1
Không biết có phải do được học tập và làm việc trong môi trường lập trình điện toán nên tôi cứ nghĩ rằng mọi việc xảy ra trên thế gian này đều được an bài qua việc lập trình sẵn. Có người cho rằng sự lập trình sẵn này là định mệnh, là do ông trời sắp đặt hay do thượng đế an bài. Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận với giáo lý nhà Phật, tôi cho rằng không ai lập trình sẵn cho cuộc đời mình, tất cả đều do nhân duyên. Từ vũ trụ bao la, sơn hà đại địa cho đến cát bụi nguyên tử; từ các hiện tượng tự nhiên cho đến những hiện tượng xã hội… tất cả đều do nhân duyên mà sinh khởi và đoạn diệt. Chuyện tình của tôi với người con gái Huế cũng vậy, cũng do nhân duyên sanh khởi, khi sự việc đủ duyên thì phát sanh.
Hồi đó, tôi đang làm việc ở Sài Gòn, trên lầu bảy một cao ốc có gắn máy điều hòa không khí, tọa lạc ở số 7 đường Hồng Thập Tự, tự nhiên muốn đi xa Sài Gòn, nên tình nguyện đổi ra Quy Nhơn, một tỉnh miền duyên hải Trung Phần, làm việc. Nàng là nữ sinh Đồng Khánh, cũng tự nhiên cùng người bạn thân là Minh Quyết rủ nhau vào Quy Nhơn theo học nghề làm cô giáo tại trường Sư Phạm Quy Nhơn. Thế là chúng tôi có duyên gặp gỡ nhau. Từ hai phương trời xa, kẻ ở Sài Gòn người ở Huế, không hẹn mà gặp nhau tại một thành phố ven biển miền Trung thơ mộng. Nàng cũng là một nữ Phật tử thuần thành, xuất xứ từ gia đình Phật tử Oanh Vũ Từ Đàm và tôi cũng từng là sinh viên Phật tử đấu tranh thời kỳ năm 1963 ở Sài gòn. Chúng tôi có cùng một nền tảng tâm linh theo đạo Phật, có tính thương người yêu vật, thích ăn chay và nhiều sở thích, yêu thơ, yêu nhạc, yêu nét đẹp thiên nhiên.
Ở Quy Nhơn những ngày cuối tuần nàng nghỉ học, tôi đưa nàng đi thăm viếng các di tích lịch sử Chămpa như Tháp Đôi, ngay cửa ngõ vào thành phố và tháp Cánh Tiên trong quần thể di tích kinh đô Đồ Bàn xưa; thăm chùa Long Khánh ngay trong phố thị, chùa Nguyên Thiều ở Tuy Phước, chùa Thập Tháp Di Đà ở An Nhơn. Đi Cù Lao Xanh ở ngoài khơi xa đất liền và Ghềnh Ráng ở gần cũng như mộ Hàn Mặc Tử bên hàng phi lao gió mát ở Quy Hòa.
Những cuộc hẹn hò ngắm biển khi hoàng hôn buống xuống, ngắm ánh trăng rơi lung linh trên sóng nước, những mùa trăng, những ngày trời nắng và những chiều mưa cứ chập chùng. Chúng tôi đã quen nhau, đã đến với nhau và tình yêu đã len lỏi vào tâm hồn chúng tôi từ lúc nào không hay. Bạn bè xung quanh ca ngợi mối tình của chúng tôi là mối tình thánh hóa, yêu nhau bằng tâm hồn thanh cao, bằng ánh mắt và sự đồng cảm xẻ chia.
Thế rồi những bảy ngày đợi mong, những mùa trăng ven biển, những cơn mưa chiều kỷ niệm qua đi, rồi mùa Hạ về, nàng trở về Huế với gia đình. Thành phố Quy Nhơn trở nên vắng lặng. Con đường Gia Long dài hun hút xuyên qua phố thị vắng bóng nàng và những tà áo dài trắng thướt tha của những người con gái Sư phạm và nữ sinh Cường Để vào những ngày cuối tuần. Và rồi những cơn mưa chiều miền Trung cũng thưa dần...
