Ảnh minh họa: Một trại giam ở Hải Dương. Reuters
“Trải qua gần bảy năm ở trong nhà tù, tôi đã bị chuyển đi tới 20 lần, mà qua 11 nhà tù khác nhau ở Việt Nam, từ ở mũi Cà Mau, cho ra tới Vinh, Nghệ An. Ở trong mỗi nhà tù đó, chính quyền lại có một cách thức quản lý riêng, chứ không phải nhà tù nào cũng giống hệt nhau, thế nhưng có một điểm chung…,” blogger, nhà báo tự do Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, cựu tù nhân lương tâm của Việt Nam chia sẻ trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/6/2023 từ Hoa Kỳ, nơi ông đang cư trú chính trị.
Ông nói rõ : “Điểm chung đó là ở đa số các nhà tù có tình trạng bóc lột sức lao động của tù nhân, cưỡng bức tù nhân lao động rất tàn bạo. Điển hình như là những tù nhân ở trại giam Cái Tàu ở mũi Cà Mau nói rằng có những đợt họ phải làm thông hai ngày, hai đêm luôn.”
‘Hơn trăm người tù trong buồng giam non 50 thước vuông’“Năm 2009, tôi bị đưa xuống trại Cái Tàu, Cà Mau, trại giam đó nằm cách thành phố Cà Mau 40 km. Trại này nằm ở trong rừng U Minh và là một trong những trại đầu tiên, sau những trại giam ở Sài Gòn như trại giam Chí Hòa, trại giam Quận 3 và trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, mà sau những lần luân chuyển đó, họ đưa tôi xuống trại Cái Tàu, Cà Mau để thi hành án, đấy là trại giam đầu tiên mà tôi đi.
Thực tế tôi thấy ở dưới đó là các tù nhân vô cùng gian khổ, khó khăn. Có những phòng giam các chiều chỉ là 13m x 6m, có hai tầng sàn, nhưng họ giam giữ từ 90 cho đến 135 tù nhân trong một phòng giam như vậy.
Hãy tưởng tượng rằng ở phòng giam như thế, tù nhân chia chỗ để nằm với nhau bằng một cái dép Lào. Thế thì làm sao có thể nằm? Thường tù nhân phải làm thành cặp với nhau, một người nằm ở bên trên, một người nằm ở dưới. Và thường là người nhỏ con nằm ở trên, họ cột một cái mền lại giống như một cái võng, để họ nằm ở phía bên trên. Còn một người nằm bên dưới, mà mọi người biết là ở Cà Mau, muỗi kinh khủng.
Có những người không có chỗ nằm, phải nằm hẳn xuống lối đi là sàn vốn để đi lại ở giữa hai bên. Sàn đi lại nhiều khi ẩm ướt, bị nước bẩn. Rồi ở trại đó, với ngần ấy con người trong một phòng giam, nhưng không có nước. Hãy tưởng tượng hơn một trăm con người mà đi tiêu, đi tiểu, không có nước để giội, thì trong phòng giam ấy hôi thối cỡ nào. Nó nồng nặc lên khủng khiếp, rất kinh khủng!
Ở trại Cái Tàu, Cà Mau, có hai ngàn tù nhân, nhưng chỉ có một giếng nước thôi, người ta bơm nước vào, và những phòng giam ở cuối dãy thường không có nước, nên mỗi lần tù nhân muốn lấy nước, họ phải ngậm miệng vào cái vòi để hút. Họ hút hết sức thì một lúc mới nghe thấy tiếng ‘ọp ọp’ ở trong cái vòi nước ấy. Họ lấy cái ca để hứng, thì nước chảy ra khoảng nửa ca, sau nó ngừng, không chảy nữa. Và họ lại phải hút tiếp như thế.”
Trước thực trạng này, cựu tù nhân lương tâm Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhà báo tự do, người bị bắt vào tháng 4/2008, sau đó ở tù cho đến khi bị trục xuất sang Mỹ vào tháng 10/2014, kể với RFA Tiếng Việt, ông đã đấu tranh cho những người tù cùng trại giam ra sao.
“Ở dưới trại đó, tôi có đấu tranh và đòi nước cho anh em tù nhân hình sự. Sau này, nhờ đưa được thông tin lên mạng Internet rồi, trại giam đó phải khoan thêm hai cái giếng nữa, lúc đó nước mới tạm đủ cho tù nhân.
