Dân biểu Lê Trang Đài trong chuyến thăm ông Châu Văn Khảm trong tù ở Việt Nam hồi tháng 1 năm 2023
Dai Le's Twitte
Nhận dịp ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc gốc Việt và là thành viên Đảng Việt Tân ở Mỹ, vừa được Việt Nam trả tự do, RFA phỏng vấn Dân biểu Úc Lê Trang Đài về quan hệ Việt Úc và những nỗ lực của Úc vận động trả tự do cho ông Khảm.
RFA: Xin cảm ơn Dân biểu Lê Trang Đài cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn này. Trước hết, xin bà cho biết về quá trình vận động cho ông Châu Văn Khảm được thả ra khỏi nhà tù.Dân biểu Lê Trang Đài: Cảm ơn đã phỏng vấn tôi. Tôi tin rằng, ông Khảm đã được trả tự do trong 48 giờ qua. Ông ấy đã trở lại Sydney. Hôm nay tôi chưa được thông báo rõ. Việc thả ông ấy được thực hiện một cách bí mật để quản lý sự chú ý của công chúng xung quanh sự kiện này.
Về việc trả tự do cho ông Khảm, tôi được biết về việc ông bị cầm tù khi tôi đắc cử vào tháng 5 năm 2022. Luật sư của ông đã đến văn phòng của tôi và yêu cầu tôi liên hệ với Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc. Cô ấy tin rằng là người gốc Việt, tôi có thể có thêm một chút ảnh hưởng, đặc biệt là với Chính phủ Việt Nam để trả tự do cho ông ấy sớm hơn.
Ông Khảm không thuộc khu vực bầu cử của tôi nhưng tôi là thành viên Quốc Hội nói tiếng Việt đầu tiên từ trước đến nay, nên người Úc trên khắp đất nước tin rằng tôi đại diện cho công đồng người Úc gốc Việt. Khi tôi được tiếp cận, ngay sau khi đắc cử, tôi đã viết thư cho Đại sứ Việt Nam, ông Nguyễn Tất Thành, và đề nghị được gặp ông ấy. Sau đó tôi cũng yêu cầu một cuộc gặp với Đại sứ quán Việt Nam. Tôi đã đại diện với tư cách là một thành viên Quốc hội người Úc gốc Việt. Tôi tìm kiếm sự hợp tác của họ để về cơ bản đảm bảo rằng việc trả tự do cho ông Kham diễn ra nhanh chóng.
Đại sứ Việt Nam và Đại sứ quán đã cởi mở trong cuộc trò chuyện. Trước hết họ rất vui khi tôi là Dân biểu và vì là người Việt Nam, tôi nói chuyện bằng tiếng Việt với họ. Tôi đã nói tiếng Việt. Dù tôi nói không giỏi nhưng cũng cố gắng nói tiếng Việt để cùng khơi dậy tinh thần người Việt Nam của họ. Họ yêu cầu tôi viết một lá thư cho Chủ Tịch nước. Tôi đã viết thư và họ nói rằng họ sẽ chuyển cho ông Chủ tịch nước, họ sẽ làm việc với tôi để giúp ông Khảm được trả tự do sớm.
Tất nhiên, tôi không phải là người duy nhất vận động cho việc trả tự do cho ông Khảm. Cựu thành viên Quốc hội trước đó là Chris Hayes cũng đã viết thư cho chính phủ. Chính khách đối lập trước đây của của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, ông Scott Morrison, cũng đã viết thư cho Chính phủ Việt Nam. Trong bốn năm tù cuối cùng, luật sư của ông Khảm đã vận động các thành viên của Quốc hội, các bộ trưởng, thủ tướng bằng văn bản.
Tôi là dân biểu Úc gốc Việt đầu tiên được phép vào thăm ông Khảm trong tù vào tháng 1 năm 2023. Tôi đã nói với RFA về điều này trước đây.
