logo
Men for what watch? Watch, watch and call. A tool that is used for timing on breitling replica the wrist. Men wear watches what kind, starting from the basic color and size, have their own right watches, you can follow the watch's color, shape, value, occasions to carefully match their own clothing. For the choice of rolex replica a watch, the first to look at and their identity are consistent with a rural old people wear watches, a bit unrealistic, even if there is, it would have been too ostentatious. A Multi Millionaire owner, wearing a few hundred dollars of high imitation table also lost their identity, and even make friends on their own business is not good. In the formal social occasions, watches are often regarded as jewelry, for usually only ring a jewelry can be worn by rolex replica uk men is respected. Some people even stressed that: "the watch is not only a man's jewelry, but also men's most important jewelry." In western countries, watches, pens, lighters was once known as adult men "three treasures", is every man even for a moment can not be away from the body.

Chào mừng các bạn! Mong bạn Đăng nhập. Xin lỗi bạn, tạm dừng việc đăng ký mới.►Nhấn hình ảnh nhỏ sẽ hiện ảnh lớn ‹(•¿•)›

Thông báo

Icon
Error

Tùy chọn
Xem bài viết cuối Go to first unread
song  
#1 Đã gửi : 12/09/2013 lúc 09:59:03(UTC)
song

Danh hiệu: Moderate

Nhóm: Registered
Gia nhập: 21-02-2012(UTC)
Bài viết: 24,173

Cảm ơn: 1 lần
Được cảm ơn: 2 lần trong 2 bài viết
Bây giờ là tháng chín. Trời đã chớm sang thu. Cái gió mang theo một chút hơi của nước, mát lạnh, như chợt chạy qua làn da của buổi sớm mai, đã đẩy những vệt nắng lên, rọi xiên qua vòm lá. Vài, ba giọt sương còn đọng lại, như ống kính muôn màu hắt ngược những tia nắng ấy, in vào nền trời xanh thẳm. Dòng suối chạy qua khu vườn sau nhà vẫn nhịp nhàng đổ nước xuống cái vụng nhỏ, hòa vào con sông cái Elsterbecken, nghe bùm bụp như tiếng giã gạo vọng lên từ nơi quê nhà. Cá đã đầy giỏ, nhưng những thợ câu đêm vẫn chưa chịu thu cần. Từ căn nhà bạt dưới tán lá, thơm thơm mùi cafe tỏa, quyện vào hương của cây lá, đất trời, làm lòng người nhẹ nhàng, thanh thản. Mùa thu, cảnh vật nơi đây dường như cũng khác với hồn quê của những Thu vịnh, Thu điếu… Dẫu là thế, nhưng trong cái tĩnh lặng, chòng chành sương khói của buổi chớm thu ấy, cũng khiến cho lòng người nao nao, nghĩ về miền quê, nơi cụ Tam Nguyên Yên Đổ đã thả hồn vào đó. Thế mà, không hiểu sao lúc này, tôi lại nghĩ về hắn, một người bạn không thể nói là thật thân, nhưng quen biết đã khá lâu. Có lẽ, tôi quen và gặp lại, rồi cái chết bi thảm của hắn đều trùng hợp ngẫu nhiên vào mùa thu chắng?

Hắn thường đùa, Hải Phòng quê hắn chém to kho mặn, ví như một cô gái quê, đang tập làm dân phố thị. Tôi không nghĩ như vậy. Hải Phòng ba mươi năm về trước, vẫn còn đó trong tôi. Khi những tia nắng chiều thu bất chợt rực lên, dòng sông Tam Bạc như một dải khăn trắng mềm vắt ngang thành phố. Màn đêm rụng xuống, những con thuyền nhỏ từ từ rời bến. Mặt nước nhẹ buông, thấp thoáng dưới trăng non đầu tháng, mái chèo ánh lên như vừa được ai đó dát bạc vào. Tôi quen hắn vào một chiều thu như vậy, nhưng không phải chiều con nước lên, bên bến sông Tam Bạc.

