"Anh hùng môi trường" Nguỵ Thị Khanh ra tù trước hạn, các tổ chức nhân quyền hoan nghênh Fb KhanhGreenid Vietnam
Các tổ chức nhân quyền quốc tế hoan nghênh thông tin nhà hoạt động môi trường nổi tiếng Nguỵ Thị Khanh được phóng thích sớm năm tháng so với thời hạn tù về tội danh “trốn thuế” tuy nhiên cho rằng, nó không đồng nghĩa với việc Chính phủ Việt Nam có cải thiện hồ sơ nhân quyền hay môi trường.
Bà Khanh, khôi nguyên của giải thưởng danh giá về môi trường có tên Goldman Environmental Prize năm 2018 của Quỹ môi trường Goldman, được trở về với gia đình cuối tuần trước sau 16 tháng bị giam cầm.
Hôm 13/5/2023, viết trên Facebook có tên KhanhGreenid Vietnam có gần 4.000 bạn, bà bày tỏ:
"Hạnh phúc vô bờ bến khi được trở về giữa vòng yêu thương của gia đình, được gặp và ôm người thân sau 16 tháng tròn xa cách. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả mọi người đã quan tâm lo lắng, chia sẻ và giúp đỡ cho cá nhân Khanh và gia đình trong suốt gần một năm rưỡi qua."
Ngày 15/5, trả lời phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua ứng dụng Messenger, bà Khanh cho biết bà mạnh khoẻ. Tuy nhiên, bà không nói thêm với lý do bận sắp xếp cuộc sống sau một thời gian dài bị cầm tù.
Bà Khanh được trả tự do sớm "có đóng góp từ áp lực quốc tế" Một nhà nghiên cứu về môi trường và khí hậu không muốn nêu tên vì lý do an ninh cho hay:
“Tôi mừng khi nghe tin cô Khanh được phóng thích. Tôi nghĩ việc cô được trả tự do sớm có đóng góp từ áp lực quốc tế, đặc biệt là quan ngại nhân quyền gắn với vấn đề môi trường.”
Kể từ khi bà Khanh bị bắt giam đầu tháng 1/2022 với cáo buộc trốn thuế từ khoản tiền thưởng 200.000 đô la Mỹ (tương đương 4.5 tỷ đồng) của Giải thưởng Goldman, nhiều chính phủ của nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, và Canada, nhiều tổ chức quốc tế và hơn 50 khôi nguyên của giải thưởng này đã phản đối việc cầm tù bà và yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho bà.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch trong email gửi Đài Á Châu Tự Do cho biết:
"Việc trả tự do sớm cho Ngụy Thị Khanh thực sự là kết quả của chiến dịch vận động quốc tế đồng lòng, thay mặt bà bởi một liên minh gồm các nhóm môi trường, tổ chức nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam, những người đã lên án sự bất công trong bản án dành cho bà.
Có vẻ như Hà Nội đã quyết định 'cắt lỗ' và phóng thích sớm bà ấy để cố gắng thoát khỏi chiến dịch áp lực ngày càng tăng đó."
Cũng theo đại diện của HRW ở Bangkok, việc bà Khanh là một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng trên thế giới, được nhiều chính phủ và các nhóm công nhận công việc của bà về các vấn đề biến đổi khí hậu ở Việt Nam, chắc chắn cũng góp phần thúc đẩy Chính phủ Việt Nam trả tự do trước hạn.
Vào cuối tháng 6/2022, ngay sau phiên toà sơ thẩm Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra tấn (OMCT) ra thông cáo chung kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng về trường hợp của bà Khanh và ba nhà hoạt động dân sự khác là các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương cũng như các nhà hoạt động nhân quyền khác,...
Trong email gửi RFA ngày 15/5, ông Andrea Giorgetta, Giám đốc Văn phòng Châu Á của FIDH, hoan nghênh hành động của Hà Nội:
“Bà Khanh được trả tự do sớm là điều đáng hoan nghênh, nhưng lẽ ra bà không phải ngồi tù dù chỉ một phút vì bị truy tố một cách lố bịch về tội trốn thuế.”
Bà Khanh được trả tự do trong bối cảnh quốc tế duy trì một chiến dịch liên tục đòi trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường đang bị cầm tù ở Việt Nam. Điều này cho thấy Chính phủ Việt Nam phản ứng tích cực với áp lực bên ngoài, ông nhận xét.
Theo ông, việc trả tự do cho bà Khanh là chưa đủ, và Việt Nam cần “phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện cho các nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi và Bạch Hùng Dương, những người vẫn bị giam giữ tùy tiện với cùng tội danh trốn thuế.”
Người phát ngôn Văn phòng khu vực Châu Á của tổ chức Ân xá Quốc tế khẳng định:
“Chính phủ Việt Nam không nên bắt giữ, quấy rối hoặc đe dọa những người vận động cho môi trường, những người bảo vệ nhân quyền và bất kỳ ai khác đang làm việc ôn hòa về các vấn đề được công chúng quan tâm trên diện rộng.”
