâu nay của họ về các việc làm sai trái của đại sứ quán có dịp “nổ tung”, bà Mạc Việt Hồng nói với VOA.
Vẫn theo lời thuật lại của bà Hồng, ông Dương đã cùng vợ con vượt 200 km để đến tham gia biểu tình, dọc đường, ông Dương đã phải dừng 3 lần để nghỉ vì mệt.
Trong thời tiết gió lạnh của hôm 12/3, hơn 300 người sát cánh bên nhau cầm các biểu ngữ viết "Stop lạm thu lãnh sự", "Stop lạm thu phí", "Stop tham nhũng", "Hộ chiếu không phải là hàng hóa"... Họ cũng hô vang các khẩu hiệu phản đối đại sứ quán Việt Nam, bao gồm cả các câu “Đại sứ Nguyễn Hùng từ chức”, “Truy tố lãnh sự Quế”…, bà Hồng, người cũng là một nhà báo kỳ cựu có nhiều ảnh hưởng ở Ba Lan lẫn trên mạng xã hội, cho VOA biết thêm.
Ông Nguyễn Minh Quế là viên chức lãnh sự bị cáo buộc thường xuyên “hạnh họe”, “bắt chẹt” những người đến làm giấy tờ ở đại sứ quán, theo tìm hiểu của VOA.
“Việc lạm thu lãnh sự đã có từ lâu, ai cũng biết nhưng nhắm mắt làm ngơ, đâu đó thỉnh thoảng có người lên tiếng, nhưng rồi mọi sự lại nhanh chóng chìm vào quên lãng như đá ném xuống ao bèo”, bà Hồng nói với VOA.
Vì vậy, cuộc biểu tình vừa diễn ra chưa phải là cái đích cuối cùng của các kiều dân Việt ở Ba Lan, mà họ muốn đại sứ phải từ chức, viên chức lãnh sự có sai phạm phải bị truy tố, vẫn lời bà Hồng.
Bà cho biết tiếp theo đây, những người có bằng chứng sẽ gửi đơn thư tố cáo tới bộ Công an Việt Nam để xử lý tới cùng vụ việc, tránh trường hợp đã từng có tiền lệ ở Ba Lan là viên chức lãnh sự sau khi bị kỷ luật đã được điều đi làm đại sứ ở quốc gia khác.
“Cuộc biểu tình cũng hy vọng sẽ là nguồn cảm hứng cho bà con ở các quốc gia khác tranh đấu với tệ nạn lạm thu và cửa quyền của các cơ quan ngoại giao Việt Nam”, bà Hồng chia sẻ suy nghĩ với VOA.
Một số người Việt sống sát với thủ đô Washington của Mỹ nói với VOA rằng họ có biết thông tin về cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Warsaw thông qua mạng xã hội và cũng muốn tổ chức biểu tình tương tự trước cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Mỹ.
Một phụ nữ 50 tuổi không muốn nêu danh tính nói với VOA rằng bà dự định lập một trang trên mạng xã hội kêu gọi những ai ở Mỹ bị “bắt chẹt” tiền phí visa, hộ chiếu hãy cùng tập hợp lại và biểu tình, đòi Đại sứ quán Việt Nam công khai các loại phí.
“Hầu như người Việt hay gốc Việt ở Mỹ ai cũng đều bị lạm thu phí lãnh sự ít nhất một lần. Có lẽ không có nước nào mà các quy định lại kém công khai, minh bạch như Việt Nam, để các cơ quan đại diện ngoại giao lợi dụng mà ‘ăn tiền’ của kiều dân”, vẫn người phụ nữ giấu tên nói với VOA. Bà cho rằng Việt Nam cần phải đăng công khai các loại phí lãnh sự trên mạng.
Theo quan sát của VOA, nhiều người Việt sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng có những bất bình tương tự.
Nói thêm về cuộc biểu tình ở Warsaw, Ba Lan, nữ điều phối viên Mạc Việt Hồng cho hay sau khi câu chuyện của ông Nguyễn Thiện Dương gây chấn động và lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, Đại sứ quán Việt Nam đã có động thái “chữa cháy âm thầm” gồm “vỗ về”, “năn nỉ”, “xin lỗi”, “hứa đền bù thiệt hại”.
Bản thân bà Hồng, một điều phối viên của cuộc biểu tình, cũng đã nhận được rất nhiều cuộc gọi có tính chất như vậy.
Một động thái khác của phía nhà chức trách Việt Nam nhằm xoa dịu sự bức xúc và tháo ngòi nổ của cuộc biểu tình là việc họ cử một đoàn cán bộ cấp cao, do Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng đứng đầu, sang họp với đại sứ quán, đại diện cộng đồng và những bà con có bức xúc chỉ 1 ngày trước khi cuộc biểu tình diễn ra.
“Nhưng đây vẫn không phải là cuộc gặp mở, mà chỉ giới hạn hẹp một số người có đăng ký trước và không quá 25 người. Về phía bà con chỉ có chừng hơn 10 người và không phải ai trong số đó cũng là những người bị hại”, bà Hồng kể lại.
Kết quả cuộc họp được công bố chiều tối 11/3 cho thấy viên chức lãnh sự Nguyễn Minh Quế sẽ phải về nước “để giải trình”, công tác lãnh sự sẽ được “cải cách”, trong đó có việc sẽ tăng giờ làm việc, cho phép gửi hồ sơ qua bưu điện, đặt chỗ qua mạng, cung cấp hóa đơn theo chuẩn của Bộ Tài chính, v.v...
Nhưng những gì phía nhà chức trách làm bị xem là quá ít, quá muộn vì ông Dương và cộng đồng kiều dân Việt ở Ba Lan đòi hỏi là phải có giải pháp cầu thị, công khai và cụ thể, không phải là những “hoạt động bí mật” theo kiểu mua chuộc nhân chứng và những lời hứa hẹn không đi kèm kế hoạch hành động rõ ràng, bà Hồng nói với VOA.
VOA cố gắng liên lạc với cán bộ phụ trách bộ phận lãnh sự tại Đại sứ quán Việt Nam để tìm hiểu phản ứng của họ nhưng họ dập máy ngay sau khi nghe câu hỏi.
Theo VOA