Cựu Tổng thống Donald Trump, đã bị một đại bồi thẩm đoàn liên bang truy tố về vụ việc liên quan tới tài liệu mật, phủ nhận hành vi sai trái và nói ông bị truy bức chính trị.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố vì lưu giữ bất hợp pháp hồ sơ bảo mật của chính phủ tại khu tư dinh của ông ở bang Florida sau khi rời Nhà Trắng vào năm 2021 và cản trở công lý. Đây là những điều cần biết sắp tới khi vụ án được xúc tiến.
RỒI SAO NỮA?
Ông Trump, ngày thứ Năm đã tuyên bố mình vô tội, dự kiến sẽ xuất hiện lần đầu tiên tại tòa án liên bang ở Florida vào ngày thứ Ba.
Ngày thứ Sáu, các công tố viên liên bang công bố bản cáo trạng nhắm vào ông Trump cáo buộc ông gây nguy hiểm cho một số bí mật an ninh nhạy cảm nhất của đất nước qua cách mà ông xử lý các tài liệu mật. Bản cáo trạng cáo buộc ông phạm 37 tội danh. Một cựu phụ tá của ông, Walt Nauta, cũng đối mặt với các cáo buộc trong vụ án.
Ngay sau khi ông Trump xuất hiện trước tòa, các công tố viên sẽ bắt đầu giao bằng chứng cho các luật sư của ông Trump. Nó có thể bao gồm những thư từ qua lại giữa các luật sư của ông Trump, Cơ quan Lưu trữ và Hồ sơ Quốc gia Hoa Kỳ và các công tố viên liên bang trong những năm qua khi các bên bàn bạc về các tài liệu này.
Vào một lúc nào đó, các luật sư của ông Trump dự kiến sẽ đệ đơn yêu cầu bác bỏ vụ án vì nhiều lý do, bao gồm cả tuyên bố của ông rằng ông đã giải mật các tài liệu trước khi lấy chúng. Họ cũng có phần chắc sẽ lập luận rằng vụ án nên được hủy bỏ vì những điều mà họ cáo buộc là hành vi sai trái của các công tố viên, bao gồm cả cáo buộc vi phạm học thuyết pháp lý cho phép người ta giữ kín những trao đổi liên lạc với luật sư của họ.
Kiến nghị bác bỏ trong các vụ án hình sự là việc bình thường nhưng hiếm khi thành công vì bị cáo đối mặt với gánh nặng lớn là phải thuyết phục được thẩm phán rằng vụ án của họ có quá nhiều sai sót không thể đưa ra trước bồi thẩm đoàn được. Lập luận của các công tố viên cũng tạm thời được chấp nhận là đúng ở giai đoạn đó.
VỤ ÁN SẼ TÁC ĐỘNG RA SAO TỚI CHIẾN DỊCH VẬN ĐỘNG TRANH CỬ CỦA TRUMP?
Các cáo buộc bao gồm vi phạm Đạo luật Gián điệp, cản trở công lý, đưa ra lời khai sai trái với các nhà điều tra và âm mưu, theo bản cáo trạng.
Không có điều nào trong số những điều kể trên sẽ tự động ngăn cản ông Trump vận động tranh cử hoặc nhậm chức nếu ông bị kết tội.
Không rõ tác động của vụ việc ra sao đối với vị thế của ông Trump trong mắt cử tri. Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông đã tăng lên sau khi ông bị truy tố trong một vụ án riêng biệt ở New York vào tháng 4, và ông hiện là ứng cử viên hàng đầu cho đề cử tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Ông đã sử dụng các vụ án và các cuộc điều tra mà ông đối mặt làm công cụ vận động gây quỹ, nói với những người ủng hộ rằng ông đang bị tấn công và cần họ giúp đỡ. Ban vận động tranh cử của ông Trump cho biết vào tháng 4 rằng các khoản quyên góp đã tăng vọt sau khi ông bị truy tố ở New York.
KHI NÀO SẼ ĐƯA RA XÉT XỬ?
Bất cứ phiên tòa xét xử tiềm năng nào cũng phải nhiều tháng nữa mới diễn ra.
Ông Trump đã phủ nhận hành vi sai trái và gọi vụ việc là “săn phù thủy” có động cơ chính trị. Ông có quyền được ra tòa xét xử trong vòng 100 ngày, nhưng điều đó hiếm khi xảy ra trong các vụ án phức tạp. Các bên có thể sẽ đồng ý gia hạn thời hạn khi họ nghiên cứu bằng chứng và tranh luận về các tranh chấp pháp lý trước thẩm phán.
LIỆU TRUMP SẼ KHAI CHỨNG?
Điều đó sẽ tùy thuộc vào ông. Các bị cáo hình sự không bắt buộc phải khai chứng và hiếm khi khai chứng vì để mình đối mặt với sự truy vấn của các công tố viên là một việc đầy rủi ro.
Ông Trump đã không khai chứng tại một phiên tòa dân sự gần đây về các cáo buộc xâm hại tình dục và phỉ báng do nhà văn E. Jean Carroll đưa ra chống lại ông. Một bồi thẩm đoàn kết luận ông Trump phải chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ kiện đó vào tháng 5.
CHUYỆN GÌ XẢY RA TRONG TRƯỜNG HỢP TRUMP THẮNG CỬ?
Có phần chắc việc truy tố sẽ không được tiến hành nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ là một phần của nhánh hành pháp và tổng thống là quan chức thực thi pháp luật liên bang hàng đầu trong nước. Tổng thống có thể giữ lại hoặc sa thải các công tố viên liên bang theo ý muốn của mình.
Bộ Tư pháp có một chính sách đã tồn tại hàng chục năm qua nói rằng một tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố. Bộ có thể đi chệch khỏi chính sách này trong “những trường hợp hết sức bất thường” với sự chấp thuận của bộ trưởng tư pháp Hoa Kỳ, là quan chức thực thi pháp luật hàng đầu của đất nước.
Một bộ trưởng tư pháp “vịt què” phục vụ dưới thời Tổng thống Joe Biden, trong trường hợp này là Merrick Garland, có thể phớt lờ chính sách đó và vẫn tiến hành truy tố, nhưng ông Trump, với tư cách là tổng thống, có thể sa thải ông và thuê một người thay thế tạm quyền do ông lựa chọn trước khi chỉ định người kế nhiệm lâu dài được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận.
Theo VOA