NATO có kế hoạch mở một văn phòng liên lạc ở Tokyo, văn phòng đầu tiên thuộc loại này ở châu Á, nơi đây sẽ cho phép liên minh quân sự tiến hành các cuộc tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đối tác quan trọng trong khu vực như Hàn Quốc, Úc và New Zealand - khi mà Trung Quốc nổi lên như một thách thức mới, với đồng minh truyền thống của họ là Nga. NATO và Nhật Bản cũng sẽ nâng cấp quan hệ hợp tác, hướng tới ký kết Chương trình Đối tác phù hợp với từng cá nhân (ITPP) trước Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva vào ngày 11-12/7 tới đây. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác trong việc giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng, phối hợp về các công nghệ mới nổi, đồng thời trao đổi các dữ kiện về việc chống lại các thông tin sai lệch. Các kế hoạch trên đã được cả quan chức Nhật Bản và NATO xác nhận.
Ý tưởng mở văn phòng liên lạc lần đầu tiên được thảo luận giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong chuyến thăm Tokyo vào cuối tháng Giêng. Khoảng giữa tháng 4, liên minh đã đưa ra dự thảo giữa 31 thành viên trong khối , theo dự trù, việc mở văn phòng liên lạc ở Tokyo vào năm tới. NATO có các văn phòng liên lạc tương tự tại Liên hợp quốc ở New York, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ở Vienna, cũng như ở Georgia, Ukraine, Bosnia và Herzegovina, Moldova và Kuwait. Trong nhiều trường hợp, nước chủ nhà cung cấp cơ sở văn phòng cho NATO. Nếu Tokyo cung cấp tài chính để liên minh quân sự phương Tây hiện diện tại Nhật Bản, điều đó sẽ tượng trưng cho một giai đoạn mới trong hợp tác quốc phòng.
Mục đích để tăng cường hợp tác lẫn nhau. Nhật Bản có kế hoạch thành lập một phái bộ tại NATO, tách phái đoàn này khỏi Đại sứ quán ở Bỉ, nơi họ có văn phòng tại đây. Một đại sứ mới sẽ được cử đến, để thi hành nhiệm vụ Đại sứ của NATO tại Bỉ.
Các quan chức hy vọng rằng việc NATO-Nhật Bản ký kết ITPP sẽ tạo động lực dẫn đến hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Cuộc họp dự kiến sẽ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand - giống như năm ngoái - báo hiệu sự tham gia sâu hơn của NATO với các nước vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tháng 6 năm ngoái (2022), Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand khi đó là Jacinda Ardern đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid. Với danh xưng là đối tác châu Á-Thái Bình Dương (AP4) của NATO.
Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản Peter Taksoe-Jensen nói với Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng văn phòng liên lạc của NATO sẽ là văn phòng đầu tiên thuộc loại này ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương , không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn là " chỉ dấu rất rõ ràng, nhằm tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và NATO”, ông Đại sứ cho biết.
Đại sứ quán Đan Mạch đóng vai trò là đại sứ quán đầu mối liên lạc của liên minh tại Nhật Bản và phối hợp với các quốc gia thành viên ở Tokyo về hợp tác NATO-Nhật Bản. Taksoe-Jensen lưu ý rằng bối cảnh địa chính trị đã thay đổi mạnh mẽ kể từ khi NATO ban hành Khái niệm chiến lược trước đó vào năm 2010.
Vào thời điểm đó, Nga được coi là một đối tác tiềm năng và không đề cập đến Trung Quốc. Năm 2022, tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid, các nhà lãnh đạo đồng minh đã quyết định rằng Nga không còn là đối tác mà là kẻ thù, và cũng thừa nhận rằng sự gia tăng của Trung Quốc sẽ có tác động đến an ninh xuyên châu Âu," ông nói. "Đây là lý do tại sao điều quan trọng đối với NATO là duy trì quan hệ với các đối tác của chúng tôi trong khu vực này." Đặc phái viên cho biết văn phòng liên lạc cũng sẽ tiếp cận với các chủ thể quan trọng khác trong khu vực như Ấn Độ và các nước ASEAN.
Taksoe-Jensen cho biết sự hợp tác NATO-Nhật Bản, trong tương lai, sẽ tập trung vào những thách thức vượt ra ngoài khu vực, chẳng hạn như các mối đe dọa an ninh mạng, công nghệ đột phá và các hoạt động thông tin sai lệch. Theo Nikkei, sự hợp tác này sẽ được chính thức hóa trong vài tuần tới, khi NATO và Nhật Bản khởi động ITPP nhằm thiết lập sự hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, thông tin sai lệch và không gian. Đây sẽ là bản nâng cấp từ Chương trình Hợp tác và Đối tác Cá nhân mà hai bên đã ký kết vào năm 2014.