Thế nhưng, tình trạng ở dưới trại đó khổ lắm, bởi vì cơ sở vật chất của trại được xây dựng từ khoảng những năm 1980, theo kiểu nhà tù Liên Xô, nó cổ lỗ lắm rồi. Và đặc biệt nền của trại đó thấp, những ngày triều cường, nước ở ngoài sông lên cao, chảy ngược vào trong trại. Khi đó, nước ở những cống và toilet dềnh lên, ngập mênh mang ở trong sân trại, thối rình. Đời sống ở trại đó rất là kinh.
Còn về việc tù nhân đi làm, với những người làm ở đội làm điều, trại giam giao một ngày phải làm hơn 3kg cho đến 5kg điều. Những hạt điều nhỏ xíu như đầu ngón tay, thành ra 5 kg là công việc rất nhiều. Và tù nhân phải ngồi cạo những vỏ hạt điều đó. Nếu sơ sẩy làm bể, làm hao, là tù nhân bị đánh. Có những người ngồi làm việc miết như thế, ngồi xếp bằng chân để cạo điều, ngồi lâu một tư thế như vậy, máu không lưu thông, từ từ họ sẽ bị teo chân đi, khiến có người bị liệt luôn. Và họ phải lết bằng hai khúc gỗ. Ở trong trại giam đó đã có mấy trường hợp như vậy rồi.
Nói chung chuyện tù nhân ở trại Cái Tàu, Cà Mau, bị đánh đập, như từ chuyện lén hút thuốc lá cũng bị đánh, rồi làm việc không đủ năng suất, rồi làm chậm, hoặc làm việc yếu, hoặc làm bị hao, thì bị đánh. Cho nên, những người tù ở những đội điều mà bị quản giáo đánh rất sợ, họ phải kêu gia đình xuống, những nhà có tiền, mang tiền chạy để được chuyển sang những đội khác.
Nói chung, các hình thức tra tấn trong các nhà tù ở Việt Nam có nhiều hình thức. Sau những vụ mà tôi đòi nước, đòi tiêu chuẩn ăn uống của tù nhân ở trong đó, khi tôi đưa được thông tin lên Internet, anh em tù nhân ở dưới trại bắt đầu ủng hộ tôi. Ban giám đốc trại thấy nếu để tôi ở lại trại đó sẽ ‘nguy hiểm’ cho công việc của họ, họ tìm cách chuyển tôi đi. Cuối cùng họ chuyển tôi xuống trại giam Xuân Lộc.”
Cưỡng bức ‘mất tích’, không cho gia đình ‘thăm nuôi’Sau một năm bị giam giữ ở nhà tù đầu tiên ở mảnh đất cực nam của Việt Nam, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, người sinh trưởng ở Hải Phòng vào năm 1952 và là cựu chiến binh, từng nhập ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian từ 1971-1976, kể tiếp với RFA Tiếng Việt về những gì ông đã chứng kiến tiếp, ở nơi mới mà ông bị chuyển trại đến.
“Như thế, tính từ tháng 3/2009, tôi xuống trại giam Cái Tàu ở Cà Mau, thì đến ngay cuối tháng 8/2009, chính quyền chuyển tôi xuống trại giam K2, Xuân Lộc ở tỉnh Đồng Nai. Lúc đó ở trại giam này có một khu gọi là khu A, tại đó họ giam giữ 41 anh em tù chính trị. Thế nhưng ở án đầu tiên của tôi, họ truy tố tôi tội hình sự (tội mà chính quyền cáo buộc là ‘trốn thuế’), nên tôi ở chung với anh em theo đạo Hòa Hảo, những người này bị truy tố tội hình sự với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’, mặc dù trên thực tế, họ chỉ thực hành việc hành đạo của họ mà thôi, và họ cũng bị giam giữ ở đó.
Trại Xuân Lộc có những hình thức khác với trại Cái Tàu, ở Cà Mau, nhưng nói chung về các hình thức tra tấn ở các nhà tù ở Việt Nam, đầu tiên bất kỳ một người tù nào mà là bất đồng chính kiến bị bắt, đều bị giam giữ cách ly theo cách là ‘cưỡng bức mất tích’.
Tức là chính quyền giam giữ mà không cho người bị giam tiếp xúc với luật sư, không cho tiếp xúc với gia đình, cắt hết mọi liên lạc với xã hội bên ngoài, tức là bằng cách như thế, người ta đặt người tù ra bên ngoài sự bảo vệ của pháp luật.
Cho nên chúng ta thấy những người tù mà là người bất đồng chính kiến bị bắt, mà không chỉ họ, trong quá trình đi tù, tôi thấy nhiều tù nhân, kể cả tù hình sự cũng vậy, các cơ quan điều tra của Việt Nam đều áp dụng điều đó. Họ cách ly toàn bộ, không cho luật sư tham gia trong quá trình điều tra, không cho tiếp xúc với gia đình, bạn bè, thân nhân, nói chung là họ đặt người tù ra ngoài sự bảo vệ của pháp luật, để họ cưỡng bức tù nhân mất tích.