Vào giữa hè năm ấy tôi bay ra Huế thăm nàng, thế là tay lại trong tay trên hè phố Nam Giao, trên cầu Trường Tiền, phố chợ Đông Ba. Nàng và Minh Quyết đưa tôi đi ăn các món ăn ngon xứ Huế, nào là bún bò Mụ Rớt, bánh bèo Thiên Mụ, cơm âm phủ Thượng Tứ rồi đi thăm các ngôi chùa cổ xưa, thăm lăng tẩm và hoàng thành. Đến thăm chùa Từ Đàm, được nàng giới thiệu cây bồ đề rợp bóng mát trước sân chùa, cây lộc vừng hoa đỏ phía sau chùa, đến từng góc cây, bờ đá, nơi sinh hoạt Gia đình Phật tử năm xưa của nàng; thăm trường Đồng Khánh, nơi ấp ủ những giấc mơ làm cô giáo đứng trên bục giảng; thăm chùa Thiên Mụ bên dòng Hương giang thơ mộng, nơi mà hai năm sau đó chúng tôi tổ chức đám cưới dưới sự chủ lễ của Hòa thượng Thích Đôn Hậu.
2
Cuộc chiến tranh Việt Nam càng ngày càng trở nên khốc liệt, khói lửa lan tràn khắp nơi, từ nông thôn về thành thị. Tôi bị động viên, phải nhập ngũ khóa 25 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức rồi sau ba tháng huấn nhục và học quân sự rồi học thêm sáu tháng chuyên ngành cầu đường đất cát tại trường Công Binh Bình Dương. Thế là chúng tôi phải xa nhau với những tháng ngày dài nhung nhớ. Tôi còn nhớ có một lần nhớ nàng quá, trong lúc được hưởng phép đặc biệt 3 ngày cuối tuần vì có một bài thơ do tôi ngẫu hứng sáng tác được tuyển chọn đăng trong tập san Chiến Sĩ của quân đội, nên tôi bay ra Quy Nhơn thăm nàng. Chỉ với một thoáng ba ngày nhưng là thiên thu bất tận. Và một thời gian sau đó nàng bay vào Sài Gòn lên tận quân trường Thủ Đức trên đồi Tăng Nhân Phú thăm tôi. Thật đẹp và sung sướng làm sao. Mối tình xa trong thời chinh chiến tưởng như xa nhưng lại gần, vô cùng diễm tuyệt và nên thơ.
Thời gian qua mau, nàng tốt nghiệp sư phạm, được bổ dụng dạy học tại thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín. Tôi ra trường Công binh Bình Dương với điểm tổng kết thi tốt nghiệp cao, nằm trong danh sách 10 người đầu, nên được ưu tiên tự chọn nhiệm sở ngay tại cục Công Binh ở quận 10 Sài Gòn trước các bạn cùng khóa. Tôi dành hai tuần phép sau khi ra trường làm đám cưới với nàng, tổ chức tại Huế và Sài gòn cùng một tuần trăng mật tại Đà Lạt. Tưởng cũng nên mở ngoặc nơi đây là quá trình thiết kế và tổ chức đám cưới của chúng tôi đều được anh Lâm kế tôi ở Sài Gòn phối hợp cùng với chị Loan, chị kế của nàng ở Huế thay mặt hai họ đứng ra tổ chức. Xin cảm ơn anh Lâm và chị Loan dù nay chị nay đã quá vãng.
Sau một năm dạy học, nàng được đổi vào Sài Gòn đoàn tụ cùng tôi và cuộc sống lứa đôi bắt đầu, thật hạnh phúc đầm ấm biết bao trong khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn khốc liệt trên quê hương. Mối tình trong thời chinh chiến đã thăng hoa. Đứa con đầu lòng đã ra đời. Xin cảm ơn những duyên lành nghiệp tốt của chúng tôi đã cho chúng tôi gặp nhau, đã tìm được những chân tình trong khói lửa chiến tranh. Nàng vẫn đi dạy học và tôi vẫn đưa đón nàng đến trường mỗi ngày.
