Ảnh minh họa bảo vệ khu phố và dân phòng ở Hà Nội. AFP
Bộ Công an Việt Nam đề xuất thống nhất công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng thành một lực lượng có tên gọi là “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”.
Theo Nghị định 38/2006/NĐ-CP, bảo vệ dân phố là lực lượng quần chúng tự nguyện làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, được thành lập ở các phường, thị trấn nơi bố trí lực lượng Công an chính quy, do Ủy ban nhân dân phường quyết định thành lập.
Còn lực lượng dân phòng là tổ chức được thành lập dựa trên sự tự nguyện của quần chúng nhân dân, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Pháp luật hiện nay không quy định cụ thể về lực lượng dân phòng phối hợp với các tổ chức, ban, bảo mật an ninh trật tự nông thôn, bảo vệ tổ dân phố hoạt động nhân dân và trực tiếp tham gia vào nhiệm vụ giữ gìn bảo mật an ninh, trật tự trên địa bàn.
Pháp luật hiện nay cũng không có quy định cụ thể về lực lượng dân phòng mà Luật PCCC năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC năm 2013 chỉ quy định: “Đội dân phòng là tổ chức gồm những người tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự ở nơi cư trú.”
Một số người dân lo ngại, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở gồm công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố và tổ trưởng, tổ phó dân phòng như thế sẽ gây thêm bất ổn cho xã hội.
Bà Hồng Thúy, từng là tổ phó dân phố, hiện ở Quận Bình Thạnh nêu quan điểm của bà với RFA sáng 3 tháng 10 năm 2023:
“Xã hội Việt Nam có kiểu mà tôi gọi là ‘tòa án nhân dân’. Tức là người dân do không am hiểu luật pháp nên tự động bắt trộm rồi hè nhau đánh đập người ta có khi đến tử vong. Bây giờ những anh dân phòng cũng là những người dân không có nghiệp vụ gì mà được công nhận chức danh, được trao công cụ hỗ trợ, tức là vũ khí, được trao quyền hành nữa thì xã hội càng loạn chứ không có an ninh hơn như họ tự biện hộ đâu.
Theo tôi, cứ giao việc bảo vệ an ninh khu phố cho lực lượng công an, ít ra họ cũng học nghiệp vụ bắt cướp. Nhưng điều tiên quyết vẫn là phải có luật pháp nghiêm minh thì mới không có lạm quyền. Trong một đất nước bất ổn như hiện nay mà dân phòng có thêm quyền hành, luật pháp không được thực thi đúng thì dân lãnh đủ.”
Theo dự thảo của Bộ Công an, lực lượng này sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ, sổ sách, phương tiện, thiết bị cần thiết; sử dụng trang phục, huy hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; Uỷ ban Nhân dân cấp xã phải cung cấp địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng này. Ngoài ra, lực lượng này còn được quyền bắt người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã; tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng truy bắt người phạm tội đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đang lẩn trốn trên địa bàn.
Theo tôi, cứ giao việc bảo vệ an ninh khu phố cho lực lượng công an, ít ra họ cũng học nghiệp vụ bắt cướp. Nhưng điều tiên quyết vẫn là phải có luật pháp nghiêm minh thì mới không có lạm quyền. Trong một đất nước bất ổn như hiện nay mà dân phòng có thêm quyền hành, luật pháp không được thực thi đúng thì dân lãnh đủ. -Bà Hồng ThúyTruyền thông Nhà nước dẫn lời Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp của Bộ Công an, cho hay, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở không phải là một lực lượng mới mà chỉ là kiện toàn ba lực lượng hiện đang có nên sẽ không phát sinh ngân sách so với hiện hành.
Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu ra một số lo ngại với RFA về việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở:
“Thứ nhất, lực lượng này sẽ được cung cấp dụng cụ hỗ trợ, tức là roi điện, dùi cui, còng số 8, súng đạn…thì chắc chắn phải tốn tiền rồi. Cái thứ hai, họ quy định UBND cấp xã phải bố trí địa điểm, nơi làm việc cho lực lượng thì chắc chắn phải tốn tiền mặt bằng, điện nước, điện thoại, internet… mà trên phạm phí cả nước thì tốn tiền không ít. Đây là một phát sinh thêm về ngân sách nữa.