Có những trường hợp, gia đình của người tù trong suốt tám tháng không được gửi quà thăm nuôi, mãi đến khi kết thúc điều tra, gia đình của họ mới được gửi vào, và tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như thế.”
Rất nhiều trường hợp thường phạm bị tra tấn, bị đánh đập, nhưng với tù chính trị, hay tù nhân lương tâm, họ không tra tấn theo lối đó, nhưng bị giam giữ theo lối cưỡng bức mất tích, không ai bên ngoài được tiếp xúc với người tù đó cả.”
Hình minh hoạ. Tù nhân ngồi chờ nghe tuyên bố lệnh ân xá của Chủ tịch nước tại một trại giam ở ngoại thành Hà Nội hôm 31/8/2015. AFP
‘Cùm ngồi, treo lơ lửng để đánh đập và Thông tư 37’Theo blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, nhà bất đồng chính kiến mà ban đầu bị nhà nước Việt Nam bắt giam, bỏ tù với cáo buộc ‘trốn lậu thuế’, sau đó bị xử tù tiếp dưới tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 Bộ Luật Hình sự, đã có nhiều hình thức tra tấn gây đau đớn về thể xác (nhục hình) xảy ra ở trong tù mà nhiều người tù phải chịu đựng, ông nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng.
“Về chuyện gây đau đớn về thể xác, nhiều trường hợp tù nhân trong quá trình điều tra bị đánh đập, bị tra tấn rất là dữ. Tôi ở cùng buồng giam với một người tù trước đó là sinh viên, anh ấy trước đó chở một người chị quen biết đi giao tiền, người đó phạm tội buôn bán tiền giả, mà lúc bị tra tấn, anh ta nói đã bị người của cơ quan điều tra trói, treo người lên lơ lửng để đánh.
Những người tù mô tả với tôi những trường hợp mà họ bị đánh, rất kinh khủng. Nhiều trường hợp nói họ bị những người ở các cơ quan điều tra, trong đó ở các cơ quan điều tra cấp quận, đánh đập. Thường những người tù kể với tôi rằng khi họ bị giam ở bên trại giam Chí Hòa, họ bị đánh đập rất khủng khiếp. Và có những người bị cùm, thí dụ như khi tôi ở trại Cái Tàu, Cà Mau, có một anh đó bị cùm, mà là cùm ngồi, đến mức độ khi anh ra trại (ra tù), lưng của anh ấy bị cong đi luôn, mà không còn có thể thẳng được nữa.
Lý do là vì ở trại tạm giam ở Cà Mau đó có một kiểu cùm chân, mà lại là cùm ngồi, khiến người tù bị cùm không nằm được, mà chỉ ngồi gò như thế thôi. Đấy là những hình thức tra tấn rất dã man. Rồi có những người tù vì buôn ma túy kể lại những trường hợp khác mà trong đó họ bị tra tấn cũng rất khủng khiếp và ở các trại giam Việt Nam bây giờ vẫn còn các phòng cùm, những người tù mà vi phạm kỷ luật sẽ bị cùm.
Trong luật thi hành án hình sự quy định rằng những người vi phạm có thể bị cùm và bị giam cách ly tới 10 ngày. Thế nhưng khi Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam buộc phải ban hành 27 bộ luật, trong đó có Luật về thi hành án hình sự. Khi ban hành Luật thi hành án đó, mà có những nội dung để phù hợp theo cam kết mới với quốc tế, song song với điều đó, chính quyền lại ban hành một thông tư gọi là ‘Thông tư 37’ của Bộ Công an.
Theo Thông tư 37 này, người ta phân loại giam giữ tù nhân bằng tội danh và bằng chấp hành án. Như chúng ta biết, những người tù mà trên thực tế là bị án về tù lương tâm, tù chính trị, họ đã ngay lập tức bị liệt vào một hình thức giam giữ khác đi rồi. Do đó việc phân loại giam giữ với các tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị ở Việt Nam không được quy định trong Luật thi hành án hình sự. Trong luật đó, những người bị giam riêng, về hình thức, những người tù mà là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị, hoặc những người bị chính quyền truy tố bằng một tội danh khác (bị giam vào khu vực riêng), ví dụ như vợ chồng của chị Cấn Thị Thêu, trong lần đi tù đầu tiên, bị quy cho phạm tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’, đó là một tội danh hình sự, nhưng họ không bị giam vào khu với tù hình sự khác, mà bị giam vào khu an ninh riêng.
