logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 19/07/2023 lúc 11:24:23(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Cái cối xay bột nước lắp ráp xong chị Bông đã xay thử đậu nành rồi xay gạo thấy cả hai đều thành bột mềm nhuyễn đúng ý. Coi như chị đã “khai trương” cái cối xay bột nước của mình mặc dù khi lắp cối xong ông thợ cối đã xay thử bột nọ bột kia rồi. Hôm ấy cả nhà chị được ăn món bánh xèo chiên giòn và uống sữa đậu nành nấu với lá dứa vừa thơm vừa béo thật ngon.
Bây giờ chị mới dám nghĩ đến treo bảng hiệu, chị định ghi là “Xay bột nước, giá rẻ”, nghe trống không vô tình quá, chị đổi lại cho kêu hơn, thêm tên mình cho thân thiện hơn “ Bông, xay bột nước. Giá rẻ”. Thế là tấm bảng gỗ ghi cả hai mặt trước và sau “Bông, xay bột nước. Giá rẻ” được đóng trên bờ tường trước cửa nhà để ông đi qua bà đi lại phía nào cũng đều đọc được. Nhà mặt tiền khu xóm lao động nên chị Bông nghĩ ra nghề xay bột nước khi thấy cư dân cứ phải lên tới chợ cả cây số đường dài mới có tiệm xay bột nước. Ban đầu chị nghe lời người nọ người kia đi tận Lái Thiêu để tìm mua cối đá xay. Quả là Lái Thiêu có nhiều hàng bán đồ đá và làm cối xay bột, giá cả phải chăng, nhưng nghĩ đến chuyên chở từ Lái Thiêu về nhà quá xa nên chị Bông dứt khoát không mua cối xay tại Lái Thiêu nữa. Cũng may lúc đó có người quen thân giới thiệu:
– Đi lái Thiêu ăn trái cây thì đi chứ cối đá xay ngay đây cũng có tội gì phải đi xa, có ông Năm Cối nổi tiếng nghề làm cối ở Gò Vấp nè, từ Gò Vấp xuống vùng Hạnh Thông Tây chỉ một đoạn đường gần xịt, bộ bụt nhà không thiêng sao phải lặn lội tới Lái Thiêu? Đến bên hông bưu điện Gò Vấp đi vào xóm một đoạn hỏi ông Năm Cối ai cũng biết, cối ông làm bằng đá già đúng tuổi nên xài cả đời không sợ hao mòn sứt mẻ, một đời cối bằng mấy đời mình.
Thế là lần này chị Bông đạt ý nguyện, đặt mua cối xay của ông Năm Cối hết 5 chỉ vàng, ông chở cối tới tận nhà và lắp đặt vòng đai cho cối, làm chân cối và gắn “mô tơ” đàng hoàng. Ông Năm Cối không quên chỉ dẫn cách xay, cách tăng hay giảm độ nhuyễn và cách nâng cối khi trong gạo có vật lạ làm cối khựng lại cũng như khi cần tráng rửa cối cho bột cũ không dính lại mất vệ sinh. Xay đậu hay xay gạo cũng phải cho nước vào nên gọi là xay bột nước. Dòng bột trắng chảy tràn từ hai mép cối xay tuôn ra thật đẹp mắt và ngon lành như dòng sữa mẹ...
Chỉ một ngày sau khi treo bảng là chị Bông đã có khách hàng đến xay bột, buổi sáng có bà hàng xóm gần nhà, rồi buổi chiều thì có hai đứa bé, một đứa gái khoảng 12 tuổi ra dáng là chị và thằng em chừng 10 tuổi, cả hai bưng mâm không ghé vào hỏi thăm tình hình:
– Chị Bông ơi, chị xay gạo nhiêu một kí-lô? Hai chị em em bán bánh cam, hết hàng ghé đây hỏi chị đặng em mang gạo tới xay khỏi phải lên chợ nữa.
– Biết rồi, ngày nào chị cũng thấy hai đứa đội mâm bánh cam đi bán khắp xóm mà, giá xay 5 đồng một ký, trên chợ người ta lấy 5 đồng rưỡi đó.
Con chị mặc cả:
– Em xay mỗi ngày 5 ký vậy chị bớt nghe, xay mối mà.
Chị Bông chưa kịp trả lời con bé tự giới thiệu khoe tình hàng xóm:
– Em là Vững còn thằng em là Bền con bà Tư Đanh xóm gia binh, chị biết má em không? Má em gánh nước mướn trong xóm và hay cãi lộn với lối xóm đó.
Con bé nói thật chính xác, nhờ hai đặc điểm đó má nó nổi tiếng cả xóm trên lẫn xóm dưới bấy lâu nay.
– Ừ, chị biết má em, má em còn bổ củi mướn cho lối xóm nữa mà, một thước củi má em bổ và chẻ nhỏ ra dễ dàng mau chóng, má em thật giỏi. Em xay mối chị sẽ tính giá bớt cho.
