Đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc, Bashar Jaafari. Ảnh ngày 12/09/2013
ReutersNgày 12/09/2013, Liên Hiệp Quốc thông báo đã nhận được đơn của Syria xin tham gia Công ước 1993, cấm vũ khí hóa học. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon hoan nghênh sáng kiến này và đã « bày tỏ hy vọng là các cuộc thảo luận đang diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ (giữa Nga và Hoa Kỳ về kế hoạch dỡ bỏ hệ thống vũ khí hóa học của Syria), nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ».
Theo thông cáo của Tổng thư ký Ban Ki Moon, trong một bức thư gửi Liên Hiệp Quốc, chính phủ Syria « đã bày tỏ cam kết tôn trọng những nghĩa vụ ghi trong Công ước, thậm chí trước khi văn bản này có hiệu lực tại Syria ».
Trước đó, phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Farhan Had tuyên bố : « Cách nay vài giờ, chúng tôi đã nhận được một tài liệu xin tham gia từ phía chính phủ Syria liên quan đến Công ước về vũ khí hóa học và chúng tôi đang nghiên cứu ».
Đại diện của Liên Hiệp Quốc cho AFP biết việc tham gia Công ước, hiện đã có rất nhiều quốc gia ký kết, đòi hỏi « một số thủ tục » và « vài ngày ». Việc tham gia Công ước mới chỉ là « giai đoạn đầu tiên ». Mặt khác, đơn xin của Syria còn phải đợi sự chấp nhận của Liên Hiệp Quốc, tổ chức đứng ra bảo đảm cho Công ước này.
Cũng trong ngày hôm qua, khi trả lời phỏng vấn truyền thông Nga, Tổng thống Syria Bachar al-Assad cho biết là Damas sẽ « gửi một thông điệp tới Liên Hiệp Quốc và Tổ chức cấm vũ khí hóa học, trong đó có những tài liệu kỹ thuật cần thiết cho việc ký kết Công ước ».
Công ước cấm vũ khí hóa học (CIAC) được ký ngày 13/01/1993 tại Paris và có hiệu lực từ ngày 29/04/1997, cấm sản xuất, tích trữ và sử dụng vũ khí hóa học, cấm các nước ký kết Công ước giúp đỡ các nước khác tiến hành sản xuất hoặc sử dụng vũ khí hóa học. Việc thực thi Công ước, đặc biệt là việc tiêu hủy các kho tích trữ đặt dưới sự giám sát của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OIAC), có trụ sở tại La Haye, Hà Lan.
Theo thủ tục được áp dụng tại Liên Hiệp Quốc đối với các Công ước, việc ký kết văn bản này có giá trị pháp lý như phê chuẩn và thông thường được tiến hành kể từ khi Công ước có hiệu lực.
Syria chưa bao giờ tham gia Công ước 1993, nhưng đã ký Nghị định thư Genève 1925 cấm sử dụng vũ khí hóa học. Có nhiều nước vẫn chưa ký Công ước 1993, trong đó có Bắc Triều Tiên, Israel, Ai Cập.
Theo đại sứ Syria tại Liên Hiệp Quốc Bachar Jaafari, qua việc gửi đơn lên Liên Hiệp Quốc, từ nay trở đi, về mặt pháp lý, Damas đã tham gia Công ước 1993 và « một chương trong hồ sơ vũ khí hóa học sẽ kết thúc ».
Theo vị đại sứ này, Syria đã phát triển vũ khí hóa học như là một phương tiện răn đe chống lại hệ thống vũ khí nguyên tử của Israel. Theo giới chuyên gia, Israel là một cường quốc hạt nhân, nhưng chưa bao giờ chính thức thừa nhận có bom nguyên tử.
Đầu tuần tới, các chuyên gia quốc tế sẽ trình Liên Hiệp Quốc bản báo cáo cuộc điều tra về vũ khí hóa học tại Syria. Đại diện chính quyền Damas tỏ ra tự tin vì Syria « không có gì phải che dấu cả », nhưng nhấn mạnh là Syria không muốn thấy một văn bản « thiên vị, bị chính trị hóa hoặc bị thao túng ».
Phát ngôn viên phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc Etin Pelton tuyên bố là cần phải có những biện pháp đi cùng với việc Syria tham gia Công ước, cho phép phát hiện, thu gom và tiêu hủy hệ thống vũ khí hóa học, dưới sự kiểm soát của quốc tế và Syria sẽ phải hứng chịu các hậu quả, nếu không tôn trọng các nghĩa vụ cam kết.
Theo RFI