Tôi và mấy ông bạn (phóng viên thông tấn xã, diễn viên sân khấu kịch, chuyên ngạch buôn máy khâu) từ Hà Nội xuống, thường tụ tập ở hàng nước nhà bà Sự phố Tô Hiệu, trước cổng đài phát thanh, truyền hình Hải Phòng. Nơi đây coi như là nơi giao dịch, tụ họp của các tay hoa tiêu, chỉ chỏ chuyên nghiệp. Với hắn, đây chỉ là công việc nghiệp dư. Có lẽ, hắn lê la hàng nước để tăm tia em Thu, con gái bà chủ quán mà thôi. Lần đầu, hắn để lại trong tôi ấn tượng khá đẹp, khi dẫn chúng tôi đến mua mớ máy khâu cũ trong thùng của đám bạn vừa ở Đức trở về. Lúc chúng tôi kéo hắn ra ngoài, trả tiền hoa tiêu (tiền công). Hắn cầm tiền, quay lại, đưa cho bạn hắn, ngay trước mặt chúng tôi và bảo, bạn bè chỉ giúp vô tư thôi. Lúc đó hình như hắn đang rách lắm, dù số tiền này, bằng mấy tháng lương thợ điện của hắn.

Có lần ngồi ngay hàng nước, hắn bảo tôi, đang bòn góp tiền để vượt biên cùng với gia đình Thu (Sự) nên phải cố gắng. Tôi đã đi nhiều nơi, sống với những người vùng miền khác nhau, nhưng có lẽ người Hải Phòng sống vô tư, ít nhòm ngó thọc mạch nhất thì phải. Những năm đầu 1980 xã hội, tình người còn luẩn quẩn trong cái vòng tròn xám xịt, ăn miếng thịt phải giấu xương ấy, thế mà người Hải Phòng nói chuyện trốn chạy, vượt biên cứ như rủ nhau đi Sài Gòn, Hà Nội vậy…

Mùa thu năm 1989, thành phố Leipzig nơi châm ngòi nổ cho những cuộc biểu tình, đòi tự do dân chủ đã lên đến đỉnh điểm. Đường phố rầm rập chân người và biểu ngữ. Bức tường Berlin đã lung lay lắm rồi. Có lẽ, chỉ chờ nhát búa cuối cùng nữa thôi. Cuối tuần, cư xá đội lò mổ chúng tôi vắng teo, chỉ còn lại thợ làm thuê người Việt và Cuba. Đám dân lòng lợn tiết canh chúng tôi, kéo hết ra hành lang ký túc xá nhậu. Đã đến hồi tơ lơ mơ, đang đàn hát om xòm, tôi giật mình bởi phát vỗ lệch cả vai:

-Trường máy khâu Ô Chợ Dừa phải không? Tôi tìm ông mãi.

Giữa trời tây, lại có kẻ réo đúng tên cúng cơm, dù đang bực, tôi cố kìm. Ngẩng lên thấy hắn quen quen, nhưng tôi vẫn chưa nhận ra. Hắn cười hềnh hệch: Đội hoa tiêu máy khâu Hải Phòng đây! Ký ức xa xưa đã trở về, tôi nắm chặt tay hắn, kéo ngồi xuống mâm:

-Tưởng ông đã vượt sang Mỹ rồi, mà sao biết tôi ở đây?

-Hồi mới sang, cứ ngỡ ông ở Berlin, hỏi thăm Đỗ Trường, nhưng không ai biết. Mấy hôm nay, ban quản lý lao động triệu tập các đội trưởng họp, quán triệt tinh thần. Đội tôi bây giờ như cái chợ vỡ, nhiều thằng đã trốn sang Tây Đức rồi. Trên đường về thấy nhớ tiết canh, tạt qua đây, may quá không tìm lại gặp được ông.

