Nhà phê bình Đặng Tiến là người đầu tiên của Việt Nam giới thiệu thi pháp của Roman Jakobson với loạt bài về thơ và thi pháp của Roman Jakobson đăng vào năm 1973 trên tạp chí Văn của Nguyễn Đình Vượng.
Năm ấy, sau khi đọc những bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến về thi pháp của Roman Jakobson, tôi đã vào thư viện Trung Tâm Văn Hóa Pháp ở Sài Gòn mượn đọc cuốn “Questions de poétique” của Roman Jakobson, rồi sau Tháng Tư năm 1975, trao đổi với một giáo sư đại học hai cuốn sách về Tư Mã Thiên để lấy bốn cuốn sách của Roman Jakobson.
Nhà phê bình Đặng Tiến. (Hình: Facebook Đặng Tiến)
Mấy năm nay tôi hay đăng bài về Roman Jakobson và anh Đặng Tiến vì trong tâm tưởng tôi, hai cái tên Jakobson và Đặng Tiến gắn liền với nhau, là hai người viết về thơ hay nhất. Một người bạn mới cho hay anh Đặng Tiến phải nhập viện để chữa bệnh từ mấy tuần nay và mới vừa từ trần sáng nay (Thứ Hai 17 Tháng Tư, 2023). Độc giả của anh 50 năm về trước xin vĩnh biệt anh và xin chia buồn với gia đình anh.
Roman Jakobson (1896-1982) sinh ngày 10 Tháng 10 năm 1896 tại Nga trong một gia đình gốc Do Thái khá giả, ngay từ nhỏ đã bị mê hoặc bởi ngôn ngữ và khi còn là sinh viên ở Trường Đại Học Moscow đã là thủ lĩnh của trường phái ngôn ngữ học Moscow (Moscow Linguistic Circle), một trong hai trào lưu làm thành Chủ Nghĩa Hình Thức của Nga (Russian Formalism) đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong thơ và nghệ thuật tiên phong ở Moscow. Các tác phẩm nghiên cứu đầu tay của ông là nghiên cứu về ngôn ngữ học cấu trúc, nêu rõ mục tiêu của ngôn ngữ học lịch sử không phải là những thay đổi riêng lẻ bên trong một hệ thống mà là thay đổi của hệ thống.
Năm 1920, sau khi tốt nghiệp cử nhân, ông được mời làm giáo sư Đại Học Moscow. Cũng trong năm ấy, ông cùng với người bạn đồng nghiệp là giáo sư Nicolas S. Troubetskoy sang Prague, thủ đô của Tiệp Khắc, để học tiến sĩ. Trong thời gian học ở Prague, ông đã gặp Vilem Mathesius và những nhà ngôn ngữ học Tiệp Khắc và Nga như S.I. Kartsevsky, một giáo sư dạy tiếng Nga ở Đại Học Genève (Thụy Sĩ) đã giúp ông làm quen với giáo trình ngôn ngữ học của nhà ngôn ngữ học Thụy Sĩ Ferdinand de Saussure.
Các giáo sư trẻ tuổi, trong đó có Roman Jakobson, muốn thành lập một nhóm để nghiên cứu và thảo luận nên ngày 26 Tháng Mười năm 1926, nhóm Ngôn Ngữ Học Prague (Prague Linguistic Circle), tiền thân của trường phái Ngôn Ngữ Học Prague (Prague School of Linguistics), đã ra đời. Khác với Ferdinand de Saussure, các nhà ngôn ngữ học trẻ của nhóm Ngôn Ngữ Học Prague đã phân tích những hệ thống ký hiệu trong mối liên hệ với những chức năng xã hội chứ không chỉ xem chúng như những hình thái độc lập. Thành tựu làm cho các nhà ngôn ngữ học trẻ ở Prague nổi tiếng là phát hiện về những “nét khu biệt” (distinctive features) của ngôn ngữ, một phát hiện đã đưa họ tiến xa hơn trong việc nghiên cứu văn hóa và thẩm mỹ học.
Trái với người bạn Nicolas S. Troubetskoy chủ trương rằng ngôn ngữ là một cách bảo tồn và tự ý thức của văn hóa, Roman Jakobson cho rằng ngôn ngữ là một phương tiện diễn đạt và phát triển của văn hóa. Quan điểm này đã đưa ông đi xa hơn các đồng nghiệp ở Prague: năm 1933, ông hợp tác với Đại Học Masaryk ở Brno (Tiệp Khắc) rồi trở thành giáo sư Ngữ Văn Nga (1934) và văn học Tiệp Khắc thời Trung cổ (1936) tại đây.
Thế chiến thứ hai bùng nổ ở Châu Âu đã buộc ông phải rời Tiệp Khắc để sang Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và cuối cùng sang thành phố New York của Mỹ vào năm 1941. Ông được mời làm giáo sư tại Đại Học Columbia từ năm 1943 tới năm 1949, tại Đại Học Harvard từ năm 1949 tới năm 1967 và tại Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) từ năm 1957 tới năm 1967.
