Ảnh minh họa : Các xe thiết giáp trong cuộc tập trận « Noble Blueprint 2023 » của NATO tại căn cứ quân sự Novo Selo ở Bulgarie ngày 26/09/2023. REUTERS - STOYAN NENOV
Les Echos hôm nay 26/09/2023 có bài điều tra cho biết Bulgarie là nước ủng hộ Kiev một cách bí mật và thiết thực. Quốc gia này thừa hưởng một kho đạn dược lớn thời Liên Xô phù hợp với vũ khí của Ukraina, đồng thời còn l100 thiết giáp đầu tiên cho Ukraina
Hôm 21/07, một tuần sau chuyến thăm Sofia của tổng thống Volodymyr Zelensky, Quốc Hội Bulgarie thông qua với số phiếu 148/52 việc gởi 100 xe thiết giáp BTR-60PB cho Kiev, mở đường cho việc chuyển giao trực tiếp thiết bị quân sự đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng. Thông cáo nói rằng số xe mua của Liên Xô trong thập niên 80 « không còn cần thiết », nhưng có thể giúp được Ukraina « trong cuộc chiến bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ ».
Quyết định này được hầu hết các nhà quan sát hoan nghênh, coi đây là sự dứt khoát với chính sách của các chính phủ tiền nhiệm : cho đến lúc đó, chỉ có Bulgarie và Hungary từ chối giao thẳng vũ khí cho Ukraina. Phải đợi đến ngày 06/06, sau hai năm bất ổn và năm cuộc bầu cử Quốc Hội, một chính quyền liên minh mới lên nắm quyền gồm hai đảng thân châu Âu (GERB và PP-DB), Sofia mới có cùng lập trường với những nước khác trong Liên Hiệp Châu Âu (EU). Nhà nghiên cứu Mark Voyger ở Washington nhận định đây là một thay đổi rất quan trọng.
Là thành viên cũ của Hiệp ước Vacxava, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, Bulgarie có được kho vũ khí dự trữ lớn và kỹ nghệ quốc phòng đáng kể. Tuy không phải là công nghệ cao, nhưng đủ để cung ứng đạn dược theo tiêu chí xô-viết mà Ukraina đang rất cần. Những loại súng và chiến xa của Kiev hầu hết từ thời Liên Xô, đạn dược đã gần cạn sau một năm rưỡi chiến tranh với cường độ cao.
Hai tỉ đô la vũ khí thông qua nước thứ ba
Việc gởi 100 chiến xa tuy mang tính biểu tượng cao, nhưng theo điều tra của nhật báo Đức Die Welt, chỉ là phần nổi của băng sơn. Ngoài mặt tỏ ra trung lập, nhưng thực ra chính phủ Bulgarie đã bí mật bán vũ khí cho một nước thứ ba là thành viên NATO để chuyển cho Ukraina. Trong số các trung gian chính, có Cộng hòa Séc, đã giao xe tăng, giàn phóng rốc-kết đa nòng và pháo cho quân đội Ukraina.
Tổng cộng trên hai tỉ đô la thiết bị đã được Bulgarie xuất khẩu bằng đường bộ hoặc đường hàng không qua Ba Lan, Rumani và Hungary. Ông Kiril Petkov, cựu thủ tướng Bulgarie ước tính 1/3 số đạn mà quân đội của Kiev cần vào đầu cuộc chiến là từ Sofia, thông tin này được cựu ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba xác nhận.
Ngoài vũ khí, đạn dược, Bulgarie còn là một trong những nguồn cung cấp chính diesel, có thể lên đến 40 % nhu cầu. Dầu thô nhập từ Nga nhờ một lỗ hổng trong các biện pháp trừng phạt, trước hết được lọc tại một trạm ở Hắc Hải của công ty Nga Lukoil rồi mới chuyển sang Ukraina. Thủ thuật này nhằm tránh né sự chống đối của đảng Xã Hội và tổng thống Rumen Radev rất thân Nga. Ông Radev mới đây còn tố cáo Ukraina « ngoan cố tiếp tục chiến đấu », cho thấy lập trường trái hẳn với tân thủ tướng Nikolai Denkov, đã đáp trả « Những ai thúc đẩy cuộc chiến này chính là những người thân cận của Putin ».
Nguy cơ bị « thế lực xấu » trả đũa
Cũng như chính quyền, xã hội Bulgarie cũng chia rẽ : đa số phản đối chuyển giao vũ khí tuy 76 % ủng hộ viện trợ nhân đạo cho Ukraina. Ông Voyger giải thích, Bulgarie luôn được coi là mắt xích yếu ở sườn phía đông NATO, do sự xâm nhập sâu sắc của Nga. Tuy nhiên ảnh hưởng này đã giảm xuống, cuộc xâm lăng đã làm cho nhiều người sáng mắt. Hôm Volodymyr Zelensky thăm Sofia, Quốc Hội Bulgarie thông qua tuyên bố ủng hộ Ukraina gia nhập NATO một khi chiến tranh kết thúc.
Tuy không đạt được đồng thuận, nhưng hợp tác quân sự với Kiev rất có lợi cho Bulgarie, một trong những nước nghèo nhất châu Âu. Ngoài thu nhập từ việc sản xuất và bán vũ khí, quân đội Bulgarie còn được hưởng chương trình hiện đại hóa như « Ringtausch » của Đức, giúp những nước gởi xe tăng, thiết giáp cho Kiev được nhận miễn phí các vũ khí hiện đại để đền bù. Tháng 12 năm ngoái Hoa Kỳ đã đề nghị một cơ chế tương tự về hệ thống phòng không.
Dù vậy, khi chính thức hóa việc ủng hộ Ukraina, Bulgarie có nguy cơ bị Matxcơva trả đũa, trong lúc quan hệ đôi bên đã nhạt dần. Theo chuyên gia Mark Voyger, có thể là phá hoại năng lực quốc phòng hay tấn công tin học. Hôm 25/06, vài ngày sau khi chính phủ Bulgarie loan báo ý định tham gia sáng kiến châu Âu nhằm cung cấp đạn dược cho Kiev, một vụ nổ đã phá hủy các kho trữ đạn ở miền đông. Những kho này thuộc sở hữu của nhà buôn vũ khí Emilian Gebrev, từng bị mưu toan ám sát bằng chất độc Novitchok năm 2015. Thủ tướng Nikolai Denkov quy trách nhiệm cho những « thế lực xấu » nhưng không chỉ đích danh.à nhà cung cấp nhiên liệu.
Theo RFI