Dân biểu Michelle Steel (trái) thuộc Đảng Cộng hòa và Dân biểu Zoe Lofgren thuộc Đảng Dân chủ nói với VOA rằng Tổng thống Joe Biden cần phải lên tiếng với các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề nhân quyền khi ông đến thăm nước này.
Các nhà lập pháp trong Hạ viện Hoa Kỳ kêu gọi Tổng thống Joe Biden sử dụng các cuộc hội đàm của mình với các nhà lãnh đạo Việt Nam để lên tiếng mạnh mẽ về hồ sơ nhân quyền “tồi tệ” của Hà Nội trong chuyến thăm chính thức bắt đầu vào Chủ nhật, trong đó có phần chắc quan hệ của hai nước sẽ được nâng cấp.
Các dân biểu thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nói với VOA những ngày gần đây rằng chuyến thăm của ông Biden tới Việt Nam lần này là thời điểm tốt nhất để Mỹ nêu rõ với Hà Nội những lo ngại của mình về nhân quyền - một trong những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ giữa hai nước – và rằng sẽ là một “sai lầm” nếu sự cải thiện quan hệ không đi kèm với “cải thiện hành vi.”
Ông Biden dự kiến sẽ đến Hà Nội vào ngày 10 tháng 9, nơi ông sẽ được tiếp đón bởi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và sau đó hai bên sẽ hội họp, theo lịch trình chính thức do Nhà Trắng công bố. Tổng thống Biden vào ngày 11 tháng 9 sẽ gặp gỡ Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trước khi lên đường quay trở về Mỹ.
Chuyến đi dự kiến sẽ chứng kiến mối quan hệ của hai nước được nâng từ mức “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược toàn diện,” một bước nhảy vọt đáng kể đặt Mỹ lên ngang bằng với các nước mà Việt Nam có quan hệ hữu hảo truyền thống như Trung Quốc và Nga.
Cả Washington và Hà Nội chưa chính thức xác nhận bước đi này. Bộ Ngoại giao Việt Nam nói các chuyến thăm cao cấp “sẽ làm sâu sắc hơn nữa” quan hệ của hai nước trong khi Tòa Bạch Ốc cho biết trong một thông cáo rằng hai nhà lãnh đạo “sẽ khám phá những cơ hội” để thúc đẩy phát triển trong nhiều lĩnh vực hợp tác.
Dân biểu Cộng hòa Michelle Steel, đồng chủ tịch một khối các nghị sĩ Hạ viện Hoa Kỳ quan tâm đến các vấn đề về Việt Nam (Vietnam Caucus), nói với VOA rằng bà hiểu Tổng thống Biden đang tìm cách mở rộng giao thương với Việt Nam, cụ thể là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, nhưng Mỹ có thể đáp ứng những nhu cầu của mình thông quan các mối quan hệ đối tác và đồng minh vốn có ở Châu Á.
Vẫn theo lời dân biểu Steel, thay vào đó, Tổng thống Biden nên nhân chuyến thăm này lên tiếng về “những vi phạm nhân quyền” của Việt Nam mà bà nói bao gồm việc bắt bớ và bỏ tù những người thực hành các quyền tự do căn bản của mình.
“Tôi có hơn 200.000 cử tri người Mỹ gốc Việt sống ở Quận Cam và họ đến đất nước này để được hưởng những quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do ngôn luận, và đó chính xác là điều mà Việt Nam phải làm,” nữ dân biểu gốc Hàn đại diện một địa hạt Quốc hội miền nam bang California nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Việt Nam có được rất nhiều cơ hội làm ăn không chỉ từ Mỹ hay Hàn Quốc mà còn những nước khác, vì các doanh nghiệp né Trung Quốc và chuyển sang Việt Nam. Việt Nam phải chỉnh đốn lại trước khi [Mỹ] bắt đầu bất cứ hoạt động kinh doanh nào với Việt Nam vì họ rất khuất tất và vì họ đang xâm hại và giam giữ những tù nhân này nhắm đổi chác được điều gì đó.”
Việt Nam hiện đang giam cầm 193 nhà hoạt động, theo thống kê của tổ chức nhân quyền The 88 Project ở Mỹ.
Trong những năm qua, nhà chức trách Việt Nam đã tăng cường trấn áp xã hội dân sự không những bằng việc truy tố và bỏ tù những người bất đồng chính kiến mà còn nhắm mục tiêu vào các nhà hoạt động vì môi trường. Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam “bi đát ở gần như khắp các mặt,” theo nhận định của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
“Thiết lập quan hệ mạnh mẽ hơn với những người cộng sản ở Việt Nam mà không có được những cải thiện về nhân quyền sẽ là một cơ hội to lớn bị bỏ lỡ,” dân biểu Dân chủ Zoe Lofgren, đồng chủ tịch khối Vietnam Caucus và đại diện một địa hạt Quốc hội ở miền trung California, nói với VOA khi bà nêu nhận định về chuyến thăm.
