Công an ngăn cảnh nhà báo tác nghiệp tại một cuộc biểu tình năm 2011
Reuters
Quỹ Nhân quyền (Human Rights Foundation- HRF) cho rằng, Việt nam là một trong số các quốc gia đàn áp báo chí nhất ở châu Á, bao gồm việc bỏ tù người bất đồng chính kiến và nhà báo cũng như kiểm duyệt trực tuyến một cách gắt gao.
Theo báo cáo mới công bố hôm 31/7 của tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, chính quyền Việt Nam đang thực hiện kiểm duyệt trực tuyến rất hà khắc, như yêu cầu các công ty công nghệ lớn như Facebook và Google xoá các bài báo và video chỉ trích chế độ.
Các phóng viên và nhà báo công dân sử dụng mạng xã hội thường bị khóa tài khoản hoặc xóa bài đăng nếu họ đưa tin về các vấn đề mà chế độ cho là nhạy cảm, tổ chức nhân quyền với sứ mệnh thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền toàn cầu cho hay.
Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thoibao.de chuyên đưa tin về tình hình chính trị ở Việt Nam, đồng ý với nhận định của Quỹ Nhân quyền. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 01/8:
“Trang Facebook của Thoibao.de hay của cá nhân tôi hay xảy ra nhiều trường hợp bị xoá bài hay bị Facebook cảnh báo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nào đó và họ ghi là chỉ hiển thị với mình, mà không hiển thị bên ngoài- tức là họ khoá lại, bóp tương tác với bên ngoài.
Có những thông tin những video mà chúng tôi đăng, có tên công ty ma nào đó tự nhận bản quyền của họ mặc dù chúng tôi sản xuất từ A đến Z. Họ báo cáo lên Facebook và Facebook chuyển toàn bộ bản quyền video đó sang một công ty khác.
Đó là một cách hạn chế tự do báo chí, tự do biểu đạt trên mạng Facebook.”
HRF nhắc đến Lực lượng 47- một đội quân trực tuyến của bộ máy tuyên giáo với hàng nghìn "chiến binh mạng" có nhiệm vụ bảo vệ đảng Cộng sản cầm quyền và tấn công những người bất đồng chính kiến, bao gồm các nhà hoạt động và nhà báo.
Ông Lê Trung Khoa cho rằng việc Facebook, một mạng xã hội của công ty Meta khoá tương tác nhiều bài viết của Thoibao.de là do báo cáo của Lực lượng 47 hoặc khoá bài do yêu cầu của nhà chức trách Việt Nam.
Ông cho biết một hình thức mới mà lực lượng này làm đó là báo cáo rằng ông đã chết, khiến Facebook biến trang cá nhân của ông thành "trang tưởng niệm," đồng nghĩa với việc ông không thể đăng bài được nữa.
Sau khi khiếu nại lên Facebook với sự hỗ trợ của tổ chức Phóng viên Không Biên giới và một số tổ chức nhân quyền khác, mạng xã hội này đã phải trả lại danh khoản cho ông và các bài viết đã bị khoá hay bị bóp tương tác.
Hàng nghìn người sử dụng Facebook ở Việt Nam, đặc biệt là giới bất đồng chính kiến và nhà báo tự do, cũng chịu tình cảnh tương tự, tuy nhiên họ không có may mắn như ông Khoa và trang Thoibao.de vì không có sự trợ giúp của quốc tế, ông nói.
Điển hình là Fanpage "Nhật Ký Yêu Nước" với hơn 700 ngàn lượt thích chuyên đưa tin về tình hình xã hội ở trong nước, bị đổi tên thành "Văn Toàn" hồi tháng 11/2021 và đến nay vẫn chưa đổi trả lại tên cũ.
Sử dụng luật mơ hồ để bỏ tù nhà báo, người bất đồng chính kiến
Trong báo cáo về tự do báo chí ở châu Á, HRF nói rằng chính quyền độc đảng ở Việt Nam sử dụng điều luật mơ hồ để đàn áp các nhà báo. Nhà nước nghiêm ngặt cấm các bài viết về các chủ đề nhạy cảm, đặc biệt liên quan đến nhân quyền, môi trường, và dân chủ.
Trong nhiều năm gần đây, nhiều nhà hoạt động và nhà báo tự do bị bỏ tù theo tội danh “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước” theo Điều 117 hoặc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự.
Hiện có hàng chục người đang bị giam cầm theo hai tội danh trên. Theo thống kê của RFA, riêng từ đầu năm đến nay, có ít nhất 9 người bị bắt theo Điều 331 và ba người bị bắt theo Điều 117. Cũng trong thời gian này, có bảy người bị kết án từ năm năm đến tám năm tù theo một trong hai tội danh trên.
Một nhà hoạt động nhân quyền ở thành phố Hồ Chí Minh, người ẩn danh vì lý do an ninh, nhận xét về tự do báo chí và nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian gần đây:
“Sau gần 10 năm kiểm soát chặt chẽ những luồng thông tin trên báo chí, thay đổi tất cả những tổng biên tập và người quản lý, có thể nói năm 2023 là đỉnh cao của một mặt bằng báo chí không còn tự do về quyền thể hiện đời sống thật của người dân.
Đâu đó chỉ còn là những câu chuyện về tai nạn, giải trí... mà hầu hết các nội dung đều hướng về phán xét đời sống dân chúng, và tạo dựng ra cả những khuôn mẫu dè dặt về cách nói với quan chức Đảng và Nhà nước. Tinh thần triều đình đã hình thành rõ, mà qua các vụ án lớn như chuyến bay giải cứu chẳng hạn, người ta nhìn thấy ở đâu cũng có bàn tay của nhà nước đứng phía sau để kiểm soát.”
Ông cho biết, năm 2023 là đỉnh cao của các lực lượng dư lượng viên khi họ trở nên hung hăng và thậm chí săn tìm địa chỉ của những người phát ngôn bất đồng ở trong nước. Hình thái của một xã hội hỗn tạp, chủ nghĩa quân phiệt núp bóng tinh thần dân tộc hiện ra ở mọi nơi.
Các vụ bắt cóc những người viết trên mạng xuất hiện thường xuyên ở nhiều tỉnh thành, mục đích chỉ là để tấn công phủ đầu, nhằm ép nhận sở hữu tài khoản Facebook, thậm chí là đánh đập, để hợp pháp các mức án nhanh, ông nói.
“Việt Nam rõ ràng đã trở thành một bệnh viện vô trùng về truyền thông, trong bàn tay sắt của Nhà nước Cộng sản,” ông nhận định.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn nằm trong nhóm các quốc gia cuối bảng về tự do báo chí của Phóng viên Không Biên giới. Quốc gia này là một trong năm quốc gia giam giữ nhiều nhà báo nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, Miến Điện và Iran, và đứng trước cả Belarus.
Theo RFA