Những tưởng hạnh phúc đầm ấm bên nhau sẽ trường tồn bất diệt, sẽ không bao giờ đứt đoạn chia lìa và đất nước sẽ thôi chiến tranh, người dân sẽ sống trong thanh bình, nhà nhà hạnh phúc. Thế mà, vào buổi sớm mai ngày 29 tháng 4 năm 1975, không biết vì quá sợ hãi cộng sản đang tiến vào Sài Gòn hay do gió nghiệp đưa đẩy, tôi đã lặng lẽ theo bạn ra đi biền biệt không một lời từ giã, một nụ hôn tiễn biệt trong không khí hỗn loạn của thành phố sắp đổi chủ. Nàng ở lại một mình cô đơn nuôi bốn đứa con nhỏ mà đứa con út chưa tròn một tuổi. Nàng lại còn mẹ già và đứa em út. Biết làm sao để sống những tháng ngày còn lại! Tôi cứ mãi vấn vương đến day dứt tự hỏi.
Sau này, theo nàng kể những tháng ngày sau đó là quãng thời gian dài đằng đẵng ôm con ngóng tin chồng, sống cuộc đời phòng không chiếc bóng khi tóc hãy còn xanh. Ngay cả khi nghe tin con tầu Việt Nam Thương Tín mang theo người lỡ bước ra đi trở về, nàng cũng bồi hồi theo dõi ngóng trông nhưng trong lòng lại nghĩ ngược lại mong đừng có anh trên đó. Nàng kể lại trong tập hồi ký người ở lại:
“Những ngày vắng anh, em thẫn thờ như người không hồn đạp xe đạp đi khắp thành phố như tìm kiếm anh, như tìm kiếm những dấu chân kỷ niệm. Mất anh rồi, xa anh rồi, em phải sống làm sao đây. Lòng em rối bời buồn bã nhưng lại tự nhủ phải can đảm đứng lên, phải đi tới, không được gục ngã. Em cũng thầm nghĩ như để tự an ủi, anh ra đi là phải. Nếu anh ở lại cũng chắc gì em được ở bên anh vì trại tù cải tạo luôn rập rình chờ đón anh về.”
“Cũng còn may, ông trời vẫn công bằng không để em mất hết tất cả. Em vẫn được tiếp tục đi dạy học lại và được vào biên chế nhà nước ngay những tháng đầu, do được bà hiệu trưởng người miền Bắc vào tiếp quản ưu ái, đồng nghiệp giúp đỡ và nhất là còn có mẹ già ở nhà trông nom các cháu. Cả nhà dù có cực nhọc, dù có ăn cơm độn khoai, nhà dột hay nóng hầm vào những ngày nắng nóng nhưng vẫn không đến nỗi đói khổ, nhất là không bị cưỡng bách đi vùng kinh tế mới, và đặc biệt là vẫn còn hy vọng gặp lại anh mai sau này.”
Nàng sống một mình mòn mỏi trông chồng nuôi con với sự an ủi, trợ giúp của mẹ già và đứa em trai. Ở bên này bờ đại dương, tôi nhớ về nàng và xem nàng như biểu tượng “Vọng Phu” một biểu tượng đẹp của nền văn hóa, về sự thủy chung của người phụ nữ Việt Nam chờ chồng nuôi con. Cảm ơn em đã chờ anh, đã bên anh qua bao thăng trầm của đất nước chiến tranh và tiếp tục sống tiếp trọn đời với anh. Cũng xin cám ơn đấng sinh thành ra nàng, do đã tin tưởng trao gửi cho cô con gái yêu quý của ông bà, đã hết lòng săn sóc các cháu ngoại khi nàng phải đi dạy học hàng ngày và tôi biền biệt nơi xa.
