Nhà hoạt động Đặng Đăng Phước. Photo by Le Thi Ha
Chính phủ Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục việc đàn áp mạnh mẽ các tiếng nói đối lập trong năm 2023 bằng việc kết án tù nhiều nhà hoạt động dân sự vào khi nhiều nước ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng đang gia tăng việc đàn áp xã hội dân sự, nhà báo và blogger.
Một báo cáo của tổ chức nhân quyền ở Nam Phi là CIVICUS Monitor hôm 6/12 được công bố, theo đó Việt Nam tiếp tục bị xếp vào danh sách các nước có không gian dân sự bị đóng cùng với các nước khác bao gồm Afghanistan, Trung Quốc, Hong Kong, Bắc Hàn, Myanmar, Lào và Bangladesh.
Tổ chức CIVICUS Monitor trong báo cáo mới về tình hình Việt Nam đã liệt kê một số trường hợp đàn áp nhân quyền điển hình ở Việt Nam trong năm 2023 bao gồm việc kết án từ các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước, blogger Nguyễn Lân Thắng.
Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp của nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng, người vừa bị kết án tù vào tháng 9 năm nay với cáo buộc tội “Trốn thuế”, nhưng theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế việc kết án này nằm trong một loạt các hoạt động đàn áp của chính quyền nhắm vào các nhà hoạt động môi trường thời gian qua.
Theo báo cáo, hiện có hơn 100 các nhà bảo vệ nhân quyền đang bị cầm tù với các cáo buộc chủ yếu liên quan đến tuyên truyền chống Nhà nước và lợi dụng các quyền tự do dân chủ.
Báo cáo cũng nhắc đến các trường hợp những nhà hoạt động xã hội và nhân quyền bị gây khó dễ như trường hợp của tiến sĩ Nguyễn Quang A, người bị cấm đi nước ngoài hồi tháng năm vừa qua, trong khi một trường hợp blogger khác là Đường Văn Thái đang tị nạn ở Thái Lan bị an ninh bắt cóc đưa về nước.
Báo cáo mới có tên People Power Under Attack 2023 của CIVICUS Monitor đánh giá điều kiện môi trường dân sự ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, xem xét về khả năng người dân các nước này được thực hiện quyền tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến ra sao.
Theo báo cáo, toàn cầu, khoảng hơn 30% dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có môi trường dân sự bị đóng. Đây là mức cao nhất kể từ khi tổ chức này tiến hành theo dõi môi trường này từ năm 2018 đến nay.
Chỉ có khoảng 2% dân số thế giới hiện sống tại các quốc gia có môi trường dân sự mở, tức tự do và được bảo vệ, theo báo cáo.
Theo RFA
Sửa bởi người viết 06/12/2023 lúc 12:49:06(UTC)
| Lý do: Chưa rõ