Ra đi. Người dân nghèo khó ra đi, người giàu có cũng ra đi, cán bộ quan chức chính quyền cũng tìm cách thu vén đưa con cái cùng tài sản ra đi. Ngày xưa, thuyền nhân ra đi bất kể sống chết. Ngày nay, đất nước hoà bình, phát triển, người dân cũng ra đi bất kể sống chết. Chúng ta mất hết, mất hết. Thỉnh thoảng lại nghe vọng lại những lời xin lỗi vang lên từ những chuyến xe tải đông lạnh:
"Con Tuân đây. Con xin lỗi. Con không chăm sóc được mọi người. Con xin lỗi. Con không thở được. Con muốn quay về với gia đình mình. Mọi người hãy sống tốt".
"Con không thở được. Con xin lỗi. Con phải đi bây giờ".
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi, con đường đi nước ngoài không thành, mẹ ơi, con thương bố mẹ nhiều, con chết vì không thở được”.
Có lúc lời xin lỗi ấy lại thầm lặng hoà cùng tiếng sóng biển. Chúng ta chỉ được biết đến khi những quốc gia sở tại thông báo về những thây người Việt trôi ở vùng biển Đài Loan, hay chiếc phao trống người, bập bềnh trôi ở vùng biển tây Flanders Thuỵ Sĩ.
Ôi! Xin lỗi, xin lỗi! Ai là người cần nói lời xin lỗi, cái anh ba, cô út áo nâu khăn rằn ngày xưa đó ơi!
Làng quê, bãi mía, cầu ao, ánh trăng nằm đó đơn côi. Trong căn nhà, mẹ ngồi nhớ con. Nhớ những tháng ngày nhà mình còn là mái lá, nhớ tiếng cười con rớt lại nơi cây khế, nơi gốc mít, nơi bờ ao trước hiên nhà. Câu thơ của Nguyễn Đình Chiểu tự dưng mà nghe đứt ruột:
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay
(Chạy Tây, Nguyễn Đình Chiểu)
***
Nói với K&T
Con ạ, cách đây năm năm, cũng đúng vào ngày 23/10/2019, một thảm trạng xảy ra tại hạt Essex, đông bắc London đã làm chấn động toàn thể nước Anh. Cảnh sát đã được thông báo rằng trong một xe tải đông lạnh (container) tại khu công nghiệp Waterglade có 39 người nhập cư đã chết vì ngạt thở. Vụ việc này cũng gây rúng động chính trường Vương quốc Anh từ Thủ Tướng Boris Johnson cho đển các vị lãnh đạo những đảng phái chính trị. Sự rúng động đến từ nỗi thương tâm dành cho những ước mơ thiện lành của những người trẻ Việt Nam “Người ta vẫn nghĩ rằng đi ra nước ngoài mọi sự dễ dàng hơn, kiếm tiền dễ, có thể gửi được nhiều tiền về để giúp đỡ gia đình, để xây nhà to cho bố mẹ, để giúp nuôi các em ăn học..."
Những lời xin lỗi được tìm thấy trong 50 chiếc điện thoại mà cảnh sát Anh thu thập từ hiện trường đã được công bố trong một phiên toà xử những kẻ buôn người ở Luân Đôn: Lời xin lỗi đầu tiên là của một người tên Tuân gởi cho vợ, con và mẹ của anh. Lời thứ hai của một người nam gởi cho gia đình. Lời cuối cùng của cô Nguyễn Thị Trà Mi gởi lại cho bố mẹ.
Nhiều người dân địa phương đã đến đặt hoa ở nơi ấy. Nơi những người trẻ Việt Nam ra đi, mang theo với mình niềm mơ ước về một miền đất hứa và một tình yêu thắm thiết dành cho người thân và gia đình.
Nguyệt Quỳnh