Đó là một vị trí rất độc đáo. Tôi đã được Đại sứ Úc tại Hà Nội cũng như Tổng lãnh sự Úc tại Tp. Hồ Chí Minh nói rằng điều đó chưa từng xảy ra trước đây. Họ đã rất ngạc nhiên khi tôi có thể vào gặp ông Khảm trong tù mà không cần quá nhiều thủ tục giấy tờ. Họ đã mở một quy trình rất dễ dàng để tôi đi vào gặp ông ấy. Và vì vậy tôi rất, rất biết ơn vì đã có thể làm điều đó.
Tôi đã đưa mẹ tôi về Việt Nam để gặp em gái của bà, vì vậy tôi đã tận dụng cơ hội đó để đi dưới sự bảo vệ rất chặt chẽ, chúng tôi đã có thể gặp ông Khảm và tôi đã có thể chuyển cho ông một lá thư từ vợ ông.
Tôi được cho biết rằng Chính phủ Việt Nam đang làm những gì có thể để giúp ông Khảm được trả tự do sớm. Đó là vào tháng 1 năm 2023. Vào tháng 6 năm 2023, tôi có nhiều cuộc họp hơn với Bộ Ngoại giao Úc, tôi cũng đặt câu hỏi trước Quốc hội là khi nào Chính phủ Úc sẽ xúc tiến. Bởi vì theo hiểu biết của tôi thì Chính phủ Việt Nam đã tiến hành thủ tục cho việc trả tự do, còn điều cản trở duy nhất là Chính phủ Úc, cả chính phủ tiểu bang và liên bang Úc, để đưa ông ấy trở lại đây. Do đó, câu hỏi của tôi là: điều gì đang được thực hiện ở cấp liên bang và tiểu bang để đẩy nhanh việc trả tự do cho ông ấy?
Tôi rất vui vì bây giờ ông Khảm đã trở về đây với gia đình. Mẹ tôi vừa qua đời tuần trước. Mẹ tôi từng nói với tôi là hãy tiếp tục cố gắng vận động để trả tự do cho ông Khảm. Thật buồn vui lẫn lộn khi mẹ tôi đã qua đời ngay trước khi ông ấy được thả. Và tôi chắc rằng bà sẽ rất vui vì tôi đã đóng một vai trò nhỏ, một vai trò rất là nhỏ mà tôi đã có góp phần giúp ông Khảm được trở về Úc. Từ hiểu biết và quá trình làm việc của tôi thì đó là quá trình giúp ông Khảm được trả tự do.
RFA. Bà sinh ra ở Việt Nam rồi tị nạn ở Úc. Bà có thể nói bằng tiếng Việt với các quan chức Việt Nam, dù không nhiều, nhưng cả hai đều chia sẻ với nhau nhiều điểm chung, trong đó có tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Điều đó có thể tạo ra một số thuận lợi cho hai bên nói chuyện với nhau?Dân biểu Lê Trang Đài (nói bằng tiếng Việt đoạn đầu): Đúng, mình có tình cảm chứ. Mình có tiếng nói chung. Mình có tình cảm bất chấp sự khác biệt về chính trị. Tôi có những khác biệt về chính trị với các chị em của tôi ở nhà, nhưng mình vẫn là một dân tộc (one people). Tôi nghĩ điều đó giúp ích rất nhiều vì mình hiểu nhau, phải không? Mình hiểu nhau. Mình hiểu cách nghĩ của nhau. Trong cuộc nói chuyện giữa tôi và ông Đại sứ Việt Nam ở Úc thì chúng tôi thừa nhận chúng tôi có những suy nghĩ khác nhau, vì mình học tập và lớn lên trong những môi trường khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chia tách, vì chúng ta là người Việt Nam và có gốc Việt Nam. Tôi nghĩ sức mạnh có thể sinh ra giữa những con người khác biệt nhau khi chúng ta nhìn nhau như những con người.
