Các chiến binh Hezbollah tập trận tại làng Aaramta ở quận Jezzine, miền nam Liban, ngày 21/05/2023. AP - Hassan Ammar
Trang nhất của nhật báo Le Monde tiếp tục quan tâm đến xung đột giữa Israel và tổ chức Palestine Hamas, và đặt câu hỏi – tại sao tổ chức Hezbollah ở Liban vẫn chần chừ, không phát động một cuộc tấn công vào Israel ?
Chỉ cần một đoạn video dài 10 giây, cho thấy thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah, xuất hiện trước nền phông vàng của phong trào Hồi Giáo Shia, được phát trên mạng xã hội hôm 29/10, là đủ để kích động những người ủng hộ ông và khiến tất cả người dân Liban cảm thấy hồi hộp. Cụ thể, Hassan Nasrallah, người đang « nắm giữ vận mệnh » của Liban, sẽ có bài phát biểu trên truyền hình trong buổi lễ vinh danh các « liệt sĩ » vào ngày 03/11, bài phát biểu đầu tiên của ông kể từ khi xung đột giữa Hamas và Israel nổ ra hôm 07/10.
Việc Hassan Nasrallah vẫn « im lặng » cho đến nay đã làm dấy lên lo ngại về việc liệu ông có định mở mặt trận thứ hai chống lại Israel hay không. Sau bài phát biểu vào thứ Sáu tới, người dân Liban có thể sẽ chưa có câu trả lời. Nhưng phát biểu của ông rất được những người ủng hộ Hezbollah mong chờ, một tổ chức vốn đang trong tình trạng bị chia rẽ giữa sự hoài nghi và hy vọng. Nancy Ezzeddine, chuyên gia thuộc tổ chức cố vấn Hà Lan, Clingendael, nhận xét rằng các ý kiến phân cực đang dần xuất hiện trong suy nghĩ của hàng ngũ lãnh đạo Hezbollah, đặt tổ chức này vào một tình thế « tiến thoái lưỡng nan ». Một quyết định leo thang sẽ đẩy Liban vào một cuộc xung đột tàn khốc, nhưng một phản ứng « nhu nhược » sẽ đi ngược lại với « luận điệu cứng rắn » mà họ vẫn luôn sử dụng, đe dọa đến tính chính đáng của tổ chức và thậm chí còn làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng huy động lực lượng ra chiến trường.
Những người ủng hộ Hezbollah nhiệt thành nhất, những người luôn đề cao sự nghiệp của người Palestine và bày tỏ sự thù địch với Israel, không hiểu được sự do dự của Hezbollah, khi tổ chức này vẫn chần chừ, chưa quyết định tuyên chiến với « kẻ thù », sau khi Israel phát động cuộc tấn công trên bộ vào dải Gaza. Họ thường xuyên đồng thanh hô khẩu hiệu « Hỡi Nasrallah, hãy tấn công Tel Aviv » trong các cuộc biểu tình, đám tang và thậm chí trong các bài hát họ sáng tác và đăng lên mạng xã hội.
Còn những người ủng hộ Hezbollah một cách chừng mực hơn, mà phần đông sống ở miền nam Liban, sát với biên giới Israel, thậm chí còn nghi ngờ về tính khả thi của một cuộc xung đột mới, trong khi đất nước đang bị suy yếu bởi một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị. Bà Nancy Ezzeddine giải thích : « Nhiều người thậm chí còn băn khoăn không biết Hezbollah có đáng phải chiến đấu vì người Palestine hay không. »
Sự hoài nghi của họ được chứng thực bởi số lượng lớn các chiến binh Hezbollah, gần 50 người, đã thiệt mạng kể từ ngày 07/10. Hầu hết đều bị chết do các cuộc oanh kích bằng drone, và nhiều binh sĩ mới có 20 tuổi.
Le Monde kết luận rằng mọi người có lý do để lo ngại về một cuộc xung đột ở phía bắc Israel, song vẫn muốn tỏ ra lạc quan khi cho rằng Hezbollah sẽ không mặn mà trong việc tiến hành một cuộc xung đột tàn khốc chống lại Israel vì lợi ích của Hamas, trừ khi sự tồn tại của Hamas thực sự bị đe dọa. Nancy Ezzeddine cho biết thêm : « Ưu tiên của Hezbollah vẫn là bảo vệ trục kháng chiến do Iran lãnh đạo, chứ không phải bảo vệ người Palestine. »
Xung đột Israel-Hamas : Các bệnh viện ở Gaza trở thành « bia đỡ đạn »
Nhật báo thiên hữu Le Figaro thì dành trang nhất chú ý đến tình trạng ngày càng « thê thảm » của các bệnh viện nằm ở dải Gaza, kể từ khi xung đột nổ ra. Trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ tại bệnh viện Nasser ở Khan Younes, phía nam dải Gaza, bác sĩ Ahmed Mougrabi tận dụng thời gian nghỉ giữa hai ca phẫu thuật để bế con gái 3 tuổi trên tay. Vì ngôi nhà của họ bị hư hại sau một vụ oanh kích, nên gia đình bác sĩ phải trú ẩn trong bệnh viện.
Bác sĩ Mougrabi cho biết rằng cả gia đình phải ngủ trong phòng làm việc của anh : « Tôi đang phẫu thuật ở một bệnh viện khác thì em trai báo cho tôi biết là một quả bom đã phát nổ rất gần nhà tôi. Tôi thực sự không biết gia đình tôi còn sống hay đã chết. Lúc đó, tôi băn khoăn không biết có nên ngừng ca phẫu thuật hay không. Tôi nói với em trai hãy đưa gia đình tôi đến bệnh viện Nasser. Dù họ có chết thì tôi vẫn muốn nhìn thấy họ lần cuối. Cảm ơn Chúa, khi tôi về đến bệnh viện, họ chỉ bị sốc, và đứa con gái bé bỏng của tôi bị thương. Nhưng họ vẫn sống. »
Kể từ ngày 07/10, bác sĩ Mougrabi đã làm việc không ngừng nghỉ : « Bệnh viện bị quá tải. Chúng tôi có 350 giường, nhưng có đến hàng nghìn người bị thương. Chúng tôi đang thiếu rất nhiều thiết bị y tế. Giờ đây, tôi có thể bị buộc phải phẫu thuật mà không gây mê, và nhiều bác sĩ đã thiệt mạng trong các vụ oanh kích. Cá nhân tôi thì đã mất ba người bạn bác sĩ. »
Theo một tài liệu được bộ Y tế Hamas ở dải Gaza công bố hôm 29/10, đã có 124 nhân viên y tế thiệt mạng kể từ khi xung đột nổ ra, 25 xe cứu thương đã trở thành mục tiêu của các cuộc không kích, cùng với 12 bệnh viện và 32 trung tâm y tế đã ngưng hoạt động hoàn toàn.
Về phần mình, quân đội Israel khẳng định là Hamas đã thành lập các trung tâm chỉ huy được bố trí trong các bệnh viện ở Gaza, điển hình là bệnh viện Al-Shifa. Israel cáo buộc phong trào Hồi Giáo sử dụng những cơ sở hạ tầng này làm « bia đỡ đạn ».
Theo RFI