Một nhà báo người Nhật và một nhà báo Việt Nam gặp gỡ trẻ em Mường Nhé hôm 27/5/2011 AFP photoKhi nói đến xã hội dân sự, nhiều người thường hình dung đó là những tổ chức mang tính thiện nguyện: những tổ chức từ thiện, những tổ chức NGO,….nơi có những con người dấn thân vì tình thương bác ái cho cộng đồng. Họ là những người gần như không có lòng tham cho mình, họ có tấm lòng trong sạch, nhất tâm hành động vì người nghèo, người thiệt thòi. Họ là những người khả kính, sống dũng cảm, chiến đấu cho công lý, lẽ phải. Họ không thuộc nhóm người bị cám dỗ bởi đồng tiền, không thuộc nhóm người luồn cúi, họ không sợ cường quyền,….
Đó là những cảm nhận khi nói chuyện về xã hội dân sự với nhiều bạn bè của tôi, rất nhiều người trong số họ là đang dấn thân tranh đấu cho nền dân chủ Việt Nam.
Riêng tôi có một cảm nhận về xã hội dân sự khác. Với tôi, tổ chức xã hội dân sự rộng lớn hơn những tổ chức từ thiện, thiện nguyện, NGO,….
Theo tôi, bất cứ một tổ chức nào do người dân tự nguyện kết đoàn lập ra, dù có tính pháp nhân, hay chỉ là một hội nhóm liên kết tự nhiên để đấu tranh cho một lợi ích, một mối quan tâm nào đó mà không có bàn tay đạo diễn của chính quyền đều là tổ chức xã hội dân sự. Tôi có thể nêu ra các tổ chức xã hội dân sự như hiệp hội nghề nghiệp (hội nhà báo, hội luật sư, hội doanh nhân,….), công đoàn, các câu lạc bộ,….tất nhiên là phải bảo đảm nguyên tắc không do chính quyền lập ra. Tức là góc nhìn về xã hội dân sự của tôi vượt qua câu chuyện lòng nhân ái, thiện nguyện mà nó bao hàm cả câu chuyện lợi ích và những mối quan tâm chung.
Một nhóm dân oan tập hợp lại với nhau để cùng đi khiếu kiện đòi quyền lợi là một tổ chức xã hội dân sự; các bạn blogger liên kết với nhau để cùng đưa ra tuyến bố phản đối điều luật 258, đó là một tổ chức xã hội dân sự,….
Câu lạc bộ bệnh nhân máu khó đông TP Đà Nẵng của chúng tôi là một tổ chức xã hội dân sự. Dù hoàn toàn không thể đăng ký thành lập để có tính pháp nhân nhưng vì chúng tôi có lợi ích chung là cùng chung tay thúc đẩy những thay đổi có lợi cho cộng đồng những người bệnh giống mình. Theo thời gian và bằng nhiều cách, Clb chúng tôi làm được rất nhiều việc.
Gần hai năm nay, tôi quan tâm đến phong trào dân chủ, tôi ủng hộ phong trào con đường Việt Nam với chủ trương bảo vệ quyền con người của nó. Tôi tham gia viết rất nhiều bài, được đăng lại trên các diễn đàn khác nhau. Tôi hoàn toàn ý thức được những việc tôi làm là hợp pháp, có lợi cho dân cho nước. Đó vừa là một quyền và một nghĩa vụ của người công dân đối với đất nước nên tôi không phải lén lút để dùng tên giả. Các bài viết của tôi đều ký tên thật của mình: Nguyễn Văn Thạnh.
Cơ quan an ninh cũng tìm ra tác giả các bài viết là ai, họ mời tôi làm việc (Tôi có viết bài về quá trình này công bố trên mạng). Trong các lần mời đầu, tôi vui vẻ hợp tác nhưng ở các lần sau tôi từ chối vì cho rằng mình không vi phạm pháp luật và cơ quan an ninh gây ảnh hưởng đến tự do cá nhân.
Tại Tp Đà Nẵng, vì có “công” trong việc thúc đẩy những lợi ích cho bệnh nhân máu khó đông trên toàn quốc nói chung và Tp Đà Nẵng, khu vực lân cận nói riêng nên tôi có chút tiếng tăm. Tôi được rất nhiều báo viết đến như một tấm gương tốt, nhiều lần được lên sóng VTV và DVTV. Tôi được trao tặng các giải thưởng như: Thanh niên sống đẹp của TW đoàn, Giấy khen của UBND Tp Đà Nẵng, Hiệp sĩ công nghệ thông tin của tạp chí Echip, Giải khuyến khích của chương trình ICT-Light The Hope,….Tất nhiên những giải thưởng đó làm tôi rất vinh dự nhưng tôi chưa bao giờ dựa vào nó để xin các chế độ chính sách như: vốn cho người khuyết tật, chung cư,….như rất nhiều người từng khuyên tôi. Điều tôi vui nhất là cải thiện cuộc sống cho mình, cho em trai mình và những người có số phận bệnh máu khó đông giống mình.
