GARDEN GROVE, California (NV) – “Mười ba năm tù đằng đẵng, có biết bao buồn vui khổ nhục đã xảy ra. Tôi xin ghi lại để các thế hệ trẻ hiểu tại sao dân tộc Việt Nam vì hai chữ Tự Do mà phải bị tù tội, bị đày đọa, phải rời xa quê hương hay vượt biên bằng đường bộ, hoặc đường biển cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng…”
Tác giả Nguyễn Thanh Thủy kể lại chuyện đời tù trong ngày ra mắt sách “Đời Tù Một Thiên Nga.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Đó là lời kết cuốn sách ra mắt “Đời Tù Một Thiên Nga” của bà Nguyễn Thanh Thủy, biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga (13 năm tù Cộng Sản), cựu thiếu tá Cảnh Sát Quốc Gia, đương kim hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH, trong buổi ra mắt sách tại Thư Viện Việt Nam, Garden Grove, chiều Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Một.
Ông Nhữ Đình Toán, cựu thiếu tá Cảnh Sát Quốc Gia, bạn đồng học Khóa I Sĩ Quan Cảnh Sát tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia với bà Nguyễn Thanh Thủy, cho hay năm 2018 ông được mời điều hợp chương trình qua tác phẩm đầu tay “Biệt Đội Thiên Nga” của nữ biệt đội trưởng Thiên Nga, và hôm nay là lần thứ hai với tác phẩm “Đời Tù Một Thiên Nga.”
Ông Toán cho hay mặc dù cả hai cuốn sách đều nói về Thiên Nga, nhưng nội dung của hai cuốn sách này hoàn toàn khác nhau: “Nếu cuốn thứ nhất, chị Thủy của Biệt Đội Thiên Nga chỉ kể về những hoạt động tình báo của các Thiên Nga trước 1975, thì cuốn thứ hai này kể về những ngày tháng khổ nạn tù tội của một Thiên Nga, chính là tác giả Nguyễn Thanh Thủy, sau Tháng Tư 1975. Nói sao cho hết những oan khiên khắc nghiệt trong chốn lao tù, nhất là những trại tù nữ. Trong cuốn nhật ký ‘Đời Tù Một Thiên Nga,’ chị Thủy đã phác họa cho chúng ta thấy được phần nào khổ nạn lao nhục nghiệt ngã mà một người tù nữ như chị Thủy đã từng trải qua.”
Bà Nguyễn Thanh Thủy, biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga, cựu thiếu tá Cảnh Sát Quốc Gia, và sách ra mắt “Đời Tù Một Thiên Nga.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Tác giả Nguyễn Thanh Thủy phát biểu: “Năm 2018, cuốn sách ‘Biệt Đội Thiên Nga’ ghi lại tổ chức, hoạt động với mục đích của nữ sĩ quan và nhân viên Thiên Nga thuộc Khối Cảnh Sát Đặc Biệt, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa từ trung ương đến Bộ Chỉ Huy Thủ Đô và khắp bốn vùng chiến thuật, với vô vàn khó khăn nguy hiểm trong công tác xâm nhập, thu thập tin tức Việt Cộng, cùng với những nữ tình báo Thiên Nga, chứng tỏ họ rất kiên trì, gan lì nhạy bén do lòng yêu tổ quốc, yêu tự do cao độ. Cuốn ‘Biệt Đội Thiên Nga’ đã được vào Thư Viện Quốc Hội Mỹ.”
“Lần này, sách ‘Đời Tù Một Thiên Nga’ được kể lại bằng ngòi bút với những nét chính và một số chi tiết để độc giả hiểu rõ hơn về câu chuyện của các nữ tù nhân. Tôi đã trải qua 13 năm ở chung với những thành phần gồm tù chính trị, tù phản động, tù bị tình nghi làm gián điệp bị nhốt trong mật khu trước 1975. Nỗi khổ nào ai biết cho nữ tù cải tạo Án Sầm, trại cải tạo Long Thành hai lần, trại Z30D hai lần, trại Thủ Đức một lần, nhất là trại giam X4 của Bộ Công An một lần. Những ngày tháng tù với các bạn tù đã giúp đỡ tôi và các nữ tù qua những cơn đau bệnh ngặt nghèo trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ,” tác giả kể.
Quang cảnh buổi ra mắt sách “Đời Tù Một Thiên Nga.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Bà Frances Nguyễn Thế Thủy, ủy viên giáo dục Học Khu Westminster, nói: “Con đường đấu tranh cho tự do của chúng ta không phải chỉ ngừng khi ra tù, mà còn tiếp tục đối với tất cả mọi người Việt Nam nơi hải ngoại. Đó cũng là bổn phận của các bậc trưởng thượng, của những bậc cha mẹ phải nhắc nhở con cháu chúng ta học hỏi, hiểu văn hóa Việt, hiểu lịch sử Việt, và hiểu những gì cần thiết để hãnh diện là người Việt Nam.”