3
Thời gian lặng lẽ qua đi. Chỉ hơn một tháng sau ngày tôi ra đi, nàng nhận được tin tôi ở Mỹ bình an qua Vân, em Nhã ở Sarcelles, ngoại ô thành phố Paris và những tháng ngày sau đó là những lá tình thư được viết tiếp và gửi đi từ Việt Nam qua Pháp rồi từ Pháp gửi qua Mỹ như những dòng nhật ký của nàng kể về quãng thời gian xa cách:
Ngày 29 tháng 4 năm 1975
Sáng nay, anh đi rồi, trời Sài Gòn không nắng lắm, khu cư xá Thanh Đa vẫn im lìm như đón chờ những cơn mưa mùa Hạ. Em thẫn thờ ôm thằng con út vào lòng vào trong nhà mà không biết phải làm gì. Cả bầu trời trong em như xụp đổ. Thôi hết rồi anh ơi! Anh đi rồi làm sao em sống đây! Các con bơ vơ, em bơ vơ! Còn đâu bờ vai anh che chở, còn đâu những giây phút mặn nồng, những đưa đón cổng trường, còn đâu những ngày trời nắng, những ngày trời mưa bên nhau. Không lẽ duyên phận chúng ta đã không còn.
Buổi sáng qua đi, buổi chiều đến thật chậm. Em nghe nhiều tiếng nổ lớn, như đạn súng cối, từ phía cầu Tân Cảng và từ phía Dinh Độc Lập, tiếp theo là những tiếng súng đủ loại. Chắc là các cánh quân cộng sản đang đụng độ với quân đội VNCH. Họ đang tiến vào Sài Gòn.
Anh biết không, từ lúc anh ra đi, suốt ngày em dán mắt vào chiếc tivi và dán tai vào chiếc radio để theo dõi tình hình cũng như để nghe ngóng tin anh. Càng về chiều tối càng nghe nhiều tiếng súng và trên trời máy bay trực thăng bay vần vũ đưa người di tản ra ngoài khơi, không biết anh và anh Tiêng có trên đó không. Hy vọng là hai anh đã bay xa, nhưng trong lòng em lại có hy vọng rằng biết đâu ngày mai anh sẽ trở về bên em.
Suốt đêm 29 em không thể nào ngủ được. Đêm nay là đêm cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, em nghĩ thế và những người ở lại như em sẽ không thể nào quên nổi cái đêm hôm ấy là đêm gì, đêm bơ vơ không ngủ, đêm sợ hãi lo lắng, một cái đêm mà thời gian như dài vô tận.
Đêm đó Sài Gòn chìm trong bóng đêm, toàn thành phố đều bị cúp điện, đài phát thanh và truyền hình tắt hình tắt tiếng. Đúng rồi, trưởng sở điều hành nhà máy nhiệt điện Thủ Đức là anh Hóa, phải rồi là anh Nguyễn Văn Hóa mà anh thỉnh thoảng có nhắc đến và người trợ lý là anh cùng với anh Tiêng trưởng ca nhà máy đã bỏ đi rồi. Chắc là cộng quân đã dễ dàng chiếm được toàn bộ cơ sở phát điện và chiếm quyền điều hành.
Đêm Sài gòn mờ trong ánh lửa bập bùng từ phía kho xăng nhà bè, từ phía phi trường và phía tòa đại sứ. Nhưng trên trời cao, trong cái khoảnh không gian bao quanh Sài Gòn, lúc đó lại được soi sáng mờ mờ ảo ảo bằng đủ các loại đèn của máy bay trực thăng và ánh hỏa châu thỉnh thoảng lóe lên, cho tới rạng sáng ngày 30-4-1975 mới dứt.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975:
Anh ơi! cả đêm qua em không ngủ được vì nhớ anh, vì nghe tiếng súng nổ, tiếng bom rơi ở phía phi trường. Cả bốn đứa con đều ngủ chung một giường với nhau. Nhìn chúng ngủ một cách vô tư mà lòng em buồn vời vợi. Chúng không biết cha chúng đã ra đi biền biệt không trở lại.
