Ông bà ta nói nhiều câu đúng lắm. Ví dụ: “Cá không ăn muối cá ươn”. Nhưng bây giờ là thế kỷ 21 rồi, có
nhiều chuyện ông bà dù khôn ngoan tới đâu cũng không thể “thấy” trước được. Chẳng qua là cuộc sống
hiện đại thay đổi quá nhiều và quá nhanh ở Việt Nam mà kinh nghiệm cổ truyền của ông bà không theo
kịp. Vì vậy mà e rằng vế thứ hai của câu trên không còn đúng nữa, mà phải đổi “Con cãi cha mẹ trăm
đường con hư” thành “Con cãi cha mẹ trăm đường con… nên”.
Ngày nay, giới trẻ ở Việt Nam đã ít nhiều hội nhập với văn hóa toàn cầu. Họ suy nghĩ khác cha mẹ họ
nhiều, họ tự tin và sống độc lập cũng sớm hơn và khác hơn cha mẹ họ. Những điều này đặc biệt đúng
trong trường hợp những bạn trẻ từ tỉnh, thành phố khác lên Sài Gòn học, rồi ở lại nơi đây làm việc thay vì
là về lại quê theo ý cha mẹ. Có thể nói đùa cho vui là họ mang tiếng cãi cha mẹ, nhưng thực tế chỉ là họ
muốn đi một con đường khác hơn con đường cha mẹ chọn cho họ hoặc muốn họ đi. Hiện nay những
trường hợp các bạn cãi cha mẹ mà nên ở Việt Nam thì nhiều không kể hết.
Hà Thị Tố Hương là một trường hợp như thế. Là một người tình cảm hơn một người Việt Nam trung
bình, làm thế nào Hương cãi cha mẹ để ở lại thành phố lập nghiệp, và làm thế nào Hương đối phó với
những thử thách trong cuộc sống bon chen ở Sài Gòn?
Chiến thuật chậm mà chắc
Quê Hương ở Vĩnh Long. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 2001, ba Hương muốn con về quê làm
việc ngay. Vốn tính cứng đầu, và nếu ba nói không đúng thì không nghe, Hương quyết định ở lại Sài
Gòn để làm việc. Biết không thể thuyết phục được ba rằng một sinh viên mới ra trường như mình có thể
tự tin và chắc chắn là sẽ lập nghiệp được ở Sài Gòn, Hương áp dụng chiến thuật mà cô gọi là “xin từng
giai đoạn”.
Ban đầu Hương chỉ xin ba cho một năm “ở trên này”. Lời van xin nồng nhiệt như thế của con trẻ nghe
khá hợp lý và dễ chấp nhận nên ba Hương cũng không từ chối. Tuy thế, những cú điện thoại từ Vĩnh
Long của ba gọi lên cứ đến đều đều, vừa như trách móc vừa là lo lắng, nói rằng “ở Sài Gòn là mò kim
dưới đáy biển, chẳng được gì đâu”, rằng “xã hội Sài Gòn rộng lớn như vậy, con ở quê lên sao mà làm
được chuyện gì.”
Hương nghe và hiểu lòng ba nhưng vẫn cương quyết giữ vững ý định lập nghiệp ở Sài Gòn của mình.
Sau một năm, cảm thấy mình đã và đang làm được một chuyện gì đó có ý nghĩa cho cuộc đời của
mình, Hương xin ba ở thêm một năm nữa.
Từ từ, hai năm trôi qua. Đến lúc này, Hương hoàn toàn tự tin về cuộc sống của mình ở thành phố. Cô
chính thức báo tin cho ba mẹ là cô sẽ không quay về Vĩnh Long vì công việc nữa. Hương nói với ba mẹ
“dù cuộc sống ở thành phố có khó khăn thì tự con chịu, tự gánh vác. Con không về Vĩnh Long thì ba
cũng đừng buồn”.
Thành công rồi!
Năm 2009 Hương mua căn nhà đầu tiên, là căn trong chung cư ở Bình Trưng, Quận 2. Ba mẹ thấy rằng
con ở quê lên mà mua được nhà ở Sài Gòn đúng là một điều đáng khích lệ. Ba mẹ bắt đầu không ép
Hương về chuyện Vĩnh Long nữa, và để cho con tự lo. Thỉnh thoảng ba lên thăm Hương, thấy con một
thân một mình thì không khỏi lo lắng, xót xa. Ba lại nói “về đi, ở trên này làm được cái gì, ai lo”. Nói thì
nói thế thôi, Hương càng ngày càng bám rễ chặt hơn ở Sài Gòn rồi.
Năm 2012, Hương trên 30 tuổi. Hương mua căn nhà thứ 2 ở chung cư An Phúc, Quận 2. Đến lúc này,
ba không thể bỏ qua một sự thật rành rành trước mắt là đứa con gái Hương của ba đã trở thành một
người đàn bà chín chắn, thành đạt. Nghĩa là Hương đã hoàn toàn “trụ được” rồi. Từ đó, mỗi lần ba lên
thăm Hương ở Sài Gòn, ba không đả động chút gì đến chuyện về Vĩnh Long nữa.
Âm thầm hiện tại và tương lai
Nhà dư ở rồi, Hương dự tính sẽ sớm mua đất xây biệt thự để đầu tư, và mua xe hơi, và đi học các khóa
về nghiên cứu thị trường. Có thể nói Hương đã đạt được ước mơ tự do về tài chính mà nhiều người
Việt Nam, trẻ cũng như già, đều mơ ước. Cô đã thành công thật rồi. Một cách rất khiêm tốn, Hương nói:
“Thành công hay không, bản thân mình phải thấy là hiện tại mình đã làm được gì và mình có cảm thấy
vui vì điều đó hay không. Tôi không cho là mình giỏi gì nhưng những gì tôi đạt được, tôi hài lòng với nó.”
Là Trưởng Bộ Phận (Senior Manager) trong một công ty nghiên cứu thị trường lớn và có tiếng trên thế
giới, sự thành công của Hương không chỉ thể hiện trong cách cô giải quyết công việc, mà quan trọng
hơn là trong cách cô đối xử với con người. Phương châm sống của Hương là “sống tốt với mọi người
thì về nhà chẳng phải suy nghĩ gì”.
Đem nó vào trong công việc, và Hương xây dựng được một đội ngũ nhân viên làm việc theo tinh thần vì
kết quả công việc, vì nhau, vì tình người, vì sự phát triển năng lực bản thân và nhân cách trong một môi
trường làm việc mang tính con người, và vì những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Nói nghe có thể khó
tin, nhưng nhìn mọi người trong nhóm Hương làm việc, người ta như thấy một gia đình nhỏ thân thiết
đang bươn chãi giữa dòng đời Việt Nam. Hương cảm thấy vui và tự hào về cuộc sống như thế.
Dấn thân, bản lĩnh, đơn giản, tình cảm và chân thành. Nói gì thì nói, ở đâu, vào thời buổi nào thì những
con người lao mình vào cuộc sống như thế, hành động lớn hơn lời nói như thế, tự mình chọn con
đường đi trong đời, là những người đã âm thầm góp phần vào lịch sử của một Việt Nam ngày càng văn
minh và giàu mạnh hơn.
Anvi Hoàng