Đó là khu dành riêng cho anh chị em tù nhân lương tâm, tù chính trị, và đó là nơi mà anh Trịnh Bá Khiêm, chồng chị Cấn Thị Thêu, bị giam ở trại giam số 6 tại Nghệ An, nơi mà anh bị giam ở khu an ninh cùng với nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, mặc dù anh Khiêm bị truy tố về tội hình sự, lúc anh Khiêm bị đi tù đó là khoảng năm 2014, 2015.”
‘Biệt giam, cô lập, nhà tù bên trong nhà tù’Theo nhà báo tự do, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, người mà hồi tháng 10/2010 đã bị cơ quan an ninh điều tra PA-24 ở TP. Hồ Chí Minh điều tra về các hoạt động thành lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự do và tổ chức biểu tình về dân chủ, nhân quyền, ‘phản đối Trung Quốc’ ở TP. Hồ Chí Minh, sau hình thức thứ nhất về tra tấn áp dụng đầu tiên khi người tù mới bị bắt là cưỡng bức mất tích, đặt người tù ra ngoài sự bảo vệ của pháp luật, ngoài hình thức thứ hai mà theo ông là gây ra những đau đớn về thể xác, trong đó, có việc người tù ‘vi phạm kỷ luật’ thì bị xử cùm, hay các hình thức ‘tra tấn’ khác như cưỡng bức lao động, có đánh đập trong quá trình, thậm chí là ‘bỏ đói’ tù nhân, còn có tiếp một hình thức thứ ba, đặc biệt áp dụng với tù nhân lương tâm, tù nhân án chính trị, như ông Nguyễn Văn Hải nói tiếp trên quan điểm riêng:
“Hình thứ thứ ba phải nói đến là hình thức biệt giam. Đây là một trong những hình thức trong đó chủ yếu chính quyền cô lập tù nhân ra khỏi cộng đồng tù nhân ở trong nhà tù, có những người tù đã bị biệt giam rất lâu.
Và đặc biệt những người ở trong những khu an ninh, bây giờ có hình thức giam giữ như thế này. Họ giam giữ chỉ hai người trong một buồng giam, và có ba lớp cửa. Lớp cửa thứ nhất, khi mở cửa buồng giam, trước cửa buồng có một khoảng sân nhỏ với một miếng đất nhỏ, xong có một cửa nữa. Cửa thứ hai mở ra, buồng giam này và buồng giam kia mới ra được một sân chung. Rồi cửa thứ ba mới là cửa đi ra bên ngoài, là ra khu tù hình sự.
Như thế tức là hình thức giam giữ với tù nhân lương tâm và tù chính trị bây giờ là ‘nhà tù ở trong nhà tù’. Và do có ba lớp cửa như vậy, chỉ cần ban giám thị trại giam không mở lớp cửa thứ nhất, người tù đã bị nhốt riêng ở trong đó rồi. Bình thường, họ không mở lớp cửa thứ hai. Các phòng này không được sinh hoạt chung với nhau. Cuối cùng, lớp cửa thứ ba, như tôi đã nói, mới dẫn đi ra bên ngoài.
Với tù hình sự, tức là tù thường phạm, khi đi lao động về, họ có thể ra sân chơi, họ chơi bóng đá hay họ lên căng-tin mua đồ ăn, nhưng tù chính trị, tù nhân lương tâm thì không được phép như vậy.
Tù chính trị, tù nhân lương tâm chỉ có một con đường duy nhất nối từ trong ra ngoài là bằng việc cán bộ quản giáo vào gặp. Ví dụ ngày mai muốn mua gì ở trên căng-tin, thì đăng ký vào một cuốn sổ, chứ người tù này không được tự lên căng-tin mua đồ như là tù hình sự.
Như vậy, tất cả những hình thức giam giữ, biệt giam như thế hoàn toàn không được thể hiện ở trong Luật thi hành án hình sự. Khi gia nhập tổ chức WTO, Việt Nam đã ban hành Luật thi hành án đó để được tham gia tổ chức đó, nhưng như tôi đã đề cập, song song với đó, chính quyền Việt Nam vẫn ban hành Thông tư 37 của Bộ Công an.
Và chính bằng Thông tư 37 đó, chính quyền đã xây dựng hàng loạt nhà tù trong nhà tù. Cách giam giữ tù chính trị, tù nhân lương tâm với hai người ở một buồng, buồng nọ với buồng kia không được liên hệ với nhau, hoàn toàn không nằm ở trong Luật thi hành án hình sự. Trong Luật đó, điều 27 quy định không phân loại giam giữ phạm nhân như thế, Thông tư 37 đã phân loại giam giữ ngay từ tội danh.
