Không hiểu lý do nào ông bà Hai lấy tên Hụi để đặt cho con mình. Lúc còn nhỏ, Hụi trông khôi ngô sáng sủa lắm. Hụi lại ít bị bệnh hoạn và rất chóng lớn. Năm lên bốn tuổi, Hụi đã lớn kịp anh ruột mình là Hùng, lớn hơn Hụi hai tuổi. Hai anh em cũng ham chơi, cũng nghịch ngợm như bao trẻ con cùng trang lứa trong vùng.
Ngày đầu cha mẹ Hằng dọn nhà tới ấp Năm, Hằng đã biết Hùng và Hụi là hai anh em, nhưng không phân biệt được đứa nào anh đứa nào em. Hai đứa rất giống nhau và tác người cũng ngang cỡ nhau như hai đứa sinh đôi vậy. Chúng lại chỉ kêu nhau bằng tao với mày. Mãi tới khi nhập bọn chơi chung với nhau rồi Hằng mới biết Hụi là em Hùng và cùng tuổi với mình.
Hằng ở vùng gần núi, cây cối rậm rạp nên có nhiều giống chim chóc sinh sống. Gần đó cũng có một khu đất lớn, hình như tốt về phong thủy nên những nhà giàu nhiều nơi hay đến chôn mồ mả, dân địa phương gọi là "Cồn Mồ". Khách thành thị nhiều người đi thăm viếng lăng mộ qua đây ghé nghỉ chân đều tỏ ra mê say thích thú cái cảnh ngồi dưới bóng cây râm mát nghe chim hót líu lo. Mấy đứa trẻ vẫn hay bắt chim con để nuôi chơi. Trẻ con đứa nào cũng rất ưa và cưng quí chim như vàng. Mấy đứa khôn ngoan thỉnh thoảng lại bán cho khách thành thị nhiều con chim với một giá "ngon lành". Khách ưa nhất là giống chim sáo, chim cưỡng vì hai giống chim này ngoài vẻ đẹp và hót vui tai, lại có thể huấn luyện biết tuân lệnh người, bắt chước tiếng người.
Hằng vẫn ước mơ đến nhập tâm làm sao có được một con sáo mà khi nghe tiếng Hằng huýt thì nó nhanh nhẹn nhảy lên vai, lên tay Hằng như những đứa trẻ khác đã làm. Mỗi khi thấy những đứa bạn săn sóc chim, cưng chim Hằng hết sức thèm thuồng. Chưa khi nào có chim nhưng Hằng đã tập được một giọng huýt rất sành sỏi, linh động. Hằng có thể giả giọng chủ chim để huýt, bất cứ con chim nào dù đã được huấn luyện kỹ nghe cũng phải lầm. Nhưng với cách đùa cho đỡ ghiền này, Hằng hay gặp phản ứng, có khi dữ tợn, của những đứa trẻ khó tính. Có đứa đã gây sự, gán cho Hằng tội muốn ăn cắp chim.
Năm Hằng lên bảy thì trong làng bắt đầu mở trường học. Hùng, Hụi và Hằng đều được xếp vào học một lớp. Ba đứa đều học hành siêng năng chăm chỉ, thầy giáo rất hài lòng. Kết quả năm học đầu tiên Hụi đứng đầu, Hùng đứng thứ ba và Hằng đứng thứ sáu trong một lớp trên bốn chục học sinh đủ cỡ tuổi từ 6 đến 12.
