logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 07/08/2023 lúc 11:31:36(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,254

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Trong cuộc sống của con người, từ gia đình đến xã hội, sự vui đùa bao giờ cũng cần thiết. Khi đang làm việc mệt nhọc, nghe một câu nói đùa, lòng bỗng thấy vui, cơn mệt nhọc như tiêu bớt một phần. Hai người đang tức giận nhau, không khí đang căng, chỉ một câu nói đùa có thể hóa giải hoặc làm giảm cường độ xích mích. Thậm chí những lúc gặp cảnh ngộ khốn cùng hoặc lâm chốn tù tội, con người cũng mượn các chiêu vui đùa hài hước để đánh bạt tinh thần bi quan tuyệt vọng đi, để qua ngày đoạn tháng… Nếu sống bên nhau, làm việc bên nhau mà ai cũng lầm lì, lạnh lùng, không nói năng đùa cợt với nhau ta sẽ phải buồn chán không biết tới mức nào! Nói chung, sự vui đùa thường làm cho cuộc sống sinh động, vui tươi, hứng thú lên nhiều.
Tuy nhiên, sự đùa cợt cũng phải có chừng mực, phải tùy cảnh ngộ, tùy tâm tính của từng đối tượng mà tung ra. Có thể vì một lời đùa mà hai vợ chồng sinh hiểu lầm, nghi ngờ nhau, cuối cùng đi đến đổ vỡ. Một lời nói đùa cũng có thể vô tình khiến chủ nhân của nó phải ân hận cả đời! Xưa nay chúng ta đã thấy không biết bao nhiêu sự đùa cợt thiếu tế nhị đã dẫn đến những hậu quả không hay!
Sau đây, tôi xin lược chọn vài mẩu chuyện tiêu biểu trong lịch sử nước Tàu chép ra để quí độc giả thấy những tác hại do lối đùa cợt vô ý thức gây nên. –