Tôi trố mắt nhìn hắn, một thằng công nhân được xếp vào dạng hạnh kiểm yếu kém, lại can tội dính vào nghề hoa tiêu chỉ chỏ. Làm thế quái nào ông thành đảng viên, đội trưởng thế này? Hắn cười cười, sau ngày ông đi, chịu hết nổi, các bố phải mở cửa, bỏ cấm chợ ngăn sông. Trạm cửa tử (kiểm soát) Quán Toan đã gần như bỏ trống rồi. Ở Việt Nam bây giờ, cái gì ông cũng có thể mua được, nếu như có tiền. Chờ hắn lùa xong bát tiết canh, tôi đùa, bị em Thu (Sự) đá, không cho theo qua Mỹ hay sao, mà phải chuồn sang Đức thế này. Mặt thừ ra, ực liền tù tì mấy ly, rồi hắn thở dài, đôi mắt ngân ngấn như có nước:

Sà lan chở hơn một trăm con người, xuất phát từ Quảng Ninh, sóng gió đi qua đã được nửa chặng đường. Biển yên trở lại, gió nhẹ, bầu trời cao và trong xanh. Những hòn đảo xa, mờ mờ nằm trọn trong tầm mắt. Trải qua những ngày say sóng, Thu và mọi người còn nằm bẹp dưới sàn tầu. Hắn và mấy thanh niên trèo lên nóc ca bin ngồi tán ngẫu. Vẫn giữ nguyên tốc độ cao, bồng bềnh, tầu trườn nhanh trên mặt sóng. Nước biển hình như đang thấp dần xuống, cái nắng tháng năm đang trộn vào màu xanh của biển. Đàn chim vẫn sải cánh chao lượn trước mũi con tầu, dường như nó cũng được nhuộm thẫm một màu xanh của trời của biển. Màu xanh của trời, của biển ấy, được nối bởi những sợi nắng, như hòa vào trong tâm hồn hắn một tương lai, một dự định ở chân trời xa thẳm kia. Biển lúc này thật hiền hòa, trong lòng hắn trào lên một cảm xúc. Thật tiếc nuối, hắn không thể diễn tả nó bằng thơ bằng nhạc. Nếu là thi sỹ, lúc đó chắc hẳn hắn sẽ ghi lại cho em Thu cảm giác tuyệt vời ấy..…

Đột nhiên có tiếng kêu bùng bục, ken két, con tầu như bị đội nghiêng lên khỏi mặt nước. Hắn và mấy người ngồi trên cabin bị hất tung xuống biển. Không kịp định thần, nhưng do phản xạ hắn chồi lên được mặt nước. Tiếng gào thét của phụ nữ, của trẻ con trong tiếng mài nghiến chát chúa của thân tầu, đập vào đôi tai đang ù đặc của hắn. Con tầu lật chìm xuống như một cái bát úp. Đàn chim vụt bay lên với những tiếng rú, rơi tõm vào khoảnh không sâu thẳm. Rồi tất cả im lặng. Chỉ còn lại tiếng sóng, nghe như có tiếng của Thu đang gọi hắn.
Lúc sau, hắn cũng nhoài đến được thân tầu. Bám chặt vào chiếc chân lái gẫy đang chổng ngược lên trời, hắn không còn cảm giác. Có mấy cái đầu đang nhấp nhô trên sóng của mấy người bị văng xa hơn, đang trườn về phía hắn. Dưới chân, một số thanh niên quen nghề chài lưới, đủ sức, kinh nghiệm thoát ra được, cố ngoi lên. Mây đen lại kéo đến, trời bắt đầu mưa…

