“Con đường tốt nhất dẫn đến tiến bộ là con đường của tự do.”
- John F. Kennedy
Trong những tuần qua, người Việt khắp nơi đồng lòng tưởng niệm tháng Tư đen, hồi tưởng những ngày Sài Gòn thất thủ và quãng thời gian dài đen tối sau 30 tháng 4 năm 1975, khi hàng triệu người Việt phải liều mạng bỏ nước ra đi vì hai chữ Tự Do.
Với người Việt tị nạn, quyền tự do hoàn toàn bị tước đoạt sau khi cộng sản chiếm đóng miền Nam, cướp nhà, bỏ tù toàn bộ giới quân nhân, trí thức cũng như bất kỳ ai có liên quan đến chính phủ cộng hòa, và cho đến nay, tiếp tục bắt bớ bất cứ ai có quan điểm chính trị trái chiều.
Là thân phận tị nạn, Người Việt ít nhiều hiểu được ý nghĩa của hai chữ tự do, những giá trị mà con người khắp nơi trên thế giới đổi máu xương tranh đấu vì nó.
Tự Do có ý nghĩa gì?
Tự do không phải là thứ có thể sờ, nhìn thấy, cảm nhận hay cất giữ vào ngăn tủ. Vì vậy tự do đôi lúc là một ý tưởng khá mơ hồ. Khái niệm về tự do thay đổi tùy theo suy nghĩ của mỗi dân tộc, mỗi cá nhân, tùy theo kinh nghiệm sống và hiểu biết về trách nhiệm, bổn phận.
Những người khác nhau có quan điểm, định nghĩa và suy nghĩ khác nhau về ý tưởng tự do. Một số người nói về tự do theo nghĩa chính trị, một số nói về tự do xã hội, một số khác nói về độc lập cá nhân, và một số định nghĩa nó là tự do tôn giáo. Nhưng thực tế, mọi người đều muốn được tự do, và sự khao khát tự do tồn tại trong mọi trường hợp.
Theo tự điển Oxford, tự do là thực tế của việc không bị kiểm soát bởi một thế lực đối với số phận, ý chí tự do. Trong chính trị, tự do bao gồm các quyền tự do xã hội và tự do chính trị mà tất cả các thành viên cộng đồng xã hội được hưởng và là tự do dân sự. Khái niệm quyền tự do theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa tự do truyền thống chủ yếu là tự do của cá nhân khỏi sự ép buộc từ bên ngoài. Quan điểm của các nhà tự do xã hội nhắm tới nhu cầu về sự bình đẳng xã hội và kinh tế.
Nói nôm na dễ hiểu, tự do là sự lựa chọn để sống cuộc sống của một người làm những gì mình muốn, ở nơi mình muốn ở, ăn theo lựa chọn của mình, nói những điều óc mình suy nghĩ, và học những gì trái tim mình mong muốn. Điều này có nghĩa là tự do có thể áp dụng cho các khía cạnh khác nhau của cuộc sống và tự do không phải là một thuật ngữ tuyệt đối. Ngoài ra, tự do còn là đảm bảo sự tôn trọng trật tự chứ không chỉ là sống tự do theo ý thích. Các xã hội xác định tự do trong sự tôn trọng trật tự và trách nhiệm của riêng họ. Các nền văn hóa khác nhau nhìn tự do theo cách riêng và do đó những người sống trong các nền văn hóa khác nhau tận hưởng tự do theo những cách mà họ cảm thấy phù hợp.
Tận hưởng sự tự do của chúng ta không có nghĩa là chúng ta coi thường quyền của người khác và chỉ sống theo cách chúng ta cảm thấy đúng, mà phải cân nhắc đến quyền lợi và cảm xúc của những người xung quanh khi sống tự do. Ngoài ra, cần hiểu rõ và xác định đâu là ý muốn của riêng mình và đâu là những điều được rao giảng, giáo dục hay nhồi sọ.
Thí dụ, làm theo lời “bác Hồ” dạy không phải là thực hiện tự do. Nghe theo người lý tưởng hoặc răm rắp tôn sùng tuân theo một lãnh tụ không phải là một dấu hiệu tự do. Nghe cựu tổng thống Trump xúi giục tham gia bạo loạn lật đổ kết quả bầu cử không phải là nhân danh tự do. Vì sợ sệt mà nghe theo lời răn của một tôn giáo hứa hẹn giải thoát cũng không phải là tự do.
Tóm lại, tự do chỉ tồn tại khi không có bất kỳ áp lực nào từ môi trường xã hội, chính trị và tôn giáo mà chúng ta đang sống.