***

Tống Mẫn Công với bàn cờ tướng

Nam Cung Trường Vạn là một danh tướng nước Tống thời Đông Châu. Ông có dũng lực phi thường, đương thời khó ai sánh nổi. Thế nhưng khi đánh nhau với nước Lỗ, vì ỷ sức lại quá khinh địch, Trường Vạn đã lầm kế dụ địch của nước Tống nên bị bắt. Về sau hai nước Tống và Lỗ lại hòa nhau, Nam Cung Trường Vạn được tha về. Khi Trường Vạn vào bái yết, Tống Mẫn Công nói đùa:
– Ngày trước ngươi là tướng vô địch, ta rất mực kính yêu, nay ngươi đã là tù nước Lỗ, ta không còn kính yêu nữa!
Trường Vạn nghe nói thẹn lắm, cáo từ lui ra. Quan đại phu Cừu Mục hiểu ý nói riêng với Tống Mẫn Công:
– Vua tôi giao tiếp với nhau cần phải đứng đắn, không nên đùa bỡn. Nếu đùa bỡn là mất lễ nghi, sinh điều khinh lờn, phản nghịch. Xin chúa công xét lại.
Tống Mẫn Công nói:
– Ta cùng Trường Vạn quá ư thân thiết nên mới nói đùa thế chứ! Đã thân thiết mà còn giữ lễ thì sao gọi là thân? Ta nghĩ điều ấy chẳng hại gì.
Năm ấy thiên tử nhà Châu mất, thái tử Hồ Tề lên nối ngôi tức là Châu Hy Vương. Châu Hy Vương đã cho gởi tờ cáo phó đến các nước chư hầu. Sứ nhà Châu đến nước Tống thì gặp lúc Tống Mẫn Công đang cùng các cung nữ vui chơi ở Mông Trạch, lại sai Nam Cung Trường Vạn ném kích mua vui. Trường Vạn vốn có tài ném kích lên không thật cao, khi kích rơi xuống ông cứ vươn tay bắt lại dễ dàng trăm lần không trật một. Các cung nữ thấy vậy thì vỗ tay hoan hô vang rân. Tống Mẫn Công ghen tài lấy làm bực tức, bèn sai nội thị đem bàn cờ tướng ra để đánh với Trường Vạn. Ông ra lệnh ai thua một bàn bị phạt uống một chén rượu lớn. Trường Vạn vốn thấp cờ nên thua một mạch năm bàn liền. Mỗi lần Trường Vạn bị uống rượu các cung nữ lại cười vang làm Trường Vạn quê lắm. Phải uống liên tiếp năm chén rượu, Trường Vạn đã ngà ngà say, mặt đỏ kè. Tống Mẫn Công đã thỏa mãn tự ái, sai nội thị dẹp bàn cờ. Trường Vạn năn nỉ:
– Xin chúa công đánh thêm vài bàn nữa cho tôi gỡ.
Tống Mẫn Công cười mà nói:
– Tù nhân tất nhiên phải thua. Dù đánh mấy bàn nữa cũng không thể thắng nổi!
Đám cung nữ lại cười vang. Nam Cung Trường Vạn xấu hổ ngồi lặng thinh. Tống Mẫn Công nói:
– Bây giờ ta phải lựa người đi sứ sang nhà Châu để điếu tang và chúc mừng tân vương mới được.
Nam Cung Trường Vạn lại thưa:
– Tôi nghe kinh đô nhà Châu đẹp lắm mà mắt chưa từng xem, xin chúa công cho tôi đi sứ.
Tống Mẫn Công lại vừa cười vừa nói:
– Bao giờ nước Tống hết người mới phải sai tù nhân đi sứ chứ!
Các cung nữ lại cười ầm lên. Trường Vạn thẹn quá hóa giận, thét lên:
– Hôn quân vô lễ! Ngươi phải biết tù nhân cũng có thể giết người chứ!
Tống Mẫn Công cũng nổi giận:
– A! Thằng tù nhân dám nói càn đến thế sao?
Nói xong ông rút cây kích của Trường Vạn toan đâm y một nhát nhưng Trường Vạn đã nhanh tay giật ngay bàn cờ đập lên đầu Tống Mẫn Công một phát làm ông gục xuống. Trường Vạn phang thêm mấy cái nữa làm Tống Mẫn Công chết tươi. Đám cung nữ khiếp hãi bỏ chạy tán loạn. Trường Vạn chưa nguôi cơn giận, cầm kích bước ra ngoài. Lúc đó quan đại phu Cừu Mục vừa đến, hỏi:
– Chúa công có ở trong đó không?
– Hôn quân vô lễ ta đã giết rồi, chớ hỏi làm gì!
Cừu Mục ngỡ Trường Vạn say rượu nói sảng nên cười hỏi:
– Uống bao nhiêu rượu mà say đến thế?
– Ta không say rượu, ta nói thật đấy – Trường Vạn vừa nói vừa đưa hai bàn tay dính đầy máu lên cho Cừu Mục xem. Cừu Mục thất kinh mắng lớn:
– Đồ phản nghịch giết vua, tội ấy thật khó dung!
Nói xong Cừu Mục cầm cái hốt đánh Trường Vạn, Trường Vạn nổi xung đấm một đấm làm Cừu Mục bể đầu mà chết. Quan Thái tể Hoa Đốc hay tin đem quân đến vây bắt Trường Vạn nhưng cũng bị Trường Vạn giết nốt.
Sau vụ này, Nam Cung Trường Vạn lập vua mới, thao túng nước Tống được một thời gian rất ngắn rồi bị các nước láng giềng giúp nước Tống trừ diệt.

