1.
NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI GÒ VẤP
Chúng ta biết nhiều về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà với bức tượng nổi tiếng “Thương Tiếc” của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu. Nhưng cũng xin đừng quên Nghĩa Trang Quân Đội đầu tiên của chính quyền VNCH tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, nơi đón nhận hàng ngàn tử sỹ VNCH, và cả Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ ngay sau khi Ông tự sát vào ngày 30/4 đen năm ấy.
Hồi đó, sau ngày “giải phóng” mà dân Miền Nam mình gọi là ngày “trời sập”, vài năm sau tôi cũng hơn mười tuổi đầu, cũng nghe loáng thoáng các cô chú các bác trong xóm bảo nhau, nghĩa trang Quân Đội gần xóm mình có một vị tướng được chôn cất ở đó, nên rất linh thiêng và hãnh diện, hào hùng.
Mà thật ra, dù là Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa hay nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp, dù là người ngã xuống là một binh nhì, hay một vị tướng thì cũng là “huynh đệ chi binh” của Quân Lực VNCH, là xương máu ruột thịt của đồng bào Việt Nam yêu chính nghĩa yêu tự do yêu hòa bình .
Sau này qua định cư nơi hải ngoại đọc nhiều thông tin, thì tôi biết rõ hơn và chính xác hơn: Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi nghe nhật lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng hòa các cấp buông súng, ai ở đâu thì ở đó, Tướng Vỹ đã ra lệnh cho binh sĩ treo cờ trắng trước cổng căn cứ và cho thuộc cấp giải tán. Sau đó Ông dùng khẩu Beretta 6.35 bắn vào đầu tự sát tại Bộ Tư lệnh ở Lai Khê. hưởng dương 42 tuổi, trong khi vợ con Ông đi thoát trên con tàu Trường Xuân trong những ngày hỗn độn cuối Tháng 4 Đen năm ấy.
Thi thể ông được an táng trong rừng cao su gần doanh trại Bộ Tư lệnh. Ngày 2 tháng 5 năm 1975 được thân nhân đem về cải táng ở Nghĩa Trang Quân Đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Đến năm 1987, do giải tỏa Nghĩa trang Hạnh Thông Tây, hài cốt ông được mẹ cùng với người em trai là Lê Nguyên Quốc từ miền Bắc vào hợp cùng người anh họ là Trung tá Lê Nguyên Hoàng đến Nghĩa trang Hạnh Thông Tây bốc mộ và hỏa táng, đem tro cốt ông về quê ngoài Bắc.
Thuở đó, giữa thập niên 80s, nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp đã có dấu hiệu hoang tàn (vì ai, chắc không cần phải nói ra). Lần ấy, tôi có dịp đi coi thi tại trường Võ Thị Sáu phía sau Nhà Thờ Thông Tây. Sau đó, theo bạn bè đạp xe đi dạo, mới thấy đây là con đường rất đẹp và rất buồn. Từ phía Thông Tây, cứ đi mãi, sẽ thấy bên phải có một ngôi chùa đẹp, vườn cây hoa lá nên thơ, rồi cứ đi tiếp, sẽ thấy bên trái là Nghĩa Trang Quân Đội, và tiếp nữa là Làng Trẻ Em Mồ Côi SOS … Đường sạch sẽ, vắng vẻ, cảnh đẹp lặng lẽ, nhất là khi chiều tà. Nhà cửa dân cư lúc ấy thưa thớt, thỉnh thoảng có những căn nhà đẹp, kín cổng cao tường, có giàn hoa leo ngoài ngõ bên những tảng đá xanh rêu, đẹp như một đoạn đường cao nguyên Đà Lạt. Từ đó, những lúc buồn (hay vui), tôi thích đạp xe một mình trên con đường ấy, và lần nào đi ngang qua Nghĩa Trang Quân Đội cũng thấy một nỗi buồn mênh mang, khó diễn tả khi những ngọn gió từ những nấm mồ réo rắt bên tai nghe như một điệu nhạc u sầu, thổn thức .
Xóm tôi một dạo có phong trào đi đến Nghĩa Trang Quân Đội cầu cơ, xin số đánh đề. Nghe nói có anh Lính Biệt Động Quân, hay lên cơ để tâm tình và cho số, xóm tôi đã có người đánh trúng. Cứ vài ba tuần một lần, hễ chiều tối, mấy bà mấy cô rục rịch chuẩn bị hoa tươi, nhang đèn, bánh trái, chờ nửa đêm kéo nhau ra đó cầu cơ, tìm vận may giữa thời khốn khó, và nghe anh lính kể chuyện chinh chiến có oai hùng lẫn đau thương. Nghe các chị các cô rỉ tai rủ rê rất hấp dẫn gay cấn, có lần tôi và nhỏ bạn cũng xiêu lòng muốn đi theo, dù biết chắc Ba tôi sẽ không cho phép đi vì còn tuổi ăn tuổi học, vả lại, tôi cũng thuộc loại mê ngủ, nên đành tiếc nuối, chờ nghe tường thuật lại mà thôi. Tôi không mê tín dị đoan nhưng tôi tin chuyện tâm linh, anh Lính Biệt Động Quân ấy thương xót đời vất vả gian nan của người dân sau 1975 bị Cộng Sản đoạ đày nên ra tay “giúp”!
Trong những lần tụ tập “kể chuyện đêm khuya” của chòm xóm, chúng tôi từng được nghe nhiều câu chuyện “rờn rợn”, lạ lùng, ví dụ như chuyện một bác tài xế xe lam chạy xe sáng sớm mờ sương, khi sắp đi ngang qua Nghĩa Trang Quân Đội, nhìn thấy từ xa một người lính VNCH, áo quần đẫm máu tả tơi, chiếc nón sắt ngả nghiêng trên đầu và trên vai còn mang súng trường nặng nề, bác xe lam chạy nhanh đến để cứu giúp thì bóng người lính ấy tan biến trong màn sương mù.