RFA: Vậy có thể nói nếu trong tương lai có càng nhiều Dân biểu Úc gốc Việt trong Quốc Hội Úc thì quan hệ hai nước, hai cộng đồng càng tích cực hơn không?Dân biểu Lê Trang Đài: Nghe này, tôi nghĩ, tùy người, anh biết không. Tại vì đối với tôi thì đó là sự hòa giải, tôi hướng đến sự bình an và hòa bình. Với những người khác thì… (xúc động, ngập ngừng).
(Nói tiếng Việt) Anh biết không, mẹ đã vượt biên với Đài, chạy giặc qua đây. (Nói bằng tiếng Anh) Mình xây dựng lại, mình nhìn lại. Có những điều đã phá hủy gia đình mình. Có nhiều người không thể tha thứ được. Đối với Đài thì nó không phải là vấn đề tha thứ mà là hòa giải và sự bình an. Nếu nghĩ như vậy thì phải chấp nhận là có lỗi ở cả hai phía.
Quan trọng nhất với Đài là người dân ở Việt Nam, trong đó có bà con họ hàng, cậu, mợ, dì, ngoại. Tôi mong họ có cuộc sống tốt hơn. Tôi muốn họ có những cơ hội mà tôi có ở Úc. Và để làm được điều đó, chúng ta cần nâng Việt Nam lên, chúng ta cần làm gì đó để giúp đất nước này mạnh về kinh tế, thành công như Hàn Quốc, có sức ảnh hưởng đến chính trị thế giới.
Đó là niềm tin của tôi. Và ở góc nhìn đó, vị trí đó, bạn có thể đối thoại với họ để cải thiện các quá trình chính trị của họ, ý tôi là, cách duy nhất để thay đổi là thực sự kiên nhẫn trao đổi, chia sẻ và đối thoại.
RFA. Trước khi trở thành dân biểu Hạ viện Úc, bà đã từng là nhà báo của ACB News. Động lực nào thúc đẩy bà từ môi trường truyền thông bước vào môi trường lập pháp ở Úc?Dân biểu Lê Trang Đài: Tôi nghĩ Quốc hội không phải là động lực chính của tôi. Tôi muốn trở thành một nhà hoạt động, nhưng là một nhà hoạt động không đấu tranh mà là tìm kiếm các giải pháp nhằm cải thiện cuộc sống của cộng đồng tại Canberra.
Có nhiều cách tiếp cận và hoạt động khác nhau. Có những người muốn cầm vũ khí đi chiến đấu hoặc lên án chủ nghĩa cộng sản. Đó không phải là cách hoạt động của tôi. Tinh thần hành động (activism) của tôi là giúp cộng đồng của tôi ở đây phát triển hơn, trở thành một phần của xã hội Úc.
Tôi cảm thấy rằng cộng đồng ở đây không được các dân biểu Quốc hội lắng nghe. Tôi cảm thấy rằng khu vực này không thực sự có đại diện mặc dù họ có Dân biểu Quốc hội. Các vị dân biểu đó không cất lên tiếng nói về các vấn đề của cuộc sinh tồn của các gia đình và doanh nghiệp tại đây.
Sự dấn thân đó đưa tôi đến với chính trị. Từ chỗ ban đầu là một nhà báo kể những câu chuyện về xã hội, tôi đi đến giai đoạn vận động chính sách rồi vào Quốc hội. Ước mơ ban đầu của tôi là trở thành một phóng viên quốc tế lớn, không phải là vào Quốc hội, nhưng có lẽ Chúa đã có một kế hoạch khác cho tôi. Và điều tự nhiên đưa tôi đi đến giai đoạn dấn thân vào môi trường lập pháp ở đây.