Trịnh Linh Công với miếng thịt giải

Khi Trịnh Linh Công nước Trịnh thời Đông Châu lên ngôi thì Công Tử Tống và Công Tử Qui Sinh được cử làm phụ chính. Một hôm hai ông sắp vào triều, Công Tử Tống thấy ngón tay thực chỉ (ngón tay trỏ) của mình rung động bèn chỉ cho Công Tử Qui Sinh xem và nói:
– Cứ mỗi lần ngón tay thực chỉ này rung lên là thế nào trong ngày tôi cũng được ăn một món lạ! Khi trước đi sứ sang nước Tần tôi được ăn bạch hoa ngư, sau sang nước Sở một lần được ăn thịt thiên nga, và lần cuối cùng được ăn hợp hoan quất. Hôm nay ngón thực chỉ lại báo, có lẽ chúng ta sắp được ăn món gì lạ đây!
Thế rồi hai người dắt nhau vào triều. Khi đến nơi thấy bọn nội thị vâng mệnh vua đi gọi tể phu rất gấp, Công Tử Tống hỏi:
– Hôm nay có việc gì mà gọi tể phu gấp vậy?
– Thưa, có người ở Hán giang gởi về một con giải (con ba ba) to lắm, nặng hơn hai trăm cân. Chúa công sai tôi gọi tể phu đến làm thịt để thết đãi các quan Đại phu.
Công Tử Tống cười nói:
– Ngón thực chỉ của ta rung động quả thật không sai.
Khi vào đến sân triều, Công Tử Tống và Công Tử Qui Sinh cứ nhìn nhau mà cười mãi không thôi. Trịnh Linh Công ngạc nhiên hỏi:
– Hai ngươi hôm nay có việc gì vui chăng?
Công Tử Qui Sinh nói:
– Trước khi vào triều, ngón thực chỉ của Công Tử Tống lay động. Công Tử Tống bảo là hôm nay ắt được ăn một món kỳ lạ. Khi vào triều lại thấy chúa công đang truyền làm thịt giải. Vì vậy chúng tôi thấy sự linh nghiệm ấy mà tức cười.
Trịnh Linh Công nói:
– Ngón thực chỉ của Công Tử Tống có lay động thực nhưng có linh nghiệm hay không lại tùy thuộc nơi ta.
Khi tan triều, Công Tử Qui Sinh nói với Công Tử Tống:
– Thịt giải ngon lắm. Nhưng nếu chúa công muốn bác bỏ cái điềm ngón thực chỉ lay động của ông mà không triệu ông đến thì sao?
Công Tử Tống nói:
– Đã làm tiệc đãi các quan Đại phu thì lẽ gì lại không triệu ta được?
Đến lúc sắp dự tiệc, nội thị đi mời hết các quan Đại phu, trong số đó cũng có Công Tử Tống. Công Tử Tống hớn hở vào triều, gặp Công Tử Qui Sinh liền cười lớn:
– Tôi vẫn yên chí rằng chúa công đâu nỡ bạc đãi tôi!
Tiệc mở, Trịnh Linh Công nói với các quan:
– Thịt giải là một món ăn lạ, ta không muốn vui riêng một mình nên xin cùng các quan chung vui.
Các quan đồng thanh nói:
– Được chúa công tưởng đến, ơn ấy không biết lấy gì đền đáp cho cân!
Tể phu dâng lên Trịnh Linh Công một dĩa thịt. Trịnh Linh Công nếm thử, khen ngon, rồi truyền tể phu dâng cho các quan mỗi người một dĩa và một chung ngự tửu theo thứ tự từ đông sang tây. Công Tử Qui Sinh và Công Tử Tống ngồi ở cuối bàn phía tây. Khi dâng thịt tới bàn đó, tể phu tâu với Trịnh Linh Công:
– Thịt giải chỉ còn một dĩa mà còn tới hai người, chẳng biết nên dâng cho ai?