Tự Do tại Hoa Kỳ
Trong đoạn video chính thức thông báo về việc tái tranh cử tại Washington ngày 25 tháng Tư, tổng thống Biden mở đầu với chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông liên quan đến một tranh luận, hay đúng hơn là tìm kiếm và tái xác định: ý nghĩa của tự do. Video của Biden mở đầu bằng hai chữ “tự do”, và lập lại hai chữ này thêm bốn lần nữa và đề cập đến “các quyền tự do cơ bản” khả thi.
Người nghe có thể cảm nhận được Biden sẽ nói gì khi Ông giải thích về “các quyền tự do cơ bản” mà Ông nhắc đến: “Quyền tự do của phụ nữ đưa ra quyết định chăm sóc sức khỏe của chính họ, quyền tự do để con cái chúng ta được an toàn trước bạo lực súng đạn, quyền tự do bầu cử và phiếu bầu của bạn được đếm. Để những người cao tuổi được sống có phẩm giá và mang lại cho mọi người Mỹ sự tự do kèm theo cơ hội xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.”
Dĩ nhiên tự do là một từ ngữ và khái niệm rất “Mỹ”, và tổng thống Biden chắc chắn không phải là người đầu tiên sử dụng nó trong chiến dịch tranh cử. Tổng thống Franklin D. Roosevelt, tại một trong các bài diễn văn quan trọng nhất của Ông đã cam kết thực hiện “bốn quyền tự do”: tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do không thiếu thốn và tự do không sợ hãi. Nhưng trong hơn nửa thế kỷ qua, tự do phần lớn là tiếng kêu xung trận của Đảng Cộng hòa. Những người theo đảng Dân chủ và những người cấp tiến có xu hướng nhắc nhiều hơn đến công lý, bình đẳng, dân chủ, công bằng hoặc cộng đồng.
Theo cách nói của đảng cộng hòa, quyền tự do phần lớn được xác định bởi việc chính phủ không can thiệp vào quy định kinh doanh và đánh thuế thấp. Barry Goldwater và Ronald Reagan, những nhà sáng lập chính trị của chủ nghĩa bảo thủ đương đại, là những nhà thơ xướng ca cho thể loại tự do này.
Thống đốc cộng hòa Ron DeSantis của tiểu bang Florida, người bước từ ủng hộ cựu tổng thống Trump sang vai địch thủ số 1 của Trump đang ráo riết tranh giành ghế tổng thống cũng là người nghĩ rằng Ông có thể sử dụng chiếc vé của Tự Do để bước vào Bạch Ốc. Cuốn sách gần đây của Ông mang tựa đề: “Sự Can Đảm Để Có Tự Do” là những lời rao giảng sử dụng niềm tin tự do tuyệt đối như niềm tin tôn giáo để đưa ra một khuôn mẫu cai trị dựa trên tầm nhìn bao quát về quyền hành pháp. Trong thực tế, Ron DeSantis trong khi đề cập đến tự do lại đưa ra những luật lệ khắt khe ủng hộ những hạn chế rõ ràng đối với việc phá thai, ủng hộ quy trình theo đó những cuốn sách từ lâu đời bị cấm đoán và xóa bỏ khỏi trường học và các thư viện, ký luật thu hẹp những chương trình giảng dạy về lịch sử chủng tộc của Hoa Kỳ và hạn chế giảng dạy về các vấn đề đồng tính. Ông cũng sử dụng quyền lực của chính phủ để trả đũa công ty Disney vì công ty phản đối các chính sách của Ông về quyền của người đồng tính nam và đồng tính nữ. Việc này đã gây chia rẽ những người bảo thủ, nhiều người trong số họ bất đồng với việc cơ quan công quyền chống lại một công ty vì không cùng quan điểm với một chính trị gia.
Có vẻ như ngày nay có rất nhiều “bài ca tự do” được các quan chức chính quyền tung hô. Trong vòng vài giờ sau khi trở thành thống đốc bang Virginia, Glenn Youngkin đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm giảng dạy thuyết phân biệt chủng tộc, giải thích rằng bang này phải thúc đẩy “tự do tư tưởng”. Sau đó, ông ta chuyển sang dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ở các trường công lập, với lý do “quyền tự do cá nhân”. Vào giữa tháng Một, các nhà lập pháp Florida đã tranh luận về dự luật “tự do cá nhân” nhằm hạn chế các cuộc thảo luận về chủng tộc và phân biệt đối xử trong trường học và doanh nghiệp.