Trời về khuya, bên ngoài kia, không xa cư xá Thanh Đa, em nghe tiếng vọng về của từng đoàn xe tăng Bắc quân chạy rầm rập đến rợn người tiến vào thành phố hòa lẫn với tiếng súng bắn lẻ tẻ ở phía cầu xa lộ Biên Hòa, phía ngã tư Hàng Sanh. Em cố dỗ giấc ngủ nhưng không thể nào nhắm mắt được, đêm nay là đêm cuối cùng của thành phố. Trong giờ phút này, hình như tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng nhất trong trái tim của em. Em nghĩ đến anh rồi nghĩ đến má và thằng em trai út của em đang sống trong căn nhà của chúng mình trong khu cư xá quân sự. Em nghĩ đến chị Loan, em Thu cùng anh Kiêu đang cùng đồng bào Huế tháo chạy khỏi cố đô thân yêu của em bằng đường bộ đến Đà Nẵng rồi Nha Trang, theo dòng người tản cư di chuyển về Sài Gòn. Không biết bây giờ chị Loan anh Kiêu đang ở đâu? Sống chết ra sao? Đói no thế nào? Em nghĩ là vài ngày nữa em sẽ trở về nhà chính của mình, nơi có má và cậu em trai đang ngóng chờ mong.
Điện đã có trở lại vào buổi sáng, bất ngờ trên đài phát thanh Sài Gòn nổi lên bản nhạc Exodus quen thuộc rồi sau đó lại im lặng, rồi lại có tiếng xướng ngôn viên nghe xa lạ, đọc nhật lệnh của chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa, yêu cầu các đơn vị quân đội giữ nguyên vị trí chờ lệnh mới. Đến khoảng trưa thì chương trình ca nhạc của Đài Phát thanh Sài Gòn gần như im bặt trong khoảng thời gian ngắn. Rồi bất thình lình nổi lên bài "Nối vòng tay lớn" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng với giọng xướng ngôn viên giọng người miền Bắc loan báo Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Mãi cho đến gần 13 giờ thì có lệnh của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tướng Dương Văn Minh đã cứu Sài Gòn thoát khỏi cuộc tắm máu.
Anh ơi! Sài gòn đã chính thức thất thủ, bây giờ anh đang ở đâu, đang bay trên trời hay bồng bềnh trên biển. Thế là anh, anh Tiêng và các đồng đội của anh đã bỏ chạy, các anh đã tự đầu hàng trước khi quân địch đến. Các anh đã không giữ nhà, giữ nước, đã bỏ súng, bỏ đạn, đã bỏ vợ bỏ con. Các anh không phải là những kẻ sĩ mà là những kẻ hèn. Các anh đã chọn lựa ra đi mà mãi về sau này em mới hiểu ra rằng sự lựa chọn của anh và anh Tiêng là đúng. Các anh ở lại để chiến đấu, mà chiến đấu làm sao được khi cả nước đã tan hàng, khi các tướng tá và các cấp lãnh đạo đã bỏ chạy, đã bỏ của chạy lấy người và nhất là khi đồng minh Hoa Kỳ của mình đã tháo chạy!
Ngày 5 tháng 5 năm 1975
Anh ơi! Thành phố đã chính thức đổi tên, đổi chủ, tên Sài Gòn thân thương đã không còn nữa và đêm đêm Sài Gòn không còn nghe tiếng súng. Qua đài phát thanh, hôm nay Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn đã ban hành “Mệnh lệnh số 1” về việc ra trình diện, đăng ký và nộp vũ khí của sĩ quan, binh lính, cảnh sát, và nhân viên “ngụy quyền”. Nhân viên công chức làm việc tại nhiệm sở nào trình diện và đăng ký tại nhiệm sở nấy. Ai ai cũng lo sợ. Em không hiểu chữ đăng ký là gì, có lẽ là chữ miền Bắc.