Tấn Linh Công tủm tỉm cười rồi nói:
– Nên dâng cho Công Tử Qui Sinh.
Tể phu vâng lệnh, bưng dĩa thịt và chung ngự tửu dâng cho Công Tử Qui Sinh.
Trịnh Linh Công nói:
– Ta định ban cho các quan mỗi người một phần, nhưng lại thiếu phần của Công Tử Tống, ấy bởi số của Công Tử Tống không được ăn thịt giải và ngón thực chỉ lay động không hiệu nghiệm.
Công Tử Tống bị Trịnh Linh Công bày trò gạt gẫm thẹn đỏ mặt, tức tối đứng dậy bước đến thò tay vào dĩa thịt của Trịnh Linh Công bốc một miếng bỏ vào miệng nhai và nói lớn:
– Tôi đã được ăn rồi! Ngón thực chỉ của tôi có bao giờ lại không linh nghiệm?
Trịnh Linh Công buông đũa nói:
– Ngươi hỗn láo khinh ta như vậy sao? Hay ngươi khinh nước Trịnh không có hình phạt nào trừ kẻ khi quân?
Cuộc vui trở thành mất vui. Các quan đều sợ sệt quì xuống xin tha tội cho Công Tử Tống. Công Tử Qui Sinh nói đỡ:
– Công Tử Tống ỷ mình trong tình thân quí tộc nên muốn được thừa hưởng ân huệ của chúa công chứ đâu dám ngạo mạn.
Trịnh Linh Công mặt không đổi sắc. Các quan ai nấy lui về. Công Tử Tống cũng trở về tư dinh.
Tối hôm ấy Công Tử Qui Sinh đến nói với Công Tử Tống:
– Chúa công có ý giận ông lắm. Vậy ngày mai vào chầu phải xin lỗi mới được!
Công Tử Tống nói:
– Hễ mình khinh người thì người khinh mình, sao lại nói đến lỗi, phải?
Công Tử Qui Sinh nói:
– Dù sao cũng là đạo vua tôi, chớ nên xem thường, ông phải vào triều xin lỗi mới được!
Hôm sau Công Tử Tống vào triều, nghiễm nhiên không xin lỗi gì cả. Công Tử Qui Sinh thấy vậy quì tâu:
– Công Tử Tống sợ chúa công quở trách nên không dám xin lỗi, mong ơn chúa công khoan dung.
Trịnh Linh Công cười lạt, nói:
– Ta có lỗi chứ Công Tử Tống đâu có lỗi gì!
Nói xong Trịnh Linh Công đứng dậy vào hậu cung. Khi ra về, Công Tử Qui Sinh nói với Công Tử Tống:
– Tôi đã xin lỗi giùm cho ông sao ông lại không thừa dịp ấy nói vào cho chúa công nguôi giận?
Công Tử Tống nói:
– Vua đã giận bề tôi tất thế nào cũng trị tội, chi bằng ta gây loạn trước thì hơn!
Công Tử Qui Sinh bưng tai lại và nói:
– Giống vật ta nuôi lâu ngày còn không nỡ giết, huống chi chỉ vì miếng ăn mà tính chuyện giết vua sao?
Công Tử Tống biết mình lỡ lời vội nói chữa:
– Tôi nói chơi thôi. Xin ông đừng tiết lộ với ai.
Tuy nói vậy nhưng Công Tử Tống vẫn rình rập chờ cơ hội để mưu sát Trịnh Linh Công. Vào dịp làm lễ thu tế, sau khi xong việc, Trịnh Linh Công ngủ lại ở trai cung. Công Tử Tống đã nhân dịp ấy, sai người nhà lén lấy một bao đất nặng bỏ đè lên người Trịnh Linh Công làm ông vua này không cựa quậy được, bị ngộp thở mà chết. Thi hành thủ đoạn xong, Công Tử Tống tuyên bố Trịnh Linh Công bị trúng gió đột tử rồi cùng triều đình tôn lập vua mới.

