Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại họp báo kết thúc Đại hội 13 ở Hà Nội hôm 1/2/2021 (minh hoạ). AFP
“Mai kia có làm ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của đại hội”- cụ Tổng Trọng nói về sự thành công của hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 như vậy.
Hội nghị nói trên diễn ra từ ngày 15/5/2023, vừa kết thúc vào sáng 17/5/2023.
Nói như cụ Tổng, kết quả của hội nghị mới nhất này còn phải chờ xem cụ thể. Nhưng với tiêu chí cụ nêu ra thì với các hội nghị đã qua, tôi khẳng định ngay là tôi không hề được mang lại hạnh phúc và giàu có. Có nghĩa đó đều là các hội nghị thất bại.
Ta sẽ nói về tiêu chí giàu có trước
Từ năm ngoái đến đầu năm nay, bức tranh kinh tế của Việt Nam chỉ toàn một màu ảm đạm.
Tại báo cáo về tình hình quan hệ lao động năm 2022 và ba tháng đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết đơn vị này sẽ hỗ trợ tiền cho khoảng một triệu người lao động bị mất việc làm và có hoàn cảnh khó khăn. Họ là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hàng loạt doanh nghiệp bị giảm đơn hàng hoặc mất hợp đồng. Con số này rất lớn: có đến 10,7% số doanh nghiệp định giảm quy mô hoặc đóng cửa và tới 65% doanh nghiệp không có kế hoạch mở rộng. Nói cách khác là nín thở chờ qua ngày.
Chuyên đề “Lương-chính sách và thực tiễn” được thực hiện trên báo Quân Đội Nhân Dân đưa ra những con số đáng kinh ngạc suốt quá trình cải cách tiền lương hơn 60 năm qua của Nhà nước Việt Nam.
Đầu tiên là giai đoạn 1960-1984.
Mức lương tối thiểu theo quy định thời điểm đó là 27,3 đồng. Kỹ sư công nghiệp nhẹ bậc 1 mức lương 70 đồng, bộ trưởng và chức vụ tương đương mức lương 192 đồng.
Lần cải cách tiền lương thứ hai là giai đoạn 1985-1992. Mức lương tối thiểu 220 đồng/tháng, ứng với mức giá ở những vùng có giá sinh hoạt thấp nhất. Những vùng có giá sinh hoạt cao hơn thì được tính thêm phụ cấp chênh lệch giá sinh hoạt. Theo đó, nhân viên phục vụ bậc 1 có lương 220 đồng, kỹ sư bậc 1 lương 290 đồng, bộ trưởng và chức vụ tương đương lương 770 đồng.
Giai đoạn 1993-2002 diễn ra lần cải cách tiền lương thứ ba. Mức lương tối thiểu năm 1993 là 120 ngàn đồng/tháng. Tiếp đó vào các năm 1997, 1999 và 2000 được nâng lên tương ứng 144 ngàn đồng/tháng, 180 ngàn đồng/tháng và 210 ngàn đồng/tháng.
Lần cải cách tiền lương gần đây nhất diễn ra trong giai đoạn 2003-2020. Mức lương tối thiểu là 310 ngàn đồng/tháng. Đến 2005, nâng lên 350 ngàn đồng/tháng. Năm 2006 nâng tiếp lên 450 ngàn đồng/tháng.
Từ năm 2013, tiền lương tối thiểu được đổi thành mức lương cơ sở. Đến năm 2018, lương cơ sở của người lao động trong khu vực công đạt 1,390 triệu đồng/tháng.
Báo này viết: “Tăng lương đồng nghĩa với tăng thu nhập của người lao động. Tuy nhiên, trong quá khứ, việc tăng lương nhiều lần đã mang lại kết quả trái ngược. Khi lương chưa tăng, giá đã tăng vượt mức tăng của lương”.
Trong bốn lần cải cách tiền lương, lần cải cách thứ hai (1985-1992) chứng kiến một thời kỳ siêu lạm phát. Năm 1986, mức lạm phát lên đến 774,7%, khiến nền kinh tế rối loạn. Riêng các mặt hàng nông sản, vật giá năm 1986 so với năm 1976 thì tăng tới 2.000%. Năm 1987, lạm phát là 323,1%. Năm 1988, vọt lên 393%. Đến năm 1989 mới xuống dưới 100% (34,7%).
Một ví dụ điển hình khác về tình trạng lương “đuổi” theo giá là giai đoạn 2004-2012.
Trong tám năm, tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tổng cộng bảy lần, từ mức 210 ngàn đồng/tháng (năm 2004) lên mức 830 ngàn đồng (năm 2012), gấp gần bốn lần. Chia trung bình, mỗi năm tăng khoảng 15%.
Tuy nhiên, trong bảy lần điều chỉnh lương tối thiểu, chỉ số lạm phát cũng tăng khoảng 2,5 đến ba lần. Đặc biệt, có hai năm lạm phát đến mức hai con số, cao hơn nhiều mức tăng lương tối thiểu.
Năm 2008, lương tối thiểu được điều chỉnh từ 450 ngàn đồng lên 540 ngàn đồng, tức tăng 20% thì mức lạm phát lại lên tới 22,97%. Tương tự, ngày 1-5-2011, lương tối thiểu tăng thêm 100 ngàn đồng (13,7%) nhưng chỉ số lạm phát 9 tháng đầu năm 2011 đã lên mức 18,16%.
Đơn cử, năm 2003, 1kg gạo có giá khoảng 4.000-5.000 đồng, đến năm 2012, dao động mức 17 ngàn-20 ngàn đồng, tức tăng khoảng bốn lần. Tính chung, giá lương thực, thực phẩm tăng 3-4 lần so với thời kỳ lương tối thiểu 210.000 đồng.