Đầu năm học kế tiếp, cả Hùng lẫn Hụi đều được cha mẹ thưởng cho mỗi đứa một con chim sáo vừa mới nhú lông ống. Hùng và Hụi vô cùng sung sướng. Ngày nào chúng cũng đều bỏ nhiều thì giờ ra các bãi cỏ bắt châu chấu, dế hay chuồn chuồn cho chim ăn. Mỗi lần Hằng trông thấy bạn nhón con mồi bỏ vào miệng chú chim nhỏ xíu đang hả lớn rồi ngậm lại nuốt ực một cái thì thích thú lắm. Nhiều lần Hằng đi theo Hùng và Hụi để bắt mồi giùm. Hai con chim lớn như thổi. Không bao lâu chúng đã đủ lông đủ cánh, nhảy nhót và bay được từng đoạn ngắn. Chúng cũng bắt đầu biết tuân theo vài khẩu lệnh của chủ. Hai đứa trẻ cũng bắt đầu say sưa với cái thú huấn luyện con chim của mình. Hằng cũng muốn làm huấn luyện viên phụ nhưng Hùng không ưa. Chỉ có Hụi, hình như thông cảm được ước muốn của Hằng, chịu để cho Hằng tham gia huấn luyện con chim với mình. Một lần Hụi cầm con chim đưa cho Hằng:
– Cho mày mượn chơi một buổi đó!
Hằng sung sướng cám ơn rối rít rồi cầm chim chạy về nhà khoe với mẹ. Nhưng chỉ được một lát, Hằng đem trả lại cho Hụi. Hụi ngạc nhiên hỏi:
– Mày cứ chơi với chim đi, tao cho mày mượn một buổi lận mà!
– Tao vẫn rất muốn chơi nhưng má tao không cho chơi. Má tao bảo nếu lỡ làm chim chết mày bắt đền không có mà đền.
– Không, dẫu chim có chết tao cũng không bắt đền mày đâu. Và lần khác, khi nào thích chơi chim mày cứ nói tao cho mượn.
Từ đó hai đứa trẻ gần như chơi chung con chim sáo ấy. Hình như Hằng có khiếu và siêng huấn luyện chăm sóc con chim hơn nên chẳng bao lâu con sáo của Hụi cũng khôn vượt hẳn con sáo của Hùng. Con sáo này có thể nghe lệnh gọi mà đến, nghe lệnh đuổi mà xa ra, biết tuân hành được cả lệnh lượm một cọng rác mang tới cho chủ. Buổi tối đến, sáo đi với Hằng thì Hằng giữ mà đi với Hụi thì Hụi giữ. Mỗi đứa đều đã sắm một cái lồng riêng để bảo vệ chim tránh nanh vuốt lũ mèo. Lũ trẻ và cả người lớn ai cũng trầm trồ khen từ trước tới nay chưa có một người nào huấn luyện được một con sáo khôn đến thế. Người ta đặt thêm cái tên mới cho con sáo của Hụi là sáo khôn để phân biệt với con của Hùng là sáo khờ.
Những khi cái lồng của Hụi trống không là biết con sáo khôn ngủ ở nhà Hằng. Lần lần con sáo càng quấn quít với Hằng hơn với Hụi. Thành ra cái lồng của Hụi có khi vắng vẻ suốt tuần. Mẹ Hụi thấy vậy, một hôm nói đùa với những người trong nhà:
– Mấy bữa nay con sáo khôn cứ về ngủ với mẹ nó chứ không chịu về ngủ với ba nó à?
Mọi người cười ồ lên. Trong khi Hùng cười to tiếng và cười dai nhất thì Hụi bẽn lẽn cúi gầm mặt. Cha Hụi nhìn Hụi nói thêm:
– Trông cũng xứng đôi vừa lứa đó chứ! Con thích không ba lo trước cho!
Mọi người lại thêm một trận cười nữa.
***
Hôm sau, Hụi vừa gặp mặt Hằng liền nói:
– Hằng ơi, tao cho hẳn mày con sáo khôn đó nghe. Từ nay mày giữ lấy nó một mình mà chơi! Mày muốn làm gì tùy mày.
Ban đầu Hằng ngạc nhiên và lo lắng nhưng sau thấy Hụi có vẻ thiệt tình không có chút giận hờn nên sung sướng lắm. Đây là lần đầu Hằng chính thức làm chủ một con chim. Con sáo tuy khôn nhưng không thể tự túc kiếm ăn. Việc bay để kiếm mồi, trừ chính cha mẹ nó không ai huấn luyện được cho nó. Hình như cũng từ đó nó chỉ biết có Hằng chứ chẳng luyến lưu chi người chủ cũ. Hụi trở thành người đi kiếm mồi giúp cho Hằng.
