Nhà hoạt động Đặng Đình Bách trong phiên toà phúc thẩm năm 2022
Báo Công an Nhân dân
Tù nhân Đặng Đình Bách, nhà hoạt động xã hội dân sự về môi trường, đã dừng tuyệt thực sau một tháng nhịn ăn ở Trại giam số 6 (Thanh Chương, Nghệ An), nơi ông đang thi hành án tù năm năm về tội danh “trốn thuế.” Gia đình ông cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết tin này trong ngày 17/7.
Ông Bách, 45 tuổi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD), bắt đầu tuyệt thực từ đầu tháng sáu để đòi được trả tự do vì ông cho rằng ông bị kết tội một cách không công bằng chỉ vì các hoạt động bảo vệ môi trường và người yếu thế trong xã hội.
Bà Trần Phương Thảo, vợ của ông Bách, cho RFA biết về thông tin của chồng mình sau khi gặp ông ở trại giam như sau:
“Tôi gặp chồng tôi vào ngày 13/7 trong lần thăm gặp mới nhất thì tôi được biết thông tin là chồng tôi đã dùng tuyệt thực từ ngày 10/7.
Anh bắt đầu bước vào cái cuộc tuyệt thực từ 09/6, và việc từ chối nhận toàn bộ khẩu phần ăn của trại giam từ ngày 09/6 là cái quyết định chủ động của cá nhân anh.”
Trước đó, ông đã giảm ăn từ ngày 17/3, chỉ ăn một bữa tối thay vì ba bữa mà trại giam cung cấp.
Sau một tháng nhịn ăn hoàn toàn, sức khoẻ của ông Bách rất yếu, bà Thảo nói:
“Anh đã bị giảm hơn 20 kg so với trước đây. Khác rất là nhiều so với trước. Về tinh thần thì anh rất là ổn vẫn rất là kiên định, rất là mạnh mẽ, vững vàng.”
Bà được chồng cho biết dừng tuyệt thực vì ông nhận thấy đã đạt được mục tiêu đề ra.
“Mục đích của anh là muốn tạo ra một cái chiến dịch một cái sự đoàn kết toàn cầu để mang lại nhận thức của mọi người.
Mục đích của việc tuyệt thực của anh đã đạt được khi mà nó hợp nhất được các nguồn lực trên khắp thế giới để để củng cố cho cái tiếng nói của xã hội dân sự về các mục tiêu chung như là công lý, môi trường, và khí hậu.”
Đợt tuyệt thực vừa qua là lần thứ tư ông Bách tuyệt thực kể từ khi bị bắt. Trước phiên sơ thẩm vào cuối tháng 01/2022, ông đã tuyệt thực 11 ngày để kêu oan, yêu cầu được tại ngoại chờ xét xử và phải có một phiên toà công bằng. Trong tháng 7/2022, ông tuyệt thực 24 ngày, và cuối tháng 11 cùng năm, ông tuyệt thực năm ngày.
Trong tháng năm và sáu vừa qua, hàng chục tổ chức dân sự và nhân quyền trên thế giới kêu gọi nhân viên đồng hành cùng ông Đặng Đình Bách, nhịn ăn trong thời gian ít nhất một ngày, đồng thời thúc giục Hà Nội trả tự do cho ông và các nhà hoạt động môi trường đang bị giam giữ khác.
Ông Bách bị bắt ngày 24/6/2021 với cáo buộc “trốn thuế” theo Điều 200 của Bộ luật Hình sự vì bị cho là không đóng các khoản thuế cho các khoản tài trợ nước ngoài dành cho Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật & Chính sách Phát triển Bền vững. Tổng số tiền bị coi là trốn thuế là hơn 1,3 tỷ đồng.
Sau đó, ông Bách bị kết tội với mức án tù năm năm. Trong cả hai phiên toà sơ thẩm (tháng 1/2022) và phúc thẩm (tháng 8/2022), ông Bách đều khẳng định bản thân vô tội.
Cuối tháng năm vừa qua, Nhóm Công tác về bắt giữ tuỳ tiện (WGAD), một cơ chế nhân quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc, có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam trong đó đưa ra ý kiến cho rằng nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách bị bắt giữ một cách tùy tiện và xét xử một cách không công bằng.
Cơ quan này cũng kêu gọi Nhà nước Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ông, bồi thường cho ông một cách thoả đáng.
WGAD cũng cho biết trường hợp bắt giam và bỏ tù ông Bách là một trong nhiều trường hợp người hoạt động Việt Nam bị tước đoạt tự do một cách tùy tiện, đặc biệt là những người bảo vệ nhân quyền. Việc bắt giữ và kết án họ vi phạm nhiều quyền cơ bản trong Công ước về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Tuyên ngôn Nhân quyền phổ quát mà Hà Nội đã ký kết.
Ông Bách là một trong năm nhà hoạt động môi trường và xã hội dân sự có đăng ký với nhà nước bị bắt với cáo buộc trốn thuế trong thời gian qua. Bốn người kia gồm anh hùng môi trường Nguỵ Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi, và Bạch Hồng Dương.
Ông Đặng Đình Bách từng là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA. Mạng lưới này bao gồm bảy tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11/2021. Mục đích của mạng lưới là phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu- Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam, và Ban Tư vấn trong nước (DAG).
DAG được thiết lập theo quy định tại Chương Mậu dịch và Phát triển Bền vững của EVFTA. Ban Tư vấn Liên Âu (EV DAG) đã được thành lập vào tháng 12/2020 và đã tiến hành hai lần hội nghị.
Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) nhận định rằng việc Chính phủ Việt Nam bắt giữ hai ông Bách và Lợi, là biện pháp nhằm ngăn chặn tiến trình hình thành Ban Tư vấn Việt Nam (DAG).
Theo RFA