Con bé hãnh diện khoe thêm:
– Má em còn thồ xe đạp được mấy bao mùn cưa bự tổ chảng từ vựa củi bên kia cầu Tứ Quý ở Xóm Mới về tới xóm mình bán lại cho bà con lối xóm nữa đó.
Nhân thể con bé chào hàng:
– À, nếu chị xài mùn cưa thì “đăng ký” em rồi em nói má chở cho chị.
– Nhà chị đun củi, lần sau chị sẽ nhờ má em chẻ củi.
Con Vững hả hê:
– Em sẽ nói má lấy chị giá rẻ như chị xay bột giá rẻ cho em. Vậy chiều nay em mang bột tới nghe.
Chị Bông cũng hào hứng chào hàng:
– Chị nhất quyết xay bột thật nhuyễn cho vừa ý em và mọi người.
Hai chị em con Vững ra về với 2 cái mâm không nhẹ thênh thang thật vui vẻ vì hôm nay bán đắt hàng và vì vừa kiếm được chỗ xay bột gần nhà lại giá rẻ. Khách vui và chủ xay bột cũng vui, chị Bông lại tiếp thêm một người khách nữa ghé vào, là Nghĩa cô bạn thân vai em của chị Bông. Nghĩa ở cùng xóm, cùng học chung trường với thằng em chị Bông từ trung học đến thi đậu vào đại học nhưng đột nhiên Nghĩa bị mờ mắt và hay nhức đầu nên bỏ dở việc học hành, cô ngoài hai mươi tuổi, còn trong trắng và chưa từng có tình yêu mà trông ốm yếu, già như thiếu phụ nửa chừng xuân.
– Chào chị Bông, chúc mừng chị mới khai trương cửa hàng xay bột nước.
– Chị kiếm bạc cắc nuôi con Nghĩa ơi.
Chị Bông bùi ngùi tâm sự:
– Chồng đi tù cải tạo, lý lịch chị như vầy thì xin làm ở đâu bây giờ, hết làm tổ hợp mì sợi chị phải tự kinh doanh thôi.
– Chị xoay sở ghê, từ tiệm uốn tóc nhảy sang “lĩnh vực” xay bột nước.
Chị Bông được dịp kể lể:
– Chị mới đi học nghề uốn tóc về mở tiệm bị hàng xóm chê tay nghề yếu nên tiệm ế, chị phải thuê chị Vân xóm mình, người làm thợ tóc lâu năm về làm thợ chính, nhưng số chị mạt rệp, khách đang lai rai tới thì vài tháng sau có 2 tiệm uốn tóc cùng khai trương hoành tráng ở xóm trên và xóm dưới cạnh tranh với chị nên chị sập tiệm uốn tóc luôn mới nghĩ ra nghề xay bột nước. Lần này chính chị là người… cạnh tranh, làm ảnh hưởng tiệm xay bột nước trên chợ.
Nhìn vẻ mặt không giấu nổi những lo buồn của Nghĩa chị Bông đùa cho bạn vui:
– Hôm nay có chuyện gì buồn thế? Hay là Nghĩa… đang yêu? Khi yêu có hàng triệu lý do để vui để buồn.
– Chị đoán đúng, nhưng không phải em đang yêu mà là… ba em đang yêu.
Chị Bông ngạc nhiên:
– Lạ chưa… ba em đang yêu?
– Vâng, ba đang có một tình yêu khác làm mẹ em đau khổ quá chừng, em thương mẹ cũng khổ lây đây.
Nghĩa bấy lâu nay thường ghé vào nhà chị Bông tâm tình đủ chuyện buồn vui vì chị Bông là người luôn lắng nghe và an ủi bạn. Lần này nỗi buồn của Nghĩa to lớn quá chị Bông không biết an ủi gì cho Nghĩa vơi sầu.
– Chị Bông ơi, người tình của ba em là một khách hàng đến làm răng, chỉ sau vài lần tái khám họ đã yêu nhau.
Trời, sao tình yêu lại bắt đầu trong “hoàn cảnh” thực tế ấy nhỉ, chẳng thơ mộng gì cả.
Nghĩa tỉ mỉ kể tiếp:
– Người ta đã mách cho mẹ em ba ngoại tình và dẫn đường chỉ lối cho mẹ em đến nhà cô Thắm bồ của ba để mẹ đánh ghen.
Chị Bông nín thở hồi hộp nghe Nghĩa kể tiếp:
– Mẹ em đã đến nhà hàng xóm sát vách nhà cô Thắm và bà chủ nhà nhiều chuyện này đã tích cực giúp đỡ mẹ em, bắc thang cho mẹ em trèo lên ngó qua vách nhà có khe hở phía trên cao và… thấy toàn cảnh, từ lúc ba vào nhà cô Thắm, tới lúc họ cởi quần áo lên giường với nhau…
– Trời, thật đau lòng, ai mà chịu nổi hả Nghĩa!