"Cũng sẽ có một cái nhìn về khả năng tương tác," Taksoe-Jensen nói, liên quan đến cách các lực lượng NATO và Nhật Bản phối hợp với nhau trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để xem xét việc hai bên cùng nhau tăng cường khả năng răn đe khu vực, ông nói "một bước đi quá xa vào thời điểm hiện tại".
Michito Tsuruoka, phó giáo sư tại Đại học Keio, nói rằng cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi cách NATO nhìn về phía Trung Quốc. "Bên cạnh những vấn đề mà Trung Quốc tự đặt ra, một khía cạnh mới đã được thêm vào: đó là Trung Quốc với tư cách là người ủng hộ Nga. Điều này giờ đây liên quan trực tiếp đến an ninh của châu Âu." Trong chuyến đi tới Nhật Bản, Stoltenberg đã nhiều lần đề cập đến mối nguy hiểm khi Trung Quốc và Nga hợp tác với nhau, Tsuruoka nói với Nikkei Asia.
Tsuruoka cho rằng việc NATO hiện diện ở Tokyo sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với Nhật Bản. "Điều đó có nghĩa là khi NATO hướng về châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, nó sẽ thông qua lăng kính của Tokyo. Khi người đại diện trao đổi thông tin về trụ sở NATO, nó sẽ luôn thông qua Tokyo."
Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhật Bản trong một tuyên bố với Nikkei hôm thứ Tư (3/5/2023) . Lungescu nói: “Trong số các đối tác của NATO, không có đối tác nào gần gũi hơn hoặc có năng lực hơn Nhật Bản. "Chúng tôi chia sẻ các giá trị, lợi ích và mối quan tâm giống nhau, bao gồm cả việc hỗ trợ Ukraine và giải quyết các thách thức an ninh do các chế độ độc tài gây ra, và mối quan hệ đối tác của chúng tôi ngày càng bền chặt hơn."
Bà ta ghi nhận sự hợp tác lâu dài giữa NATO và Nhật Bản, thể hiện qua chuyến thăm Nhật Bản của ông Stoltenberg vào đầu năm và việc Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản tham dự cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao NATO vào tháng 4. “Tổng thư ký cũng đã mời Thủ tướng Nhật Bản, cũng như các nhà lãnh đạo của các đối tác vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác tham dự Hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7,” Lungescu cho biết.
"Về kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản, chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết nhưng nhìn chung, NATO có văn phòng tại Nhật bao gồm thỏa thuận liên lạc thường xuyên với một số tổ chức quốc tế và các quốc gia đối tác cũng như các đồng minh. Qua các thỏa thuận đó nhằm đảm bảo rằng chúng phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của cả NATO và các đối tác của chúng tôi," bà nói. (Theo Asia Nikei, Japan ngày 3.5.2023)
✱ Khái niệm chiến lược mới
Phần trên theo Nikkei: " Năm 2022, tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid, các nhà lãnh đạo đồng minh đã quyết định rằng Nga không còn là đối tác mà là kẻ thù, và cũng có sự thừa nhận rằng sự gia tăng của Trung Quốc sẽ có tác động đến an ninh xuyên châu Âu,". Tưởng cũng nên nhắc lại thông cáo của Tòa Bạch Ốc về hội nghị này nhất là về Khái niệm chiến lược mới:
• Tòa Bạch Ốc giải thích về "A New Strategic Concept"
" NATO đã phát triển một Khái niệm Chiến lược mới (A New Strategic Concept) phù hợp với kế hoạch NATO 2030 đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh năm 2021. Điều này cho thấy rằng NATO đang tiến hành các hoạt động nhằm thích nghi với thế giới hiện đại và đáp ứng các thách thức an ninh mới trong tương lai. Nó cũng hướng dẫn những nỗ lực bảo vệ an ninh chung của khu vực châu Âu và Đại Tây Dương, nhằm đối phó với những hành động xâm lược của Nga và những thách thức mang tính hệ thống do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đề xuất, cũng như các đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc ngày càng tăng. Khái niệm Chiến lược đề ra các nhiệm vụ cốt lõi của NATO là răn đe và phòng thủ, ngăn chặn và quản lý khủng hoảng cũng như hợp tác an ninh". (Theo Tòa Bạch Ốc ngày 29.6.2022: FACT SHEET: The 2022 NATO Summit in Madrid)
• Phản ứng từ phía Nga
Sau khi NATO công khai vạch ra kế hoạch tăng cường hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong Khái niệm chiến lược năm 2022, khối này giải thích sự cần thiết phải tạo ra các liên minh mới bằng cách nhấn mạnh “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương do Trung Quốc và Nga đặt ra, trong đó Moscow được mô tả là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất” đối với NATO.