Hôm nay em phải về trường trình diện để ban giám hiệu mới kiểm điểm ai còn ai mất, ai đi ai ở. Gặp lại các đồng nghiệp, tuy tay bắt mặt mừng nhưng hình như trong lòng vẫn có một chút e dè vì đất nước sau khi đổi chủ, không biết bạn mình là phe ta hay phe địch. Minh Quyết có chồng cũng làm ở Điện Lực, người bạn thân nhất của em từ thưở học ở Đồng Khánh và cũng là đồng nghiệp của em đã nói với em, rằng trên sở làm của anh nói anh đã đi Mỹ cùng với cô Phụng thư ký của anh. Em không nói gì vì biết rõ như ban ngày anh đã đi cùng với anh Tiêng ngay trước mặt em vào buổi sớm mai ngày 29 tháng 4.
Ngày 15 tháng 5 năm 1975
Sáng hôm nay chính quyền mới, Ủy ban Quân quản thành phố đã tổ chức mít tinh trước thềm dinh Độc lập, kéo dài ra đại lộ Thống Nhất, em thấy người ta rộn ràng ăn mừng chiến thắng với đầy đủ thành phần bộ đội, quân cán chính từ miền Bắc vào và từ trong rừng ra, có cả xe tăng thiết giáp và có cả sư áo vàng lẫn cha áo đen, có cả kiều nữ Kim Cương. Riêng em, lòng buồn vời vợi nhưng vẫn phải cố gắng đứng dậy. Đài phát thanh tường thuật có hơn 50 vạn đồng bào Thành phố Sài Gòn - Gia Định đến tham gia và dự lễ mít tinh diễn binh, diễn hành tại quảng trường trước Dinh Độc Lập
Hôm nay, em đã đưa các con trở về căn nhà cũ của mình ở cùng với má và em trai.
Ngày 23 tháng 5 năm 1975
Anh ơi! báo một tin buồn với anh là một trong những công việc đầu tiên của chính sách văn hóa giáo dục của chính quyền mới là hủy tất cả các ấn phẩm, sách vở báo chí của chính quyền cũ, kể cả các bản dịch tác phẩm của học giả Lê Quí Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyển Du; tự điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Họ ra lệnh toàn dân miền Nam phải thu nộp tất cả các sách vở, báo chí, phim ảnh, tài liệu in ấn trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Họ đã rập khuôn theo Tần Thủy Hoàng, theo Mao Trạch Đông trong chính sách ngu dân là đốt sách, đốt sạch sành sanh mọi thứ ấn phẩm văn hóa giáo dục miền Nam mình! Thật buồn và thương cho dân Việt Nam!
Để khai triển chính sách đốt sách, sáng hôm nay tại trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn cũ số 4 đường Duy Tân mà bây giờ là trụ sở của cái gọi là “Lực lượng Thanh niên Vệ binh” thành phố mà đa số là thanh thiếu niên đã có cuộc biểu tình hưởng ứng chiến dịch. Sau cuộc tập hợp la hét, họ tuần hành trên đường phố Tự Do, đi tịch thu sách báo mà ba phố chính là Tự Do, Nguyễn Huệ và Lê Lợi. Chúng càn quét tất các nhà sách nằm trên các con đường đó trước, mà nhà sách đầu tiên là Xuân Thu trong khu cư xá Eden rồi đến Khai Trí. Sau đó chúng chia nhau thành từng nhóm, xông vào những nhà mà chúng có trong danh sách nghi ngờ, lục lạo rồi tịch thu. Chúng lục soát tận tình, chúng đánh trống, chúng hát hò như một cuộc ra quân của một đoàn quân chiến thắng. Gia đình nào cũng sợ hãi cái quang cảnh đó. Chính quyền mới đang tạo ra một bầu không khí sợ hãi cho toàn dân.