Cũng trong khoảng thời gian đó, các chính trị gia bảo thủ ở Georgia đã thành lập “Freedom Caucus” nhằm tìm cách ngăn chặn “hệ tư tưởng nguy hiểm” ra khỏi trường học. Và, ở Iowa, Đạo luật về quyền tự do giáo dục của cha mẹ sẽ cho phép cha mẹ ngăn cản trẻ em học bất cứ điều gì mà họ cho là phản cảm, kiểm tra chương trình giảng dạy và kế hoạch bài học của giáo viên bất cứ lúc nào và thách thức các quy định về đeo khẩu trang. (Dự luật đã bị từ chối tại Thượng viện Iowa.)
Mỗi hành động này đều sử dụng ngôn ngữ tự do để biện minh cho tính phản dân chủ, thiếu tự do lựa chọn. Đây không chỉ đơn thuần là những quyền tự do bị hiểu lầm, hay thậm chí chỉ là việc sử dụng ngôn ngữ tự do một cách yếm thế để đóng khung các chính sách cố chấp. Thay vào đó, chúng cụ thể vẽ ra thứ “tự do” không mở rộng cho tất cả mọi người, loại trừ một số thành phần và ép buộc.
Quay ngược lịch sử Hoa Kỳ, ngay từ những ngày đầu, ngôn ngữ tự do chỉ áp dụng cho một số ít người có đặc quyền. Vào thời điểm diễn ra Hội Nghị Lập Hiến ở Philadelphia, chỉ có 2 phần trăm dân số thành phố đủ điều kiện bỏ phiếu. Các luật về nô lệ cho phép chủ sở hữu tài sản da trắng sở hữu người Da đen - tạo ra cái mà nhà sử học Tyler Stovall gọi là “tự do của người da trắng”, “niềm tin (và thực hành) rằng tự do là trung tâm của bản sắc chủng tộc da trắng và chỉ người da trắng mới có thể hoặc nên được tự do.” Sự tự do dành cho ông chủ da trắng này mở rộng đến việc tra tấn, hãm hiếp và kiểm soát suốt đời đối với những người mà ông ta (hoặc bà ta) sở hữu.
Mọi người có lẽ cũng đã quên bài học lịch sử ban đầu của Hoa Kỳ, những yêu sách về quyền tự do của nam giới cho phép bạo lực gia đình đối với phụ nữ, đặc quyền và quyền riêng tư của người chồng cho phép anh ta đánh vợ. Vào năm 1827, luật gia và học giả pháp lý James Kent đã thay mặt những ông chồng lập luận: “Luật pháp đã trao cho anh ta quyền ưu tiên và quyền kiểm soát hợp lý đối với” người vợ của anh ta, ông viết. “Anh ta thậm chí có thể hạn chế quyền tự do của cô ấy, nếu hành vi của cô ấy đòi hỏi điều đó.” Nói cách khác: quyền tự do của một người phụ nữ là tùy thuộc vào quyết định của ông chồng.
Vào thế kỷ 20, sự phân biệt chủng tộc được coi là quyền tự do của người da trắng trong việc kiểm soát không gian công cộng và đưa ra lựa chọn kinh doanh của riêng họ. Trong bài phát biểu khai mạc khét tiếng năm 1963 về sự phân biệt chủng tộc, Thống đốc George Wallace của Alabama đã tuyên bố lập trường chống hội nhập là “cuộc đấu tranh vì tự do của chúng ta” và biện minh cho đó là “hệ tư tưởng của những người cha đẻ của tự do”. Chúng ta có thể gọi hệ tư tưởng đó là quyền tối cao của người da trắng.
Đây chỉ là một vài ví dụ về cách các định nghĩa luật pháp về “tự do” từ lâu đã đàn áp quyền của những người da màu, phụ nữ và người lao động. Ngôn ngữ của tự do đã là trung tâm của các phong trào giải phóng, bầu cử và dân chủ các loại, nhưng nó cũng biện minh cho bạo lực và phân biệt đối xử.
Tự Do Tranh Đấu
Ngày càng có nhiều luật, cuộc họp kín, các cuộc mít tinh và các phong trào sử dụng ngôn ngữ tự do như một cái dùi cui để làm xói mòn nền dân chủ và các quyền công dân; những luật này mở rộng sự leo thang của chủ nghĩa độc đoán. Một người tham gia vào cuộc bạo loạn ngày 6 tháng 1 đã nhấn mạnh: “Tôi đến đây vì tự do,” khi mô tả việc anh ta tham gia cuộc tấn công vào Điện Capitol nhằm thay đổi kết quả bầu cử. Những người phản đối quy định đeo khẩu trang đã trích dẫn “quyền tự do về sức khỏe”, ngay cả khi việc họ từ chối đeo khẩu trang phủ nhận quyền tự do đi lại của những người bị suy giảm miễn dịch và khiến cộng đồng dễ bị tổn thương hơn trước hoành hành của Covid.
