Tôi đành vay mượn tên nhạc phẩm “Con đường mang tên em” của Trúc Phương để đặt cho con đường nhà tôi vì quá hợp lý luôn, không thể đặt tựa đề khác được. Con đường này dài hơn một cây số nhưng chỉ một đoạn đường ngắn nơi khu buôn bán gần những trại lính thật khó mà tin nổi 9 căn nhà liên tiếp nhau đã có 3 người con gái tên Thanh, thật ngẫu nhiên chúng tôi cùng lứa tuổi mới lớn, lại ngẫu nhiên nữa là có hai người cùng họ Nguyễn Thị… Chẳng biết từ bao giờ hàng xóm đã tự phân loại cho khỏi lầm lẫn là gọi tên Thanh đi kèm theo tên của bố chúng tôi. Căn đầu tiên là Thanh Giai, tới tôi căn nhà thứ 4 là Thanh Đệ (hai nhà Thanh này đều là cửa hàng bán cà phê nước giải khát) và Thanh Pa tê là căn nhà thứ 9 (nhà này bán Pa tê thịt nguội vì chính bố của Thanh người ta cũng gọi là “ông Pa tê”).
Rõ ràng thế mà vẫn có sự lầm lẫn.
Hằng ngày ngoài giờ đi học tôi phải phụ mẹ bán hàng. Một hôm có anh chàng đẹp trai ăn mặc điệu đàng lịch sự dừng xe Vespa trước cửa quán nhà tôi, anh tháo kính đen, nheo mắt nhìn lên số nhà rồi nhìn vào trong quán thấy tôi nên anh mạnh dạn bước vào. Thấy anh mỉm cười tôi cũng mỉm cười tưởng là khách hàng quen. Dáng vẻ anh thành phố thanh lịch sang trọng thế kia chẳng lẽ ghé quán để uống mấy thứ nước ngọt màu mè xanh đỏ vàng tím như chai bạc hà, chai cam đỏ, chai kem sô đa hay chai xá xị con cọp. Tôi mời hỏi:
– Anh uống gì, cà phê sữa đá, sô đa sữa hột gà, sô đa chanh đường hay nước vắt cam tươi?
Chàng lửng lơ:
Em cho anh uống gì cũng được.
Người khách này dễ tính thật vào quán người ta mà mặc cho chủ quán muốn bán gì uống nấy.
– Anh uống cà phê sữa đá nhé.
Chàng gật đầu có vẻ hài lòng làm như vừa được tôi săn sóc hậu hỉ. Khi tôi mang ly cà phê ra bàn chàng nhìn tôi bằng ánh mắt thân mến:
– Thanh khỏe không?
Tôi giật mình sao anh chàng lạ hoắc này biết tên mình. Tôi phụ mẹ bán hàng bấy lâu nay hầu như quen thuộc nhiều mặt khách nhưng mặt người này thì là lần đầu. Mà thôi khách nhớ nhà hàng chứ nhà hàng làm sao nhớ hết từng người khách. Tôi đáp lại:
– Vâng, em bình thường, anh khỏe không ?
Chàng hớn hở:
– Anh khỏe nên hôm nay mới đến ra mắt em đây. Em ở ngoài đời khác trong hình làm anh bất ngờ, nhưng em trong hình và em ngoài hình đều rất dễ thương.
Lần này tôi giật mình thật sự, tôi linh cảm ngay có sự lầm lẫn. Đây không phải người khách vào quán tôi để uống giải khát mà anh đi tìm người con gái tên Thanh nào đó không phải là tôi. Tôi bối rối:
– Anh và em chưa quen nhau bao giờ, em có gởi hình cho anh đâu.
– Chàng ngỡ ngàng:
– Em tên Thanh phải không?
– Đúng rồi, em là Thanh.
– Anh là Trần Hữu Minh đây mà.
Chàng móc trong túi áo một lá thư đã đóng dấu bưu điện:
– Thư em viết cho anh nè, em cho anh địa chỉ quán cà phê nhà em đây, hôm nay chúng ta hẹn gặp mặt nhau sau vài tháng làm quen qua mục tìm bạn bốn phương trên báo.
Tôi nghĩ ngay đến Thanh Giai cô nàng xinh đẹp và luôn mơ mộng một chàng trai vừa giàu sang vừa đẹp trai.
– Anh ơi, vậy là Thanh kia chứ không phải Thanh này, nhà nó cũng bán quán cà phê, căn đầu tiên đó anh.
Chàng đẹp trai ngượng ngùng:
– Thế mà anh hỏi thăm nhà cô Thanh bán cà phê bác kia chỉ ngay quán này và anh thì nhìn vội số nhà lại thấy bóng dáng em nên anh cứ tưởng… Cho anh xin lỗi nhé.