– Bởi vậy mẹ em mới xây xẩm mặt mày vội tụt xuống thang và ngất xỉu ngay dưới chân cầu thang mất vài phút mới tỉnh dậy, nếu không xuống kịp chắc mẹ em xỉu và rơi từ trên thang xuống đất chết tốt rồi. Khi ba về nhà mẹ em đã gào khóc và truy hỏi thì ba năn nỉ và quanh co giải thích rằng không yêu cô Thắm nhưng vì muốn… tìm một đứa con để sau này cho em nương tựa lỡ khi em mù lòa ốm đau.
Chị Bông thở dài, khi đàn ông ngoại tình có đủ lý do để ngụy biện. Chẳng biết ba của Nghĩa ngoại tình vì tình yêu, vì nhục dục hay vì thật lòng tử tế muốn Nghĩa sau này có chị có em nâng đỡ nhau? Ba Nghĩa là nha tá trong Tổng y viện Cộng Hoà, sau 1975 vẫn được tiếp tục ở lại làm công việc của mình. Ông mở phòng khám răng riêng tại nhà, tay nghề cao nên khách hàng khá đông và họ thản nhiên “thăng cấp” cho ông, gọi ông là nha sĩ. Mẹ Nghĩa bị bệnh tim ốm yếu quanh năm, lúc nào ra đường bà cũng mặc áo len, trùm khăn cùng với mùi dầu nhị thiên đường hay mùi dầu cù là con hổ y như một sản phụ mới sinh con và đang thời kỳ kiêng cữ gió máy. Người đàn bà tội nghiệp này cũng một thời hưởng hạnh phúc bên chồng bên con, hai đứa con khỏe mạnh. Nhưng thằng Sinh em Nghĩa trong một lần theo chúng bạn đi bơi ở bến tắm ngựa gần Xóm Mới bị chết đuối lúc mười mấy tuổi đã là một cú sốc nặng, vài năm sau đến lượt Nghĩa phát bệnh càng làm sức khỏe và tinh thần bà suy sụp, bà già trước tuổi, như tàu là chuối khô héo rủ trên thân cây nhưng chưa chịu rụng rơi xuống đất. Mẹ Nghĩa và Nghĩa, hai mẹ con cùng ốm yếu, cùng khô héo, chỉ có ba của Nghĩa vẫn tươi trẻ phây phây lại đang phởn phơ với tình yêu mới.
– Thế mẹ em có tha thứ cho ba không?
– Biết làm sao bây giờ hả chị? Nhất là ba nói muốn tìm cho em một đứa em để sau này nương tựa nghe thật sâu xa cảm kích. Với lại mẹ có ba đầu sáu tay cũng không thể theo dõi và ngăn cản nếu họ vẫn lén lút hẹn hò nhau. Lúc ba ở nhà làm răng thì mẹ vui, khi ba đi làm hay đi đâu vì bất cứ lý do gì thì mẹ lại bồn chồn chờ đợi buồn và khóc… Em đang khuyên mẹ từng giờ từng ngày, hãy buông bỏ và tìm vui trong chùa chiền để tâm hồn thanh thản và nhất là còn sức khỏe để sống bên em, mất tình yêu của ba, mẹ vẫn còn em mà.
– Phải đấy, khi chúng ta không thay đổi được số mệnh thì hãy chấp nhận nó, nghe có vẻ bi quan thất thế nhưng may ra còn đỡ khổ.
Nghĩa tâm sự xong giã từ chị Bông ra về. Lần này cả khách và chủ nhà đều buồn hiu. Nhà có cối xay bột nước của chị Bông càng ngày càng thêm khách hàng. Chị Bông có thêm mấy mối xay đậu nành, họ nấu sữa đậu nành bán hàng trước cửa các nhà máy quanh đây, nhà máy Z751, Z755, X28… là những lục quân công xưởng, truyền tin và quân nhu của thời Việt Nam Cộng Hòa cũ. Có mối xay bột nếp mỗi lần xay tới 20 kí-lô, họ làm bánh ít bỏ mối cho các bạn hàng rong và mấy mối lẻ tẻ mỗi mối vài ba kí gạo như chị em con Vững, chưa kể thường xuyên xay bột cho bà con lối xóm. Lợi tức của chị Bông khấm khá hẳn lên.
Chị Bông biết nhà nào hôm nay ăn bánh xèo, đổ bánh khọt, quậy bánh đúc, hay chiên bánh cam… Món bánh khọt thường xuyên nhất với đám nhà nghèo vì không cần tôm thịt, chỉ tốn chút mỡ hành, bánh nóng gỡ ra ăn với rau xà lách, rau thơm chấm nước mắm tỏi ớt cũng đủ ngon miệng mà không tốn kém mấy.
Có một khách hàng đặc biệt cũng là hàng xóm chị Bông, cô tiểu nhỏ tên Trà của chùa Kim Quang, cách nhà chị Bông nửa đường so từ nhà chị Bông lên tới chợ Hạnh Thông Tây, cô tiểu Trà 10 tuổi thỉnh thoảng xách thùng gạo nếp đến xay bột, mặt cô tươi vui và ngây thơ:
– Chị Bông ơi xay bột cho em, lẹ để em về, em đang đói bụng.
Chị Bông đùa vui:
– Chào cô tiểu Trà, cô xay bột làm bánh nếp nhân thịt hả?
Cô tiểu Trà giãy nảy lên:
– Chị Bông nói kỳ ghê, mắc tội đó. Em xay bột nếp để ngày mai Phật tử đến chùa gói bánh ít nhân chay đậu xanh.
Chị Bông thích hình ảnh cô tiểu Trà xinh xắn mỗi khi gặp cô giữa đường lúc đi bộ lên chợ Hạnh Thông Tây, bà sư sai cô đi chợ mua những thứ lặt vặt, cái đầu trọc chỉ còn một lẻo tóc phía trước cô vắt qua tai thật ngộ nghĩnh, tà áo lam hay nâu của cô phất phơ theo nhịp bước nhanh tung tăng. Hình ảnh sống động yêu đời này không thể là cô bé phải sống khép kín trong mái hiên chùa có bà sư già khó tính. Có lần chị Bông thấy cô đang rảo những bước chân sáo từ chợ về, tay cầm gói giấy còn ló ra mấy con cá khô lưỡi trâu nho nhỏ, chị Bông đã túm áo cô lại để chọc:
– Chào cô tiểu, cô mua cá khô vì thèm nhớ đồ mặn phải không?
Cô tiểu nhỏ lại giãy nảy lên:
– Chị nói kỳ, sư bà bảo em mua cá khô cho con mèo của chùa, chị Bông đến lễ chùa sẽ không thấy chuột chạy ra từ trong mấy kẹt tủ thờ Phật nữa đâu.
Nghe nói cô tiểu Trà là con nhà nghèo ở vùng kinh tế mới nào đó, cha mẹ không đủ sức nuôi đàn con đông nên đã gởi cô vào chùa Kim Quang cho cô ăn nhờ cơm chùa, nếu tu luôn được thì đời bớt cực khổ như cha mẹ.
Mối xay bột càng nhiều chị Bông càng bận rộn, nhất là những hôm bị cúp điện, suốt cả buổi chiều cái cối xay nằm im chờ đợi, chẳng riêng chủ xay bột và khách hàng nóng lòng chờ đợi mà cả cư dân khác cũng đợi chờ, họ ngồi ngoài sân dù trời không trăng sao nhưng thoáng mát còn hơn ngồi trong nhà với ngọn đèn dầu tù mù và không khí nóng bức. Đến 7, 8 giờ tối mới có điện, khi ánh đèn vừa tỏa sáng lên trong mọi nhà thì không hẹn mà tất cả cùng reo to một câu vui mừng “Có Điện, có điện”. Chưa có nhạc sĩ nào viết được điệu nhạc reo vui tột cùng đến thế. Thế rồi những người khách xay bột kéo đến để hối thúc chị Bông xay cho họ, chị Bông đã công bằng để những bịch gạo theo thứ tự kẻ đến trước người đến sau và chăm chỉ xay bột cho tới khuya mới xong.
Nhưng càng bận thì càng vui vì mấy bà, mấy cô hay mấy con nít cũng thế, trong lúc đứng bên cạnh chị Bông chờ đợi chị xay bột đã kể đủ thứ chuyện trên đời, từ trong xóm đến ngoài xóm, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn nhờ thế chị Bông mới biết tin nóng hổi con gái chưa chồng của cựu chủ tịch phường bỗng dưng… có bầu. Tội cho ông cựu chủ tịch đã mất thế lại mất danh dự vì con. Chuyện nhà nào có người vừa “mất tích” nghĩa là đi vượt biên, nhà nào vừa mới lãnh đồ Mỹ thùng to thùng nhỏ hàng xóm đều rõ.
Sáng chị Bông dậy sớm xay đậu nành, trưa chiều xay bột gạo. Chị học được nhiều kinh nghiệm từ khách hàng, xay bột nếp làm bánh ít người ta ngâm nếp qua đêm với nước quả dứa ép ra, bột bánh ít sẽ vừa trong, vừa dai vừa thơm. Món này làm nhà ăn mỗi khi giỗ tết chứ làm hàng bán thì không có lời nên không cần cầu kỳ đến thế. Đậu nành nấu sữa có người xay chung với dừa nạo, có người xay chung với đậu phộng đều tăng độ béo cho sữa đậu nành thêm ngon, dĩ nhiên không thể thiếu mùi thơm của lá dứa, những lá dứa mọc hoang dại ven bờ sông rạch bùn lầy giá rẻ bèo, một bó lá dứa làm nồi sữa đậu nành thơm cả ngày.