Thứ hai, liệu tổ chức mới này và lực lượng công an phường, xã hiện nay có dẫm đạp lên nhau về công việc chuyên môn hay không? Thứ ba, họ quy định cho lực lượng này có quyền bắt người phạm tội quả tang. Như vậy, lực lượng mới này có được trang bị chuyên môn thật sự hay không?
Ba điều lo ngại trên làm cho tôi thấy lực lượng mới này không khác gì lực lượng kiêu binh chi loạn của thời phong kiến suy tàn.
Với xã hội trong nước hiện nay mà tôi đang sống, tôi thấy tình hình rất rối ren, nạn lừa đảo, quỵt nợ rất nhiều. Theo tôi, Bộ Công an họ nhìn thấy điều này cho nên họ lập lực lượng này để đẩy trách nhiệm xuống dưới địa phương.”
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Già, nếu lực lượng này không được trang bị đủ chuyên môn, nghiệp vụ mà lại có thẩm quyền bắt người thì sẽ rất nguy hiểm, bởi họ có thể bắt oan người khác với cái nhìn “phạm tội quả tang”.
Chuyện công an, dân phòng đánh chết người dân đã từng nhiều lần xảy ra được truyền thông nhà nước loan tải. Có thể nêu vài ví dụ:
Tháng 2 năm 2022, trong quá trình tham gia tuần tra phòng, chống COVID-19, một nhóm dân quân tự vệ ở thành phố Phan Thiết đã đưa một người dân về trụ sở làm việc, giữ trái phép nạn nhân trong 4 giờ và đánh, sau đó nạn nhân chết tại nhà riêng. Tháng 8 năm 2023, Thiếu tá Hồ Thanh Hòa, phó trưởng Công an xã Tân Thành B, tỉnh Đồng Tháp bị bắt để điều tra, xử lý hành vi làm chết người trong thi hành công vụ.
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí thì cho rằng, việc thành lập lực lượng tham gia bảo vệ an ninh ở cơ sở là không cần thiết. Ông phân tích:
“Việc thành lập như thế làm cho bộ máy an ninh trật tự ngày càng phình lên tới mức bất hợp lý. Mà bản thân những người thực thi pháp luật lại không am hiểu luật pháp thì mâu thuẫn xã hội ngày càng nảy sinh chứ không hề giảm bớt.
Tôi thấy rằng, nếu trong một nhà nước pháp quyền thật sự thì người ta sẽ không cần một lực lượng như vậy. Thế còn tình trạng lạm quyền ở lực lượng cơ sở, lực lượng không chính quy như dân phòng nó đã diễn ra lâu nay, bởi hầu hết những người tham gia lực lượng này là những người không công ăn việc làm, không có trình độ. Mà sự lạm quyền không cứ lực lượng này mà ngay cả công an bây giờ cũng hết sức lạm quyền.
Trong một xã hội mà ý thức chấp hành pháp luật của cả lực lượng chấp pháp như công an, tòa án, Viện kiểm sát… cũng như của người dân đều không tốt thì việc trao thêm quyền cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở như thế chỉ tạo thêm những nguy cơ bất ổn sâu sắc hơn về mặt xã hội mà thôi. Lý do là chính lực lượng này là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với người dân.
Chắc chắn với cách làm việc lạm quyền thì người dân cũng sẽ có những biện pháp đối phó lại. Như thế, xã hội vốn đã bất ổn lại càng bất ổn hơn.”
Việc thành lập như thế làm cho bộ máy an ninh trật tự ngày càng phình lên tới mức bất hợp lý. Mà bản thân những người thực thi pháp luật lại không am hiểu luật pháp thì mâu thuẫn xã hội ngày càng nảy sinh chứ không hề giảm bớt. - Ông Vũ Minh Trí Số liệu mới nhất của Bộ Nội vụ cho thấy, cả nước hiện có hơn 80.000 đơn vị hành chính cấp thôn. Theo Bộ Công an, mỗi đơn vị hành chính cấp thôn có thể bố trí một tổ an ninh trật tự với ít nhất ba thành viên do chính quyền địa phương quy định. Như vậy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở sẽ khoảng 240.000 người. Kinh phí và cơ sở vật chất cho lực lượng này sẽ lấy từ ngân sách địa phương. Trường hợp khó khăn, ngân sách trung ương sẽ hỗ trợ.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 04/10/2023 lúc 08:58:55(UTC)
| Lý do: Chưa rõ