Le Monde ngày 02/10/2023 cho biết « Trên mặt trận, chiến tranh giao thông hào đã quay lại ». Để xuyên qua phòng tuyến Nga, lực lượng Ukraina bỏ lại các xe bọc thép, ưu tiên chiến đấu bằng bộ binh. Đứng trước thách thức của thời gian, không còn ảo tưởng đánh nhanh thắng nhanh, Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đặt hoa tại Bức tường tưởng nhớ những chiến binh Ukraina đã hy sinh, nhân Ngày của những người bảo vệ Ukraina, 01/10/2023 tại Kiev. via REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS SER
Từ nhiều tuần qua, các video chiến trường do drone quay được, đăng trên mạng xã hội cho thấy những cảnh giống nhau trên chiến tuyến từ Zaporijia cho đến Donetsk, là những nơi đụng độ ác liệt nhất. Những toán quân Ukraina tiến gần các chiến hào Nga, những loạt súng giòn giã, những trận đánh gần như xáp lá cà. Không hề có yểm trợ của không lực hay thiết giáp. Một cách có phương pháp, những chiến binh của Kiev tiễu trừ thành lũy địch theo từng giao thông hào một, đồng thời cố tránh thiệt hại.
Trong khi chiến tranh hiện đại từ nhiều thập niên qua vẫn là những trận chiến từ xa với không quân và pháo binh, cuộc phản công của Kiev chú trọng dùng bộ binh để tiến lên. Thibault Fouillet, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng giải thích, người Ukraina áp dụng lại chiến tranh giao thông hào, với chiến thuật giống như Strumtruppen của quân Đức thời Đệ nhất Thế chiến, sử dụng những người lính tinh nhuệ làm xung kích.
Ban đầu, giới quân sự phương Tây đặt cược vào thiết giáp, chiến thuật mang lại thành công cho NATO trong những cuộc xung đột gần đây, nhất là ở Irak năm 2003 ; nhưng rốt cuộc không hiệu quả trước chiến tuyến « Surovikine ». Một nguồn tin quân sự Pháp lấy làm tiếc khi « Ukraina tiến lên theo từng đoàn mà không chuẩn bị pháo binh lẫn hỏa mù để giấu vị trí ». Theo một ước lượng phương Tây, những đơn vị đợt đầu đã thiệt hại đến 20 %.
Ukraina tái chiếm được một số nơi nhờ chủ động đổi chiến thuậtKết quả là đến mùa hè bộ tham mưu Kiev đã từ bỏ những trận hiệp đồng tác chiến cần phối hợp giữa pháo binh, thiết giáp, công binh và bộ binh, quay lại với sở trường lâu nay. Giám đốc tình báo quân đội Kyrylo Boudanov xác nhận hiện nay những trận đánh chủ yếu bằng bộ binh, xe thiết giáp chỉ dùng để sơ tán hay chuyển quân khẩn cấp đến một địa điểm cụ thể.
Họ không có chọn lựa nào khác, khi một số khu vực cứ mỗi mét vuông có đến năm quả mìn chống tăng, các drone Nga thường xuyên lượn trên đầu. Ông Fouillet cũng khẳng định khi địch thủ không chuẩn bị, có thể dựa vào tốc độ và tính cơ động của chiến xa, nhưng khi mặt trận đóng băng và được phòng thủ kiên cố thì rủi ro quá lớn. Không chỉ xe tăng hạng nặng bị tạm thời « nghỉ hưu » mà cả những model loại nhẹ.
Trước sự ngạc nhiên của phương Tây, chiến thuật này đã giúp Kiev tái chiếm nhiều vùng đất trong những tuần qua, từ Orikhiv cho tới Bakhmut. Đặc biệt tại Verbove, phòng tuyến thứ nhì của Nga đã bị chọc thủng. Theo đà này, Ukraina hy vọng mở đường đến Tokmak và nhất là Melitopol. Nhưng như vậy chỉ có bộ binh là chưa đủ, theo các chuyên gia. Đến một lúc nào đó, Ukraina phải đưa thiết giáp xung trận ở những trọng tâm để có thể tiến sâu.
Theo Thibault Fouillet, khuyết điểm của chiến thuật Kiev là gặm nhấm dần mà không khai thác những lỗ hổng đã phá được. Người Ukraina ý thức được điều này, nhưng vấn đề là nguồn nhân lực hạn chế : Nga có đến 146 triệu dân còn Ukraina chỉ 42 triệu. Vì vậy Kiev đề nghị các đồng minh cung cấp những vũ khí mãnh lực lớn hơn như tiêm kích F-16 hay hỏa tiễn tầm xa 300 kilomet ATACMS, để thay đổi thế trận. Ông Boudanov nói : « Chúng tôi không thể tiếp tục một đấu một ».
Thách thức của một cuộc chiến dài hơiLe Monde cũng nhận thấy Ukraina đang đứng trước thử thách của thời gian. Giai đoạn đầu của cuộc chiến đầy những bất ngờ, che khuất nhịp độ chiến tranh quy ước cổ điển, với những trận đánh chiếm từng mét đất. Không còn ảo tưởng đánh nhanh thắng nhanh, nay Kiev chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lâu dài. Một trong những người sáng suốt nhất chính là tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Valeri Zaloujny, từ lâu đã cảnh báo cuộc chiến có thể kéo dài, nhưng ít người chịu hiểu. Ông không loại trừ khả năng Putin có thể đánh chiếm thủ đô Kiev lần nữa. Và mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ như biên giới năm 1991, nếu không ngoài tầm với, thì cũng đòi hỏi nỗ lực vượt bực và cần thời gian.
Cuộc xâm lăng bắt đầu vào ngày 24/02/2022 nhưng trước đó quân đội Nga đã chuẩn bị từ 2014 với việc chiếm Crimée và tấn công Donbass, như vậy thật ra chiến tranh đã hiện diện từ 10 năm qua. Phía Ukraina, sau khi giải phóng Kiev đã ý thức được hai thực tế. Một mặt, vụ quân Nga thảm sát thường dân khiến không thể thương thảo được với Vladimir Putin. Mặt khác, Nga dù mạnh vẫn có thể bị đánh bại trên chiến trường. Niềm tin này được củng cố hôm 11/11/2022 khi giải phóng Kherson. Từ « hiệu ứng Bucha » đến « hiệu ứng Kherson », chiến tranh cho thấy sẽ còn kéo dài. Tờ báo nhắc nhở, những ai chỉ trích cuộc phản công là chậm chạp, đừng quên rằng trước khi có được chiến thắng Kherson, đã diễn ra nhiều tháng trời chiến đấu gian khổ, giành giựt từng ngôi làng một. Rốt cuộc quân Nga phải rút khỏi thành phố, đơn giản là nhờ đặc điểm địa lý : Kherson nằm bên dòng sông Dniepr, lính Nga có nguy cơ bị vây hãm.
Theo RFI