The Economist nhận thấy một năm rưỡi sau khi khởi động, cuộc chiến tranh của Putin đã lan đến Crimée. Ukraina dần dà giảm thiểu hỏa lực Nga trên bán đảo bị chiếm đóng. Dùng những drone tự chế mới và hỏa tiễn hành trình, Ukraina liên tục oanh kích, tìm cách cắt đường tiếp tế cho quân Nga. Trên biển, Kiev cố phá thế độc quyền của Matxcơva ở Hắc Hải, tấn công chiến hạm Nga ở bất kỳ nơi nào có thể.
Ảnh tư liệu : Một lính cứu hỏa Nga nói chuyện qua bộ đàm, phía sau là một kho chứa xăng dầu bốc cháy vì bị drone Ukraina tấn công. Ảnh chup tại Sébastopol, Crimée ngày 29/04/2023. AP
Crimée bắt đầu nếm mùi chiến tranhTrên chiến trường Ukraina, The Economist nhận thấy « Chiến tranh đã lan sang Crimée ». Chậm nhưng có phương pháp, Ukraina đã giảm thiểu hỏa lực Nga trên bán đảo bị chiếm đóng. Hôm 22/09, hai hỏa tiễn Ukraina đã phá hủy tổng hành dinh Hạm đội Hắc Hải, trong lúc các sĩ quan cao cấp Nga đang họp. Matxcơva cố gắng kiểm duyệt tin tức nhưng không xuể, cư dân mạng mỉa mai : « Ngày thứ 576 của cuộc chiến ba ngày để chiếm Kiev », « Những lằn ranh đỏ đâu rồi ? ». Chính quyền bắt đầu cho kéo còi báo động oanh kích, một điều xưa nay vẫn né tránh.
Một năm rưỡi sau khi khởi động, cuộc chiến tranh của Vladimir Putin đã lan đến Crimée. Từ đầu mùa hè, Ukraina đã tăng cường mạnh mẽ những vụ oanh kích vào bán đảo. Dùng những drone tự chế mới và hỏa tiễn hành trình, Kiev tấn công vào các căn cứ quân sự và sở chỉ huy. Ngày 13/09, một tàu đổ bộ cùng với một trong số sáu tàu ngầm lớp Kilo có thể phóng hỏa tiễn vào duyên hải Ukraina đã bị phá hủy. Một ngày sau, hệ thống phòng không S-400 trị giá hơn 1 tỉ đô la cũng bị tiêu diệt. Và hôm 23/09 sau vụ tấn công tổng hành dinh, thêm một loạt hỏa tiễn hành trình khác đánh vào một bến cảng ở Sébastopol ; song song đó là cuộc phản công trên bộ ở Zaporijia, đông bắc Crimée.
Tất cả những thành công của Ukraina trong việc làm suy yếu sức mạnh không quân, tuyến đường sắt và hậu cần đều nhằm hạn chế tiếp tế cho quân Nga ở Crimée. Trên biển, Kiev cố phá thế độc quyền của Matxcơva ở Hắc Hải, tái kiểm soát những đường hàng hải quan trọng. Ukraina tiêu diệt chiến hạm Nga ở bất kỳ nơi nào có thể, hoặc đẩy lùi ra xa để khó thể tấn công các thành phố, tuyến giao thông. Bắt đầu từ tháng 4/2022 với việc dùng hỏa tiễn Neptune tự chế đưa soái hạm Moskva chìm sâu xuống đáy biển, và từ đó đến nay Kiev đã đánh đắm hoặc làm hư hại 19 chiến hạm Nga.
Kinh tế Ukraina trông cậy vào việc giữ an toàn cho hành lang hàng hải đi và về Odessa mở từ tháng Tám sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Mới đầu các chiến hạm Nga đe dọa, nhưng nay chúng hiếm khi đi vào tây bắc Hắc Hải – một thành công lớn lao cho Hải quân Ukraina vốn chỉ có mỗi một chiến hạm hoạt động được. John Foreman, cựu tùy viên quân sự Anh cho rằng việc Kiev sử dụng đội ngũ drone hải chiến, hỏa tiễn và pháo binh là một chiến lược cổ điển để « cấm biển » như Hải quân Hoàng gia Anh đã vấp phải trong quá khứ.
Nhiều loại drone, hỏa tiễn nhắm vào « gót chân Achille » của NgaCác nhà chiến lược Ukraina luôn coi Crimée là gót chân Achille của Nga : tuy thiết yếu nhưng dễ bị cắt đứt khỏi đất liền. Tổng tham mưu trưởng Ukraina Valery Zaluzhny nhấn mạnh cần làm cho cuộc sống ở Crimée trở nên khó chịu đựng hơn. Sắp tới sẽ có thêm nhiều drone mới, bên cạnh loại « Sea Baby » đã đánh vào cầu Kertch, gần đây còn xuất hiện « Marichka », một loại ngư lôi có sức công phá 450 ký. Hỏa tiễn hành trình có Storm Shadow, Scalp của Anh, Pháp, một phiên bản địa-địa khác của Neptune ; đồng thời chuẩn bị triển khai những loại mới tương đương Kalibr và Kh-101 của Nga.