Một buổi chiều Hụi đang học bài bỗng nghe tiếng Hằng khóc bù lu bù loa ngoài đường. Lật đật bỏ vở chạy ra xem, Hụi thấy Hằng đang cầm con sáo mới chết còn nóng hổi mà khóc. Nhiều đứa nhỏ cũng đang đứng vây quanh Hằng. Hụi hỏi:
– Con sáo vì sao chết vậy?
Hằng vừa khóc tức tưởi vừa nói:
– Thằng... Thiệt... nó ...bắn...
Thế là Hụi lao đi như một mũi tên. Mấy đứa nhỏ cũng ùa chạy theo. Hằng cũng cầm con sáo chết lẽo đẽo chạy sau cùng. Tụi nhỏ đến nhà thằng Thiệt kịp lúc chứng kiến một trận thư hùng giữa Hụi và Thiệt. Thiệt lớn hơn Hụi tới bốn tuổi và lớn xác hơn, nhưng hình như nó biết có lỗi nên cứ vừa đỡ đòn vừa thụt lùi trong khi Hụi cứ tấn công liều mạng. Hụi lăn xả vào ôm được chân Thiệt và cắn một miếng vào bắp vế muốn đứt thịt ra làm Thiệt hét lên một tiếng lớn rồi vùng chạy.
Mất con Sáo, Hằng cứ buồn rầu mãi. Hụi cũng buồn nhưng ngày nào cũng an ủi, khuyên dỗ Hằng. Hụi hứa nhất định sẽ tìm cho Hằng một con chim khác. Từ đó ngày nào nó cũng len lỏi đi tìm tổ chim. Một hôm Hụi vui vẻ đến nói với Hằng:
– Tao đã tìm được một tổ quạ, ngày mai mày đi với tao mà xem tao bắt. Tao cho mày lựa hai con nào mày thích nhất.
Nghe Hụi nói, mặt Hằng rạng rỡ hẳn lên. Nụ cười vắng vẻ trên môi Hằng mấy hôm nay bây giờ tươi trở lại:
– Thật hả Hụi? Ngày mai tao đi với mày! Tao đem kẹo cho mày ăn nữa.
Thế là hôm sau Hùng, Hụi và Hằng dẫn nhau đi bắt tổ quạ. Ba đứa vòng vòng băng qua nhiều rẫy, sau hết chúng đến một cái rẫy trồng nhiều cây ăn trái. Tổ quạ làm trên một cây xoài, cách mặt đất chừng sáu thước. Hụi hăng hái cầm một chiếc tất lính khá rộng và dài leo lên cây. Hụi leo thoăn thoắt như một con vượn. Hùng và Hằng nhìn theo với vẻ thán phục lắm. Thoắt một cái, Hụi đã vói thấu tổ chim. Hai chân Hụi ghìm cứng vào thân cây xoài. Một tay Hụi nắm một nhánh xoài đồng thời kẹp chiếc tất chừa nửa miệng, tay còn lại thì sờ lên tổ chim. Mấy con quạ con nghe tiếng động lạ nép mình im phăng phắc. Hụi đang thò tay vào tổ thì giựt nẩy mình: rựt, rựt, rựt... Mấy con chim bay ra, hết con này đến con khác. Loạt chót hai con cùng bay ra một lần. Trong lúc hoảng hốt bối rối, Hụi buông luôn cả tay đang giữ cành xoài mà rướn người chồm theo bắt con chim. Rủi thay, chim thì không bắt được mà Hụi lại té nhào xuống đất nằm bất động. Hùng thấy thế chạy lại ôm Hụi đỡ dậy mà khóc nức nở. Hằng mặt tái mét run lẩy bẩy đứng một chỗ chẳng biết làm gì. Nhưng một lát sau thì Hụi mở mắt ra hỏi:
– Còn con quạ nào không?
