Nghị Viện Châu Âu, hôm qua 03/10/2023, đã bỏ phiếu thông qua Luật tự do truyền thông (Media Freedom Act) nhằm tăng cường sự minh bạch và tính độc lập của các cơ quan truyền thông trong các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Đây là bước đầu tiên để buộc các nước Liên Âu bảo đảm tính đa nguyên, sự độc lập của truyền thông, không bị can thiệp của các cơ quan chính trị, kinh tế của chính phủ hay tư nhân.
Quốc kỳ của các nước thành viên Liên Âu bên ngoài Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 12/09/2023. REUTERS - YVES HERMAN
Thông tín viên Jean-Jacques Héry tường trình từ Strasbourg :
Là người ngay từ đầu đã ủng hộ văn bản luật, được đại đa số thông qua với 448 phiếu hôm qua, nghị sĩ Sabine Verheyen, chủ tịch Ủy ban Văn hóa, thuộc Đảng Nhân Dân Châu Âu (PPE) và cũng là báo cáo viên dự luật này, nhận định : Chúng ta thấy truyền thông đang bị đe dọa tại nhiều nước. Chúng tôi nghĩ tới Hungary, Ba Lan hay việc theo dõi các nhà báo tại Hy Lạp”.
Nhưng thời sự mới đây tại Pháp lại càng nhấn mạnh tính cấp bách cho một văn kiện pháp lý như thế này, nghị sĩ đảng Xanh, David Cormand, phát biểu trên diễn đàn: “Một nhà báo bị bắt, nhà ở bị lục soát. Một tuần báo tầm quốc gia được một tỷ phú có tư tưởng cực hữu mua lại. Các ban biên tập không còn nhà báo. Tất cả những tình hình đó đang diễn ra ở nước Pháp của tôi”.
Phần đầu tiên của văn bản luật : các cơ quan truyền thông phải nói rõ sở hữu chủ là ai. Đó là sự minh bạch để bảo đảm tính độc lập. Tiếp đó, luật đề ra các biện pháp bảo vệ, cấm giam giữ, khám xét nhà, nơi làm việc đối với các nhà báo nhằm bảo vệ nguồn tin. Các loại phần mềm theo dõi chỉ được sử dụng trong trường hợp đặc biệt và phải có quyết định của tư pháp cho phép, thí dụ như trong các vụ việc liên quan đến khủng bố.
Giờ đây là phần thảo luận với những quốc gia thành viên để đạt thỏa thuận cuối cùng. Các cuộc thảo luận được dự báo là sẽ khó khăn bởi trong Hội Đồng Châu Âu và theo sáng kiến của Pháp, người ta muốn có nhiều điều khoản đặc cách cho vấn để bảo vệ nguồn tin, đặc biệt với lý do an ninh quốc gia. Hy vọng đến tháng Hai năm tới sẽ có được thỏa thuận cuối cùng.
Theo RFI