Anh ơi! Chính quyền mới đang tạo ra một thứ văn hóa mới trong lòng dân, một thứ văn hóa nhuốm đầy sợ hãi, sợ bóng, sợ gió. Bây giờ hễ làm việc gì, nói điều gì, hay phát biểu điều gì cũng phải nhìn trước, dòm sau, uốn lưỡi nhiều lần mới dám nói. Trước đây khi còn trẻ, người ta sợ bóng đêm, sợ bóng ma, sợ người chết, nay người ta bắt đầu sợ người sống, sợ mấy cậu thiếu niên tay đeo băng đỏ, sợ cả mấy đứa con nít nghịch ngợm ngoài đường.
Những ngày tiếp theo, nhóm thanh niên vệ binh tay đeo băng đỏ tiếp tục đạp xe ba gác với loa phóng thanh cầm tay, mang súng AK đi từng ngõ, từng nhà, thu gom sách vở tài liệu của mỗi nhà. Nhà em cũng không ngoại lệ, bao sách quý, tiểu thuyết hay, bao tạp chí Văn, Bách Khoa, Tư Tưởng và sách học làm người, em giao cho họ hết, riêng chồng thư anh viết gửi cho em và hình ảnh của em và của anh trong suốt cuộc chiến em đã nâng niu cất giữ, em đã tự tay châm lửa đốt ở ngoài sân, bên gốc cây táo Thái anh trồng, ngay trước mắt họ. Nhìn những lá thư tình mầu pelure xanh của anh và của em được đóng thành một tập sách đi vào lửa y như hóa vàng mà lòng em xót xa nhớ thương, không nhẽ họ bắt đốt cả tình yêu của chúng mình sao! Không bao giờ anh ơi. Đốt những lá tình thư, nhưng không thể nào đốt được tình em với anh, không thể nào đốt như là lễ hóa vàng tiễn đưa anh về bên kia thế giới được, anh vẫn còn sống, anh vẫn bất diệt trong lòng em dù các lá tình thư đã hóa vàng, đã bay theo gió.
Ngày 12 tháng 6 năm 1975
Đài phát thanh Sài Gòn loan báo tất cả những nhân viên, sĩ quan “ngụy quân ngụy quyền” trong chế độ cũ phải trình diện đăng ký đi học tập vào ngày mai và chỉ được mang theo ít quần áo mặc thay đổi và phải mang theo ít tiền để trả tiền ăn trong một tháng. Em thuộc diện giáo chức được chỉ định phải tham dự các khóa học tập ngắn ngày tại trường Trinh Nữ Vương, nhà thờ Tân Định trong thời gian liên tiếp ba tuần lễ học tập về chủ nghĩa Mác Lênin. Hình như toàn miền Nam phải đi học tập. Em nghĩ nếu anh ở lại chắc chắn anh cũng phải đi học tập rồi đi tù cải tạo vì anh là sĩ quan biệt phái. Họ cho rằng, qua lời cậu Quảng em của Ba em ngoài Bắc vào thăm, là “các sĩ quan trong quân đội mà biệt phái làm việc tại các cơ quan dân sự đều có nhiệm vụ đặc biệt, là CIA hết.”
Những ngày tháng năm sau...
Anh ơi, các trường đại học cũng mở cửa lại. Tất cả hiệu trưởng trường học từ cấp tiểu học đến đại học đều là người từ ngoài Bắc vào nắm giữ. Bà hiệu trưởng trường em chỉ mới học xong lớp 9+2, không hiểu sao bà lại có duyên với em, tốt bụng với em, đề bạt em vào biên chế ngay và lại cử em đi học khóa chính trị đặc biệt: triết học marxist rồi cử em đi dạy mẫu.
Một thời gian sau em được sở giáo dục thành phố ra quyết định bổ nhiệm em dạy môn Văn cấp 2 tại trường trung học cơ sở Phan Đình Phùng, đường Phan Đình Phùng. Các đồng nghiệp của em ngỡ ngàng vì muốn được bổ nhiệm dạy môn Văn và Sử phải là người của đảng, phải là “Hồng hơn Chuyên”. Em cũng vui vì một tuần chỉ lên lớp 15 tiếng cộng thêm 3 tiếng chủ nhiệm nên em có nhiều thì giờ lo cho các con và mẹ già.
