ouTuber Thái Văn Đường (Đường Văn Thái) trong một ảnh chụp tháng 2/2023
Twitter Thái Văn Đường
Bộ Công an Việt Nam mới đây ra thông báo về việc bắt giam YouTuber Đường Văn Thái với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự. Thông báo được gửi về gia đình ba tháng sau khi blogger này đột ngột mất tích khi đang tị nạn tại Thái Lan và có nhiều nghi ngờ cho rằng ông đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc đem về nước.
Bà Dương Thị Lư, mẹ của ông Đường Văn Thái, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết tuần trước bà nhận được thư của Bộ Công an và đây là văn bản đầu tiên mà bà nhận được từ nhà chức trách về con trai của mình từ nhiều tháng qua.
Bà nói với phóng viên qua điện thoại vào ngày 20/7:
“Thứ sáu vừa rồi (14/7- PV) là người ta cho biết thông tin, giấy tờ bằng thư, người ta mang vào tận nhà cho một lá thư của Bộ Công an.
Người ta cho biết địa chỉ rồi, ở B14 (Trại tạm giam của Bộ Công an- PV) ở Thanh Trì, Hà Nội.”
Ông Đường Văn Thái, sinh năm 1982, là một blogger chuyên đưa tin về đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông đã sang tị nạn chính trị tại Thái Lan từ đầu năm 2019 và được Văn phòng Cao uỷ Liên Hiệp quốc về Người tị nạn ở Bangkok cấp quy chế tị nạn trong năm đó.
Theo văn bản mang tiêu đề Thông báo về việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an), ông Đường Văn Thái “đã có hành vi: Thu thập thông tin, tài liệu để biên tập, viết bài, quay video clip có nội dung vi phạm pháp luật, phát tán trên mạng Internet, phạm vào Điều 117 Bộ luật Hình sự.”
Vẫn theo văn bản ký ngày 05/7 bởi Thiếu tướng Trần Thanh - Phó thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra, ông Đường Văn Thái sẽ bị tạm giam đến ngày 12/8 tại Trại tạm giam B14 của Bộ Công an, toạ lạc tại đường Kim Giang, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Thông báo cũng viết YouTuber này có hộ khẩu thường trú ở xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội nhưng nơi ở hiện tại là Thanyaburi, tỉnh Pathum Thani, Thái Lan. Đây chính là nơi Đường Văn Thái ở trước khi bị mất tích trong ngày 13/4 vừa qua.
Thông báo không nêu thông tin cụ thể ông Đường Văn Thái bị bắt giam khi nào và từ đâu.
Hàng trăm video, livestream được ông Đường Văn Thái phát trên YouTube và Facebook đã bị xoá ngay sau khi ông bị mất tích.
Ngày 13/4, ông bị mất tích ở gần nơi trọ. Một số bạn bè và người hoạt động nhân quyền ở Thái Lan, trong đó có người của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW) tìm ra nhiều chứng cứ chứng minh rằng ông đã bị một nhóm người bắt cóc và đưa đi mất tích.
Ba ngày sau, Công an tỉnh Hà Tĩnh có thông báo về việc công an xã Sơn Kim 1, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ một người có tên Đường Văn Thái khi người này đang “xâm nhập bất hợp pháp” từ Lào trong ngày 14/4. Thông báo không có hình ảnh cụ thể về người bị bắt giữ nhưng tên và ngày tháng năm sinh trùng với tên và ngày tháng năm sinh của YouTuber bị mất tích.
Các tổ chức nhân quyền, trong đó có HRW và Ân xá Quốc tế, và tổ chức nghề nghiệp như Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) lên án việc bắt cóc Đường Văn Thái, yêu cầu Chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông.
Phản ứng về thông báo khởi tố bị can và tạm giam ông Đường Văn Thái của Công an Việt Nam, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nói trong email gửi RFA:
“Hà Nội đã can dự vào một vụ đàn áp xuyên quốc gia rõ ràng bằng cách bắt cóc Đường Văn Thái từ Bangkok vào ngày 13/4 và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen, người đang đến thăm Việt Nam, nên nêu điều này ra với các quan chức Chính phủ Việt Nam mà bà gặp.
Hành động thái quá và không thể chấp nhận được này của Việt Nam một lần nữa cho thấy định hướng lạm dụng nhân quyền cố hữu của chính phủ khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở Đông Nam Á.”
Ông Phil Robertson, người đã tham gia khảo sát khu vực ông Đường Văn Thái nghi bị bắt cóc cùng với một số nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam ở Thái Lan, kêu gọi Hà Nội phóng thích nhà báo tự do này.
“Hà Nội nên công khai xin lỗi Thái Lan vì hành động vi phạm rõ ràng chủ quyền của Thái Lan.
Đường Văn Thái phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện, và những quan chức chịu trách nhiệm về việc bắt cóc ông ta phải bị trừng phạt.”
Phó Giám đốc Truyền thông Khu vực của tổ chức Ân xá Quốc tế Joe Freeman viết trả lời RFA qua email hôm 20/7:
“Vụ bắt cóc YouTuber người Việt Nam, Đường Văn Thái, cho thấy mối nguy hiểm thực sự mà những người dám có ý kiến chống lại chính quyền ở Việt Nam phải đối mặt, ở quê nhà, hoặc khi tìm kiếm sự an toàn ở các quốc gia khác trong khu vực, chẳng hạn như Thái Lan.
Nhà chức trách Thái Lan phải mở một cuộc điều tra đầy đủ về sự mất tích của Đường Văn Thái và xác định chính xác làm thế nào ông ta trở lại Việt Nam, đất nước mà ông ta đang tìm cách tị nạn.
“Thái Lan có nghĩa vụ pháp lý theo cả luật nhân quyền quốc tế và luật pháp trong nước để mở một cuộc điều tra nhanh chóng, hiệu quả, vô tư và minh bạch về vụ mất tích của Đường Văn Thái. Cưỡng bức mất tích là một tội phạm theo Đạo luật ngăn ngừa và trấn áp tra tấn và cưỡng bức mất tích của Thái Lan.”
Hiện Chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận việc YouTuber Đường Văn Thái bị bắt cóc tại Thái Lan.
Vi phạm quy trình tố tụngMột luật sư ở Hà Nội muốn ẩn danh vì lý do an ninh cho RFA biết việc thông báo tạm giữ và khởi tố bị can cho gia đình trong trường hợp của ông Đường Văn Thái là không đúng với Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Công an phải có nghĩa vụ thông báo cho gia đình ngay khi thực hiện các biện pháp tạm giữ, khởi tố bị can và tạm giam, vị luật sư này nói.
Điều 116 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú.
Trước Đường Văn Thái, một blogger của RFA xin tị nạn chính trị tại Thái Lan là Trương Duy Nhất cũng đột ngột mất tích tại quốc gia này vào tháng 1/2019. Nhiều tổ chức nhân quyền đã lên tiếng cho rằng ông bị an ninh Việt Nam bắt cóc đưa về nước. Blogger này sau đó bị toà án ở Việt Nam tuyên án 10 năm tù với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.”
Theo RFA