Nhà chị em Vững Bền xay bột nếp thì luôn có một ít cơm nguội, chị Bông thích đùa:
– Chắc cơm nguội nhà ăn không hết cho vào nếp đem xay để gia tăng thêm nhiều bánh cam hả hai đứa Vững Bền?
Chúng giải thích là cơm nguội làm bánh cam giòn, bột nếp bọc nhân đậu xanh chiên lên rồi tráng đường đã sên thành màu mật vàng óng ả lên bề mặt bánh. Khi Vững hay Bền đội mâm bánh cam trên đầu đi bán rong trông vừa đẹp vừa ngon. Nhưng khi chiều xuống có hôm Vững trở về với mớ bánh cam nguội khô, lớp đường màu nâu vàng óng trên mặt bánh không còn hình dáng hấp dẫn nữa, đường chảy ra vì cả ngày nhuốm nắng gió bụi đường, ban đầu con Vững năn nỉ chị Bông:
– Chị mua giùm em mớ bánh cam ế này đi, em bán rẻ cho.
Chị Bông ái ngại hỏi thăm:
– Tội nghiệp, hôm nay sao ế nhiều vậy? còn thằng Bền bán hết bánh không?
– Hai chị em cùng ế, em gom lại mang đến… mời chị nè.
– Trời ơi, bánh ngon lành gì mà em mời chị mua hả? Hả?
Sau nó nói huỵch toẹt:
– Chị mua bánh ế để… trừ nợ tiền em xay bột, không bán hết bánh em không có tiền trả chị đâu.
– Em cưỡng ép chị mua bánh cam ế hả?
Nó nói như đe dọa:
– Nếu không em thiếu chị tiền xay bột hơi lâu đó… Tiền nếp, tiền đậu, tiền đường má em cũng mua thiếu đăng đăng đê đê kìa, muốn có mâm bánh cam cho tụi em đi bán má em phải thiếu nợ tùm lum.
Chị Bông mủi lòng và mua nốt gần 20 cái bánh cam ế của chị em con Vững để trừ vào tiền xay bột nó còn thiếu. Bánh cam ế đường đã chảy mềm, bột bánh thì khô và cứng, chị sẽ vừa ăn vừa cho mấy đứa trẻ con trong xóm bảo đảm bao nhiêu cũng hết.
Được mấy lần chị Bông mua bánh cam ế, con Vững quen mùi cứ hôm nào còn ế dù nhiều hay ít chị em nó gom lại bưng mâm đến năn nỉ chị Bông, chị Bông phải năn nỉ lại nó:
– Chị ăn bánh cam ế của em phát ngán rồi. Chị xin em đó, em mời người khác được không?
Thì nó giở giọng ngang tàng:
– Bánh cam em ế tại chị xay bột to bánh cứng không ngon bị khách chê, chị phải chịu trách nhiệm thanh toán hết bánh ế cho em.
Chị Bông giải thích:
– Chị xay bột cho nhiều mối, bánh cam có, bánh ít có, bánh nếp có, đâu ai than phiền chị xay bột to như em. Em bắt đền chị đấy à?
Nó cãi chày cãi cối:
– Thì tại… cái cối xay của chị tới phiên xay cho em nó giở chứng, làm sao chị biết được.
Con Vững chắc lây tính khôn lanh và dữ dằn của bà Tư Đanh má nó, đã mấy lần nó còn ăn gian tiền thiếu công xay bột chòng chéo ngày nọ qua ngày kia, chị Bông không muốn cãi với nó làm gì cho mệt, chị luôn phải chịu thua nó hoặc lại bấm bụng mua giùm nó mớ bánh cam ế coi như làm phước khỏi cần đi cúng chùa.
Chỉ hơn một năm cửa hàng xay bột nước của chị Bông đã trở thành địa chỉ quen thuộc với bà con lối xóm Dịp tết đến chị Bông xay bột cả ngày tới khuya mới kịp vì người ta gói bánh ít hay bánh nếp ăn Tết.
Có hôm chị Bông đang xay bột thì nghe ngoài cửa tiếng xe Honda ghé vào và thắng gấp lại, người trên xe hỏi to vọng vào:
– Nhà chị Bông xay bột nước phải không?
Chị Bông không hiểu chuyện gì cũng hấp tấp chạy ra, hớt hải và ngạc nhiên:
– Phải, phải… Tôi Bông đây, Bông đây. Chú tìm tôi có chuyện gì?