Câu hỏi làm cho cả Hùng lẫn Hằng vừa mừng vừa tức cười. Thế là chúng vội kéo nhau về. Sợ bị la rày, cả ba đứa không hề tiết lộ chuyện đi bắt quạ cho ai hay cả.
***
Suốt bốn tháng đầu niên khóa Hụi đều đứng đầu lớp. Hui tỏ ra là một đứa trẻ thông minh hiếm có. Thầy giáo nhận xét không thể có một trò nào kế tiếp đó có thể chen chân thay thế Hụi được. Thầy mừng cho gia đình Hụi, mừng cho cái ấp hẻo lánh và cũng mừng cho chính mình có duyên gặp được một học trò thiên tài.
Nhưng qua tháng thứ năm thầy giáo rất ngạc nhiên thấy Hụi học hành sa sút một cách tệ hại. Trước đây, mỗi khi gọi Hụi lên hỏi bài, thầy giáo coi như là một cách nhắc khéo bài vở cho những học trò khác. Cái giọng lanh lảnh, rõ ràng, trơn tru của Hụi như một dấu ấn đập mạnh vào trong óc những trò nào chưa nhớ phải nhớ. Nhưng bây giờ thầy giáo thất vọng thấy bài học nào Hụi cũng không thuộc, bài làm nào Hụi cũng làm sai. Hai trò ngồi bên cạnh Hụi lâu nay cứ chép bài tập của Hụi bây giờ cũng ngẩn ngơ lúng túng.
Chiều kia, thầy giáo ghé thăm nhà Hụi, cũng may gặp lúc cha mẹ Hụi đều ở nhà. Thầy giáo nói cho ông bà biết về việc học hành của Hùng và Hụi. Thầy cũng hỏi tình trạng Hụi sống trong nhà có gì khác thường không. Bấy giờ ông bà Hai mới để ý nhớ là trong thời gian gần đây Hụi cứ hay ngồi thẫn thờ một mình nhìn đâu đâu mà miệng cứ lảm nhảm không biết nói gì. Thật tình khi thấy cảnh trạng đó hai ông bà cứ nghĩ là Hụi nhẩm đọc bài học. Ông bà cũng sực nhớ tới là độ này Hụi cũng không còn siêng tắm rửa như trước. Áo quần mặc Hụi cũng quên thay làm cho bà Hai phải nhắc.
Từ đó cha mẹ Hụi bắt đầu theo dõi Hụi. Một hôm thấy Hụi ngồi nói lảm nhảm, mẹ Hụi rón rén lại đằng sau nghe thử Hụi nói gì. Bà chỉ nghe lỏm bỏm mấy tiếng "tao cho mày hai con quạ đẹp nhất". Bà lên tiếng hỏi:
– Này Hụi, con nói cho ai hai con quạ thế?
Hụi trả lời:
– Ừ, ừ, phải rồi, cho nó hai con quạ đẹp nhất!
Nói xong Hụi bỏ đi ngồi chỗ khác.
Mẹ Hụi thấy lạ quá đi theo hỏi nữa thì Hụi cũng trả lời y như trước và lại bỏ đi chỗ khác lần nữa. Lần thứ ba khi thấy mẹ đến gần, Hụi không nói gì nữa mà vội tránh ngay. Bà lo sợ kêu Hùng lại hỏi:
– Quạ ở đâu mà thằng Hụi cứ nói cho ai đó hai con đẹp nhất con biết không?