Tương lai quan hệ Việt Úc dưới góc nhìn của Dân biểu Lê Trang Đài RFA: Bà có nghĩ rằng việc thả ông Châu Văn Khảm có phản ánh mối quan hệ hiện tại giữa hai nước Việt Nam và Úc?Dân biểu Lê Trang Đài: Tôi nghĩ có nhiều yếu tố để ông Khảm được trả tự do. Một là tôi thực sự tin rằng lời thỉnh cầu của tôi gửi tới ông Chủ Tịch nước và Ngài đại sứ có một đóng góp nhỏ. Họ thực sự rất nỗ lực cho việc đó. Ông Đại sứ Việt Nam tại Úc đã làm hết sức mình để lá thư của tôi tới được Chủ tịch nước. Ngoài ra tôi cũng tin vào tầm quan trọng của việc thả ông Châu Văn Khảm. Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trả tự do đó đối với việc xây dựng mối quan hệ trong tương lai. Và tôi đã nói điều đó bằng tiếng Việt. Dù tiếng Việt của tôi chưa tốt nhưng tôi đã nói điều đó và tôi cũng đã viết ra. Tôi nghĩ rằng điều đó cũng có thể đóng một vai trò nào đó.
Thứ hai, ở bối cảnh vĩ mô, rõ ràng là chiến lược tách rời khỏi Trung Quốc của Úc cũng có tác động. Việt Nam và Úc có mối quan hệ rất tốt. Tôi nghĩ rằng điều đó mới chỉ đang được xây dựng gần đây. Trong những năm trước, giữa hai nước không có nhiều trao đổi thương mại thực sự. Nhưng tôi nghĩ việc nhiều nước nỗ lực tách rời khỏi Trung Quốc đã mang đến cho Việt Nam cơ hội thực sự. Vị trí của chính Việt Nam, như bạn đã biết, là một trong những quốc gia tiếp theo mà Úc có thể tin tưởng để hợp tác kinh doanh.
Tất nhiên trong nhiều thập kỷ qua, nhiều sinh viên trẻ gốc Việt đã trở lại, đã đến đây và là một phần của cộng đồng này. Có nhiều trao đổi văn hóa là điều tốt. Vì vậy, điều đó cũng góp phần vào. Tôi nghĩ Chính phủ Úc phải hướng tới phần tiếp theo của mối quan hệ song phương của mình, trong đó, các nước láng giềng gần nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia cũng như Indonesia sẽ đóng vai trò quan trọng.
RFA. Có thể nói nước Úc đang tăng cường quan hệ với Việt Nam hay không? Bà suy nghĩ như thế nào về quan hệ hai nước trong tương lai?Dân biểu Lê Trang Đài: Vâng, tôi nghĩ vì Việt Nam đã thực sự hiện đại hóa về cơ sở vật chất, giáo dục. Hiện có rất nhiều người Việt Nam có thể nói tiếng Anh. Tôi được biết rất nhiều công ty Australia trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã đầu tư ở Việt Nam và họ cũng đã phát triển. Điều đó rất quan trọng. Công nghệ hiện là đường biên giới trong tương lai gần và tôi nghĩ về mặt chính trị, nó sẽ trở thành một đối tác quan trọng đối với Australia và các doanh nghiệp Australia nói riêng muốn kinh doanh tại Việt Nam.
Người Úc chúng tôi có 25 triệu người. Việt Nam có hơn một trăm triệu dân nên bạn có thể thấy dân số và lao động ở Việt Nam vẫn rẻ hơn. Tôi tin rằng quan hệ với Việt Nam là một mối quan hệ quan trọng, mặc dù quốc gia vẫn có hệ thống độc đảng, khiến chúng ta phải điều hướng và làm cho họ nhận lấy trách nhiệm về các vấn đề nhân quyền. Nhưng sự khác biệt đó không phải là điều ngăn cản chúng ta truyền thông cho Chính phủ Việt Nam và thế hệ trẻ của đất nước đó thấy rằng có nhiều cách để phát triển kinh tế và xã hội cho người dân Việt Nam.
Quan điểm của cá nhân tôi là Úc và các nước khác trên thế giới đã học được bài học từ đại dịch Covid-19 là nếu chỉ phụ thuộc vào một quốc gia là Trung Quốc thì sẽ gây bất lợi cho họ. Tôi nghĩ từ đó mà nước Úc nhìn về phía những nước láng giềng gần gũi. Đó là khu vực Đông Nam Á.