Trời tuy mưa, nhưng sóng và gió rất nhẹ, nên tất cả còn có thể bám vấu víu vào can nhựa hay những mảnh gỗ trôi nổi. Không ai nói được với nhau lời nào, nhưng họ đã hiểu, con tầu đã phi lên mạch đá ngầm. Vậy là, nó đã là nấm mồ chôn gần một trăm con người giữa lòng biển cả. Thu, bà Sự cả gia đình tám người, nằm lại vĩnh viễn nơi đây. Hắn lẩm bẩm như kẻ thần kinh. Chợt tiếng khóc ré lên, nghe như tiếng mèo hen của thằng trẻ nhất. Có lẽ, lúc này nó mới hoàn hồn, nghĩ đến bố mẹ và các em nó đang nằm trong nấm mồ này. Hắn nghĩ cái chết đang đến gần. Chỉ còn mấy thằng người Hòn Gai, chuyên nghề đánh cá biển đã tỉnh táo trở lại, quả quyết, tầu chìm giữa đất liền và đảo không xa, dứt khoát sẽ có nhiều tầu thuyền qua lại.

Quả thật, khi cơn mưa vừa tạnh, đã thấy tầu thuyền nhấp nhô lại gần phía hắn. Hình như họ đã biết tầu của hắn vừa bị lật. Nên đến nơi, chẳng cần hỏi, họ vớt tất cả lên tầu cá. Họ là ngư dân của làng chài gần đây. Chờ mọi người bình tĩnh trở lại, họ bảo, nơi này có đá ngầm, đi vào lúc nước cạn, không biết luồng, nên nhiều tầu của người Việt đã bị lật. Bây giờ sẽ chở tất cả về làng, rồi sẽ tính sau. Trước đây hắn đã sống ở khu người Tàu. Bạn học cùng lớp cùng chơi phần đông người Tàu, nên hắn hiểu lõm bõm như vậy. Hắn bảo, nếu không có lòng nhân đạo, sự giúp đỡ tận tình của những ngư dân Trung Quốc, hắn hoàn toàn không thể quay trở về đất Việt được.

Khi trấn tĩnh trở lại, mười mấy người quyết tâm ở lại làm thuê cho làng chài, chờ tầu sau xin đi ké. Với hắn, không có Thu thì những dự định, tương lai ở chân trời xa lạ đều trở nên vô nghĩa. Và mang trong mình nỗi ám ảnh kinh hoàng đó, nên hắn quyết định tìm đường trở về Việt Nam. Cũng may, hắn còn lại mấy chỉ vàng giấu trong cạp quần, có dây lưng da đè bên ngoài, nên chưa bị rơi xuống biển. Lộ phí tạm đủ, trước khi lên đường, trưởng làng, một ngư dân già, chỉ dẫn và khuyên hắn đi đường bộ, tới làng chài cũ của ông gần với Việt Nam. Sau đó theo ngư dân ra biển, chắc chắn sẽ gặp tầu đánh cá người Việt.

Cũng nhờ bức thư của trưởng làng và sự giúp của ngư dân, ba tuần sau hắn cũng lết được về tới nhà. Hắn bảo, có lẽ, nhờ câu nói của ông bí thư thành ủy Đoàn Duy Thành: Dân đói quá phải bỏ đi thôi.. Nên hắn không gặp rắc rối gì nhiều với chính quyền, khi trở về. Trước khi đi hắn báo nghỉ phép, dù quá ngày, nhưng có chút đấm bóp, lễ lạt, mắt nhắm mắt mở, hắn vẫn tiếp tục được làm việc lại. Thật ra, với công việc và đồng lương chết đói của hắn, dân Hải Phòng đã bỏ ra làm ngoài từ lâu rồi.

Hắn sống, làm việc vật vờ như vậy gần hai năm. Đầu năm 1989, xuất khẩu lao động sang Đức ồ ạt hơn, ông bạn cùng thời Lehrling (học nghề) với hắn ở Dresden, đang làm ở Bộ lao động bảo: Có mấy đội lao động chuẩn bị sang Đức, nhưng ở xa thành phố đang thiếu đội trưởng kiêm phiên dịch. Thế là đám bạn học ở Đức cũ chung tiền “đầu tư“ mông má lại lý lịch, hồ sơ cho hắn sang lại Đức. Hôm tiễn ở sân bay, đám bạn vít đầu, véo tai hắn bảo, cố gắng cày, kiếm tiền gửi về trả nợ nhé.