Có thể có người cho rằng đó là chuyện “hoang đường tưởng tượng”. Nhưng tôi tin rằng, sau khi cưỡng chế Miền Nam, chế độ Cộng Sản miền Bắc đã trả thù hèn hạ những người lính VNCH, đuổi họ ra khỏi Quân Y Viện Gò Vấp, giết chết bao nhiêu tù “cải tạo” nơi rừng thiêng nước độc, bỏ phế Nghĩa Trang lạnh lẽo, thì những oan hồn ấy trở về trần gian để thăm gia đình, thăm đồng bào, và bày tỏ nỗi uất hận thiên thu với “bên thắng cuộc” tàn ác …là chuyện bình thường, là có thật.
Bỗng dưng tôi thấy yêu hơn vùng đất Hạnh Thông Tây, Gò Vấp “chôn nhau cắt rốn” của mình. Nơi đây gắn liền với những địa danh trong cuộc chiến của VNCH: Thao trường Quang Trung, Lục Quân Công Xưởng, Khu Quân Trang, Cổ Loa Thiết Giáp, Truyền Tin, Quân Khuyển, Tổng Y Viện Cộng Hoà và nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp, tang thương nhưng đầy kiêu dũng của hàng nghìn anh hùng chiến sĩ vô danh, góp phần gìn giữ Miền Nam yêu dấu những năm tháng hoà bình yên vui trong thời loạn.
Sau đó, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã san bằng nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp để dành chỗ xây dựng đại lý hãng xe Mercedes rộng rãi, sang trọng, bề thế. Con đường yên tĩnh ngày xưa không còn nữa, chẳng còn những chiều tôi đạp xe thong thả nghe gió vi vu gọi hồn những tử sĩ VNCH hôm nao, giờ đây con đường đông đúc hơn với những lượt xe chạy ra chạy vào, những bảng quảng cáo của Mercedes. Một số mộ phần được người thân chuyển đi nơi khác, nhưng còn rất nhiều mộ khác không có người thân đến nhận, đã bị hốt đem qua nghĩa trang Lái Thiêu chôn tập thể, vô cùng đau lòng xót xa.
Hằng năm đến ngày kỷ niệm Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhắc chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của quân nhân VNCH, nhớ những tháng ngày “trời sập” tang thương có những oan hồn của các anh hùng vô danh và có danh nơi nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa và nghĩa trang Quân Đội Gò Vấp từng gắn bó với bà con xóm Hạnh Thông Tây của chúng tôi một thời gian dài.
Mấy bà già trầu trong xóm tôi từng tuyên bố:
– Xe “Mẹc” thì chỉ có đám nhà giàu tư bản đỏ mới tập tành học làm “quí xờ tộc”, lũ khỉ PacBo đua đòi học làm sang, và đám con ông cháu cha chúng nó mới có tiền mua. Ừa, tụi bay cứ mua xe “Mẹc” bằng tiền bóc lột, tham nhũng của dân đi nhá, nếu oan hồn tử sĩ VNCH có hiện về bóp cổ tụi bay, cho tụi bay đụng xe giữa đường xa lộ, chết tươi không kịp ngáp, thì tao dzui, tao ăn mừng á!!
2.
NGHĨA TRANG QUÂN ĐỘI BIÊN HOÀ
Tôi tìm về những lối quen xưa
Nghĩa trang quân đội ở Biên Hoà
Chạnh lòng một cõi đời hoang vắng
Khi thấy nơi kia những nấm mồ
Từ “Cổng Tam Quan” đường như dài
Tôi nghe gió lạnh thổi qua vai
Truy điệu hồn người “Đền Tử Sĩ”
Là nắng, là mưa (không có ai!)
Cỏ dại mọc cao che ngang đầu
Che hồn Tử sĩ dưới mộ sâu
Cha mẹ, họ hàng, người quen cũ
Vợ con anh, giờ ở nơi đâu?
Đã bao lần trên nấm mộ anh
Cỏ tàn rồi cỏ lại thêm xanh?
Ai để cho mộ bia đổ nát
Khi đã qua rồi cuộc chiến tranh?
Thương vô cùng những nấm mộ hoang
Gió chiều lồng lộng tiếng than van
Đã lâu không ai về hương khói
Sưởi ấm hồn người lính vô danh
Hoang phế từ lâu “Nghĩa Dũng Đài”
Những buổi hoàng hôn, những sớm mai
Chiến công của những người nằm xuống
Chưa kịp ghi đã nắng mưa phai
Cũng đã tiêu điều “Vành Khăn Tang”
Cho người đã “Vị Quốc Vong Thân”
Anh ơi, đã có trời mây trắng
Vẫn nguyện suốt đời để tang anh
“Thương Tiếc” bức tượng đã nát tan
Người lính ngồi, đôi mắt xa xăm
Súng để trên đùi, anh nghĩ đến
Đồng đội nào vừa mới hi sinh?
Các anh vẫn đứng ở giữa trời
Dù chỉ là những nấm mộ thôi
Dù ai còn nhớ hay quên lãng?
(Người lính hiên ngang ấy một thời)
Ôi những niềm đau, những xót xa
Tưởng rằng theo năm tháng phôi pha
Hôm nay tôi thấy từng ngôi mộ
Sừng sững niềm đau cũ lại về!
Tháng 6/2023
Kim Loan
Ghi chú: Cổng Tam Quan, Đền Tử Sĩ, Vành Khăn Tang, Nghĩa Dũng Đài, và bức tượng Thương Tiếc… là những công trình trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà.