Phần lớn người Việt trưởng thành có thiện cảm với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam, theo kết quả của một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington thực hiện.
Phần lớn người Việt trưởng thành có thiện cảm với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam, theo kết quả của một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington thực hiện.
Hơn tám trên mười người Mỹ gốc Việt nói có thiện cảm với nước Mỹ trong khi đại đa số nói rằng họ sẽ không dọn về Việt Nam sinh sống nếu có cơ hội, theo kết quả của một cuộc khảo sát quy mô lớn về người Mỹ gốc Á được công bố hôm 19 tháng 7.
Khoảng 84% người Việt Nam trưởng thành nói rằng họ có quan điểm tích cực, trong đó 57% nói họ rất có thiện cảm với nước Mỹ, theo cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Washington thực hiện với bảy nhóm sắc dân gốc Á khắp toàn nước Mỹ từ ngày 5 tháng 7 năm 2022 tới ngày 27 tháng 1 năm 2023. Chỉ 6% người Mỹ gốc Việt có cái nhìn không thiện cảm với nước Mỹ.
Với tỉ lệ này, người Việt chỉ đứng sau người Ấn Độ (86%) về cái nhìn tích cực đối với nước Mỹ và cao hơn tỉ lệ trung bình 78% của tất cả người gốc Á tính chung, bao gồm cả người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines và người Hoa.
Về quan điểm của người Mỹ gốc Việt đối với Việt Nam, cứ mười người thì có khoảng sáu người nói rằng họ có thiện cảm. 21% có quan điểm không tích cực mà cũng chẳng tiêu cực trong khi 16% có quan điểm hơi tiêu cực và rất tiêu cực.
Dù phần lớn người Việt trưởng thành có ấn tượng tích cực về Việt Nam, quan điểm của họ về quê cha đất tổ của mình không mạnh bằng đa số nhóm dân gốc Á khác được khảo sát. Ở mức 59%, người Việt ở Mỹ chỉ đứng trên người Hoa, 41%, trong khi người Nhật Bản và Hàn Quốc có thái độ tích cực nhất về quê hương của mình, lần lượt ở mức 92% và 86%.
Người Việt trưởng thành dành nhiều thiện cảm cho Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Loan hơn chính quê hương của mình, với tỉ lệ lần lượt là 77%, 64%, và 62%.
Trung Quốc được người Việt nhìn nhận với quan điểm kém tích cực nhất (11%) trong số bảy nước Châu Á được khảo sát. Khoảng hai phần ba người Việt trưởng thành (64%) nói họ không có thiện cảm đối với Trung Quốc, trong đó 39% nói rằng họ rất không có thiện cảm.
“Người Việt có thiện cảm với Hoa Kỳ ở mức cao nhất vì Hoa Kỳ đã cứu họ và gia đình họ, cho họ một tương lai và cơ hội còn hơn khi họ còn ở Việt Nam,” Tiến sĩ kinh tế Đinh Xuân Quân nhận định từ bang California của Mỹ, nơi người tị nạn từ Việt Nam đến định cư đông đảo nhất sau chiến tranh trong những năm 1970 và 1980.
“Nếu họ còn ở Việt Nam thì họ là công dân hạng ba, bị chế độ (cộng sản) bài đãi. Hãy nhìn cách các thương phế binh bị đối xử thiếu nhân đạo và con em của họ bị kỳ thị, không được đi học vì là ‘con ngụy.’ Chính quyền xã hội chủ nghĩa bạc đãi họ thì làm sao mà có thiện cảm được.”
Tiến sĩ Quân cho biết chính ông cũng từng bị đưa đi “học tập cải tạo” sau năm 1975 và vượt biên đến lần thứ chín mới thành công. Sau đó, ông đã có dịp quay trở lại Việt Nam trong tư cách chuyên gia kinh tế của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc cố vấn cho chính phủ vào năm 1992 và từ năm 1994 tới 1997.
“Mặc dù có cơ hội giúp Việt Nam và muốn Việt Nam thăng tiến như Nam Hàn, Nhật Bản hay Đài Loan, nhưng cơ chế Việt Nam vẫn là chuyên chế, do đó khó mà thay đổi cách suy nghĩ của người Mỹ gốc Việt đối với Việt Nam,” ông nhận định.
Phần lớn người Việt trưởng thành có thiện cảm với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.
Phụ nữ Việt Nam có cái nhìn tích cực hơn đàn ông Việt Nam về đất nước của mình, theo cuộc khảo sát. Hai phần ba phụ nữ cho biết quan điểm của họ về Việt Nam là rất hoặc có phần tích cực, so với khoảng một nửa đàn ông Việt Nam có suy nghĩ như vậy. Những người Việt Nam dưới 50 tuổi và những người sinh ra ở Mỹ cũng có quan điểm đặc biệt tích cực về Việt Nam (72% và 70%).
Cuộc khảo sát của Pew cũng cho hấy hầu hết người Mỹ gốc Việt (78%) trả lời không khi được hỏi liệu họ sẽ dọn về Việt Nam sống không. Người Việt sinh ra ở nước ngoài nói rằng họ sẽ dọn về Việt Nam sống với tỉ lệ 21%, cao hơn một chút so với những người sinh ra ở Mỹ, 14%.
Pew dẫn phát biểu từ một cuộc phỏng vấn trong cuộc khảo sát với một người phụ nữ gốc Việt 22 tuổi sinh ra ở Mỹ. Cha mẹ cô nói với cô rằng Việt Nam bây giờ khác nhiều so với lúc họ rời đi, nhưng ở Mỹ cuộc sống của họ sung túc hơn, đặc biệt là ở nơi cô sinh sống có nhiều người Việt Nam với thức ăn ngon hơn ở những nơi khác ở Mỹ.
“Họ nói họ sẽ không dọn về đó ở mà chỉ dẫn tôi và anh tôi về chơi thôi,” cô gái được dẫn lời nói.
Bình luận về kết quả này, Tiến sĩ Quân cho rằng sự tự do là điều giữ chân người gốc Việt ở lại Mỹ, nơi mà nhiều người đã tìm tới sau khi rời bỏ Việt Nam hàng chục năm trước vì thiếu tự do.
“Lý do 78% không về là đang ở một đất nước tự do mà tại sao lại tự mình đưa mình vào nhà tù? 22% muốn vì một là về hưu (những người già cô đơn) hay là vì cá nhân lấy chồng lấy vợ. Họ không muốn về cũng là lẽ thường thôi, họ có suy nghĩ và biết suy nghĩ dựa trên kinh nghiệm các người đi trước,” ông nói.
Người Mỹ gốc Á có cái nhìn tích cực về Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Nhìn rộng hơn, chuyên gia kinh tế này nói không có gì khó hiểu khi các nhóm sắc tộc thiểu số gốc Philippines, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Hoa ở Mỹ có thiện cảm với Mỹ nhiều hơn thiện cảm dành cho chính quê hương họ. Từng làm việc trong lĩnh vực phát triển tại các nước đó, ông nói những người này di cư sang Mỹ để có cuộc sống tốt hơn và để con cháu họ có tương lai tươi sáng hơn.
“Trong nước các sắc tộc này gặp nhiều khó khăn (bất công, tiền, cơ hội thăng tiến, vv.) cho nên họ có thiện cảm vời Mỹ vì đây là nước cho họ và gia đình cơ hội thăng tiến,” Tiến sĩ Quân nhận định.
“Đối với người Mỹ gốc Việt và Hoa còn thêm yếu tố chính trị: họ thoát khỏi một chế độ chuyên chế sau khi gặp rất nhiều đau thương trong cuộc sống của họ với chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối với rất nhiều người Việt, vết thương này chưa lành mặc dù là nay nhiều người có cơ hội về Việt Nam.”
Trong số những người nói rằng họ sẵn sàng chuyển về Việt Nam, những lý do chính được nêu ra là chi phí sinh hoạt thấp hơn (35%) hoặc để được gần bạn bè hoặc gia đình hơn (32%). Một số ít hơn nói quen thuộc với văn hóa Việt Nam (11%), cảm thấy an toàn hơn ở Việt Nam (6%) hoặc được hỗ trợ nhiều hơn cho người lớn tuổi (4%) là lý do chính khiến họ muốn dọn về đó ở.
Theo VOA