Câu chuyện, về hành trình vượt biển lật tầu đau thương do hắn kể lại, vào buổi chiều cuối tuần hôm ấy, không chỉ riêng tôi, mà cả những tay đao phủ của đội lò mổ Leipzig ngồi đó, đều bị xúc động mạnh.

Nhát búa cuối cùng đã đập tan bức tường Berlin, đưa nước Đức đến thống nhất. Các nhà máy vùng phía đông, phần lớn có công nhân người Việt bắt đầu đóng cửa. Người Việt nhốn nháo, chạy toán loạn, từ đó tôi và hắn bặt tin nhau.

Mùa hè năm 1995, lúc này tôi đang bán đồ ăn và bia hơi ở trung tâm thành phố Leipzig. Chiều thứ bảy, chuẩn bị đóng cửa, thấy hắn đột nhiên bước ra từ chiếc xe bus to vật vã, đỗ ở cửa sau của quán. Trên xe có người phụ nữ Đức và cô con gái nhỏ. Hắn giới thiệu là vợ và con gái. Hắn bảo, cuối tuần nào cũng về Leipzig lấy hàng, nhưng công việc bận rộn không còn thời gian nghĩ đến tôi. Hôm nay sực nhớ đến, hỏi thăm mấy người trong kho, họ bảo tôi vẫn còn ở Leipzig và đang làm việc ở nơi đây, nên hắn ra thăm.

Vợ chồng hắn bán quần áo rong khắp các chợ giời, từ Halberstadt đến Oschersleben, Helmstedt…có khi sang tận Braunschweig, Hannover. Dấm dúi thêm cả thuốc lá, băng đài…nên có vẻ rủng rỉnh lắm, tết nào vợ chồng cũng hú hí về Việt Nam.

Từ đó, cuối tuần hắn hay đảo qua chỗ tôi. Có lần, vợ chồng hắn đến đúng lúc ông chủ đất đang nói với tôi, cần tìm người thuê cái nhà kính, vì người Denmark thuê kinh doanh hàng vải, sắp hết hạn hợp đồng. Cửa hàng nằm trên phố người đi bộ của trung tâm thành phố, đối diện với Karstadt. Tôi bảo, vợ chồng hắn có hứng thú thì xem. Chỉ xem qua, không cần suy nghĩ, vợ chồng hắn yêu cầu ông chủ đất, làm hợp đồng ngay trong ngày.

Tuy là người Đức, nhưng vợ hắn chịu khó lăn lộn chẳng khác gì người Việt. Từ ngày chuyển về Leipzig vợ chồng hắn thảnh thơi hơn. Nhu cầu cuộc sống có lẽ cũng biến chuyển theo. Những mâu thuẫn thói quen, cách sống trước đây tưởng là nhỏ nhặt, bây giờ ngày càng lớn dần. Hắn cuối tuần không thể bỏ được bạn bè đàn đúm nhấc lên hạ xuống, ăn to nói lớn, đêm về lại chưởng Tàu kiếm hiệp. Vợ hắn cũng không thể từ bỏ thói quen quán ba, sàn nhảy. Ngày vẫn cùng nhau vận lộn hàng quán bán mua. Nhưng tối về tivi mỗi người một chiếc, nồi xoong, cơm nước mỗi người một kiểu. Thế thì có gì khác ly thân. Nhùng nhằng thêm mấy năm, đành bán cửa hàng, vợ chồng hắn ngậm ngùi chia ly. Và cả hai người đều hiểu, chẳng có ai có lỗi. Khi tôi hỏi tại sao? Hắn bảo, văn hóa đông và tây, chỉ có thể dung hòa, chứ không thể hòa tan.