“Bằng Tưởng Lục do Học Khu Westminster trao tặng bà Nguyễn Thanh Thủy hôm nay có huy hiệu với đầy đủ năm chữ ký của năm ủy viên giáo dục học khu, với những dòng nội dung ngợi khen sự tranh đấu cho tự do của một phụ nữ chọn con đường rất nguy hiểm để chiến đấu, sau đó phải chịu 13 năm tù ngục. Bằng tưởng lục này để thế hệ sau hiểu được rằng bà đã trải qua những gì để hy sinh cho đất nước, giúp thế hệ trẻ chưa biết tiếng Việt sẽ học và hiểu những gì thế hệ ông bà cha mẹ đã hy sinh cho hai chữ Tự Do,” bà Frances tiếp
Bà Frances Nguyễn Thế Thủy (phải), ủy viên giáo dục Học Khu Westminster, trao Bằng Tưởng Lục cho bà Nguyễn Thanh Thủy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Bà Frances cũng cho hay, bà nhận ba quyển sách Việt-Anh “Đời Tù Một Thiên Nga” để đưa vào Thư Viện Học Khu Westminster.
Ông Phạm Gia Đại, với biệt danh “Người Tù Cuối Cùng” vì 17 năm lao tù Cộng Sản, cho hay năm 2021, ông George Jay Veith, đại úy Lục Quân Hoa Kỳ, một tác giả viết nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, đã đến thăm Little Saigon.
Niên trưởng Trần Quan An, cựu trung tá Cảnh Sát Quốc Gia, đương kim chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia, phát biểu trong ngày ra mắt sách. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Khi chúng tôi phỏng vấn, ông đã nói năm 1975, dù Cộng Sản chiếm được miền Nam, nhưng họ chỉ chiếm được đất chứ chưa chiến thắng. Cộng Sản cho tới ngày hôm nay vẫn chưa chiến thắng, nhưng nếu Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa không lên tiếng bằng mọi hình thức thì ngày đó Cộng Sản sẽ chiến thắng. Bởi thế bất cứ Quân Dân Cán Chính nào của Việt Nam Cộng Hòa cũng phải lên tiếng, phải viết sách, phải đi khắp nơi để thuyết trình để nói lên sự tàn bạo của Cộng Sản sau khi họ chiếm miền Nam. Họ đã biến miền Nam trở thành nghèo đói lạc hậu trên thế giới như thế nào, và cuốn sách của chị Thủy ra mắt hôm nay là một trong những tiếng nói ấy. Ông George Jay Veith kết luận ‘Đừng bao giờ ngưng lên tiếng, vì khi đó Cộng Sản sẽ là người chiến thắng,’” ông Đại nói.
Hợp ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Ban Hợp Ca Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Niên trưởng Trần Quan An, cựu trung tá Cảnh Sát Quốc Gia, cựu trưởng đoàn Giảng Sư tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, đương kim chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Tổng Hội Cảnh Sát Quốc Gia, cũng là bạn tù 13 năm như Biệt Đội Trưởng Nguyễn Thanh Thủy, nhận xét: “Đọc cuốn sách này sẽ thấy sự thâm độc của Cộng Sản khi làm cho người tù ‘cải tạo’ suy nhược tinh thần không còn sự nổi loạn chiến đấu. Tuy nhiên Việt Cộng muốn giữ mạng sống của người tù không phải vì lý do nhân đạo, mà vì chúng muốn thương lượng với Hoa Kỳ để kiếm lợi rồi tống xuất họ ra ngoại quốc theo diện H.O. mà thôi. Nhưng Việt Cộng đã lầm, họ không bao giờ khuất phục được người tù cải tạo, không hủy diệt được tinh thần đấu tranh chống Cộng của nam nữ chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong mọi hoàn cảnh.”
“Người tù cuối cùng” Phạm Gia Đại nhắc lại câu nói của tác giả George Jay Veith “‘Đừng bao giờ ngưng lên tiếng, vì khi đó Cộng Sản sẽ là người chiến thắng.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)
“Sách ‘Đời Tù Một Thiên Nga’ có giá trị lịch sử, không phải như một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, nhưng tài liệu này mọi người nên đọc và cần đọc để biết bản chất của Cộng Sản là thế nào, và sách này cần dịch ra Anh Ngữ để con cháu chúng ta biết ông bà cha mẹ của chúng từng là nạn nhân của việc dàn xếp quốc tế, và khi bản chất chế độ Cộng Sản không thể thay đổi thì họ có thể làm gì được cho quê hương dân tộc?” ông tiếp.
Buổi ra mắt sách là cơ hội để tác giả gặp đông đảo chiến hữu cựu tù chính trị, đồng hương trên cuộc chiến chống Cộng năm xưa, và cũng là dịp để lên tiếng trước công luận thế giới về những việc dối trá của Cộng Sản, với những tiếng nhạc hào hùng trong khí thế đấu tranh qua tiếng hát của Ban Hợp Ca Tập Thể Chiến Sĩ Trung Tâm Tây Nam đồng ca nhạc phẩm “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”
Đồng hương và chiến hữu trong ngày ra mắt sách “Đời Tù Một Thiên Nga” của Biệt Đội Trưởng Nguyễn Thanh Thủy. (Hình: Văn Lan/Người Việt)
Cuốn “Đời Tù Một Thiên Nga” dày 240 trang được chia thành bảy chương, mỗi chương tác giả trình bày về một trại tù cho đến ngày ra trại 13 Tháng Hai, 1988.
Độc giả cần mua sách xin liên lạc email:
thanhthuy.bietdoithiennga@gmail.com.
Văn Lan/Người Việt