Như vậy, mặc dù lương tăng gần bốn lần sau bảy đợt điều chỉnh nhưng về thực chất chỉ đủ bù trượt giá trong tám năm. Riêng hai năm lạm phát cao hơn chỉ số tăng lương tối thiểu (năm 2008 và năm 2011) thì tăng lương không đủ bù đắp trượt giá.
Báo này viết tiếp: “Mức siêu lạm phát của giai đoạn cải cách tiền lương 1985-1992 khiến việc tăng lương không còn ý nghĩa. Thậm chí, còn trở thành nỗi ám ảnh đối với những người hưởng lương”.
Những con số trên đủ mô tả khái quát lẫn chi tiết bức tranh đầy những nghịch lý về giá-lương-tiền do Nhà nước điều hành trong suốt mấy chục năm qua.
Nhà nghiên cứu rạch ròi chính xác như thế, còn nhân dân chỉ gọn lỏn một câu: Năm anh em trên một chiếc xe tăng-xăng tăng, điện tăng, nước tăng, giá tăng… huyết áp tăng.
Các bà nội trợ còn súc tích hơn nữa. “Mỗi lần xách giỏ ra chợ như bị mất cắp”!
Người bán rau trên phố ở Hà Nội hôm 22/5/2023 (minh họa). AFP
Giai cấp nòng cốt tiên phong… thiếu ănCông nhân và nông dân, hai giai cấp mà Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là tiên phong nòng cốt thì đời sống thuộc vào hàng nhọc nhằn nhất xã hội.
Năm 2021, khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy 21% người lao động phải ăn nhiều mì tôm hơn so với trước, 48% người phải giảm lượng thịt hàng ngày, 22% lao động phải chuyển từ đi chợ mua thức ăn hàng ngày sang dùng thực phẩm do người thân cung cấp; 15% trường hợp lựa chọn ăn gộp bữa, giảm bữa. Tất cả đều nhằm tiết kiệm tiền, giảm chi tiêu khi lương tăng không kịp giá.
Ngoài ra, 60% người lao động phải tiết kiệm các khoản chi; 11% phải vay mượn tiền của người thân; thậm chí 0,3% phải vay lãi suất cao, tín dụng đen hoặc bán sổ bảo hiểm xã hội.
Khảo sát tiếp theo về thực trạng đời sống công nhân được thực hiện trong tháng 4/2022 với 2.016 người lao động tại các doanh nghiệp cho thấy, chỉ một nửa số đó vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống, số còn lại luôn phải sống trong khó khăn. Theo đó, 12% người lao động phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống, 35,5% thỉnh thoảng phải đi vay tiền (3-4 tháng/lần), 34,8% phải đi vay tiền 1-2 lần/năm. Chỉ có 17,8% người lao động là không phải đi vay. 20,2% số công nhân lao động cho biết đã từng phải rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống, sau đó lại tiếp tục tham gia.
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, hầu hết những gia đình công nhân sẽ rơi vào khó khăn trước hàng loạt chi phí phải trang trải. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60-70 giờ/tháng như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ... Có lẽ vì làm việc vất vả nhưng lương thấp nên theo khảo sát, có tới 72% người lao động không muốn con cái sau này theo nghề nghiệp của mình”.
Còn ông Nguyễn Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách, Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: “Chỉ trong quý I/2022 đã diễn ra 64 cuộc đình công, ngừng việc tập thể trên cả nước, tăng 40% (20 cuộc) so cùng kỳ 2021. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể, đình công tự phát này là do vấn đề tiền lương và chế độ phúc lợi cho người lao động”.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (tức là ngoài thiếu ăn, thiếu mặc còn thiếu nước sạch, vệ sinh, chăm sóc y tế, điều kiện học hành…) trong năm 2022 chiếm đến hơn 7,5% dân số, với gần hai triệu hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Trong đó vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước, đến gần 22%.
Thu nhập của nông dân chỉ vỏn vẹn chưa đến 6,5 triệu đồng/tháng cho cả một hộ gia đình trung bình bốn người (báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020).
6,5 triệu đồng/tháng chỉ đủ cho người nông dân nấu cơm (lúa tự trồng) ăn với vài quả trứng (gà vịt tự nuôi) và ít rau luộc (rau hái vườn nhà). Nói tóm tắt là cả một cuộc đời dài vẫn chỉ loanh quanh luẩn quẩn ở kiếm miếng ăn đút miệng, nền tảng thấp nhất của tháp nhu cầu Maslow.
Nói như nhà thơ Chế Lan Viên: “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”.
***
Vậy đấy, thưa cụ Tổng kính yêu. Cho tới nay, chưa thấy bao giờ Đảng ta có một hội nghị thất bại. Luôn luôn là thành công tốt đẹp. Nhưng các hội nghị thành công rực rỡ đã mang lại tiền bạc của cải và sự giàu có cho nhân dân hay chưa như cụ nhấn mạnh, thì xin cụ tự rút ra kết luận.
Bình luận của Lê Minh (RFA)
_________________________
Tham khảo:https://tuoitre.vn/nong-...hang-202111292018404.htmhttps://baomoi.com/luong...ang-luong/c/45647194.epihttps://www.qdnd.vn/kinh...ep-khuc-luong-gia-725980https://tuoitre.vn/nho-t...cap-2022060209425704.htmhttps://kinhtevadubao.vn...ghin-lao-dong-25655.htmlhttps://dantri.com.vn/la...ia-20230514222233197.htmhttps://xaydungchinhsach...m-119230206055048249.htmhttps://vneconomy.vn/ca-...eu-ho-ngheo-da-chieu.htmhttps://www.gso.gov.vn/d...at-muc-song-dan-cu-2021/