Những nỗ lực của khối nhằm mở rộng ảnh hưởng sang châu Á đã vấp phải sự chỉ trích từ cả Moscow và Bắc Kinh. Vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê phán mạnh mẽ việc tạo ra một 'NATO toàn cầu, và nói rằng nó giống với hành động của Đức Quốc xã, Ý và Nhật Bản vào những năm 1930. Trong khi đó, Trung Quốc cũng lên án Khái niệm Chiến lược mới của NATO, cho rằng nó chứa đầy những sự thật bị bóp méo và mang tâm lý Chiến tranh Lạnh bôi nhọ chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.( Theo Russia Today ngày 3.5.2023)
• Phản ứng từ phía Trung Quốc
Khái niệm chiến lược mới không thể giúp giảm bớt sự khác biệt của Mỹ với EU, đặc biệt là về Trung Quốc, và các vấn đề nghiêm trọng trong nước cũng sẽ làm suy yếu kế hoạch duy trì bá quyền đầy tham vọng của Washington.
NATO và một số đồng minh của Mỹ đã tăng cường nỗ lực nhằm thổi phồng cái gọi là mối đe dọa từ Trung Quốc. Thí dụ, Tòa Bạch Ốc đã công bố bản tin về cuộc gặp của Tổng thống Mỹ Joe Biden với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào Chủ nhật trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những thách thức mà Trung Quốc gây ra. Một quan chức Tòa Bạch Ốc giấu tên được Reuters trích dẫn, rằng Mỹ tự tin về tài liệu chiến lược mới của NATO sẽ bao gồm ngôn ngữ "mạnh mẽ" đối với Trung Quốc. Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ tăng cường ồ ạt quân số lên hơn 300.000 quân trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Việc đưa Trung Quốc vào "Khái niệm chiến lược" có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở thành ưu tiên của NATO trong vài năm tới, điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến định hướng chiến lược và chính sách đối ngoại của khối này, Yuan Zheng, phó giám đốc và đồng thời là thành viên cấp cao của American Studies, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói với Global Times hôm thứ Hai . NATO, di sản của Chiến tranh Lạnh, đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài châu Âu, đặc biệt là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi họ hy vọng sẽ đóng một vai trò nổi bật hơn, ngăn chặn sự phát triển và ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc, Yuan nói thêm.
Trọng tâm của chiến lược toàn cầu và địa chính trị của NATO dường như nằm trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng nó thực sự nằm ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương xung quanh Trung Quốc. Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính và đang dùng mọi cách để kiềm chế.
Việc Mỹ thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc và gây áp lực lên EU là một phép thử đối với các quốc gia hàng đầu ở châu Âu về việc liệu họ có thể duy trì quyền tự chủ chiến lược hay không.
Mỹ đã cam kết mở rộng hệ thống liên minh trên khắp thế giới, nhưng rất khó để thành lập một NATO mới ở châu Á (... but it is difficult to establish a new NATO in Asia). Văn hóa, lịch sử, giá trị và các yếu tố khác của các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khiến ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này khó có thể bị bỏ qua. (Theo Hoàn Cầu Thời Báo / Global Times –TQ ngày 27/6/2022 )
✱ Báo Đảng CSTQ: Rất khó thành lập một NATO mới ở châu Á
Theo báo đảng CSTQ nêu trên: " Mỹ đã cam kết mở rộng hệ thống liên minh trên khắp thế giới, nhưng rất khó thành lập một NATO mới ở châu Á". Nay việc NATO từ Châu Âu tiến về Châu Á trở thành hiện thực, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cơ quan ngôn luận của đảng CSTQ vào ngày 3/5/2023 nêu ra câu hỏi qua bức họa cartoon trên Twitter : " Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được cho là mở văn phòng tại Nhật Bản. Chúng ta có cần nhắc NATO về sự khác biệt giữa 'Đại Tây Dương' và 'Thái Bình Dương' không?"
Khi báo đảng CSTQ đặt ra câu hỏi trên, họ đã quên mất lời chê bai đưa ra cách nay 15 tháng (7.2.2023), trước ngày Nga đưa quân xâm lăng Ukraine (24.2.2022), rằng : "Washington có ý định kích động chiến tranh, nhằm tăng tính hợp pháp cho sự tồn tại của NATO và sự gắn kết nội bộ của khối nhằm ràng buộc châu Âu - vốn đã có một số dấu hiệu họ muốn xa lánh Washington." (which has shown some signs of departing from Washington)-(Hoàn Cầu Thời Báo TQ, ngày 7.2.2022) . Và nay thì chẳng những "họ" KHÔNG " xa lánh Washington" mà khối NATO cùng Mỹ mở rộng đến Châu Á để cùng chống lại " những thách thức mang tính hệ thống do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đề xuất ".
Đào Văn