Hùng biết rằng khó giấu nổi mẹ nữa nên đem chuyện Hụi leo bắt tổ quạ rồi bị té nói cho mẹ nghe. Bà Hai vô cùng hoảng hốt. Thế này thì đúng là tại con mình nghịch ngợm trèo phá phách nhằm chỗ linh thiêng rồi! Không kịp hỏi ý chồng, bà sai Hùng chạy đi mua ngay một nắm bông và mấy nải chuối, bà lại làm thịt ngay một con gà trống rồi dắt hai anh em đến ngay nơi Hụi bị té để cúng tạ lỗi với thánh thần. Tối đến, bà lại sắp đặt đủ lễ cho chồng cúng lạy ông bà tổ tiên trong nhà cũng như kẻ khuất mặt khuất mày bên ngoài xin phù hộ cho Hụi được tai qua nạn khỏi.
Nhưng chứng bệnh lạ của Hụi không lành mà ngày càng nặng thêm. Ông bà Hai phải chạy đôn chạy đáo lo đủ thầy thuốc, thầy cúng, thầy bói đến kiệt quệ. Cuối cùng ông bà Hai đành phải buông xuôi.
Hai tháng sau Hụi phải bỏ học. Hằng ngày Hụi cứ ngồi thẫn thờ trước cửa ngó ra đường. Thấy người quen không chào, thấy người lạ không hỏi, ai làm gì cũng mặc. Ăn xong lại ra cửa ngồi. Ngồi không biết chán. Ngồi buổi này qua buổi khác. Khi bị ai nói năng rày rà Hụi lại bỏ đi tìm chỗ khác để ngồi. Người ngoài không rõ, ai có việc hỏi đến Hụi, Hụi cũng không quay lại nhìn mặt người hỏi mà chỉ trả lời:
– Ừ, ừ, phải rồi, không biết!
Thế rồi thôi. Dù ai hỏi gặng mấy Hụi cũng mặc, không trả lời mà đi chỗ khác ngồi. Mẹ Hụi bấy giờ ngoài việc phải lo chăm sóc từng miếng ăn cho Hụi, nhắc nhở Hụi thay áo quần, bà lại phải lo cả việc tắm rửa cho Hụi nữa vì Hụi không còn biết tự tắm rửa nữa.
Từ ngày Hụi bị tai nạn, Hằng cũng buồn bã lắm. Cái niềm thích thú chơi chim của Hằng hình như cũng biến luôn. Hằng không còn nhìn những đứa bạn cưng chim một cách thèm khát say sưa như ngày nào. Hằng không còn một chút ao ước nhỏ được làm chủ một con chim đẹp khôn ngoan. Hằng thấy sợ sợ sao sao ấy. Hằng cũng ít lang thang đi chơi với bạn bè như trước. Lâu lâu có cái kẹo, miếng bánh, Hằng lai đem sang cho Hụi và ngồi nói chuyện với Hụi. Nhưng gần như Hụi cũng chẳng quan tâm mấy tới Hằng. Hằng đưa bánh kẹo thì Hụi cứ lặng lẽ cầm lấy mà ăn. Hằng nói chuyện thì Hụi cứ lặng lẽ nghe. Nếu Hằng hỏi gì thì Hụi lại "Ừ, ừ, phải rồi, không biết!". Chỉ có một lần mắt Hụi chợt sáng lên mà hỏi Hằng:
– Hai con quạ tao cho mày biết bay chưa?
Đó là câu hỏi có vẻ khôn ngoan duy nhất trở lại với Hụi làm cho mọi người vô cùng mừng rỡ. Những người nghe câu ấy đều xúm lại quanh Hụi lập tức. Nhưng đôi mắt Hụi liền trở lại thẫn thờ, lạc thần như trước. Các câu hỏi tiếp đó lại được Hụi đáp lại bằng lời đáp cố hữu "Ừ, ừ, phải rồi, không biết!".
Chỉ còn may một điều là Hụi không khi nào gây phiền phức cho xóm giềng.