Chuyên gia Hanna Shelest ở Odessa cho biết chẳng phải tìm đâu xa, vì Ukraina vốn là cường quốc hỏa tiễn. Có một số dự án trước 2014 bị xếp xó vì thiếu tiền và trong một số trường hợp do bị phá hoại, tài liệu biến mất. Chế tạo một hỏa tiễn mới thường mất mười năm, nhưng dùng các mẫu cũ sẽ nhanh hơn rất nhiều. Những hỏa tiễn ATACMS được tổng thống Joe Biden hứa hẹn tuần rồi sẽ giúp mở rộng phạm vi tấn công.
Nga đã dời một số tàu đến các cảng an toàn hơn như Novorossiysk ở phía bên kia Hắc Hải, nhưng tầm quan trọng về tâm lý của Crimée khiến Putin cố bám trụ. Ukraina đã thành công đáng kể trong việc làm thay đổi cán cân lực lượng hải quân, tuy Nga vẫn còn chiếm thế thượng phong. Từ tỉ lệ 12 :1 vào đầu cuộc xâm lăng, nay chỉ còn 4 :1.
Không chỉ ở Crimée, L’Express cho biết « Giữa Belgorod và Matxcơva, người Nga đối mặt với các drone ». Khi ồ ạt cho máy bay không người lái xuất kích, Ukraina muốn dân Nga nhận ra thực tế chiến tranh. Vùng biên giới Belgorod thường xuyên bị tấn công, và cả thủ đô nước Nga, nhưng sau mỗi vụ oanh kích chính quyền vội vã xóa đi dấu vết.
Đồng rúp lao dốcVề kinh tế, cái giá của chiến tranh bắt đầu cảm nhận được tại Nga. The Economist nhận xét trong năm qua, ít có đồng tiền nào tệ hại hơn đồng rúp của Nga.Tháng Chín năm ngoái, một đô la Mỹ đổi được 60 rúp, nay là gần 100 rúp. Sự mất giá liên tục này vừa mang tính biểu tượng đối với người dân bình thường, vừa là nguyên nhân gây căng thẳng trong bộ máy nhà nước. Sự đồng thuận giữa Ngân hàng Trung ương và bộ Tài Chánh không còn nữa.
Nga có thể dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường tiền tệ, nhưng phân nửa trong số 576 tỉ đô la đã bị phương Tây đóng băng, muốn sử dụng số còn lại cũng khó khăn vì hầu hết các định chế bị trừng phạt. Vả lại số dự trữ vốn đã giảm 20 % trước chiến tranh cũng chỉ có thể cứu được đồng rúp trong một thời gian ngắn. Putin có thể cắt giảm chi tiêu quân sự, nhưng kế hoạch 2024 cho thấy ông ta không quan tâm đến việc này.
Trên hoang tàn đổ nát, Ukraina vẫn hy vọng gia nhập EUCuộc xâm lăng Ukraina còn là lý do thuyết phục để mở rộng và cải thiện Liên Hiệp Châu Âu, với 9 quốc gia đang là ứng cử viên, trong đó có Ukraina. Nỗi kinh hoàng của hai trận đại chiến thế giới đã thúc đẩy Pháp, Đức và phương Tây hợp sức, thành lập tổ chức bây giờ là Liên Hiệp Châu Âu. Bảy mươi năm sau, chiến tranh quay lại với châu lục. Những hoang tàn của Ukraina đã gây xúc động cho những quốc gia sáng lập EU. Tham gia câu lạc bộ của những nền dân chủ, hòa bình và thịnh vượng đặt đất nước bị chiến tranh tàn phá và các nước vùng Balkan, Gruzia, Moldova vào một con đường mới đầy hứa hẹn.
Với bản thân EU còn là sự kiện lịch sử, đánh dấu hồi kết của một tiến trình được bắt đầu bằng chiến thắng trước phát-xít. Tuy nhiên cách vận hành sẽ phải thay đổi. Theo The Economist, EU nên đưa ra cam kết, nếu các ứng viên thực hiện đủ những cải cách cần thiết sẽ được gia nhập. Thứ hai, một khi từ 27 nước mở rộng lên 36, không thể tiếp tục để cho một chính phủ duy nhất phủ quyết một chủ trương của toàn khối. Cuối cùng, phải có cơ chế trừng phạt những nước vi phạm những thỏa thuận mà họ đã ký kết.
Đón nhận một loạt thành viên mới là rất khó khăn, nhưng từ 2004 đến 2007, EU đã kết nạp hàng chục nước đa số thuộc Liên Xô cũ, những gì tưởng chừng bất khả đã làm được. Nếu châu Âu muốn được coi là thế lực quan trọng trên thế giới, cần chứng tỏ mình có khả năng hành động. Tương tự, L’Obs cũng đặt vấn đề « Liên Hiệp Châu Âu có nên tiếp nhận các quốc gia mới ? ». Bà Laurence Boone, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu cho bối cảnh thế giới đã thay đổi, và nay để chống lại ý đồ can thiệp của các chế độ độc tài như Nga, khi mở rộng, Liên Hiệp Châu Âu sẽ tăng thêm sức mạnh.
Theo RFI