Lại nói về CLB, thời gian gần đây, do các chính sách về bệnh cũng đạt được, các bạn cũng thông hiểu bệnh, bác sĩ, y tá ở bệnh viện Đà nẵng đã có thông tin bệnh nên quá trình điều trị cho chúng tôi khá tốt. Do hiểu biết về bệnh nên hai năm rồi tôi không phải đi viện mà tự xử lý ở nhà được mỗi khi bị xuất huyết (với bệnh này, nếu xuất huyết nhẹ, bệnh nhân có thể xử lý ở nhà sau thời gian bệnh sẽ ổn mà không cần đi viện, chỉ cần đi viện khi bị xuất huyết nặng). Nhiều anh em trong CLB chúng tôi có gia đình, có cuộc sống ổn định với công việc nên chúng tôi cũng ít hoạt động như hồi mới sáng lập. Chúng tôi duy trì một trang tin tại web
www.maukhodong.org (trước đây trang tin là
www.maukhodong.net nhưng một lần tôi chậm gia hạn tên miền, liền bị một tổ chức mua đứt và chúng đòi đến 5.000USD). Các hoạt động chính gần đây là thỉnh thoảng anh em chúng tôi gặp nhau café chia sẻ kinh nghiệm sống, quyên góp tiền cho người bị đau nặng, tổ chức tặng hoa cho Y, Bác sĩ nhân ngày thầy thuốc,….Vì không có pháp nhân nên chúng tôi cũng không nhận tài trợ của ai, tiền anh em chúng tôi tự chi ra trong một số việc.
Khi biết tôi viết bài cho phong trào dân chủ, rất nhiều nhân viên an ninh hỏi trực tiếp tôi về hoạt động CLB, về nguồn tiền của CLB, tôi đều trả lời trung thực như những gì CLB có. CLB chỉ là nơi kết hợp chúng tôi khi có việc chung, tự huy động tiền ở các thành viên, xong việc thì xem như xong.
Họ có vẻ nghi ngờ tôi lợi dụng CLB để huy động tiền từ thiện bất hợp pháp, rồi chi cho bản thân và hoạt động chống phá chính quyền. Họ cho người mặc thường phục gặp nhiều người trong CLB để hỏi, điều tra nhưng kết quả thì giống như lời tôi nói.
Rõ ràng tôi có uy tín lớn nhờ hoạt động xã hội dân sự trong CLB BN máu khó đông TP Đà Nẵng. Dù rằng chuyện này là quá khứ rồi, nhưng như truyền thống hoạt động trong bao năm qua, thỉnh thoảng tôi có thể huy động anh em gặp mặt nhau để làm một số việc như cùng nhau đi đưa kiến nghị bảo hiểm chấp nhận chi trả thuốc đặc trị. Điều này có lẽ làm các nhân viên an ninh không hài lòng chút nào, tôi nghĩ vậy. Làm sao để có thể tách tôi ra khỏi cái nôi hoạt động xã hội dân sự tạo nên kinh nghiệm và uy tín cho tôi?
Cách đây tầm 10 ngày, tôi nhận được giấy mời tham gia thành lập CLB Hemophilia tại Tp Đà Nẵng. Tất nhiên người phụ trách có liên lạc với tôi trước đó để thông qua tôi có thêm danh sách thành viên, tôi vui vẻ cung cấp cho họ và mời hết những người tôi biết đi dự.
Như các bạn thấy trong hình, CLB này do cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền là Sở Y Tế mà thừa hành là Bệnh viện Đà nẵng lập ra. Tất nhiên với uy tín của tôi, họ sẽ mời tôi là một thành viên trong ban chủ nhiệm của CLB.
Rõ ràng với bước đi đó, một tổ chức dân sự như CLB BN máu khó đông TP Đà Nẵng do chúng tôi tự nguyện lập ra, hoàn toàn không có bàn tay đạo diễn của chính quyền sẽ tự chết. Có một điều đặc biệt là website của CLB chúng tôi tại
www.maukhodong.org cũng bị hack và xóa sạch dữ liệu, hình ảnh về hoạt động của chúng tôi trong bao năm qua.
Theo suy đoán của tôi, có lẽ có một thế lực muốn xóa sạch các thông tin này để sang bằng uy tín tôi có. Ai muốn đọc thông tin về CLB, về tôi sẽ không còn.