Tình trạng này kéo dài mãi hơn bốn năm năm. Dần dần, ngoài người trong nhà, Hụi cũng nhớ mặt, nhớ tên được một vài người hay lui tới với gia đình Hụi. Khuôn mặt Hụi lúc này trông bạnh ra, nhợt nhạt ra và lúc nào cũng có vẻ như cười một mình. Cái nụ cười ngây ngây, ma ma trông đến dễ sợ. Mấy đứa con nít lạ trông thấy liền phải tránh đi hoặc bỏ chạy mất. Có người khuyên cha mẹ Hụi nên thử tập cho Hụi đi làm việc, có thể tránh bớt cho Hụi bị luống xương. Ông bà Hai nghe vậy thì biết vậy chứ cũng không tin tưởng, hi vọng gì.
Một lần đang đào lỗ trồng chuối trong vườn nhà, cái cán xẻng của ông Hai bị gẫy mất. Lúc ấy trong nhà không có ai để nhờ, ông Hai vừa vấn thuốc hút vừa gọi đại Hụi đem cái xẻng khác ra cho ông. Gọi là gọi đùa vậy thôi, nhưng không ngờ Hụi cầm cái xẻng ra cho ông thật. Khi ông làm thì Hụi đứng chăm chú nhìn. Làm một chốc, ông quay lại hỏi Hụi:
– Con làm được không?
– Ừ! Ừ! Được!
Ông trao cái xẻng cho Hụi và đứng nhìn Hụi làm xem sao. Ông Hai ngạc nhiên thấy Hụi chịu làm và lại làm được. Thế là ngay buổi chiều ấy, hai cha con cùng đào lỗ trồng chuối. Qua một ngày làm việc, thấy Hụi không tỏ ra mệt nhọc mà có vẻ vui thích nữa. Từ đó, làm công việc gì ông Hai cũng kêu Hụi đi theo. Đặc biệt là khi đi làm dù trời nắng hay mưa, Hụi vẫn không bao giờ chịu đội nón đội mũ. Càng đi làm, Hụi càng ăn được cơm, càng lớn con thêm, càng trở nên đen điu, giảm đi cái vẻ nhợt nhạt ma quái. Hụi làm việc gì cũng siêng, làm nhiệt tình, làm tới nơi tới chốn. Dĩ nhiên là Hụi chỉ biết tuân hành, cha chỉ đâu làm đó, không có sáng kiến.
Điều may cho gia đình Hụi, khi Hụi biết hăng say trong công việc ruộng rẫy thì ông Hai mất. Bà Hai phải thay ông điều hành công việc làm ăn. Hụi có sức khỏe, chịu làm nên công việc trong nhà cũng chạy đều. Tuy thế, những khi rảnh rỗi, Hụi vẫn cứ tìm chỗ ngồi thừ ra như trước. Chỉ có chút tiến bộ là Hụi biết nói thêm được một số tiếng thông thường. Những ngày tết nhất, những người thân quen tới thăm cũng có người lì xì cho Hụi như một đứa trẻ. Ai lì xì Hụi cũng đưa tay nhận hết. Bà Hai cũng thỉnh thoảng đưa tiền cho Hụi bảo khi thèm chi cứ mua ăn. Hụi lấy tiền nhưng ít ai thấy Hụi tự mình ăn hàng bao giờ.
Mấy năm sau Hùng đi lính. Hai cô em gái của Hụi là Mai và Hạnh, cũng lần lượt đi lấy chồng. Trong nhà chỉ còn vỏn vẹn hai mẹ con. Niềm an ủi lớn cho bà Hai là lúc này mỗi lần Hùng, Mai hay Hạnh về thăm, Hụi cũng biết tỏ ra mừng rỡ. Hụi biết nghe lời mẹ, lời anh và nghe lời cả hai em gái.
Rồi Hùng xin với mẹ đi hỏi Hằng làm vợ. Hằng bấy giờ đang làm cô giáo. Hai gia đình vốn thân nhau, Hùng và Hằng cũng thương nhau thiệt tình nên mọi việc đều suôn sẻ. Với việc chấp thuận kết duyên với Hùng, Hằng còn mang ước nguyện được có cơ hội săn sóc giúp đỡ Hụi như với một người ruột thịt bị tật nguyền. Hằng biết rõ hơn ai hết, cái cảnh thân tàn ma dại của Hụi bây giờ, phần lớn là do sự mê say chơi chim của Hằng gây nên. Hằng phải tìm cách chuộc lại một ít tội lỗi.