Chú lái xe quay đầu ra phía sau:
– Thằng nhỏ này đi lang bang trên đường tại ngã tư kho đạn hướng về An Nhơn tôi suýt đụng phải, may mà tôi thắng kịp không thì nó toi mạng rồi, con nít đi ngoài đường xe cộ nhiều nguy hiểm lắm nên tôi hỏi nhà để chở nó về, nó bảo tôi chở về nhà chị Bông xay bột nước.
Chị Bông nhìn thằng nhỏ ngồi sau yên xe, nó vừa tuột xuống xe đứng xớ rớ và bối rối, chị Bông thở phào đủng đỉnh nói rành rọt:
– Thằng nhỏ không phải con cháu nhà tôi, nó là thằng cu Đen con bà Tấu xóm này, từ nhà tôi đi 7 căn nữa thì tới con hẻm, quẹo vào con hẻm đó đi 10 căn nữa thì quẹo phải vào con hẻm khác và đi chừng 20 bước thì gặp một tiệm tạp hóa…
Chú lái xe sốt ruột và sốt sắng ngắt ngang:
– Chị nói dài dòng làm tôi chóng mặt quá. Tóm lại tiệm tạp hóa là nhà nó hả chị?
– Chưa đâu, đối diện tiệm tạp hóa xeo xéo về phía trái có 3 căn nhà màu xanh, căn nhà màu xanh nho nhỏ nằm lép vế bên cạnh 2 căn nhà màu xanh to to chính là nhà nó.
Chú lái xe chặc lưỡi:
– Trời, địa chỉ nhà nó ông bưu điện tìm cũng muốn khùng nói chi tôi.
Bây giờ thằng nhỏ mới hoàn hồn và giải thích:
– Bởi thế em mới sợ chú này không tìm ra nhà em, nên em chỉ đại nhà chị Bông xay bột nước ai cũng biết.
Chị Bông phải “đại diện” bà Tấu cám ơn chú đi đường tốt bụng và nói:
– Để tôi mách má nó cho nó chừa, thằng nhỏ mới 9, 10 tuổi đầu chú lo cho nó, chở nó về đây là tốt rồi.
Và chị dặn dò thằng cu Đen:
– Lần sau không đi chơi xa nữa nhé, có ngày mày không bị đụng xe chết tươi cũng bị mẹ mìn bắt cóc hành hạ đánh đập thân tàn ma dại và đói khổ tàn đời.
Chú lái xe lẩm bẩm:
– Chị dặn dò con người ta nghe thấy mà ghê.
Thằng cu Đen hối hận, lí nhí:
– Em đi bắt cào cào ở ven đường rồi đi quá xa nhà mà không hay.
Chị mắng mỏ thằng nhỏ:
– Mấy con cào cào có gì mà ham mê thế hả!
Nhưng chị cụt hứng im luôn vì chợt nhớ ra ngày xưa còn bé như nó chị cũng từng say mê đi bắt cào cào tại các bờ bụi chứ có khác gì, có khi mải mê tới lúc chiều buông mới chịu về nhà với gương mặt phờ phạc, tóc rối nùi vì nắng gió và quần áo lem luốc. Không chỉ đi bắt cào cào, chị còn theo mấy đứa bạn cùng xóm, con gái có, con trai có đi hớt lăng quăng về nuôi cá lia thia, cá đá, đi đào dế trong hang, đổ nước vào hang cho dế chui ra hay đi bắt ong trong tổ, may phước chưa bị ong vỡ tổ đốt sưng mặt sưng mày, nhưng bị mẹ mắng tơi bời. Những mùa tết Đoan Ngọ, mồng 5 tháng Năm còn gọi là “Tết giết sâu bọ” mẹ đều làm rượu nếp và sai con gái sang nhà hàng xóm xin một tàu lá chuối về để mẹ lấy lá ủ rượu nếp, bao giờ con nhỏ Bông cũng hăng hái ra đi và cắt cây chuối của người ta “tan nát, tơi bời”, xin một lá mà cắt một lúc mấy tàu lá chuối to nhất, đẹp nhất chỉ để lấy cọng lá làm súng ống và phân phát cho mấy đứa bạn trong xóm chơi trò “giao tranh”. Mỗi cọng lá chuối được khía thành từng khúc ngắn chừng gang tay, có thể mở dựng những khía này lên và khi lấy tay gạt chúng nằm xuống thật nhanh sẽ tạo thành những tiếng kêu “tạch tạch” hàng loạt như tiếng súng đạn vừa bắn ra. Có lần bà hàng xóm sang nhà mắng vốn vì cây chuối bị trợ trụi lá, mẹ đã phạt chị bằng cách không được ăn rượu nếp làm chị khóc quá trời, cái món mà chị rất ưa thích và đợi chờ mòn mỏi 3 ngày cho rượu nếp ngấu, chị đã lén mẹ mở khăn vải và mở lớp lá chuối ủ rổ rượu nếp ra, tấm lá chuối sạch sẽ dính những hạt rượu nếp và cũng thơm mùi rượu nếp làm chị ngất ngây, chị đã nếm thử những thìa rượu nếp thơm ngọt và càng thêm ngây ngất. Cuối cùng đến chiều mẹ mới cho ăn vì đã để dành một bát rượu nếp trong chạn.