Tề Khoảnh Công với bốn vị sứ giả

Tề Khoảnh Công nước Tề thời Đông Châu vốn tính thích vui đùa nhưng cũng nuôi tham vọng kết giao với các chư hầu, củng cố sức mạnh nước Tề để chiếm lại địa vị bá chủ như dưới thời Tề Hoàn Công. Nhiều nước láng giềng vẫn hay cho sứ giả qua lại với nước Tề. Một hôm tình cờ có đến bốn vị sứ giả của bốn nước cùng đến bái yết Tề Khoảnh Công một lượt. Tiếp bốn vị sứ giả, Tề Khoảnh Công đã phải cố gắng lắm mới nín cười được khi thấy mỗi sứ giả có một vẻ khác biệt nhau. Ông hẹn giờ sẽ bày tiệc thết đãi họ hôm sau rồi cho họ về quán dịch nghỉ ngơi.
Khi trở về cung, Tề Khoảnh Công cứ nhớ tới bốn viên sứ giả lại tức cười một mình. Tiêu Thái phu nhân là mẹ của Khoảnh Công thấy vậy hỏi:
– Con có điều gì mà cứ cười mãi như thế?
Khoảnh Công vốn là người chí hiếu. Từ khi vua cha mất, bà Tiêu Thái vì thương nhớ chồng chẳng mấy khi được vui. Nay nghe mẹ hỏi Khoảnh Công cũng muốn nhân dịp này giúp cho mẹ đỡ buồn bèn kể:
– Hôm nay con vào triều, có sứ giả bốn nước Tấn, Vệ, Lỗ, Tào vào triều kiến để giao hiếu với nước Tề ta. Có điều tức cười là sứ nước Tấn là Khước Khắc bị chột một mắt, sứ nước Lỗ là Quí Tôn Hàng Phủ thì hói không có một sợi tóc trên đầu, sứ nước Tào là Công Tử Thủ lại gù lưng, sứ nước Vệ là Công Tôn Thu lại chân cà thọt. Người đời bị tật này tật khác là chuyện thường nhưng ở đây mỗi người mỗi tật mà lại đi sứ đến cùng một lúc nên con không thể nhịn cười được.
Tiêu Thái phu nhân cũng lấy làm lạ nên nói:
– Mẹ muốn xem bốn nhân vật ấy được chăng?
Tề Khoảnh Công nói:
– Cứ theo lệ thì sứ nước ngoài đến nước ta, sau công yến sẽ có tư yến. Ngày mai con sẽ đãi tư yến ở vườn hoa, sứ thần bốn nước đến dự tất phải đi qua Sùng đài. Thân mẫu cứ ngồi trên Sùng đài vén màn nhìn xuống tất thấy rõ.
Hôm sau, khi các sứ thần dự công yến xong, Khoảnh Công mời họ vào vườn hoa để cùng dự tư yến. Cứ theo lệ cũ thì sứ thần đến nước nào thì nước ấy phải cung ứng xe ngựa và người hầu, vì vậy, Khoảnh Công đã nghĩ ra một kế để làm mẹ vui. Ông truyền thị vệ chọn bốn người đặc biệt để phục vụ các sứ thần: Sứ nước Tấn Khước Khắc chột mắt thì chọn người chột mắt đánh xe. Sứ nước Lỗ Quí Tôn Hàng Phủ hói đầu thì dùng người hói đầu đánh xe. Sứ nước Vệ Tôn Lương Phu chân cà thọt thì dùng người chân cà thọt đánh xe. Sứ nước Tào Công Tử Thủ gù lưng thì chọn người gù lưng đánh xe.
Quan Thượng Khanh nước Tề là Quốc Tá nghe được tin ấy liền can:
– Việc tiếp đãi sứ thần là việc hệ trọng, xin chúa công chớ coi đó là một trò chơi!
Nhưng Tề Khoảnh Công không nghe, cứ làm theo ý đã định. Sứ các nước được đón từ quán dịch đến vườn hoa dự tiệc. Khi họ đi ngang qua Sùng đài thành ra cảnh tượng hai người chột mắt, hai người hói đầu, hai người chân cà thọt, hai người gù lưng từng cặp như thế.
Tiêu Thái phu nhân ở trên Sùng đài thấy vậy cười lớn lên. Các thị nữ cũng không làm sao nhịn cười được. Tiếng cười vang tận bên ngoài.
Sứ thần bốn nước ban đầu thấy người hầu đồng tật với mình ngỡ rằng đó là một sự ngẫu nhiên. Khi nghe tiếng cười trên Sùng đài mới chợt hiểu ra đây là một sự sắp đặt cố ý. Họ vừa thẹn vừa giận, vào tiệc chỉ ăn uống qua loa rồi từ tạ mà lui.
Về đến quán dịch, sứ bốn nước họp mặt, Khước Khắc nói:
– Nước Tề cố ý chọn người đánh xe đùa bỡn chúng ta, thế thì còn nghĩa lý gì nữa!
Quí Tôn Hàng Phủ nói:
– Chúng ta đến đây lấy tình nghĩa giao hiếu, thế mà nước Tề coi chúng ta như một trò hề thì thật là nhục nhã. Nếu không báo thù thì còn đâu là quốc thể!
Bốn vị sứ giả đều đồng ý trở về sẽ đem quân đánh nước Tề. Khước Khắc nói:
– Nếu các ngài đồng tâm như vậy, xin uống huyết ăn thề!
Thế là bốn viên sứ thần đặt bàn hương án thề rằng: “Khi khởi binh đánh Tề, nếu ai không chịu cố sức sẽ bị quỉ thần tru diệt!”
Sáng hôm sau, bốn người ai về nước nấy, chẳng thèm vào cáo từ với Tề Khoảnh Công.
Không bao lâu sau cả bốn nước khởi binh phối hợp với nhau đánh nước Tề. Quân Tề cô thế bị thất bại nặng nề. Trong một trận đánh, chính bản thân Tề Khoảnh Công bị vây kín hết đường thoát chạy. May sao có một viên trung thần là Phùng Sửu Phủ chịu hi sinh mang áo long bào giả làm Khoảnh Công xông ra cho quân Tấn bắt. Quân Tấn tưởng đã bắt được Khoảnh Công mừng quá nên sinh lơ là, không kiểm soát chặt chẽ trận địa nữa. Lợi dụng cơ hội này, Khoảnh Công đã thay hình đổi dạng trốn thoát khỏi vòng vây.
Chạy về triều xong, Tề Khoảnh Công phải lật đật sai sứ đến cầu hòa, xin lỗi bốn nước và đồng ý trả lại những đất đai đã chiếm của nước Vệ và nước Lỗ trước kia.

Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu đùa vui với Trương quý nhân

Một hôm Tư Mã Diệu (vua đời Đông Tấn, là cháu nhiều đời của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm nhà Tây Tấn) cùng sủng phi Trương mỹ nhân vui chơi, uống rượu ở tẩm cung. Khi rượu đã ngà ngà say Tư Mã Diệu nói đùa với Trương quý nhân:
– Ái phi của ta đã già rồi. Nàng đã đến tuổi vào lãnh cung rồi, trẫm đang muốn tìm người để thay thế nàng.
Tư Mã Diệu không ngờ câu nói đùa ấy đã làm Trương quý nhân giận tím gan. Thế rồi bà ta cố chuốc rượu cho Tư Mã Diệu uống say bí tỉ. Sau đó Trương quý nhân cùng một thị tỳ thân tín lấy chăn trùm kín nhà vua và ngồi lên mặt lên ngực vua giữ riệt khiến ông vua này bị ngộp thở mà chết.
Lúc bấy giờ thái tử còn quá nhỏ và viên phụ chính là Tư Mã Đạo Tứ lại ham lo việc chuyên quyền nên cũng chẳng tra cứu vụ án. Thế là kẻ giết ngưởi vẫn được vô sự!

Hậu Phế Đế Lưu Dục dùng lỗ rốn của một tướng quân làm bia tập bắn

Lưu Dục là vua của nhà Lưu Tống cai trị Nam triều dưới thời Nam Bắc Triều. Lúc bấy giờ Lưu Dục mới 15 tuổi nhưng tánh tình tàn ác ham giết chóc bất cứ ai làm điều gì không vừa ý ông ta, kể cả đám thuộc hạ thân tín của ông ta. Ông lại ham chơi, ham tập bắn, hàng ngày thường dẫn đám thị vệ rong chơi khắp kinh đô và vẫn lấy sự giết chóc làm vui. Một buổi trưa Lưu Dục dắt đám thị vệ ghé nhà Trung quân tướng quân là Tiêu Đạo Thành chơi. Gặp lúc Tiêu Đạo Thành đang ở trần ngủ trưa phơi cái rốn tròn vành vạnh rất to ra. Lưu Dục thấy được mừng rỡ kêu to:
– Ái chà, thật là một cái bia tập bắn quá tốt!
Thế rồi Lưu Dục bắt Tiêu Đạo Thành dậy đứng ra làm bia cho ông tập bắn. Nhưng rồi Lưu Dục sợ dùng tên thật mà bắn thì Tiêu Đạo Thành chết mất ngày mai sẽ không còn cái bia tốt như vậy mà tập. Ông liền sai người chế ngay một số tên giả để tập. Thế là nhiều ngày liên tiếp ông cứ bắt Tiêu Đạo Thành làm bia để tập bắn. Tiêu Đạo Thành tuy không bị chết nhưng đau đớn lắm. Hễ thấy vua là Tiêu Đạo Thành cứ giật mình thon thót. Cuối cùng Tiêu Đạo Thành không chịu nổi, bí mật bàn với Trực các tướng quân Vương Kinh Tắc tìm cách ám sát Lưu Dục. Ông này lại thông mưu với mấy người hầu hạ của Lưu Dục để làm nội ứng. Nhằm lễ thất tịch năm 477, Lưu Dục đi chơi ở chùa Thanh Viên Ni rồi lại ghé chùa Tân An sai bắt con chó của chùa làm thịt để nhậu. Khi đã say khướt Lưu Dục về nghỉ tại điện Nhân Thọ. Hai tên thị vệ của Lưu Dục là Dương Ngọc Phu và Dương Vạn Niên đã thừa dịp này giết chết Lưu Dục. Tiêu Đạo Thành bèn tâu xin thái hậu mẹ Lưu Dục lập người em của Lưu Dục là Lưu Chuẩn mới 11 tuổi lên làm vua. Chẳng bao lâu sau Tiêu Đạo Thành đã lần lượt thu tóm quyền hành trong nước vào tay mình hết. Hai năm sau Tiêu Đạo Thành truất phế Lưu Chuẩn để cướp ngôi rồi lập ra nhà Tề cai trị Nam Triều.

