Ông Nguyễn Lân Thắng trước khi bị bắt
Fb Lê Bích Vượng
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng đã bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam số 5 (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá) sau khi ông không kháng cáo bản án sơ thẩm.
Ông Thắng, một blogger của Đài Á Châu Tự Do (RFA), bị bắt vào đầu tháng 7 năm ngoái vì các hoạt động trực tuyến cổ suý dân chủ và nhân quyền, bảo vệ môi trường và chủ quyền quốc gia trước âm mưu bành trướng của Trung Quốc.
Ông bị Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội kết án sáu năm tù và hai năm quản chế về tội danh “làm, tàng trữ hoặc phát tán thông tin tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự trong phiên sơ thẩm ngày 12/4 vừa qua.
Bà Lê Bích Vượng, vợ của ông Thắng, nhận được tin chồng mình bị chuyển trại khi đến thăm ông ở Trại tạm giam số 1 (Hoả Lò) của Công an thành phố Hà Nội. Bà nói với RFA trong ngày 20/6:
“Vào ngày 15/6 tôi có vào Hoả Lò theo định kỳ đi gửi quà thăm nuôi cho anh ấy thì tôi mới được biết là anh được chuyển đi Trại giam số 5 (Thanh Hoá) trong buổi sáng hôm đó.”
Việc ông Thắng bị chuyển đi thi hành án sau phiên sơ thẩm đồng nghĩa với việc ông từ bỏ quyền kháng cáo. Bà Vượng cho biết gia đình đã được gặp ông Thắng sau khi ông thông báo với trại giam việc mình không nộp đơn kháng cáo. Bà nói về quyết định này của chồng mình:
“Anh ấy có nói mấy lý do mà anh ấy không kháng cáo: thứ nhất là giảm áp lực cho gia đình và những người ở bên ngoài, thứ hai là từ trước đến giờ việc kháng cáo của những án như thế này không đưa lại kết quả gì mà tình trạng trong trại tạm giam điều kiện sinh hoạt vô cùng tệ.”
Trong hầu hết các vụ án chính trị trong nhiều năm gần đây, các toà án phúc thẩm thường giữ nguyên bản án đã tuyên bởi toà sơ thẩm, trừ phi người bị kết án nhận tội hay vì lý do khác.
Bà cũng nói thêm vì chồng mình không thừa nhận tội trạng nên ông không có hy vọng bản án của mình được giảm, do vậy ông Thắng chấp nhận hình phạt, coi đây là một chuyến đi xa hay là một khoá học mới bằng với thời gian học đại học khi xưa.
Bà Vượng bày tỏ hy vọng ở nơi giam giữ mới, chồng mình được nhận tiếp tế định kỳ từ gia đình và được đối xử theo đúng luật giam giữ.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Lân Thắng bị cho là “tàng trữ” một số cuốn sách có nội dung “chống nhà nước,” trong đó có hai cuốn “Chính trị bình dân” và “Phản kháng phi bạo lực” của nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo Phạm Đoan Trang, người đang bị cầm tù với bản án chín năm tù giam về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”
Ông cũng bị cho là tham gia vào nhiều buổi hội luận bàn tròn của BBC có nội dung “chống phá” hoặc “bôi xấu” Nhà nước Việt Nam và đăng tải 12 video lên mạng xã hội Facebook và Youtube có nội dung “xuyên tạc” chế độ.
Trước phiên xử ông, ba tổ chức quốc tế là Ân xá Quốc tế, Theo dõi Nhân quyền (HRW) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) đã ra thông cáo báo chí kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông và các nhà hoạt động cùng nhà báo, những người đang bị giam cầm chỉ vì thực hành các quyền cơ bản một cách ôn hoà.
Theo CPJ, ông là một trong số 21 nhà báo Việt Nam đang bị giam giữ vì các hoạt động báo chí của mình.
Nhà hoạt động Nguyễn Thị Tâm được chuyển về Trại giam số 5
Theo gia đình, gần đây, nhà hoạt động về quyền đất đai Nguyễn Thị Tâm đã được chuyển từ Trại giam Gia Trung (tỉnh Gia Lai) về Trại giam số 5.
Việc chuyển trại giam này được tiến hành sau khi bà có đơn đề nghị được chuyển về trại giam gần nhà hơn. Tuy nhiên, gia đình cho biết trong trại giam mới, bà bị hạn chế thời gian ra ngoài phòng giam.
Bà Tâm, 51 tuổi, bị bắt vào giữa năm 2020 cùng với ba nhà hoạt động nhân quyền và quyền đất đai khác là bà Cấn Thị Thêu cùng hai con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, đều ở xã Dương Nội, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Sau đó, bà bị kết án sáu năm tù giam và ba năm quản chế về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”
Đây là lần đi tù thứ ba của bà Tâm vì các hoạt động đấu tranh ôn hòa. Vì phản đối việc chính quyền địa phương thu hồi đất đai của người dân địa phương rồi cấp cho dự án phát triển khu đô thị mà không bồi thường thoả đáng cho người dân, bà đã bị kết án tù lần đầu vào năm 2008 về tội danh “gây rối trật tự công cộng” và lần hai vào năm 2014 với tội danh “chống người thi hành công vụ.”
Theo RFA