Năm sau, vào dịp nghỉ phép thường niên, Hùng tổ chức đám cưới tại nhà. Hụi bình thường rất biết nghe lời những người trong gia đình. Đêm trước ngày cưới, bà Hai, Hùng và hai em gái tề tựu đủ mặt tại nhà trong bữa cơm tối. Mọi người đều nhỏ nhẹ dặn dò Hụi ngày mai trong lúc rước dâu về, Hụi phải vào buồng mà ngồi chứ đừng ra ngoài có thể làm cho một số người phải sợ. Người nào cũng một hai lần dặn đi dặn lại. Hụi cứ gật đầu ừ, ừ. Đến sáng, bà Hai và Hùng lại kêu Hụi mà dặn lại lần nữa. Mai và Hạnh có nhiệm vụ canh và nhắc chừng Hụi vào giờ phút quan trọng ấy.
***
Đám rước dâu cũng khá long trọng. Khi quan viên khách khứa hai họ đã tề tựu ở nhà đàng trai, cô dâu chú rể sắp làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, bất ngờ Hụi mặc bộ pijama mới toanh xuất hiện. Hụi đưa tay gạt mọi người tiến thẳng tới trước mặt cô dâu, nét mặt Hụi vừa man dại, vừa mừng rỡ:
– Hi hi! Con Hằng! Mày đến ở nhà tao hả?
Hai cô phụ dâu hoảng hốt thối lui mấy bước. Một số người bên họ nhà gái cũng giựt mình. Mai và Hạnh lật đật kéo anh mình vào buồng. May mắn là Hụi không kháng cự, ngoan ngoãn đi theo hai em. Hùng và Hằng thì điềm tĩnh như không có việc gì. Mọi người chỉ chưng hửng giây lát. Rốt cục mọi chuyện vẫn trôi qua êm đẹp.
Khi khách đã ra về hết rồi, bà Hai lại cho dọn một mâm dành cho người trong nhà, vì trong khi bận rộn lo tiếp khách, có người vẫn ăn uống chưa được no. Lần này quây quần đủ mặt toàn bộ con cái dâu rể. Bà Hai một tay cầm tay Hụi, một tay chỉ vào Hằng mà nói:
– Hụi này, con biết đây là ai không?
– Biết! Con Hằng!
– Con không được kêu là con Hằng nữa! Từ nay con phải kêu là chị Hằng! Đó là chị dâu của con, biết chưa?
– Không! Tôi không kêu con Hằng bằng chị! Con Hằng nhỏ.
– Chị Hằng nhỏ nhưng chị Hằng nay là vợ của anh Hùng con, con phải kêu bằng chị! Con thấy thằng Sanh đây lấy em Mai của con nên phải kêu con bằng anh. Thằng Hạc đây lấy em Hạnh của con nên cũng phải kêu con bằng anh. Vậy con phải kêu là chị Hằng mới đúng nghe chưa!
– Không! Tôi không kêu con Hằng bằng chị! Thế tối nay con Hằng ngủ đâu?
– Chị Hằng là vợ của anh Hùng con thì chị Hằng ngủ với anh Hùng con. Con đừng hỏi chuyện đó làm gì.
Hằng nghe vậy cũng không lấy làm phật lòng. Hằng cũng chính thức gọi Hụi bằng danh mới kể từ đó: chú Hụi.
Bà Hai phải kiên nhẫn giải thích nhiều lần với Hụi. Mãi hai ngày sau cái danh "chị Hằng" đối với Hụi mới được êm xuôi.
Sau thời gian nghỉ phép, Hùng trở về đơn vị. Hằng cũng đi theo chồng vì Hằng đã xin thuyên chuyển được đến dạy ở một trường học gần nơi Hùng làm việc.