Do đó, những người tù chính trị, tù nhân lương tâm đã bị phân biệt từ đầu, cho thấy không phải là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và chính quyền Việt Nam đã phân biệt đối xử với tù chính trị, tù nhân lương tâm rất ghê gớm.”
Ông Trương MInh Đức trước khi bị tù
‘Một Thông tư ‘mật’ gây phân biệt đối xử trong nhà tù’Nhà báo, blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, người đã bị chính quyền Việt Nam tuyên án 12 năm tù giam và 5 năm quản chế vì bị cáo buộc phạm tội ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’ trong phiên tòa ngày 24/9/2012, khẳng định trên quan điểm cá nhân với RFA Tiếng Việt rằng các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm Việt Nam hiện vẫn còn đang ở trong một thứ ‘nhà tù bên trong nhà tù’, với Thông tư 37 là một thông tư mật quy định điều này.
“Sau khi tôi ra tù, sang Mỹ, tôi tố cáo nhiều lần với tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về điều này, họ cứ hỏi tôi là: ‘Ông có văn bản đó, để cho chúng tôi xem không?’ Thế nhưng tôi trả lời họ rằng: ‘Đó là một công văn mật, bây giờ làm sao mà tôi có được?’
Thế nhưng cuối cùng họ đã tìm ra được Thông tư 37 đó của Bộ Công an Việt Nam, và chính nhờ đó, tôi đã đăng được Thông tư 37 đó lên Báo tham nhũng.(*)
Điều đó cho thấy, khi nhà nước Việt Nam muốn tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), họ sẽ ban hành Luật thi hành án hình sự, trong đó có những điều khoản soạn thảo sao cho thỏa mãn điều kiện, để Việt Nam được tham gia WTO, nhưng mặt khác, như tôi đã nêu, song hành việc trên, họ đã ngầm ban hành một thông tư là Thông tư 37, một văn bản dưới luật và mật, nhưng có nội dung trái luật. Chính dựa vào văn bản này, mà chính quyền Việt Nam đã xây dựng hàng loạt ‘nhà tù trong nhà tù’ và hiện nay tù chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam vẫn bị giam giữ theo hình thức đó.
Lúc ấy, ông Trần Đại Quang là Bộ trưởng Công an, và ông ấy đã ‘khoe’ ở trên báo Nhân Dân rằng Bộ Công an đã soạn thảo được 10 bộ luật, mà chúng ta biết rằng ở Việt Nam, công an quản lý nhà tù, công an bắt người, công an điều tra, công an tra tấn, công an giám định chứng cứ, cuối cùng công an ‘đánh chết người’, thì công an cũng là người khám nghiệm tử thi và đưa ra kết luận. Cho nên, công an Việt Nam ‘làm hết’ mọi việc đó và ở trong nhà tù, (về chính sách, quy chế) công an lại cũng viết luật luôn. Cả Luật thi hành án hình sự lẫn Thông tư 37 cũng là do Bộ Công an soạn.
Cho nên, ở Việt Nam có tình trạng là bộ nào của chính phủ quản lý lĩnh vực gì, thì bộ đó ban hành luật quản lĩnh vực đó, nên chúng ta thấy từ xây dựng luật đến ban hành thông tư, cuối cùng thì thông tư mới là văn bản ‘cầm tay chỉ việc’, các công chức nhà nước làm theo thông tư hướng dẫn, chứ không làm theo luật. Đó là vấn đề.
Vì vậy, anh em tù nhân ở trong các trại giam nói với tôi rằng: “Anh là người hiểu luật, anh đi 11 nhà tù rồi, anh phải ra ngoài nói cho bên ngoài biết tình trạng giam giữ ở Việt Nam với các tù nhân.”
Do đó, khi tôi ra bên ngoài, tôi mới làm báo cáo với Tổ chức Ân xá Quốc tế về tình trạng ‘nhà tù ở trong nhà tù’ tại Việt Nam, và báo cáo đó cho đến bây giờ vẫn có giá trị như thường,” nhà báo, blogger Nguyễn Văn Hải nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng, trong tuần lễ Liên Hợp Quốc đánh dấu và hỗ trợ các nạn nhân của tra tấn, ngược đãi và vi phạm nhân quyền trên thế giới.
Blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải từng nhận được Giải thưởng Hellman/Hammett năm 2009 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), Giải Tự do Báo chí Quốc tế năm 2013 của Ủy ban Bảo vệ các Nhà báo (CPJ) và Giải "One Humanity" năm 2013 của Hội Văn bút Canada.
Theo RFA