Trong thời đại ngày nay, khi chúng ta thấy các phong trào chính trị và luật pháp sôi nổi đòi lại tự do như một quyền cho tất cả mọi người, có lẽ chúng ta nên tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử, và lý do thay vì cho rằng đây là những đòi hỏi thái quá hoặc bỏ qua không quan tâm. Những quyền tự do này là quyền làm người căn bản, mở rộng khả năng của người Mỹ để vừa sống một cuộc sống hưng thịnh vừa tham gia vào các vấn đề công quyền. Quyền tự do này không tự động đến, mà cần được liên tục tranh đấu trong quá trình lập pháp. Đạo luật Quyền Tự do Bầu cử và Đạo luật Tiến bộ về Quyền Bầu cử của cố thượng nghị sĩ John Lewis là một ví dụ nhằm thúc đẩy loại hình tự do này. Các dự luật này nhắm đến việc tăng khả năng tiếp cận bỏ phiếu bằng cách biến Ngày Bầu Cử thành một ngày lễ liên bang (để người lao động được tự do đi bỏ phiếu), cải thiện bỏ phiếu qua thư, tăng tính minh bạch trong các chiến dịch vận động tranh cử trong lãnh vực tài chính và mở rộng các biện pháp bảo vệ cử tri thiểu số. Tạo điều kiện dễ dàng hơn cho tất cả người Mỹ bỏ phiếu là thúc đẩy một hình thức tự do mở rộng hơn là thu hẹp dân chủ, vì điều này khẳng định rằng tự do có nghĩa là tất cả người Mỹ phải có quyền bình đẳng trong việc định hình các hệ thống chính quyền. (Đạo luật này đã bị chặn bởi đảng Cộng hòa vào cuối năm 2022.)
Chắc chắn rằng những nỗ lực tranh đấu cho tự do không chỉ giới hạn trong các hành động lập pháp. Chúng bao gồm các nỗ lực hợp nhất đấu tranh cho tự do tại nơi làm việc, các phong trào xã hội vì quyền tự do của người da màu, người chuyển giới và người khuyết tật, và gần đây nhất là quyền tiếp cận dịch vụ y tế cho người phụ nữ trong các trường hợp thai nhi bất thường hay khi cần phá thai. Các phong trào này nói lên một ngôn ngữ tự do dân chủ, thách thức các cấu trúc đặc quyền hiện cho phép một số người Mỹ có quyền lực quá mức đối với những người khác, và mở rộng khả năng tiếp cận của công dân với một số quyền căn bản.
Khi nói về tự do trong khi tranh cử tháng Tư 2019, Pete Buttigied, đối thủ sơ bộ của tổng thống Biden lúc bấy giờ, lên tiếng: “Hãy để tôi nói cho các bạn biết, tự do không thuộc về bất kỳ đảng phái nào.” Ông lập luận rằng việc chăm sóc sức khỏe, bảo vệ người tiêu dùng, công bằng chủng tộc và đồng tính, quyền lao động và quyền phụ nữ đều hướng đến tự do. Định nghĩa về tự do của Ông là “Cơ hội để sống một cuộc đời do bạn lựa chọn, phù hợp với các giá trị của bạn: đó là sự tự do theo nghĩa phong phú nhất của nó.”
Gần đây, trong cuộc trò chuyện với tổng thống Biden về tự do, Buttigieg đã nói: “Bạn hoặc là người ủng hộ tự do, hoặc là người ủng hộ cấm đoán sách vở. Bạn không thể là cả hai.”
Liệu chúng ta, những người tỵ nạn gốc Việt, thật sự là người khao khát tự do, hay là người ủng hộ cấm đoán sách vở, cấm đoán quyền đồng tính, từ chối quyền chăm sóc y tế cho trẻ em chuyển giới, v.v.? Đã đến lúc chúng ta cần suy nghiệm chính chắn về ý nghĩa của tự do, bằng trái tim và bộ óc thoát khỏi mọi sức ép giáo điều và xã hội, nếu thật sự tự do là thứ mà chúng ta từng nhân danh cho cuộc hành trình bỏ nước lưu vong.
Cung Đô