Hắn bỏ Leipzig, không một lời từ biệt. Sau này có người kể lại, hắn chung với một người bạn cùng đội lao động cũ, mở quán ăn, nhà hàng ở mãi tận vùng biên Đức -Tiệp-Balan. Không biết bán chác thế nào, nhưng ông bạn giới thiệu cho cô em gái. Hắn về tận quê, cưới và rinh nàng sang. Nàng cũng đẻ cho hắn thằng con trai. Hạnh phúc lại đến với hắn, ở cái tuổi bắt đầu sang bên kia của con dốc. Vừa tròn ba năm, ổn định giấy tờ cho nàng và con cái. Đùng một phát, nàng chuồn thẳng về Berlin ôm ông chủ quán mới. Hắn lại bơ vơ giữa ngã ba biên giới…

Lần này nếu được hỏi/chắc chắn hắn trả lời/không hòa tan tiền bạc/chứ không thể trả lời/ không hòa tan văn hóa.

Cách nay sáu, bảy năm, tình cờ gặp hắn ở đám cưới cu em Hải Anh, Leipzig?. Không biết hắn thuộc nhà trai, hay gái, nhưng thấy ôm bó hoa to vật vưỡng, ăn nói có vẻ rủng rỉnh lắm. Qủa thật, chẳng cứ người Đức, kể cả người Việt ta, khó mà nhận ra sự giầu, nghèo qua cách ăn mặc, xe hơi hoặc phụ tùng trang sức. Ở Đức này, bác có đi xe BMW, Mercedes hay gì..gì đi chăng nữa, con người bác, người ta nhìn cũng như ông đi xe cà tàng, cóc ghẻ mà thôi. Nên theo kinh nghiệm, cái quan sát hơi bị tỉ mỉ của tôi, đánh giá chính xác người Việt ta, chỉ cần nghe trường độ nặng nhẹ “hơi thở“ của giọng nói. Do vậy, khi hắn cất tiếng, biết ngay lúc này, hắn đang phát lộc.

Đang ăn uống nửa chừng, hắn đến kéo thốc tôi ra ngoài. Tôi không muốn gợi lại những đau buồn của hắn. Nhưng qua câu chuyện, tôi biết được những khó khăn hắn đã trải qua và lòng tin vào con người đang ở mức độ thấp nhất. Hắn kể, đang làm công việc giúp đỡ người từ Việt Nam sang tị nạn. Không hỏi lại, nhưng tôi biết đó là công việc đưa, đón người rất nguy hiểm. Tôi muốn nói, nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào. Hắn đã bảo, úp mặt vào chảo tính tiền cắc, viết văn, viết báo có khi lại gây thù chuốc oán, hai công việc, tôi nên vứt bỏ, có máu thì làm cùng.

Có lẽ, hơn mấy chục năm về trước, nghe lời hắn rủ rê, tôi còn suy nghĩ. Chứ đến cái tuổi, uống phải giật cầm chừng, ăn phải căn trước ngó sau, tiền nhiều để làm gì nhỉ? Trong lúc đầu đã quay quay, tôi hỏi hắn như vậy. Hắn cười, khoác vai, kéo tôi trở lại mâm, đọc một câu phỉ đời:

Tiền là tiên là phật
Là sức bật của lò so
Là thước đo lòng người
Là tiếng cười tuổi trẻ
Là sức khỏe tuổi già…

Vâng! Qủa đúng như vậy/ tiền sẽ là tất cả… / và hắn chưa kịp đọc/ tiền còn là con dao/ kết thúc cuộc đời hắn.

