Ảnh chụp màn hình trang web của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản, 3/8/2023.
Trong gần một tuần nay, thông qua nhóm “Tôi và Sứ quán”, nhiều người thảo luận và bày tỏ ủng hộ ý tưởng tổ chức một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản để phản đối tình trạng thiếu minh bạch về thủ tục và các loại phí, theo quan sát của VOA.
Nhóm “Tôi và Sứ quán” ra đời trên Facebook cách đây 8 năm, hiện có hơn 53.000 thành viên, là diễn đàn chủ yếu bàn về các khuyết điểm của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.
Ý tưởng nêu trên xuất hiện sau khi một phụ nữ có tên Nhật Bản là Haruka Takenami đăng bài trong nhóm hôm 30/7 với tiêu đề “Khảo sát về mong muốn biểu tình tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản”. Chị cho VOA biết tên Việt Nam của chị là Hoa và chị mang song tịch Việt Nam, Nhật Bản.
Viết trên “Tôi và Sứ quán”, chị Hoa - người đã gửi bản sao hộ chiếu tới quản trị viên của diễn đàn để xác nhận danh tính - nói rằng chị muốn khảo sát về nhu cầu biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo để yêu cầu cơ quan này thực hiện công việc theo đúng quy định của nhà nước Việt Nam.
Đứng đầu tiên trong số các yêu cầu là đại sứ quán phải “công khai dán thông báo mức biểu phí, lệ phí dịch vụ theo quy định kèm tỉ giá quy đổi từ đồng đô la Mỹ sang đồng Yen tại cửa và thu phí theo đúng quy định”, chị Hoa viết.
Cơ quan ngoại giao này cũng phải “trả kết quả kèm hoá đơn/biên lai hợp lệ theo quy định của Nhà nước cho tất cả các công dân làm dịch vụ trực tiếp hoặc theo đường bưu điện”, đó là yêu cầu thứ hai, theo chị Hoa.
Thứ ba, cần phải “gỡ bỏ tờ thông báo cấm sử dụng camera đang được dán trước cửa dịch vụ”. Chị Hoa nhấn mạnh rằng “công dân có quyền giám sát và có quyền sử dụng camera khi nghi ngờ nhân sự Đại sứ quán có hành vi không đúng quy định”.
Tiếp theo, một yêu cầu nữa được đặt ra với đại sứ quán là “Tuyệt đối không xâm phạm dữ liệu thông tin cá nhân của công dân, không sử dụng thông tin cá nhân (số điện thoại, địa chỉ...) cho những mục đích không liên quan đến thủ tục hồ sơ mà công dân đang yêu cầu”.
Cuối cùng, chị Hoa nêu ý kiến rằng đại sứ quán cần phải “nhấc máy nghe điện khi công dân gọi đến”.
Bài đăng của chị nhận được hơn 570 phản ứng “yêu”, “thích”, gần 300 lời bình luận và 16 người lan truyền bằng chức năng “share” (chia sẻ).
Theo quan sát của VOA, 71 người tỏ ý ủng hộ với khả năng cao sẽ tham gia biểu tình, một số người thậm chí viết rằng sẵn sàng tham gia “bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi nào”. Có hơn 490 người thể hiện họ ủng hộ nhưng không thể tham gia.
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ biểu tình, nhiều người xác nhận tình trạng “tìm cả cái web” của Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản cũng “không thấy đâu” biểu phí, lệ phí. Có người cho biết rằng đã có lần gọi điện khoảng “100 cuộc” trong cả một ngày tới đại sứ quán lẫn các lãnh sự quán của Việt Nam ở Tokyo, Osaka và Fukuoka “mà không liên lạc được”.
VOA cố gắng liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo để kiểm chứng các thông tin kể trên nhưng không kết nối được.
Một số người đề xuất chưa nên biểu tình mà trước hết hãy gửi đi một đơn khiếu nại, nếu đại sứ quán “không có thiện chí thay đổi” mới tiến hành biểu tình ôn hòa trước đại sứ quán.
Thành viên Lê Thị Phương Thúy đề nghị lập “lập ra một hội đồng bao gồm nhiều người Việt Nam ưu tú tại Nhật Bản, cùng bàn bạc và đưa ra những phương án phù hợp, khôn ngoan” một khi phải đi đến việc biểu tình.
Vẫn chị Thúy bình luận thêm: “Tham nhũng hay còn được gọi như một loại ‘giặc nội xâm’, một loại giặc tàn phá rất lớn đất nước từ bên trong. Chúng ta không kêu gọi biểu tình, chúng ta kêu gọi lòng tự hào và lòng yêu nước trong mỗi công dân Việt Nam tại Nhật Bản, cùng đẩy trừ quan liêu, tham nhũng”.
Từ góc nhìn của mình, thành viên Lê Hữu Cường khẳng định: “Biểu tình là đúng. Ở Ba Lan, nếu không có biểu tình thì đến giờ Đại sứ quán [Việt Nam] vẫn không thay đổi, người dân vẫn đang bị lạm thu, nhũng nhiễu”.
Như VOA đã đưa tin, hơn 300 người biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Warsaw của Ba Lan hôm 12/3 để phản đối nạn lạm thu các loại phí và đòi viên đại sứ từ chức. Sau cuộc biểu tình, nhiều người Việt ở Ba Lan ghi nhận những cải thiện rõ rệt về sự minh bạch và thái độ phục vụ của đại sứ quán.
Trao đổi với VOA qua tin nhắn, chị Hoa - người đăng bài khảo sát về biểu tình trước Đại sứ quán Việt Nam ở Tokyo - nói chị hy vọng rằng 5 yêu cầu mà chị và nhiều người Việt ở Nhật Bản nêu ra có thể được giải quyết mà không cần đến biểu tình.
Theo VOA