“Tình hình nhân quyền ở Việt Nam vốn tồi tệ và giờ đang trở nên tệ hơn chứ không hề tốt lên, và chúng tôi đã bày tỏ với tổng thống những lo ngại của chúng tôi.”
“Chúng tôi đã đưa cho ông ấy một danh sách các tù nhân lương tâm đã được xác nhận và nêu ra một số ví dụ điển hình về hành vi sai trái của Đảng Cộng sản trong việc đàn áp nhân quyền. Và tôi thực sự hy vọng rằng tổng thống sẽ nêu ra những vấn đề này với chính phủ Việt Nam vì sẽ là một sai lầm nếu cải thiện quan hệ mà không cải thiện hành vi của họ.”
VOA có được một bức thư gửi đến Tổng thống Biden vào ngày 8 tháng 9 đồng kí tên bởi năm nhà lập pháp lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ, trong đó họ nêu lên “lo ngại sâu sắc” về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
“Chúng tôi mạnh mẽ hối thúc ông tận dụng chuyến thăm này để lên tiếng những vi phạm nhân quyền này, và ở mức tối thiểu, giúp đạt được việc phóng thích các tù nhân lương tâm và có được sự bảo đảm rằng sẽ không có vụ bắt giữ nào nữa khi mối quan hệ của chúng ta với [Việt Nam] được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược.”
Nhà chức trách Việt Nam luôn bác bỏ những cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật Việt Nam. Các quan chức Mỹ thì nói rằng họ có nêu lên những quan ngại về nhân quyền với phía Việt Nam nhưng làm điều đó một cách kín đáo và tế nhị.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper, trong một cuộc đàm luận về quan hệ giữa hai nước do một viện nghiên cứu chính sách ở Washington tổ chức vào tháng 3, cho biết Mỹ cố gắng không để cho những cuộc thảo luận về nhân quyền với Việt Nam “xuất hiện trên trang nhất.”
Cách tiếp cận này được một quan chức ẩn danh của chính quyền Biden xác nhận trong một bài báo của tờ Washington Post đăng tải gần đây. Người này được dẫn lời nói rằng Mỹ có nêu ra những lo ngại về nhân quyền với các Việt Nam, nhưng ở nơi riêng tư, “một cách thầm lặng, có phần nể nang.”
“Tại sao chúng ta phải thầm lặng về những vi phạm nhân quyền?” Dân biểu Steel đặt câu hỏi, bày tỏ quan điểm bất đồng với cách tiếp cận này. “Đừng nói năng nhỏ nhẹ. Nói năng nhỏ nhẹ chẳng bao giờ có tác dụng với những chính phủ này.”
“Chúng ta có thể dùng chuyến thăm này để củng cố quan hệ. Tôi nghĩ một mối quan hệ vững mạnh hơn sẽ là điều tốt khi họ chấm dứt những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam,” bà nói thêm.
Dân biểu Lofgren nói không nên quá chú trọng vào cách thức nêu vấn đề ra sao mà là vấn đề có được giải quyết hay không. “Nếu như giải quyết tế nhị mà thành công thì cũng được,” bà nói.
Khi được hỏi bà có thấy vấn đề đã được giải quyết thành công hay chưa, bà thừa nhận: “Rõ ràng là chưa.”
Bộ Ngoại giao Mỹ nói họ Mỹ "thường xuyên hợp tác" với Chính phủ Việt Nam ở mọi cấp độ về các vấn đề nhân quyền và pháp quyền và sẽ tiếp tục làm như vậy.
"Thông điệp của chúng tôi nhất quán và dựa trên niềm tin mãnh liệt rằng các quốc gia thành công nhất là những quốc gia tôn trọng và bảo vệ nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản," bộ nói trong một phát biểu gửi cho VOA hôm thứ Năm.
Trong một cuộc họp báo vào cuối tháng 8, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre từ chối cho biết liệu Tổng thống Biden sẽ nêu vấn đề nhân quyền khi ông gặp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không, nhưng nói rằng ông Biden “không bao giờ né tránh” vấn đề này với bất cứ nhà lãnh đạo nào.
“Chúng ta phải lên tiếng,” dân biểu Steel nói. “Tôi nghĩ chúng ta có lợi thế để thương thảo với chính phủ Việt Nam và đây là cơ hội rất tốt để làm điều đó.”
Theo VOA