***

Dưới thời quân chủ chuyên chế, bất cứ triều đại nào, nếu không có nạn gian thần, quyền thần tham chính thì ông vua là người có quyền lực cao nhất mà thần dân phải tuyệt đối phục tùng. Tống Mẫn Công là một trong số những ông vua có được cái may mắn ấy. Thế mà chỉ vì ông mắc phải tính tự thị mù quáng, thiếu độ lượng, thiếu hiểu biết về tâm lý con người, nên đã tự rước họa vào thân. Nam Cung Trường Vạn được trời phú cho một cái tài đặc biệt nhưng bản chất thiệt thà, biết an phận. Khi thấy Nam Cung Trường Vạn biểu diễn trò ném kích lên trời rồi đón bắt lại một cách tài tình khiến các cung nữ vỗ tay khen ngợi, đáng lẽ Mẫn Công phải mừng vì mình có một bề tôi tài ba mới phải! Đằng này ông lại sinh lòng nhỏ nhen ganh tài chỉ vì Trường Vạn được các cung nữ nể phục! Yếu tố đàn bà đã xen vào vấn đề này! Do tự kỷ ám thị sợ các cung nữ trọng nể Trường Vạn hơn mình, ông phải tìm cách gỡ gạc lại bằng cách đòi Trường Vạn đánh cờ tướng với ông. Đây là môn chơi sở trường của Mẫn Công. Với môn chơi này, Trường Vạn đã trở thành trò cười của các cung nữ khi ông ta phải nhăn mặt uống liên tiếp năm chén rượu phạt lớn vì thua cờ. Hầu hết những người chơi cờ đều có một con “ma trạng” và một con “ma sân” luôn lẩn quẩn bên mình. Hễ thấy thân chủ mình lâm cuộc là nhập đồng ngay. Vì thế không hiếm trường hợp mấy anh chơi cờ chưa sạch nước cản vẫn rất tự tin đứng mách nước cho mấy tay đại cao thủ! Cũng không hiếm trường hợp mấy tay chơi cờ “bách chiến bách bại” mà lòng vẫn sùng sùng cho rằng tại mình sơ hở chút xíu nên bị thua và đối thủ thắng được cũng chỉ nhờ thời hên thôi! Trường Vạn vì bị con ma trạng và con ma sân quấy rầy tới tấp nên nài nỉ Mẫn Công đánh tiếp để gỡ. Thế nhưng Mẫn Công không hiểu điều đó! Ông lại tuôn ra những lời chế nhạo Trường Vạn quá vô ý thức. Yếu tố đàn bà lại có cơ hội xen vào vấn đề! Vì dù ở vị trí nào Trường Vạn vẫn là một người đàn ông! Chính những tiếng cười vô tình mang tính chế diễu của đám cung nữ đã góp phần không ít cho cơn uất hận của Trường Vạn cháy bùng để rồi gây ra cái biến cố kinh khủng kia!
Trịnh Linh Công cũng là một ông vua may mắn giữ được quyền độc tôn. Nhưng ông cũng mắc phải tính tự thị, hẹp hòi, ganh tài với kẻ dưới! Trò đùa của ông dành cho Công Tử Tống thật không tế nhị chút nào nếu không nói là quá tàn nhẫn! Vì Công Tử Tống là một trong những viên quan đầu triều, bị đối xử bất công, mất thể diện đến vậy ông ta làm sao không bất mãn được? Khi Công Tử Tống đã quá tự ái làm hỗn bốc miếng thịt trong diã của ông, ông vẫn có thể hóa giải kịp, chỉ cần xuề xòa vài lời với Công Tử Tống là việc coi như xong. Tiếc rằng Trịnh Linh Công đã không rộng lượng, lại không quả quyết. Phạt không chịu phạt, tha không nói tha mà cứ giữ thái độ lầm lầm lì lì tạo sự bất an trong lòng của Công Tử Tống càng tăng đến nỗi cuối cùng ông ta sinh lòng phản nghịch giết chúa!
