Nga đã tăng cường trấn áp những người chống đối ông Putin, Liên Hiệp Quốc cho hay
Tình hình nhân quyền ở Nga đã xấu đi đáng kể kể từ khi nước này xâm lược Ukraine hồi tháng Hai năm ngoái, một chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết hôm 18/9 và mô tả ‘cuộc đàn áp có hệ thống’ đối với xã hội dân sự và kêu gọi nước này khắc phục.
Phúc trình của Báo cáo viên đặc biệt Mariana Katzarova cáo buộc rằng chính quyền Nga đã bắt giữ tùy tiện hàng loạt những người chỉ trích cuộc chiến và nói rằng những người bị giam giữ có nguy cơ thiệt mạng do ‘bị tra tấn và ngược đãi không ngừng’.
Đây là lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (HRC) có thâm niên 16 năm được giao nhiệm vụ kiểm tra hồ sơ của một trong các thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Phát ngôn nhân Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông không thể bình luận trong thời điểm hiện tại vì ông chưa xem phúc trình.
Moscow trước đó đã gọi những lời chỉ trích về hồ sơ nhân quyền trong nước của họ là vô căn cứ và phủ nhận nhắm vào dân thường ở Ukraine, nơi quân Nga đang thực hiện cái gọi là ‘chiến dịch quân sự đặc biệt’ để phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự.
“Chuyên gia đã ghi lại những đạo luật cấm đoán gần đây vốn được sử dụng để bịt miệng xã hội dân sự và trừng phạt các nhà hoạt động nhân quyền và những người khác vì lập trường chống chiến tranh của họ,” phúc trình cho biết trong kết luận.
“Việc thực thi các đạo luật và các quy định này vốn thường xuyên mang tính bạo lực đã dẫn đến việc đàn áp có hệ thống các tổ chức xã hội dân sự vốn đóng lại không gian dân sự và truyền thông độc lập,” phúc trình cho biết.
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, Moscow đã thông qua các đạo luật cứng rắn hơn để trừng phạt những người bất đồng chính kiến và những kẻ được cho là phản bội. Phúc trình cho biết 20.000 người đã bị giam giữ từ tháng 2 năm 2022 đến tháng 6 năm 2023 vì tham gia biểu tình và hơn 600 vụ án hình sự được đưa ra vì cái gọi là hoạt động ‘phản chiến’.
Chuyên gia Liên Hợp Quốc Katzarova, một cựu nhà báo từ Bulgaria, người dẫn đầu các cuộc điều tra trong hai cuộc chiến ở Chechnya cho Tổ chức Ân xá Quốc tế, cũng đề cập đến những nỗ lực của Nga nhằm cản trở nhiệm vụ của bà. Bà nói rằng những hành động như vậy cho thấy ‘Nga thiếu ý chí chính trị để duy trì các nghĩa vụ nhân quyền của mình’.
Moscow nói với chuyên gia này rằng họ không công nhận công việc của bà và nói họ sẽ đương nhiên không để ý đến nó, phúc trình cho biết.
Một cuộc tranh luận về những kết luận của phúc trình dự kiến sẽ được tổ chức tại phiên họp đang diễn ra của HRC tại Geneva vào ngày 21/9. Các nước Liên minh châu Âu sắp tìm cách gia hạn nhiệm vụ của bà Katzarova. Hơn một chục tổ chức phi chính phủ đã viết thư cho các nhà ngoại giao ở Geneva yêu cầu họ ủng hộ bà tiếp tục công việc, một bức thư cho thấy.
Theo VOA