Em cũng kể thêm anh nghe, rất nhiều đồng nghiệp của em vô cùng ngạc nhiên khi thấy em thuyết giảng về chủ thuyết mácxít-lêninít trong lớp học kiểu mẫu, em thuyết trôi chảy như mới vừa tốt nghiệp trường đảng. Em như người đóng kịch giỏi, từ lời nói đến cử chỉ đều như lạc quan, đều như tích cực. Đứng trên bục giảng, tay trái cầm phấn hồng, tay phải cầm phấn trắng nói thao thao bất tuyệt trước số đông học sinh và các thầy cô giáo của các trường trong thành phố đến tham dự lớp học kiểu mẫu, nhưng họ đâu biết rằng em đang đóng kịch giỏi, bề ngoài thì như vậy nhưng trong lòng em thì ghét cay ghét đắng về chính sách ngu dân tiêu diệt văn hóa vừa qua của họ và trong tâm em thì đang mơ về một cuộc sống ở một nơi khác có không khí tự do, mơ ngày về bên anh ở bên kia bờ đại dương…
Ngày hôm qua em đã nhận được thư từ Bangkok. Một tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Thế là em và con sẽ qua với anh một ngày không xa. Mình đã xa nhau năm năm rồi anh ơi. Hãy chờ em nhe anh.
Những ngày tháng năm sau nữa...
Thời gian như chậm quá anh ơi. Anh chờ em, còn em chờ giấy tờ, hết giấy tờ này đến giấy tờ nọ. Suốt ngày lên chờ chực ở bệnh viện Chợ Rẫy khám sức khỏe rồi Sở Ngoại Kiều đường Nguyễn Du. Chờ anh đã sáu năm rồi, thêm một vài ngày, một vài tháng nữa có sá gì đâu anh nhỉ…
Anh ơi! Hôm nay nhận được tin vui. Em đã nhận được giấy xuất cảnh. Cả nhà vỡ òa lên vì sung sướng. Cũng phải kể thêm với anh, khi em nộp đơn xin thôi việc, bà hiệu trưởng đã đến tận nhà thăm em, thuyết phục em đừng đi Mỹ, nên ở lại. Bà ngồi nói chuyện lâu lắm, có sự hiện diện của má nữa. Bà nói biết đâu chồng em đã có người khác, xã hội Mỹ nó khác với mình lắm, nó không có tình người, nó chỉ yêu đời sống vật chất... Sau cùng, thấy không thể nào thuyết phục được em, bà nói “nếu mai sau này em có trở ngại gì mà trở về lại Việt Nam thì bà cũng sẽ sẵn sàng đề nghị em đi dạy học trở lại.” Dầu sao cũng xin cảm ơn chị. Chị đã hết lòng tử tế với em, tử tế từ những ngày đầu tiên gặp chị đến tận ngày em sắp rời Việt Nam.
*
Không ngờ chiến tranh đã qua, không còn tiếng súng, đất nước đã thống nhất, nhà nhà đoàn tụ nhưng mối tình thời chinh chiến của chúng tôi vẫn kéo dài thêm sáu năm chia cách. Không chỉ chia cách bởi một dòng sông, người đứng bên này sông, kẻ đứng ở bên kia sông mà là cách xa nhau nửa quả địa cầu với thời gian dài sáu năm nhưng dài lâu như vô tận. Cánh bèo tưởng là đã tan, tình đã ra xa nhưng nay lại đến gần, mây tan rồi bèo hợp. Duyên chưa tận nên nay duyên vẫn còn. Duyên đến rồi duyên đi. Khi còn duyên thì hợp, khi hết duyên thì tan. Phải chăng đó là lẽ lẽ vô thường.
Hòa Nguyễn