Có thể có rất nhiều lý lẽ được đưa ra để thuyết phục cho việc cơ quan thuộc nhà nước đứng ra thành lập CLB Hemophilia như: chúng tôi làm tự phát, không có tính pháp lý nên không thể lớn mạnh, chuyên nghiệp để giúp đỡ bệnh nhân được nhiều hơn; với CLB mới, được sự quan tâm của chính quyền, ngành chuyên môn, BS sẽ có điều kiện chăm sóc cho bệnh nhân máu khó đông tốt hơn,….Tôi đồng ý với những ý kiến đó và tôi rất mừng. Thật ra tôi cũng không thiết tha tranh giành chức vụ hay công trạng gì ở đây. Từ đây, những bệnh nhân chúng tôi sẽ hưởng lợi nhiều hơn, sự điều trị và chăm sóc sẽ tốt hơn. Tôi nghĩ chính quyền họ có tiềm lực và động cơ để làm cho nó tốt nhất có thể, nhiều bệnh nhân sẽ được hưởng lợi mà không cần bỏ công sức như thời sân chơi hoàn toàn dân sự trước đây.
Điều tôi muốn ở đây là qua câu chuyện này, tôi nghiền ngẫm một vấn đề rất lớn ở Việt Nam. Đó là kết cấu, nền móng và động lực cho sự phát triển của hoạt động xã hội dân sự ở Việt Nam. Không có điều này, không bao giờ có nền dân chủ.
Ở các nước văn minh, người ta khuyến khích xã hội dân sự phát triển vì nó là nền tảng của nền dân chủ. Trong khi ở Việt Nam chúng ta xem nó như một thế lực thù địch như một bài báo chính thống viết: "Xã hội dân sự" - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình.
Đó là lý do vì sao, chính quyền ra sức nắm hết các hoạt động xã hội dân sự như chúng ta đã thấy và khi cần họ hoàn toàn có thể bóp chết một xã hội dân sự tự phát không nằm trong quĩ đạo chi phối của họ.
Vì sao chính quyền VN có thể khống chế được xã hội dân sự
Có một học giả nghiên cứu về các chế độ toàn trị do độc đảng cộng sản lãnh đạo trên toàn thế giới kết luận rằng “ở các nước toàn trị, không một tổ chức dân sự nào có thể hoạt công khai mà không do người cộng sản lập lên hoặc đứng phía sau điều khiển”.
Đối chiếu với thực tế xã hội Việt Nam, chúng ta thấy đúng như vậy. Từ các tổ chức xã hội dân sự to lớn như: mặt trận tổ quốc, đoàn thanh niên, hội liên hợp phụ nữ, hội nông dân, công đoàn, đến các nhóm hạng trung như: hội doanh nhân, liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, hội luật gia, hội nhà báo,….đến ti tỉ các hội đoàn cóc ké như: hội chữ thập đỏ, hội từ thiện các tỉnh thành, hội văn thơ,…tất tần tật đều do bàn tay đạo diễn của chính quyền. Mà chính quyền thì chịu sự lãnh đạo tuyệt đối của ĐCS. Tức ĐCS nắm trọn trong tay chính quyền và các tổ chức xã hội dân sự. ĐCS vô địch và không có đối thủ dù nó đã quá già nua là vì lẽ đó.
Câu hỏi đặt ra là vì sao có hiện tượng như vậy? Chúng ta thử kiến giải hiện tượng trên ở các góc nhìn sau:
Kiểm soát là nhu cầu sinh tồn của chính quyền CS:
Trong xã hội dân chủ, chính quyền được xây nên từ sự đồng thuận lớn nhất của người dân và các nhóm xã hội dân sự. Cứ 4-6 năm các chính phủ được lập nên thông qua phiếu bầu của dân chúng. Do vậy chính quyền không thuộc độc quyền của đảng phái nào và các đảng phái bị thất cử thì cũng không lo sợ bị lật đổ và bị chiếm mất chính quyền. Đơn giản là họ luôn có cơ hội nắm chính quyền trong đợt bầu cử tiếp theo, miễn phương án quản trị quốc gia của họ được đông đảo nhân dân chấp nhận.
Trong một xã hội có thiết chế như vậy thì không một tổ chức nào có thể nhân danh điều nào đó để đứng trên các tổ chức còn lại. Các nhóm xã hội dân sự mọc lên như nấm sau mưa để thúc đẩy các quyền lợi mà những hội viên của nhóm quan tâm. Chính quyền chỉ lo công việc chung là lập phá, hành pháp và tư pháp. Đảng cầm quyền chỉ có quyền trong phạm vi của chính quyền tức là công việc chung, họ không thể và không có quyền tham gia khống chế, giật dây ở các nhóm lợi ích khác. Điều họ có thể làm là thỏa thuận và thỏa hiệp để bảo đảm các chính sách đưa ra cân bằng tương đối lợi ích cho các nhóm khác nhau.