Trường hợp Tề Khoảnh Công lại khác. Ông là người có ý chí, biết cố kết lòng người để mưu việc lớn. Nhưng ông cũng mắc phải bệnh thích cười đùa không thích hợp mấy với cái “nghề cai trị”. Vì lòng hiếu thảo với mẹ, muốn mua vui cho mẹ mình nhưng lại chơi dại mượn mấy ông sứ giả nước ngoài để tạo cảnh! Trong khi quá hào hứng vì tìm được một niềm vui cho mẹ già, Khoảnh Công đã quên phứt một vấn đề rất nhạy cảm: Ở đây không phải chỉ là xúc phạm lòng tự ái cá nhân mà còn xúc phạm đến lòng tự ái dân tộc, xúc phạm đến thể diện của các quốc gia khác. Đáng nể nhất là dũng khí của những vị sứ giả nước Tào, nước Vệ vốn biết nước mình nhỏ yếu hơn nước Tề rất xa, thế mà thấy nước Tề xúc phạm đến nước họ cũng lập tức quyết định phải tử chiến với nước Tề để rửa nhục! Lỗi lầm này đã khiến Khoảnh Công phải trả một giá quá đắt. Ông đã biến tất cả bốn nước đến giao hiếu với nước Tề trong chốc lát trở thành bốn nước thù địch không đội trời chung! Chính bản thân Tề Khoảnh Công suýt phải chịu cảnh chết nhục, đất nước ông cũng suýt bị tan tành!
Vua Tấn Hiếu Vũ Đế Tư Mã Diệu có lẽ vì sinh ra và lớn lên trong chốn quyền uy rồi lại sớm nắm được đại quyền nên tin tưởng mọi người phải tuyệt đối phục tùng mình. Ông lại chẳng hề có chút kinh nghiệm nào về tính ghen tuông, lòng tự ái của đàn bà. Từ chỗ ghen tuông, tự ái, cộng thêm vào nỗi lo sợ bị sa thải, bị truất những quyền lợi đang có, Trương quý nhân dễ dàng biến thành kẻ hung dữ, tàn độc giết người không gớm tay! Tư Mã Diệu không chỉ bị thiệt thân một cách lãng nhách vì thói khinh người và đùa giỡn quá vô ý thức mà còn làm trò cười cho thiên hạ nữa!
Vua Lưu Dục vì còn quá trẻ, lại quá ác và quá ngu, quá tin vào ngôi vị của mình do trời trao nên chẳng còn biết nghi biết sợ ai nữa. Người như thế thì trước sau cũng phải chết dữ thôi. Cái chết của Lưu Dục không phải chỉ là cái chết của một cá nhân thường tình mà còn kéo theo sự sụp đổ sự nghiệp của nhà Lưu Tống và sự phát sinh một quốc gia mới là nước Nam Tề thời Nam Bắc Triều. Điểm đáng chú ý là trước đó Tiêu Đạo Thành chưa bao giờ dám nghĩ tới việc tiếm ngôi của nhà Lưu Tống. Chính vua Lưu Dục đã vô tình tạo thế cho Tiêu Đạo Thành dựng nước Nam Tề đẩy chính dòng họ của chính mình đến chỗ diệt vong.
Nghĩ mà sợ thay! Những ai ham chuyện đùa cợt cũng nên xem đây là những bài học xương máu để tự giới hạn, tự kiềm chế, kiểm soát những hành vi vui đùa của mình đừng để nó đi quá đà có thể tạo nên những tai họa khó lường!


Ngô Viết Trọng
Ai đang xem chủ đề này?
Guest
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2025, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.307 giây.