Tôi ủng hộ chính sách xoay trục của Chính phủ Úc về phía các nước láng giềng gần gũi của chúng tôi, đó là khu vực Đông Nam Á. Việt Nam là một trong những quốc gia đó.
Tôi thừa nhận rằng có sự khác biệt về hệ thống chính trị. Khi sống trong một hệ thống dân chủ, có rất nhiều điều mong muốn hơn là phải làm.
Theo quan điểm của tôi, là người Việt Nam, ít nhất họ cũng nói cùng ngôn ngữ với chúng ta. Và do đó, tôi nghĩ rằng nó sẽ cải thiện cuộc sống của người Việt Nam ở Việt Nam nếu chúng ta có thể giúp họ thoát nghèo. Tôi nghĩ sự gia tăng cam kết song phương trong thương mại giữa Úc và Việt Nam sẽ giúp ích cho Việt Nam về mặt kinh tế. Và đổi lại, nó sẽ giúp ích cho người Việt Nam, trong đó có những người thân trong gia đình tôi như dì và anh em họ tôi hiện vẫn đang sống ở đó.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng bằng cách tăng cường và mở rộng quan hệ theo cách đó, chúng tôi cũng gián tiếp dạy người Việt Nam ở Việt Nam về hệ thống dân chủ của chúng tôi. Đó là cách tốt nhất.
Đó là sự tham gia song phương về mặt thương mại và mở cơ hội để họ đến nghiên cứu, họ sẽ thấy hệ thống của chúng tôi hoạt động như thế nào, và sau đó họ quay trở lại đất nước. Và hiển nhiên là nhờ vào sự tiến hóa chậm rãi như vậy, một ngày nào đó, Việt Nam sẽ được tự do như các nước như Mỹ hay Úc.
Đó là quan điểm của tôi. Tôi nghĩ rằng, đã có rất nhiều cuộc thảo luận trong Quốc hội, trong các cuộc họp khác nhau về việc tăng cường cam kết với khu vực Đông Nam Á. Tôi nghĩ rằng đúng ra phải làm điều này sớm hơn. Tôi nghĩ rằng trong nhiều thập kỷ, Chính phủ chỉ tập trung vào Trung Quốc. Giống như trước khi vào Quốc hội, tôi đã nói về lý do tại sao chúng ta lại tập trung vào khu vực Đông Nam Á. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như vậy.
Bây giờ điều đó đang xảy ra. Đó là một sự khởi đầu. Hãy xem Australia điều hướng mối quan hệ đó như thế nào, và xem Việt Nam cũng sẽ học hỏi như thế nào từ mối quan hệ đó.
RFA: Theo bà, liệu chính trị Việt Nam có thể sẽ cởi mở hơn trong tương lai cùng với sự phát triển mối quan hệ với Úc?Dân biểu Lê Trang Đài: Tôi hy vọng vậy. Tôi nghĩ việc trả tự do cho ông Châu Văn Khảm vừa diễn ra là một bước đi theo hướng cởi mở hơn. Và vì vậy, tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn để Chính phủ Việt Nam có thể chứng tỏ rằng họ là một đối tác thực sự. Bạn muốn chuyển mình về kinh tế và xã hội nhưng tất nhiên bạn không thể làm điều đó một mình.
Mọi hệ thống đều rất nặng và khó thay đổi. Thay đổi một hệ thống nào đó ngay cả ở Úc cũng là một thách thức lớn rồi. Thay đổi cái gì cũng vậy. Đó luôn là một thách thức, không riêng gì cho một đất nước trăm triệu dân, mà trong đó, một tỷ lệ lớn dân số vẫn sống nghèo khổ.
RFA xin cảm ơn Dân biểu Lê Trang Đài đã dành cho độc giả chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
Theo RFA