Ngược lại, trong một xã hội toàn trị, theo chủ nghĩa Mac Lenin thì ĐCS là Đảng cầm quyền duy nhất, là lực lượng duy nhất lãnh đạo xã hội. Dưới góc nhìn khoa học: chủ quyền thuộc về nhân dân và nhân dân trao quyền qua bầu cử thì hành vi này là việc tiếm quyền phi pháp. Cái gì chiếm lấy phi pháp thì phải giữ chặt lấy trong thái độ nơm nớp sợ người khác cướp mất. Đây chính là nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân có tính nguyên lý cho ta biết vì sao người cộng sản cần nắm lấy hầu hết, bao trọn các tổ chức từ chính quyền đến các tổ chức xã hội dân sự từ to, nhỏ đến cóc ké. Họ luôn cản trở (bằng những điều luật cấm hoặc bằng một rừng luật pháp đầy chồng chéo), canh chừng và khi cần có thể hủy diệt những tổ chức xã hội dân sự nào mà họ thấy ảnh hưởng đến họ.
Người dân chưa trưởng thành về mặt xã hội dân sự
Ngoài chuyện bị chính quyền khống chế, chi phối như trên, một nguyên nhân rất lớn đưa đến sự yếu ớt của xã hội dân sự ở Việt Nam là người dân chưa trưởng thành về mặt xã hội dân sự.
Một xã hội cũng như một con người, khi nào con người ta “trưởng thành”- ý thức hết vai trò trách nhiệm, có tri thức hiểu biết cuộc đời-thì con người đó có sức mạnh, có tự do. Một xã hội dân sự chỉ mạnh khi các công dân của nó phải là “người trưởng thành”.
Người Mỹ luôn luôn tự kết đoàn làm lấy mọi việc của họ trước khi nghĩ đến nhờ đỡ chính quyền. Người dân Mỹ luôn luôn nghi ngờ và cảnh giác với người cầm quyền, họ luôn xây dựng một xã hội với quyền hạn nhà nước là tối thiểu.
Người dân Việt Nam chúng ta luôn trông chờ vào chính quyền làm điều gì đó giúp đỡ họ. Tôi thấy tâm lý trông chờ ỷ lại là một rào cản rất lớn cho sự phát triển của xã hội dân sự. Người dân không biết rằng để chính quyền làm thì mãi mãi họ mất tự do. Họ chỉ là những “đứa trẻ” được “người lớn” là chính quyền cho ăn. Họ có thể bị bỏ đói bất kỳ lúc nào.
Người dân chưa ý thức được trách nhiệm cùng nhau xây dựng tổ chức xã hội dân sự, thúc đẩy lợi ích chung là cứu cánh lâu dài, trông chờ vào chính quyền chỉ biến người dân trở nên phụ thuộc, tương lai vô cùng bấp bênh.
Khi có vấn đề, người Mỹ sẽ kết đoàn, lập hội nhóm, đề ra kế hoạch, cử người lãnh đạo để giải quyết vấn đề chung còn người Việt Nam theo tôi quan sát sẽ theo chủ nghĩa luồn lách, tức là làm cách nào giải quyết được việc cá nhân mình. Điều này tôi cảm nhận rõ nét trong quá trình hoạt động cho CLB BN máu khó đông Tp Đà Nẵng. Tham gia thúc đẩy CLB tôi rất ít người giàu có, nhà có điều kiện vì họ luôn có cách và có nguồn lực để đạt được mục đích của mình bằng con đường riêng. Khi thành quả do nhóm nhỏ nai lưng ra chiến đấu đạt được thì nhóm có điều kiện cũng hưởng lợi, nhiều khi còn nhiều hơn. Tôi cảm nhận sự bất công vô cùng trong các sân chơi xã hội dân sự ở Việt Nam.
Nền kinh tế tư nhân kém phát triển là gốc rễ làm cho xã hội dân sự kém phát triển:
Tôi tin vào câu châm ngôn, “con người ta mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Trong một nền kinh tế mà nhà nước tiêu đến trên 50% dòng tiền và doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò chủ đạo thì không bao giờ có xã hội dân sự ra hồn. Không có động lực lợi ích, không chiến đấu vì lợi ích thì xã hội dân sự như cái vỏ rỗng ruột mà thôi.
Đó là tôi chưa nói, trong một nền kinh tế quốc doanh chiếm chủ đạo thì nền kinh tế đó tất yếu sẽ ốm yếu, òi ộp, dân sẽ đói nghèo. Một phường đói nghèo, khố rách áo ôm thì gặp nhau cũng chỉ là bàn cho vui rồi để đó. Không việc gì mà không cần đến tiền, trong xã hội đói nghèo thì xã hội dân sự sẽ không thể phát triển.
Theo RFA