Hình minh hoạ.
Nếu “kỷ cương hành chính” tồn tại, Chủ tịch và Bí thư Bắc Ninh không tự xử thì cũng sẽ bị xử lý kỷ luật vì liên đới trách nhiệm.
Văn phòng chính phủ (VPCP) tuần rồi gửi công văn hỏa tốc cho Chủ tịch Bắc Ninh, truyền đạt chỉ đạo của ông Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng – yêu cầu kiểm tra thông tin Giám đốc và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NN PTNT) của tỉnh này mỗi tuần bỏ nhiệm sở đi chơi golf vài ngày (1).
Sự kiện vừa đề cập không lạ. Chuyện các viên chức bỏ nhiệm sở đi chơi golf xảy ra thường xuyên (2), kể cả đi chơi golf trong thời gian đang có đại dịch tất cả mọi người phải thực thi “giãn cách” nhưng Giám đốc Sở Du lịch Bình Định vẫn đi chơi golf với Cục phó Cục Thuế của tỉnh, khi chuyện trở thành lùm xùm thì ra lệnh cho Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch làm thư mời cả hai “khảo sát thực địa sân golf ở Quy Nhơn” để , để “giải độc dư luận” khiến Giám đốc trung tâm này bị vạ lây (3).
Giá trị lớn nhất của việc VPCP gửi công văn hỏa tốc cho Chủ tịch Bắc Ninh là phơi bày mặt trái của thứ mà trước giờ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam luôn luôn đề cao và cam kết sẽ tôn trọng: KỶ CƯƠNG HÀNH CHÍNH. Tiếc rằng dẫu đã được khai sinh nhưng ở Việt Nam, “kỷ cương hành chính” chưa... chào đời!
Nếu hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam có kỷ cương, chắc chắn Giám đốc và Phó Giám đốc Sở NN PTNT không dám bỏ nhiệm sở đi chơi golf ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều đặn vài ngày mỗi tuần. Nếu “kỷ cương hành chính” tồn tại, sau khi scandal bùng lên (4), chính quyền Bắc Ninh đã xử lý xong những viên chức có liên quan (ngoài lãnh đạo, còn có Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư của Sở NN PTNT, Bí thư huyện Yên Phong), không cần phải đợi đến Phó Thủ tướng chỉ đạo VPCP gửi công văn hỏa tốc. Nếu “kỷ cương hành chính” tồn tại, Chủ tịch và Bí thư Bắc Ninh không tự xử thì cũng sẽ bị xử lý kỷ luật vì liên đới trách nhiệm.
***
Bởi “kỷ cương hành chính” chỉ được khai sinh chứ chưa... chào đời cho nên bất kể thu nhập chính thức hết sức khiêm tốn nhưng các công bộc không ngại khoe sang, khoe giàu, hồn nhiên trưng bày sự... sành điệu, đẳng cấp qua trang phục, trang sức, tư gia, sinh hoạt, trong đó có chơi golf.
Theo ước tính của Golf Việt – một trang web cung cấp những thông tin có liên quan đến golf tại Việt Nam – golf là môn thể thao dành cho “quý tộc” ở “thiên đường XHCN”. Vào thời điểm này, chi phí để làm thành viên của một sân golf bình thường dao động trong khoảng từ 20.000 Mỹ kim đến 25.000 Mỹ kim một năm. Nếu muốn làm thành viên của một sân golf sang trọng, chi phí có thể lên tới 60.000 Mỹ kim/năm. Không phải hội viên, đến sân golf với tư cách khách vãng lai, chi phí khoảng 100 Mỹ kim/ lần chơi, chưa kể nhiều loại chi phí khác (thuê xe điện, ăn uống, tip cho caddie,...), tối thiểu cũng phải từ bốn triệu đến năm triệu cho một lần đánh golf (5).
Không phải tự nhiên mà năm 2011, khi đang đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT), ông Đinh La Thăng yêu cầu viên chức đang làm việc trong lĩnh vực GTVT không được chơi golf (6) và khi ấy, yêu cầu đó có hơn 60% độc giả của VnExpress hoan nghênh kèm theo một yêu cầu khác: Cần điều tra xem vì sao công chức lầy tiền từ đâu để chơi môn thể thao tốn kém như vậy (7). Bởi “kỷ cương hành chính” chưa chào đời nên yêu cầu chính đáng này không được đáp ứng!
12 năm sau khi ông Đinh La Thăng yêu cầu viên chức trong lĩnh vực GTVT không được chơi golf vì “mất thời gian”, còn dân chúng đòi điều tra vì công bộc chơi golf là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy đương sự thiếu liêm chính, cho dù “kỷ cương hành chính” đã được khai sinh nhưng càng ngày càng nhiều công bộc chơi golf và chuyện bỏ nhiệm sở đi chơi golf vẫn xảy ra không ở nơi này thì ở nơi khác, không phải lúc này thì vào lúc khác.
Hồi tháng tư vừa qua, tờ Quân Đội Nhân Dân đăng tâm tình với công bộc về golf, bởi cứ đến các ngày thứ sáu là Đà Nẵng dập dìu cán bộ cấp huyện, xã của những tỉnh miền núi “hành quân” tới đó chơi golf. Tác giả bài này tâm tình: “Sinh thời, bác Hồ từng nói: Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ ‘cộng sản’ mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước...’ và ‘Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức tính cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính’.
Cũng vì vậy, tác giả ấy cho rằng: “Thấm nhuần lời dạy sâu sắc của bác, người cán bộ cách mạng phải luôn sâu sát thực tiễn, gần dân, trọng dân, tin dân, hiểu dân, gắn bó với nhân dân, rèn luyện lối sống giản dị, tiết kiệm, chống xa hoa, lãng phí...” và đề nghị “một số cán bộ ở các tỉnh còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn nên hạn chế thú vui chơi golf trong các ngày nghỉ cuối tuần để bám nắm cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, có như vậy mới thực sự là công bộc của nhân dân”(8)...
Dường như tác giả bài viết vừa đề cập không thức thời bởi trong thực tế, công bộc vừa “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, vừa vô tư phô bày sự xa hoa như chơi golf và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương cùng xem đó là hết sức bình thường dù chênh lệch giữa thu nhập chính thức và thực tế chi tiêu, sinh hoạt lớn đến mức hết sức bất thường. Ở Việt Nam, ngoài việc quất vào banh golf, gậy golf còn vụt vào thể chế và vụt vào mặt thường dân cho họ tỉnh!
Trân Văn (VOA)
_______________
Chú thích(1)
https://tuoitre.vn/pho-t...ec-20231123110702525.htm(2)
https://dautuvakinhdoanh...gio-lam-viec-a13590.html(3)
https://nld.com.vn/thoi-...hi-20210824134117854.htm(4)
https://vtc.vn/nhieu-lan...hanh-chinh-ar833487.html(5)
https://golfviet.vn/chi-...ao-nhieu-tien-d4611.html(6)
https://vnexpress.net/bo...g-choi-golf-2208569.html(7)
https://vnexpress.net/ca...u-choi-golf-2208681.html(8)
https://www.qdnd.vn/cung...gheo-me-choi-golf-724554