Hôm nay 20/06/2023 là Ngày Tị nạn Thế giới. Theo tổng kết của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc HCR, số người tị nạn trên thế giới vào cuối năm 2022 đã lên đến con số kỷ lục, 108,4 triệu, tăng 21% so với năm 2021. HCR dự báo mức tăng này sẽ còn tiếp tục trong bối cảnh chiến tranh Ukraina và xung đột ở Sudan hiện đang bế tắc.
Ảnh minh họa: Một trại tị nạn của người Sudan lánh chạy chiến sự. AFP - GUEIPEUR DENIS SASSOU
Theo AFP, hôm qua 19/06/2023, một cuộc họp đã được tổ chức tại Paris, quy tụ 41 doanh nghiệp lớn, trong đó có các công ty lớn như Amazon. Các doanh nghiệp hứa tuyển dụng và đào tạo khoảng 250.000 người tị nạn tại châu Âu trong vòng 3 năm tới.
Đây được xem là một biện pháp để đối phó với tình trạng khan hiếm nhân công trong khi châu Âu đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng di dân lớn nhất tính từ Đệ Nhị Thế Chiến.
Đài truyền hình France 24 hôm nay 20/06 cho biết, kể từ khi Nga xâm lược Ukraina hồi tháng 02/2022, có 8 triệu người Ukraina đang phải sống lưu vong, tị nạn tại các nước châu Âu, trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
Tại châu Âu, số người xin tị nạn ở Chypres tương đương với 6% dân số. Tại Pháp, con số này là 0,2% theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu Eurostat hồi tháng 02/2023. Tổng cộng, Pháp đã cấp quy chế tị nạn cho gần 39.000 người, tăng 8% so với năm trước đó.
Liên quan đến Syria, do nội chiến kéo dài, người Syria chiếm 1/5 số người tị nạn trên toàn thế giới, với 6,5 triệu người ở 131 quốc gia. Theo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, Syria là nước có đông dân phải sống tị nạn nhất trên thế giới, nhiều hơn Ukraina, Afghanistan và Venezuela. Và 76% người tị nạn trên thế giới được đón nhận vào các nước thu nhập thấp hoặc trung bình theo xếp loại của Ngân Hàng Thế Giới.
Báo cáo gần đây nhất của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn cũng cho thấy có đến 70% người tị nạn sống ở các quốc gia láng giềng với nước nguyên quán.
Theo RFI