Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hồi tháng 4/2023.
Reuters
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, vào sáng 9/8 (giờ Hà Nội), cho biết ông sẽ sớm đến thăm Việt Nam để “thay đổi mối quan hệ với nước này”, theo CNN.
Ông Biden phát biểu như vậy tại một buổi gây quỹ cho Đảng Dân Chủ ở tiểu bang New Mexico.
Khi được hãng tin Reuters hỏi về thông báo của ông Biden, một phát ngôn viên của Nhà Trắng cho biết "không có gì để chia sẻ thêm vào thời điểm này.
Hy vọng cải thiện nhân quyền mờ nhạtMột số nhà hoạt động nhân quyền nhận định với RFA rằng khả năng hai nước nâng cấp lên mối quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược trong chuyến thăm sắp tới của ông Biden gần như là chắc chắn. Và khi đó, các nhà hoạt động nhân quyền sẽ có cơ hội hơn để vận động cho nhân quyền Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức đánh giá rằng trước đây, Mỹ muốn nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược nhưng Việt Nam còn chần chừ. Tuy nhiên, giờ đây, khi nền kinh tế Việt Nam đang tụt dốc với các chỉ số về xuất nhập khẩu, công ăn việc làm… đều rất ảm đạm thì Việt Nam lại muốn xích lại gần hơn với Mỹ để có thể hưởng được lợi ích về kinh tế.
Do đó, theo ông Đài, hai bên nâng cấp mối quan hệ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà hoạt động nhân quyền thúc đẩy dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam:
“Các cá nhân, tổ chức ở Hoa Kỳ có cơ hội để làm cho phía bộ Ngoại giao và chính phủ Hoa Kỳ đưa ra những điều kiện và yêu sách Việt Nam phải cải thiện tình trạng nhân quyền.”
Tiến sỹ Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban điều hành Mạng lưới nhân quyền Việt Nam, từ bang California, nhận định rằng kỳ vọng vào sự tiến bộ nhân quyền ở Việt Nam là rất mờ nhạt:
“Khả năng về cải thiện nhân quyền sau chuyến thăm của Biden là rất mờ nhạt. Nói như vậy nhưng chúng tôi cũng không loại đi một số khả năng tích cực, chẳng hạn như là việc có thể Việt Nam sẽ thả một số tù nhân chính trị như họ đã làm.
Nhưng điều đó không phải là cải thiện nhân quyền. Đó chỉ là buôn người. Theo tôi nghĩ là họ lấy sinh mạng của các tù nhân chính trị để đổi lấy quyền lợi trong vấn đề bang giao.”
Trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nước này khẳng định luôn coi trong các giá trị nhân quyền trong các mối quan hệ ngoại giao; đồng thời sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy tự do, bao gồm ngoại giao song phương, can thiệp đa phương, hỗ trợ nước ngoài, báo cáo và tiếp cận công chúng, hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Việt Nam phớt lờ mọi nghĩa vụ nhân quyền Ba nhà hoạt động Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách và Nguỵ Thị Khanh trong một hội thảo của các CSOs. Ảnh: citizen
Cũng theo ông Nguyễn Bá Tùng, Việt nam, từ sau năm 1975, đã có rất nhiều cơ hội để cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước. Đó là những điều khoản ràng buộc về nhân quyền trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam buộc phải tuân theo nếu muốn làm ăn với các đối tác lớn trên Thế giới. Tuy nhiên, trong hàng chục năm qua, Việt Nam đã cố tình phớt lờ thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình:
“Ví dụ như trong Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên Âu EVFTA có nói rõ rằng Việt Nam phải tôn trọng tự do nghiệp đoàn của người công nhân.
Nhưng sau hai năm rồi không những Việt Nam không thi hành điều đó mà họ càng bóp chặt hơn những điều kiện về tự do hội họp, tự do lập hội… và số tù nhân chính trị càng ngày càng gia tăng.”
Một người học thạc sỹ về nhân quyền, hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính vì lý do an toàn, cũng không mấy kỳ vọng về sự tiến bộ nhân quyền ở Việt Nam, ngay cả khi hai nước Mỹ - Việt đã xích lại gần nhau hơn:
“Bao nhiêu cam kết, hiệp định Việt Nam đã ký mà có xi nhê gì đâu. Ví dụ như CPTPP cho phép lập công đoàn độc lập nhưng thực chất là đâu có được.
CSVN như con tắc kè vậy, nó đổi màu nhanh lắm. Họ tận dụng quan hệ với Mỹ để độc tôn lãnh đạo, vun vén cho quyền lực của họ thôi.”
Cả hai hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã có hiệu lực từ đầu năm 2019, và Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), có hiệu lực từ tháng 8/2020, đều yêu cầu Việt Nam phải gia đảm bảo các quyền của người lao động dựa trên Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Nội dung hiệp định EVFTA cho phép người lao động được thành lập các tổ chức công đoàn cơ sở. Đến năm 2023, Việt Nam sẽ ký công ước cho phép thành lập công đoàn từ cấp cơ sở đến cấp toàn quốc.
Tuy nhiên, cho đến nay, người lao động vẫn chưa được thành lập một tổ chức nghiệp đoàn độc lập, tách biệt với Công đoàn do nhà nước lập nên, để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Còn các nhà hoạt động nổi bậc thuộc Mạng lưới VNGO-EVFTA, gồm bảy tổ chức xã hội dân sự trong nước, như Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Nguỵ Thị Khanh… bị bắt với cáo buộc “Trốn thuế”.
Ủy ban Cố vấn Trong nước của Liên minh châu Âu (EU DAG) vào tháng 3/2022, lên án các bản án này và cho rằng họ bị bắt vì đã thúc đẩy sự tham gia của khối xã hội dân sự trong việc giám sát EVFTA.
Theo RFA