Mete bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người dùng để đăng quảng cáo
Cơ quan quản lý dữ liệu châu Âu mới đây đồng ý mở rộng lệnh cấm do Na Uy – quốc gia không phải là thành viên EU – áp đặt lên ‘quảng cáo dựa vào hành vi’ trên Facebook và Instagram để áp dụng cho tất cả 30 nước thuộc Liên minh châu Âu và Khu vực kinh tế châu Âu.
Lệnh cấm kiểu quảng cáo này, vốn nhắm tới người dùng bằng cách thu thập dữ liệu của họ, là một bước lùi đối với hãng công nghệ khổng lồ Meta của Mỹ, chủ sở hữu hai mạng xã hội. Hãng này lâu nay vẫn phản đối những nỗ lực hạn chế cách làm nêu trên.
Meta có nguy cơ bị phạt tới 4% doanh thu toàn cầu, cơ quan quản lý dữ liệu Na Uy cho biết.
Quyết định của Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Châu Âu (EDPB) là một chỉ thị để cơ quan quản lý dữ liệu của Ireland trong vòng 2 tuần được ra tay áp đặt lệnh cấm vĩnh viễn việc Meta sử dụng quảng cáo dựa vào hành vi, EDPB cho biết trong một thông báo với Reuters. Ireland là nơi đặt trụ sở chuyên trách châu Âu của Meta.
“Vào ngày 27/10, EDPB đã thông qua một quyết định khẩn cấp mang tính ràng buộc... để áp đặt lệnh cấm xử lý dữ liệu cá nhân cho quảng cáo dựa vào hành vi, trên cơ sở pháp lý là hợp đồng và lợi ích hợp pháp trên toàn bộ Khu vực Kinh tế Châu Âu”, thông báo viết.
Meta hôm 1/11 cho hay họ đã nói họ sẽ cho người dùng ở EU và EEA cơ hội đồng ý, và sẽ đưa ra mô hình đăng ký vào tháng 11 để tuân thủ các quy định về quản lý.
“Các thành viên EDPB đã biết về kế hoạch này trong nhiều tuần và chúng tôi đã làm việc đầy đủ với họ để đi đến kết quả thỏa đáng cho tất cả các bên”, một phát ngôn nhân của Meta cho biết.
“Diễn biến này đã phớt lờ quy trình quản lý cẩn trọng và sâu sát này một cách không thể biện minh”.
Kể từ ngày 7/8, Meta đã phải chịu khoản tiền phạt hàng ngày ở Na Uy là 1 triệu crown (tức 90.000 đô la Mỹ) vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng bằng cách sử dụng dữ liệu của họ, chẳng hạn như vị trí hoặc hành vi trên mạng, để đăng quảng cáo, mô hình kinh doanh phổ biến của Big Tech, tức các tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Cơ quan quản lý dữ liệu Na Uy, Datatilsynet, hồi tháng 9 cho biết họ đã chuyến vấn đề phạt đang được áp dụng này sang cơ quan quản lý châu Âu, vì việc phạt này chỉ có hiệu lực ở Na Uy.
Biện pháp phạt này sẽ hết hạn vào ngày 3/11, nhưng Meta có thể hứng chịu hình phạt tài chính nặng hơn nhiều, theo Tobias Judin, người đứng đầu bộ phận chuyên trách các sự vụ quốc tế của Datatilsynet.
“Do giờ đây chúng ta sẽ có lệnh cấm vĩnh viễn, việc không tuân thủ lệnh cấm trên toàn EU/EEA tự nó sẽ vi phạm GDPR, tức quy định bảo vệ dữ liệu chung, và có thể bị xử phạt lên tới 4% doanh thu toàn cầu”, Judin nói với Reuters.
Quyết định này ảnh hưởng đến khoảng 250 triệu người dùng Facebook và Instagram ở châu Âu, Datatilsynet cho hay.
Theo VOA