– Không sao, chúng em cùng tên, nhà cùng bán hàng cà phê giải khát, số nhà nó 111 số nhà em 114 na ná nhau nên bị lộn hoài, mà còn có cô Thanh thứ ba nữa cơ, anh mà lạc vào nhà nó là phải… mua Pa tê thịt nguội đó.
Chàng đẹp trai ra khỏi quán tức thì bố tôi hầm hầm gọi tôi vào trong:
– To gan nhỉ, dám hẹn hò bồ bịch đến tận nhà lại còn trao đổi thư từ với nhau.
Bố đi tìm cái roi tôi phải vội vàng giải thích kẻo bị đòn oan:
– Anh ấy đi tìm Thanh nhà ông Giai chứ không phải con.
Buổi chiều tôi gặp Thanh Giai kể cho nó nghe từ đầu đến cuối tôi xuýt bị bố đánh đòn vì sự trùng tên này. Nó bảo khi làm quen anh Minh qua thư từ nó lấy biệt hiệu là Kiều Diễm, nhưng khi cho anh địa chỉ đến nhà phải nói tên thật là Thanh cho anh dễ tìm chứ cô Kiều Diễm ai biết đâu mà chỉ. Chuyện tìm bạn bốn phương như một cuộc vui ngắn ngủi chẳng mấy khi nên duyên nợ. Sau đó Thanh Giai lên xe hoa với người khác, một tấm chồng như ước mơ, anh ấy con nhà giàu có, là lính kiểng quân y trong Tổng Y viện Cộng Hòa, rồi Thanh Đệ cũng lấy chồng, chỉ còn Thanh Pa tê nhỏ hơn chúng tôi một hai tuổi thì chưa.
Năm 1975 đã làm thay đổi mọi cuộc đời, mọi thứ trong cuộc sống, nhưng định mệnh vẫn cho chúng tôi ở cùng một con đường như bấy lâu dù chúng tôi đã qua thời thiếu nữ. Chồng Thanh Giai bị mất tích ngay những ngày đầu 30 tháng Tư 1975, toàn bộ gia đình chồng đã di tản đi Mỹ, thế là Thanh Giai bơ vơ không nơi nương tựa đành mang hai con về xóm cũ ở chung nhà cha mẹ ruột và buôn bán kiếm sống. Thanh Đệ thì từ khi lấy chồng đã mua một căn nhà trong xóm, chồng đi tù cải tạo ngày ngày tôi vẫn ra quán cà phê nhà cha mẹ bán hàng, Thanh Pa tê vẫn chưa lấy chồng, ở cùng cha mẹ.
Căn nhà thứ 6 bỗng đổi chủ, một gia đình đến mở cửa hàng bán gạo và chà gạo, thời buổi bao cấp gạo xấu người ta phải đem chà lại cho sạch cám trắng gạo để dễ ăn, trời xui đất khiến sao mà chị chủ nhà cũng tên Thanh. Chị được hàng xóm gọi là Thanh Chà Gạo. Thế là 9 căn nhà liền kề nhau bây giờ có thêm một Thanh nữa là 4 người phụ nữ mang tên Thanh. Càng thêm ngẫu nhiên đến lạ lùng, càng thêm khó tin. Chắc khúc đường này có duyên với những người tên Thanh?
Một hôm có thằng bé đứng lóng ngóng trước cửa nhà tôi, thấy tôi nó mừng rỡ réo to cả xóm đều nghe:
– Cô Thanh ơi trả lại mẹ cháu bịch cám, nãy chà gạo xong cô quên chưa đưa mẹ cháu.
Tôi chỉ nhà bên cạnh:
– Sang bên đó mà đòi cám nghe cháu.
Thế mà cũng lầm nhà được mới lạ, nhà Thanh chà gạo có máy chà gạo, bụi cám bay đầy nhà, có những bao gạo chồng chất mà thằng nhỏ vẫn đi lộn sang quán cà phê nhà tôi. Vụ lộn nhà đòi bịch cám còn đỡ hơn vụ này. Con bé chừng 12 tuổi đạp xe dừng trước cửa nhà tôi nó dựng xe và bước vào, tôi tưởng nó vào uống giải khát, nhưng chẳng nói năng chi, nó móc túi lấy ra tờ giấy đưa cho tôi. Tôi tò mò và ngạc nhiên mở tờ giấy ra đọc, ghi từng ngày như sau: Ngày... tháng… một ký đậu xanh nửa ký bột năng. Ngày… tháng… một ký đậu đỏ một ký đường cát trắng. Ngày… tháng… một ký đậu ván một ký đường cát trắng, ba gói phổ tai. Tổng cộng số tiền là…
Tôi nhìn con nhỏ và ngơ ngác hỏi:
– Ủa, giấy gì đây sao toàn là đường đậu?