Đồng hồ chỉ đúng năm giờ. Trời vẫn còn tối mịt mù. Mưa không lớn, nhưng gió gào rít lên từng cơn. Những cành cây lắc lư lắc lư, rồi vít xuống bật lên, nghe vun vút như ngọn roi quất vào thành, vào kính xe. Chiếc BMW không bật đèn, lầm lũi bò trong màn đêm. Vặn lò sưởi hết cỡ, dặn mọi người, đừng hỏi, không nói chuyện, để hắn tập chung lái. Dù đã quá quen thuộc con đường mòn, nằm giữa khu rừng này, nhưng hắn vẫn phải căng mắt lách, tránh những cành cây bị gẫy gập xuống đường. Đây chưa phải là chuyến xe bão táp, với hắn những chuyến xe mùa đông, tuyết đổ còn kinh hoàng hơn rất nhiều. Ra đến đường lớn, bật đèn tăng tốc, hắn cho xe chạy về hướng Autobahn (đường cao tốc) Dresden.

Xe vừa quẹo lên cầu, hắn chợt thấy hai chiếc xe của cảnh sát đỗ sát mép chân dốc bên kia. Lùi, hoặc quay xe, một thoáng nghĩ trong đầu, nhưng đằng sau có mấy xe chạy sát đít, hắn buộc phải chạy thẳng. Hắn vừa vượt qua, cả hai xe cảnh sát, quay đầu chạy từ từ bám sau. Đến ngã tư đèn đỏ, hắn buộc phải dừng, thấy hai người cảnh sát mở cửa xe, đi lên, hắn thốc ga vượt đèn đỏ tháo chạy. Chiếc xe cảnh sát sau cùng rú còi đuổi theo. Hắn đạp hết ga, xe luồn lách như bay trên đường. Chỉ mấy phút sau thôi, khi vào khúc cua, xe của hắn mất lái bay thẳng vào gốc cây. Đầu xe như bị chẻ làm đôi, hắn và người ngồi trên bị ép bẹp dính vào ghế. Ba người ngồi ghế sau và một người nằm trong cốp, bị quật nát, chỉ còn xác nhận được giới tính. Người ta phải dùng cưa, cắt xe ra nhiều phần, mới đưa được xác hắn và sáu nạn nhân xấu số ra ngoài….

Dù đã biết trước, sẽ có chuyện xảy ra với hắn, nhưng cái chết tàn khốc này, nằm ngoài sức tưởng tượng không riêng tôi, mà tất cả những người quen biết hắn. Có lẽ hắn không biết xe của mình đã bị cảnh sát gắn máy định vị chăng? Sống, học tập, làm việc mấy chục năm ở Đức, chắc chắn hắn thừa biết, dù không bị gắn máy định vị, xe hắn không thể thoát khỏi sự truy đuổi của cảnh sát. Vì một phút thiếu kiềm chế, hay phản xạ chạy trốn của người đang làm công việc phạm luật hoặc một lý do nào khác, hắn đã trả bằng chính mạng sống của mình và sáu nạn nhân khốn khổ đó? Đến bây giờ, thật sự tôi cũng không thể hiểu…Và trong đầu tôi chỉ còn vẳng lên mấy câu phỉ đời của hắn.

Một sáng đầu thu, có những cơn gió bất chợt ùa vào lòng, gợi cho ta nhớ về một thời đã qua. Có chuyện vui, làm cho lòng ta rạo rực trở lại. Và có cả những dĩ vãng buồn, làm cho ta bao điều suy nghĩ. Nó lại thôi thúc, buộc ta phải ngồi vào bàn viết. Câu chuyện buồn này, như một tản văn hoặc lời giãi bày có nhân vật và có cốt truyện của mùa thu vậy.

Leipzig ngày 11-9-2013

Tác giả: Đỗ Trường

Ai đang xem chủ đề này?
Guest (2)
Di chuyển  
Bạn không thể tạo chủ đề mới trong diễn đàn này.
Bạn không thể trả lời chủ đề trong diễn đàn này.
Bạn không thể xóa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể sửa bài của bạn trong diễn đàn này.
Bạn không thể tạo bình chọn trong diễn đàn này.
Bạn không thể bỏ phiếu bình chọn trong diễn đàn này.

Powered by YAF.NET | YAF.NET © 2003-2024, Yet Another Forum.NET
Thời gian xử lý trang này hết 0.195 giây.