Tổ chức này cho biết người hoạt động môi trường và các tổ chức phi chính phủ đang giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng xuống bằng không vào năm 2050 mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết trong Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
“Ân xá Quốc tế đã liên tục kêu gọi trả tự do cho các nhà hoạt động thực thi quyền tự do ngôn luận, trong đó có Đặng Đình Bách. Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và lập hội vì những quyền này rất cần thiết để xã hội dân sự có thể thực hiện công việc của mình mà không sợ bị trả thù."
Một nhà báo tự do ở Hà Nội, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh:
“Chúng tôi rất mừng vì bà Ngụy Thị Khanh đã được tự do mặc dù việc khởi tố và kết án bà không được bình thường, không theo đúng những quyền con người đã được Nhà nước Việt Nam cam kết với quốc tế.
Chúng tôi hi vọng các tổ chức quốc tế sẽ rút kinh nghiệm trong việc gắn các chế tài vào các quan hệ thương mại để bảo vệ người dân Việt Nam khi thực thi các hiệp định của quốc tế.”
Việt Nam nên trả tự do công khai Truyền thông Nhà nước Việt Nam hoàn toàn im lặng về việc phóng thích bà Khanh trước thời hạn tù dù trước đó đưa tin rầm rộ về phiên toà sơ thẩm (tháng 6/2022) và phiên phúc thẩm sau đó năm tháng.
Bình luận về thái độ trái chiều của truyền thông Nhà nước, cô Hoàng Minh Trang, sinh viên chương trình thạc sĩ Chính sách và Thực hành Nhân quyền của Đại học Gothenburg (Thuỵ Điển), nói:
“Mặc dù việc trả tự do trước thời hạn là chuyện tốt đối với cá nhân bà Khanh và gia đình của bà nhưng điều đó không có nghĩa rằng chính quyền Việt Nam đang thể hiện sự tiến bộ trong vấn đề bảo vệ nhân quyền hay bảo vệ môi trường.
Nếu thật sự họ muốn bày tỏ thiện chí, họ nên có lời giải thích hợp lý về việc bắt giữ và trả tự do cho bà Khanh, thay vì lén lút trả tự do như vậy.”
Vị thạc sỹ tương lai nhắc lại rằng hiện đang có rất nhiều nhà hoạt động môi trường khác vẫn đang bị giam giữ với những bản án bất công, do vậy, việc trả tự do trước thời hạn cho một người không nói lên được điều gì cả.
Không có gì bất thường Luật sư Hà Huy Sơn thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhận định cho rằng, việc bà Khanh được mãn hạn tù sớm năm tháng là hoàn toàn bình thường chiếu theo Điều 66 của Bộ luật Hình sự 2015.
Ông nói một người bị kết án tội hình sự có thể được phóng thích nếu chấp hành được ít nhất một phần hai mức thời hạn tù đối với hình phạt tù có thời hạn, khắc phục hậu quả, và chấp hành kỷ luật của cơ sở giam giữ. Việc được về nhà sớm năm tháng so với mức án 21 tháng trong trường hợp bà Khanh là không bất thường, ông nhận xét.
Theo báo Người Lao động online, trong phiên phúc thẩm vào cuối tháng 11 năm ngoái, bà Khanh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bà được giảm ba tháng từ 24 tháng tù xuống còn 21 tháng do “có đóng góp cho xã hội trong phòng chống dịch COVID-19,” “thành khẩn khai báo” và “ăn năn hối cải.”
Hai nguồn tin giấu tên từ Hà Nội cho biết, gia đình bà Khanh đã nộp số tiền 456 triệu đồng để khắc phục số tiền bị coi là “trốn thuế” và đây cũng là một yếu tố giúp bà được trở về với gia đình sớm hơn.
Trước khi bị bắt, bà Khanh là Giám đốc của tổ chức phi chính phủ mang tên Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) với các hoạt động nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam và khu vực Mekong, theo phần giới thiệu của tổ chức.
Bà là người Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Môi trường Goldman vì các hoạt động thúc đẩy năng lượng bền vững và giảm nhiệt điện than ở quốc gia độc đảng này. Đây là giải thưởng dành cho các nhà hoạt động môi trường cơ sở và là giải thưởng lớn nhất trên thế giới trong lĩnh vực này với trị giá 200.000 đô la Mỹ.
Theo cáo trạng, bà Khanh đã lấy số tiền này để sử dụng cá nhân, mua nhà làm trụ sở Trung tâm cho tổ chức GreenID mà không kê khai để nộp thuế thu nhập cá nhân tại cơ quan thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam, và trốn thuế với số tiền hơn 456 triệu đồng.
Bộ Ngoại giao Việt Nam khi trả lời câu hỏi của phóng viên, khẳng định bà Ngụy Thị Khanh bị tước tự do vì trốn thuế, mặc dù vậy, chính phủ nhiều quốc gia, nhiều tổ chức nghề nghiệp và nhân quyền quốc tế cùng 52 khôi nguyên của Giải thưởng Goldman cho rằng vụ án của bà mang tính chính trị và bà bị cầm tù vì các hoạt động ôn hoà bảo vệ môi trường.
VIDEO Theo RFA