Hình ảnh minh họa mạng xã hội. AP - Karl-Josef Hildenbrand
Tờ La Croix dành trang nhất và bài xã luận nói về việc Pháp đang tìm những biện pháp để kiểm soát mạng xã hội. Làm thế nào để kiểm soát mạng xã hội mà không cấm hoàn toàn ? Trong lúc Thượng Viện đang xem xét dự luật kiểm soát không gian kỹ thuật số (nhằm thực hiện các tiêu chuẩn của châu Âu), một dân biểu đã đề xuất buộc các nền tảng xóa những nội dung « kích động bạo lực » trong vòng hai tiếng đồng hồ. Về phần mình, khi gặp gỡ các thị trưởng bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo loạn vừa qua, tổng thống Macron đã không loại trừ khả năng « cắt » mạng xã hội « khi mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát ».
Các mạng xã hội vốn không phải là gốc rễ của sự nổi loạn. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận rằng Twitter, TikTok, Meta (Facebook và Instagram) hoặc Snapchat đã đóng một vai trò then chốt trong việc khuếch đại mọi chuyện. Mặc dù vậy, việc kiểm soát mạng xã hội không hề đơn giản, bởi cho đến thời điểm hiện tại, các nền tảng này vẫn chỉ được coi là « máy chủ » chứ không phải là tác giả của thông điệp được gửi đi. Các nhà quản lý mạng xã hội đang gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật trong việc xác định hoặc xóa những tin nhắn có nội dung gây tranh cãi. Nguyên nhân chính là họ không có đủ nhân viên để đọc và lọc hàng triệu, thậm chí hàng tỷ tin nhắn, bình luận… Ngoài ra, việc kiểm soát mạng xã hội cũng có thể gây ảnh hưởng tới quyền tự do ngôn luận.
Nhật báo Công Giáo nhận định rằng kiểm soát không có nghĩa là cấm hoàn toàn, và viễn cảnh về một thế giới bị kiểm duyệt như ở Trung Quốc, Iran hay Bắc Triều Tiên vẫn còn xa vời. Nhưng vẫn có nhiều điều cần được thực hiện để Pháp nói riêng và châu Âu nói chung bảo đảm việc cân bằng giữa an ninh và tự do.
Thủ lĩnh đảng « Nước Pháp Bất Khuất » dường như đang bị ghẻ lạnh
Tờ Le Figaro dành trang nhất và bài xã luận nói về cánh tả Pháp có thể bị rạn nứt vì lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) Jean-Luc Mélenchon. « Hãy làm tốt hơn nữa » là lời lẽ trong bài phát biểu của Jean-Luc Mélenchon sau khi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống 2022 được công bố. Khi đó, nhiều người nghĩ rằng ông Mélenchon sẽ lui vào hậu trường và để lớp trẻ lên tiếp quản. Có những người khác thì cho rằng nhờ hoạt ngôn và khả năng khiêu khích điêu luyện của mình, ông có thể giành được nhiều phiếu bầu hơn trong những cuộc bầu cử sau đó.
Một tháng rưỡi sau cuộc bầu cử tổng thống, liên đảng cánh tả đối lập Nupes ra đời và giành được kết quả rất khả quan trong cuộc bầu cử Quốc Hội – thành công ngoài sức mong đợi đối với Mélenchon. Tuy nhiên, kể từ đó, mọi chuyện đã thay đổi. Dường như vai trò và tiếng nói của lãnh đạo LFI bắt đầu nhạt dần trong mắt các đồng minh của ông tại đảng Xã Hội (PS), đảng Cộng Sản (PC) và nhiều nhà bảo vệ môi trường. Đảng LFI cũng không phải là ngoại lệ, nơi mà đằng sau hậu trường, ông gạt bỏ bất cứ ai không làm ông vừa lòng. Độc đoán, hay tức giận và khó lường, các cộng sự ngày càng xa lánh Mélenchon.
Các cuộc bạo loạn vừa qua nói lên điều gì ? Các cộng sự của Mélenchon đều biết rằng ông căm ghét nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Nhưng không ai nghĩ ông lại có tư tưởng chống nền Cộng Hòa. Họ biết Mélenchon là người ồn ào và hay khiêu khích, nhưng việc ông từ chối kêu gọi mọi người bình tĩnh, đồng thời không lên án các vụ tấn công vào các tòa thị chính và đồn cảnh sát khiến tình hình trở nên trầm trọng. Mọi người tôn trọng Mélenchon vì ông nhạy bén về chính trị, có khả năng diễn thuyết trước công chúng và có kiến thức uyên thâm, nhưng bây giờ chẳng phải ông đang đi chệch hướng, chẳng phải ông đang đưa cả cánh tả xuống vực ? Dường như xu hướng « chấp nhận bất kỳ ai trừ Mélenchon » đang nổi lên.
Vậy giờ đây liệu cánh tả có thể tồn tại thiếu Mélenchon ? Ai có thể thay thế ông ? Mọi thứ đều có thể xảy ra từ nay đến năm 2027 khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
Bạo loạn chấm dứt, nhưng sau đó ?
Bài xã luận của tờ Libération thì nói về việc tổng thống Emmanuel Macron đang muốn chứng minh với người dân rằng mọi thứ đã ổn định trở lại sau khi các vụ bạo loạn vừa qua đang dần lắng xuống. Nhưng nhật báo thiên tả vẫn tỏ ra thận trọng, khi đúng một tuần nữa là Quốc Khánh Pháp và mọi chuyện có thể sẽ lại vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Ngày 14/07 là cơ hội để điện Elysée khép lại chương « khủng hoảng cải cách hưu trí » với việc vạch ra các đường hướng từ nay đến năm 2027 : quá trình chuyển đổi sinh thái, giải quyết những vấn đề liên quan tới việc làm hay nhập cư. Nhưng hậu quả của những cuộc bạo loạn vừa qua, hầu như không được tổng thống Macron nhắc đến. Libération nhận định rằng dường như chính phủ đang muốn câu giờ. Những nếu câu giờ có nghĩa là không lên kế hoạch cải cách hệ thống cảnh sát để chống phân biệt đối xử, không có những chính sách thúc đẩy đô thị hóa hay không quan tâm đến các trường học ở những khu vực khó khăn thì chắc chắn sẽ lại có những vụ bạo loạn bùng phát trên toàn quốc trong 5, 10 hay 12 năm tới, hoặc thậm chí có thể trước khi tổng thống Macron kết thúc nhiệm kỳ của mình.
Theo RFI