Nhà phê bình Đặng Tiến (trái) và cố dịch giả Dương Tường. (Hình: Facebook Đặng Tiến)
Năm 1928, Roman Jakobson cùng với các đồng nghiệp của Trường phái Ngôn ngữ học Prague như Vilem Mathesius, Nikolaj S. Trubetzkoy và S.I. Karcevskij đưa ra một quan điểm mới mẻ khác hẳn với quan điểm của Ferdinand de Saussure: việc nghiên cứu chức năng của những lời nói có thể được tiến hành cả theo quan điểm đồng đại (synchronic) – nghĩa là nghiên cứu một ngôn ngữ trong hiện trạng của nó – lẫn theo quan điểm lịch đại (diachronic) – nghĩa là nghiên cứu ngôn ngữ đang thay đổi theo thời gian.
Saussure luôn chủ trương rằng nghiên cứu về những mối liên hệ bên trong thuộc về cấu trúc và về những mối liên hệ giữa các ngôn ngữ vào một thời điểm nhất định (nghiên cứu đồng đại) và nghiên cứu về những thay đổi trong âm thanh và những mối liên hệ giữa các âm thanh này theo thời gian (nghiên cứu lịch đại) là những nghiên cứu hoàn toàn tách biệt, nhưng Roman Jakobson lại chủ trương:
“Chính việc phân tích cấu trúc của ngôn ngữ trong tiến trình phát triển – việc phân tích ngôn ngữ của trẻ em, những quy luật phổ quát của nó và cả ngôn ngữ trong quá trình tan rã của nó qua những trường hợp bị mất ngôn ngữ – đã làm sáng tỏ việc lựa chọn các âm vị, những nét khu biệt (distinctive features), những mối liên hệ hỗ tương của chúng và giúp chúng ta nhìn rõ hơn những nguyên tắc chủ yếu của việc lựa chọn này để từ đó có được quan điểm để lý giải những quy luật phổ quát ở bên dưới cơ cấu âm vị học của các ngôn ngữ trên thế giới”.
Với quan điểm xem ngôn ngữ như một phương tiện biểu đạt và phát triển của văn hóa, Roman Jakobson đã đi sâu nghiên cứu thi pháp (poetics), phân tích đặc điểm của thơ trong những bài giảng về thi pháp ở Đại học Harvard và nêu ra sự khác biệt chủ yếu giữa thơ và văn xuôi.
Trong bài viết “Thơ là gì?” (1933-1934), ông đã định nghĩa thế nào là thơ:
“Thơ là gì? Nếu muốn định nghĩa thơ là gì, chúng ta phải xác định cái gì không phải là thơ. Nhưng ngày nay nói cái gì không phải là thơ không phải là điều dễ dàng. Vào thời cổ điển hay lãng mạn, các đề tài của thơ khá giới hạn. Chúng ta hãy nhớ lại những yêu cầu truyền thống: vầng trăng, một cái hồ, một con chim hoạ mi, những tảng đá, một đoá hoa hồng, một lâu đài… Các giấc mơ lãng mạn cũng không được phép xa rời phạm vi này… Đối với nhà thơ hôm nay cũng giống như với lão Karamazov, “không có những phụ nữ xấu”. Không hề có tĩnh vật, không hề có một hành vi, một phong cảnh hay một tư tưởng nào nằm ở bên ngoài phạm vi của thơ. Ngày nay vấn đề đối tượng của thơ là gì là một vấn đề vô nghĩa…
Tôi đã từng nói rằng nội dung của khái niệm “thơ” rất bất định và thay đổi theo thời gian, nhưng chức năng thi ca, chất thơ (poéticité) là một yếu tố riêng biệt, một yếu tố mà người ta không thể giản lược một cách máy móc vào những yếu tố khác. Phải vạch rõ yếu tố này và nêu rõ tính chất độc lập của nó giống như những kỹ thuật vẽ tranh của trường phái Lập thể.
Nói chung, chất thơ chỉ là một thành tố của một cơ cấu phức tạp, nhưng lại là một thành tố sẽ biến đổi những thành tố khác và xác định diện mạo của toàn thể cơ cấu. Một khi chất thơ xuất hiện trong một tác phẩm văn chương, chúng ta sẽ nói tới thơ. Nhưng chất thơ biểu hiện như thế nào? Nó biểu hiện ở chỗ từ ngữ được cảm thụ như là từ ngữ chứ không phải chỉ là một ký hiệu tầm thường của sự vật được gọi tên, cũng không phải như một òa vỡ của cảm xúc. Nó thể hiện ở chỗ những con chữ, cú pháp, ý nghĩa và hình thể ngoại tại và nội tại không phải chỉ là những ký hiệu vô vị của thực tế, mà trái lại, những con chữ đó có trọng lượng riêng, giá trị riêng…”
Huỳnh Duy Lộc/Người Việt