Con bé Bông thuở đó bắt bướm hái hoa thì ít, chơi những thứ “dữ dằn” thì nhiều. Mẹ chị đã từng kết luận một câu bi quan, rên rỉ: “Con gái con lứa mà chơi nghịch như con trai lớn lên ai dám lấy mày hả con ơi là con?”
Chị Bông biết con đường dọc theo các nhà máy từ khu nhà chị lên đến ngã tư kho đạn hướng đi An Nhơn hay hướng lên phía chợ Gò Vấp đều có nhiều bụi cây và cào cào ẩn nấp ở đó. Những bụi cây hoang dại cao không qúa đầu người này người ta thường chặt về nhà đem phơi khô, đập cho rụng lá để bó cành lại làm chổi quét bụi rác ngoài sân. Dù gì thằng cu Đen cũng biết đến sự nổi danh của tiệm xay bột nước nhà chị.
Một hôm khác lúc chị Bông rảnh rang đang đứng ngoài cửa thì một ông đeo kính cận thị dày cộm vừa tà tà dắt xe đạp, trên tay lái xe đạp treo tòn ten một thùng nhỏ đựng gạo đã ngâm trong nước vừa dáo dác vừa nghênh ngang nhìn trước nhìn sau, thấy chị Bông liền hỏi:
– Hình như đây là nhà chị Bông xay bột nước?
Chị Bông hớn hở:
– Vâng, chính xác, có bảng hiệu “Bông, xay bột nước. Giá rẻ” đàng hoàng kìa bác.
Ông già chỉnh lại gọng kính nhìn theo tay chị Bông chỉ và cười xòa:
– Tôi không để ý, mắt vừa già vừa cận không nhìn ra bảng hiệu xay bột nước này. Bà nhà tôi dặn mang gạo ra chị Bông xay, cứ ra mặt đường này là thấy tiệm của chị.
Chị Bông vui thầm, không ngờ cửa hàng xay bột nước của mình đã trở thành thân quen và “uy tín” với bà con lối xóm đến thế.

***

Chị Bông vừa nhớ lại như in căn nhà có cối xay bột nước của chị dù căn nhà đã xa vời vợi trong không gian và thời gian. Hôm cuối tuần rồi vợ chồng chị Bông đi dự một bữa cơm thân mật tại nhà người bạn cùng thành phố, vẫn là những khuôn mặt bạn bè quen biết nhau, nhưng chủ nhà đã giới thiệu với mọi người một khuôn mặt mới, người bà con vừa từ Việt Nam đến định cư vùng Dallas-Fort Worth, Texas này theo diện con bảo lãnh, chị tên Hợi là bà con bên chồng của chị chủ nhà. Mọi người chúc mừng chị Hợi đã đến Mỹ định cư dù muộn màng, khi chị Bông đến gần thì chị Hợi nhìn chằm chằm và bật kêu lên vui mừng:
– Ủa, có phải là chị Bông xay bột nước không?
Chị Bông giật mình ngạc nhiên, tưởng cái tên “Bông xay bột nước” một thời “nổi tiếng” ở xóm cũ đã chìm vào quá khứ bao nhiêu năm kể từ khi chị rời Việt Nam đi xuất cảnh sang Mỹ, nào ngờ hôm nay bỗng sống dậy thật mãnh liệt, chị Bông cũng vui mừng không kém:
– Em đây, Bông xay bột nước đây, sao em chưa nhớ ra chị nhỉ?
– Tôi ở xóm gia binh gần nhà bà Tư Đanh, bà Tư Đanh có mấy đứa con xay bột nhà chị Bông và đi bán bánh cam đó. Thỉnh thoảng tôi cũng xuống nhà chị xay bột mà.
– Em xin lỗi chắc tại nhiều khách quá em không nhớ hết, với lại chúng ta đã xa cách nhau nhiều năm rồi…
Chị Bông liền hỏi tới tấp:
– Vậy mẹ con bà Tư Đanh ra sao hả chị Hợi? Con Vững, thằng Bền đứa nào cũng con cái đùm đề rồi hả chị?
– Buồn cho nhà Tư Đanh lắm chị Bông à, con Vững lấy chồng Đài Loan xuất cảnh theo chồng biệt tăm sướng khổ ra sao không ai hay, còn thằng Bền thì nghiện ngập xì ke ma túy hết trộm cắp đầu trên xóm dưới lại về nhà vơ vét đồ đem đi bán, chỉ có chổi cùn rế rách không bán được thì nó mới chịu tha, rồi nó hạch họe má Tư Đanh của nó bán nhà chia của, bà Tư Đanh đành đau đớn bán căn nhà chia cho thằng Bền và 3 đứa em của nó xong bà lên Sài Gòn đi làm thuê làm mướn kiếm miếng cơm manh áo và để tránh gặp thằng con oan gia nghiệp chướng nợ đời nghiện hút.