– Dạ, má con nói đưa dì đọc tờ giấy này cho kỹ càng ngày tháng rành rành ra đó để dì đừng cãi cố như bữa hôm.
– Ủa… Má con là ai?
– Bà Tư Đanh bán chạp phô trên chợ Hạnh Thông Tây đó, Dì mua mối đường đậu của má con đó.
Xong nó ngọt ngào rất bài bản để đòi nợ:
– Dì Thanh làm ơn cho con xin tiền mấy thứ này, dì đã hẹn mấy lần mà chưa thấy trả nên má con biểu con đi lấy tiền.
Trời, lại một sự lầm lẫn người tên Thanh, là Thanh Giai chứ còn ai vào đây nữa. Tôi với Thanh Giai có mắc mớ gì không mà khi trước có chàng trai đến nhà tìm Thanh đòi nợ tình, khi nay con nhỏ đến đòi nợ tiền. Thời buổi bao cấp của khó người khôn, người ta mở thêm quán giải khát cạnh tranh nhau buôn bán nên cà phê nhà Thanh Giai và nhà Thanh Đệ đều ế hơn xưa. Tôi sau khi mở cửa hàng xay bột nước không đủ sống liền quay trở lại bán hàng cà phê giải khát như cũ, nhưng cũng chỉ đủ cầm cự qua ngày còn Thanh Giai xoay sở bán đủ thứ, khi là xe bánh mì, khi thì bày bán bún riêu, khi thì hàng cơm tấm, càng bán càng cạn vốn nên nàng đổi sang bán xe chè đá đậu. Tôi bảo con nhỏ:
– Dì tên Thanh nhưng không hề mua thiếu đường đậu má con mà là Thanh kia kìa, căn nhà đầu tiên có xe đá đậu lù lù đó bộ con không nhìn thấy hả?
Con nhỏ bị quê, giựt lấy tờ giấy nợ trên tay tôi và đạp xe vèo một cái tới đúng nhà Thanh Giai, đúng người mà nó cần gặp.
***
Khi gia đình tôi xuất cảnh đi Mỹ, Thanh Giai vẫn buôn bán lẻ tẻ nuôi hai con, Thanh Chà Gạo càng ngày càng đắt hàng và phát triển bỏ mối gạo đi nhiều nơi. Trong số 4 người tên Thanh thì Thanh Chà Gạo là đại gia giàu có nhất, phải chi ai đó lầm lẫn tưởng tôi là Thanh đại gia thì tôi cũng được oai phong le lói vài phút giây.
Ngày tôi đi xuất cảnh Thanh Pa tê nói đùa chị Thanh sang Mỹ tìm người nào giới thiệu cho em đi. Nhưng chỉ một năm sau tôi nghe tin Thanh Pa tê đã lên xe hoa sau nhiều năm kén chọn… xuýt nữa bị ế chồng. Rồi tôi được tin Thanh Giai đã kết duyên với một cán bộ và mẹ con dọn vào ở trong khu cư xá cán bộ với ông ta, đồng thời ông xin cho nàng một chân thư ký trong nhà máy nơi ông làm việc. Mới đây nhất năm 2021 khi Việt Nam đang bùng lên dịch Covid làm bao người thiệt mạng vì chưa được chích ngừa trong số đó có Thanh Chà Gạo, đại gia lắm tiền nhiều của nhưng ở Việt Nam tiền của cũng chẳng dễ gì mua được thuốc chích ngừa thời điểm ấy, coi như Thanh đại gia đã ra đi oan uổng, nghĩ mà thương.
Thế là con đường “định mệnh” mang tên Thanh ngày nào giờ đã chẳng còn ai tên Thanh ở lại. Mỗi Thanh một phương trời.
Thanh Đệ là tôi hiện nay sống ở Mỹ, nhà tôi trên con đường này hàng xóm toàn là Mỹ là Mễ chắc chắn chẳng có ai tên Thanh để mà trùng. Nhưng vẫn… có sự lầm lẫn, chẳng vì tên Thanh mà vì trùng số nhà. Hai lần bà Mễ ở con đường kia trong cùng khu phố tìm đến nhà tôi để trao lá thư đi lạc và tôi cũng đã có lần tìm địa chỉ nhà bà Mễ để trao gói quà ông bưu điện giao lầm.
Nguyễn Thị Thanh Dương.