Chị Bông thở dài buồn bã:
– Sao số bà Tư Đanh khổ thế! Bao năm nhà bà đã không thoát được cảnh nghèo, nay lại nghèo hơn. Nhưng con Vững lấy chồng Đài Loan em mong nó không khổ, nó lanh lợi và dữ dằn như má nó chồng nào ăn hiếp được.
Chị Bông hỏi thêm:
– Thế chị Hợi có biết nhà ông làm răng ba của cô Nghĩa không? Cũng gần xóm gia binh của chị đó.
– Tôi lạ gì, tôi quen thân với mẹ cô Nghĩa mà.
– Chị ơi, em đã nghe tin cô Nghĩa chết sau những lần lên cơn nhức đầu đi vào hôn mê. Từ đó tới giờ không nghe tin gì về cha mẹ cô Nghĩa nữa.
Chuyện nhà này cũng buồn như nhà Tư Đanh, ông nha sĩ có 2 đứa con với bà vợ nhỏ, mẹ Nghĩa đã phải nén khổ đau chấp nhận chồng có vợ con bên ngoài, sau khi con gái chết bà chẳng thiết tha gì, càng ngày bà càng ốm o gầy mòn ai cũng tưởng bà không sống nổi bao lâu nữa, vậy mà ông chồng bạc tình của bà đã là người ra đi trước vì bệnh ung thư gan, bà vợ nhỏ nhảy ra đòi quyền lợi chia chác nhà cửa. Mẹ Nghĩa đã bán nhà chia cho 3 mẹ con bà nhỏ 3 phần, còn bà lấy 1 phần về Lâm Đồng nương náu thân già với mấy đứa cháu họ và không ai biết tin tức gì về bà nữa.
Chị Bông rưng rưng nước mắt:
– Cả hai chuyện đều buồn quá chị Hợi ơi, ai cũng bán nhà bán cửa và ly tán!
Bỗng chị Hợi hớn hở:
– Thôi chị Bông xay bột đừng buồn nữa, Có một chuyện vui nè.
– Tin vui ở xóm cũ mình hả chị?
– Dĩ nhiên là từ xóm cũ, chị Bông nhớ chùa Kim Quang không?
– Nhớ chứ, chùa nằm giữa nhà em và khu trại gia binh nhà chị. Xóm chúng ta đều đi chùa ấy cho gần.
Và chị Bông thoáng mơ màng:
– Sân trước chùa có cây hoa Ngọc Lan, em hay đến chùa nhặt những hoa chín rụng thơm ngào ngạt cất vào trong túi.
– Phải rồi, ai đến chùa cũng thích cây hoa Ngọc Lan ấy, ngày đó chùa có cô tiểu nhỏ dễ thương tên Trà, tôi muốn nói về cô tiểu Trà…
Chị Bông mừng vui:
– Em cũng định hỏi thăm cô tiểu Trà, tin vui là cô tiểu Trà tu thành ni sư rồi hả chị Hợi?
– Tin vui của cô tiểu Trà là cô… đã lên xe hoa về nhà chồng. Năm 18 tuổi cô rời khỏi chùa và lấy chồng là anh chàng chẳng bao giờ đi chùa cho đến khi phát hiện ra trong chùa có cô tiểu xinh đẹp thì anh siêng đến chùa và… bứng cô tiểu ra khỏi chùa luôn.
Chị Bông mỉm cười:
– Dù sao cũng là một tin vui. Ngày đó em nhìn cô tiểu Trà em đã đoán cô không thể đi tu.
Gặp chị Hợi chị Bông đã nhớ lại xóm cũ, nhớ một thời sau năm 1975 vất vả, nhớ căn nhà có cối xay bột nước xưa mà lúc đi xuất cảnh chị đã bán đi, nó đã qua tay thêm vài chủ khác, họ mở tiệm bán bún bò Huế, bán cơm tấm rồi mở quán cà phê đèn màu chứ không ai mở lại dịch vụ xay bột nước như chị Bông cả. Nhưng căn nhà có cối xay bột nước năm nào với bảng hiệu “Bông, xay bột nước. Giá rẻ” với những hình ảnh khách hàng là hàng xóm cũ, dù những lúc bận rộn, mệt nhọc, dù những lúc bị khách hàng chê, mắng vốn hay “ăn vạ” bắt đền xay bột lại cho vừa ý và dù bị chị em Vững Bền thiếu nợ tiền công triền miên lại còn cãi cọ ăn gian tiền cũng triền miên thì tất cả vẫn là những kỷ niệm đẹp chị không thể nào quên.


Nguyễn Thị Thanh Dương
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.317 giây.